Quyền tự thỏa thuận của đương sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 57 - 60)

Quyền tự định đoạt của đương sự còn thể hiện ở quyền tự thỏa thuận, dàn xếp, thương lượng với nhau về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án dân sự sau khi Tòa án đã thụ lý. Trường hợp này, Tòa án không phải là người chủ động đưa vụ án ra hòa giải mà các đương sự tự chủ động thương lượng, thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án. Việc các đương sự tự thỏa thuận với nhau

về giải quyết vụ án có thể được thực hiện ở mọi giai đoạn của quá trình tố tụng.

Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và không yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 192 BLTTDS. Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này là đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp.

Tại phiên tòa sơ thẩm, theo quy định tại Điều 220 BLTTDS, Chủ tọa phiên toà hỏi các đương sự có thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không. Trong trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thoả thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án. Quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên.

Trường hợp tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề cần giải quyết của vụ án, việc thỏa thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm và công nhận thỏa thuận của các đương sự.

BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 không quy định Tòa án cấp phúc thẩm phải tổ chức hòa giải trước khi mở phiên tòa phúc thẩm nhưng đã có những quy định tạo điều kiện cho các đương sự tự do thương lượng, thỏa thuận trong giải quyết các vấn đề có tranh chấp giữa các bên. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 19 Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTPTANDTC Hướng dẫn thi

hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, quy định: Trường hợp trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, các đương sự đã tự thỏa thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và các đương sự yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm công nhận sự thỏa thuận của họ, thì Tòa án yêu cầu các đương sự làm văn bản ghi rõ nội dung thỏa thuận và nộp cho Tòa án cấp phúc thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Văn bản này được coi như chứng cứ mới bổ sung. Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX phúc thẩm phải hỏi lại các đương sự về thỏa thuận của họ là có tự nguyện hay không và xem xét thỏa thuận đó có trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội hay không; nếu thỏa thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật, đạo đức xã hội, thì HĐXX vào phòng nghị án thảo luận và ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thảo thuận của các đương sự.

Trường hợp tại phiên tòa phúc thẩm, nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận này phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Nếu xét thấy thoả thuận của các đương sự là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vào phòng nghị án thảo luận và ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thoả thuận của các đương sự (Điều 270 BLTTDS; khoản 2 Điều 19 Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP).

Như vậy, mặc dù đã khởi kiện vụ án yêu cầu Tòa án giải quyết, nhưng ở mọi giai đoạn tố tụng các bên vẫn có quyền thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Đó có thể là việc các bên tự trao đổi, thỏa thuận, dàn xếp với nhau để tìm ra giải pháp giải quyết những tranh chấp một cách phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cả đôi bên hoặc phải có sự tham gia của bên thứ ba (Tòa án) trong quá trình tổ chức cho các bên ngồi

lại để cùng thương lượng tìm ra tiếng nói chung. Trong TTDS, hòa giải vừa được coi là một nguyên tắc cơ bản, vừa được coi là một trong các nội dung quan trọng thể hiện sâu sắc và toàn diện quyền tự định đoạt của đương sự. Hòa giải là việc các bên thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án có sự tham gia Tòa án và được thực hiện đối với hầu hết các vụ án dân sự trước khi xét xử sơ thẩm. Bên cạnh đó, việc ghi nhận một cách rõ ràng, cụ thể quyền tự thương lượng, thỏa thuận hay còn gọi là tự hòa giải của các đương sự trong giải quyết vụ án dân sự ở tất cả các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm đã chứng tỏ sự tôn trọng của pháp luật đối với các quyền cơ bản của con người trong việc tự do thể hiện ý chí của mình để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh khi tham gia các quan hệ dân sự cụ thể. Hòa giải và tự thương lượng, thỏa thuận được coi là những biện pháp giải quyết vụ án dân sự hữu hiệu nhất trong quá trình tố tụng. Việc giải quyết tranh chấp bằng những phương thức này không chỉ nhanh chóng, rút ngắn quá trình tố tụng, tiết kiệm thời gian, chi phí mà nó còn góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho nhân dân, đặc biệt có thể giúp các bên duy trì được mối quan hệ đã được xác lập (như quan hệ lao động), giữ gìn được tình hữu hảo cho các bên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)