Bổ sung nguyên tắc bầu cử tự do

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật về bầu cử những vấn đề lý luận và thực tiễn ths luật 60 38 01 (Trang 71 - 72)

Theo quy định của Hiến pháp 1992 và tại Điều 1 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì việc bầu cử được tiến hành theo 4 nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Bầu cử tự do là một trong những nguyên tắc tiến bộ của chế độ bầu cử tự do và dân chủ trên thế giới. Nguyên tắc này thể hiện sự tôn trọng tự do của công dân trong bầu cử. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phải bảo đảm “tự do” trong mọi quy định và lại càng không phải tự do có nghĩa là thích làm gì thì làm. Mà tinh thần tự do là sự tôn trọng ý chí của công dân trong bầu cử, bao gồm: tự do lựa chọn nơi (hoặc cách thức bầu cử) trong phạm vi pháp luật cho phép, tự do thể hiện chính kiến, tự do hội họp, tự do ứng cử, tự do trình bày kế hoạch hành động để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình. Nhưng tất cả các hoạt động này phải trong phạm vi mà pháp luật cho phép.

Nguyên tắc bỏ phiếu tự do đã được ghi nhận trong Hiến pháp 1946 tại Điều thứ 17: “Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín”. Theo đánh giá của nhiều học giả thì nguyên tắc này là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành công trong Tổng tuyển cử ngày 06.01.1946. Sắc lệnh 51 (17.19.1945) về thể lệ Tổng tuyển cử và đặc biệt là thực tiễn tổ chức bầu cử toát lên tinh thần tự do, đặc biệt là về ứng cử, vận động tuyển cử. Thắng lợi của cuộc bầu cử năm 1946 để lại nhiều bài học bổ ích cho công tác bầu cử ở nước ta.

Có thể giai đoạn trước mắt cần khôi phục việc bỏ phiếu tự do như Hiến pháp 1946. Đây là nguyên tắc hầu hết các quốc gia trên thế giới thừa nhận. Đảm bảo bỏ phiếu tự do, trước hết cần coi bầu cử là quyền của công dân, cần khắc phục nhận thức coi bầu cử là quyền, đồng thời là nghĩa vụ của công dân như thực tiễn tuyên truyền về bầu cử ở nước ta hiện nay [30]. Nhà nước cần tạo mọi điều

kiện tốt nhất để công dân thực hiện quyền bầu cử của họ. Trong lần sửa đổi mang tính toàn diện các đạo luật về bầu cử tới cần phát triển thành nguyên tắc bầu cử tự do có phạm vi rộng hơn, nội hàm sâu hơn so với bỏ phiếu tự do. Không những bảo đảm bỏ phiếu tự do, mà còn tôn trọng quyền ứng cử tự do, vận động tranh cử tự do…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật về bầu cử những vấn đề lý luận và thực tiễn ths luật 60 38 01 (Trang 71 - 72)