Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016
Với mục đích bảo đảm sự đồng bộ, hợp lý của hệ thống chính trị; tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng trong các cơ quan nhà nước ở các cấp; tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức; phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, cử tri cả nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã đề ra chủ trương tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một năm (là năm đầu của mỗi kế hoạch 5 năm). Theo tinh thần đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và kéo dài nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân. Năm 2011, chúng ta đã tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các c ấp nhiệm kỳ 2011- 2016. Ngoài những thuận lợi của việc tổ chức bầu cử chung như đã nêu ở trên thì đặt ra tương đối nhiều vấn đề về mặt pháp lý cần phải giải quyết liên quan đến quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Với hai Luật bầu cử khác nhau, trong đó có nhiều quy định khác nhau, điều này đã gây khó khăn lớn đối với sự chỉ đạo triển khai công tác bầu cử, phát sinh những vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử. Thực tiễn đó đặt ra một số vấn đề về sự cần thiết phải sửa đổi hai Luật về bầu cử.
Trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã có những tranh luận về các giải pháp sửa đổi. Tuy nhiên, trước tình hình thực tiễn Quốc hội đã quyết định phương châm sửa đổi hai luật này trước hết là nhằm mục đích để giải quyết những mâu thuẫn, khác biệt trong quy định về các khâu của công tác bầu cử, tiến tới đảm bảo sự thống nhất giữa hai luật bầu cử để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử chung và làm cơ sở để tiến hành sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử Hội
đồng nhân dân sau này. Những vấn đề pháp lý đặt ra được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung bao gồm:
Vấn đề quy định về các tổ chức phụ trách bầu cử:
Theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001, các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội gồm có Hội đồng bầu cử trung ương; Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử; Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu. Đối với bầu cử Hội đồng nhân dân, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 quy định các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân gồm Hội đồng bầu cử; Ban bầu cử; Tổ bầu cử. Vì là cuộc bầu cử chung, do đó theo quy định của từng luật về bầu cử thì phải thành lập nhiều tổ phụ trách bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp sẽ gây khó khăn không nhỏ cho chính quyền địa phương trong công tác bố trí nhân sự tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử. Vì vậy, để tổ chức thực hiện bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày có tính khả thi, bảo đảm thuận lợi, tiết kiệm cho quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử hai Luật bầu cử đã được sửa đổi theo hướng quy định kết hợp một số tổ chức phụ trách bầu cử có thể thực hiện đồng thời công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, quy định thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, thành phần và số lượng thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử.
Vấn đề cơ quan chủ trì thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định cơ quan chủ trì thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương là Thường trực Hội đồng nhân dân. Trong khi đó, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân lại quy định Ủy ban nhân dân chủ trì thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Khi thực hiện bầu cử chung không thể một tổ chức bầu cử lại có hai cơ quan chủ trì thành lập được.
Vấn đề số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu và việc thành lập khu vực bỏ phiếu đối với đơn vị lực lượng vũ trang
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định số lượng cử tri ở mỗi khu vực bỏ phiếu từ ba trăm đến hai nghìn cử tri; Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định số lượng cử tri ở mỗi khu vực bỏ phiếu từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Do bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày nên cần phải sửa đổi thống nhất về số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu, bởi nếu bầu cử chung thì khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội phải đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Ngoài ra, trong cả hai luật về bầu cử đều có quy định đơn vị lực lượng vũ trang thành lập khu vực bỏ phiếu riêng. Tuy nhiên, trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội lại bổ sung thêm trường hợp là đơn vị lực lượng vũ trang và địa phương có thể thành lập chung khu vực bỏ phiếu. Như vậy, phải nghiên cứu sửa đổi để thống nhất khi áp dụng chung cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Hơn nữa, về vấn đề này, thực tế khi thực hiện theo từng luật trong các kỳ bầu cử trước đây cũng đã có những vướng mắc vì quy định không cụ thể các tiêu chí để thành lập khu vực bỏ phiếu riêng của đơn vị lực lượng vũ trang dẫn đến nhiều cách làm khác nhau của các địa phương khi triển khai thực hiện.
Về các vấn đề liên quan đến hoạt động bỏ phiếu
Với đối tượng cử tri chung cho bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, thì các quy định về cách thức bầu cử phải có sự thống nhất và có quy định cụ thể mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội; bỏ một phiếu bầu cho mỗi cấp Hội đồng nhân dân và khi bỏ phiếu phải xuất trình thẻ cử tri. Tổ bầu cử phải có nhiệm vụ phân định rõ ràng việc cử tri đã đi bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Để thực hiện được điều này, cần có hướng dẫn thống nhất trên mỗi thẻ cử tri phải có các mục về bầu cử đại biểu Quốc hội và mục về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân để Tổ
bầu cử đóng dấu xác định. Thời điểm kết thúc cuộc bỏ phiếu sớm cũng cần có sự thống nhất giữa hai luật về bầu cử. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành không quy định thời điểm kết thúc cuộc bỏ phiếu sớm trong khi đó Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành quy định cụ thể khu vực bỏ phiếu nào đã có một trăm phần trăm số cử tri đi bầu thì Tổ bầu cử đó có thể kết thúc cuộc bỏ phiếu sớm hơn. Vì vậy, phải có sự thống nhất theo quy định của Luật bầu cử Hội đồng nhân dân đảm bảo sự chủ động cho các Tổ bầu cử trong việc quyết định kết thúc cuộc bỏ phiếu sớm. Thời gian bắt đầu và kết thúc cuộc bỏ phiếu trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thể hiện không thống nhất về thuật ngữ. Đối với các trường hợp ngoại lệ theo tình hình địa phương, thì thời gian Tổ bầu cử cho quyết định kết thúc muộn hơn được quy định tại hai luật về bầu cử lại khác nhau nên trong cuộc bầu cử chung cần phải có sự thống nhất về thời điểm bắt đầu và kết thúc cuộc bỏ phiếu.
Vấn đề thời hạn niêm yết danh sách cử tri và việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri
Tại khu vực bỏ phiếu đối với cả bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì chỉ có một danh sách cử tri. Tuy nhiên, việc quy định thời hạn niêm yết danh sách cử tri và việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri lại khác nhau. Luật bầu cử Quốc hội quy định thời hạn niêm yết danh sách cử tri là 30 ngày trước ngày bầu cử, trong khi đó, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân lại quy định thời hạn này là 35 ngày. Thời hạn phát hiện sai sót và khiếu nại với cơ quan lập danh sách đối với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội là trong vòng 20 ngày kể từ ngày niêm yết danh sách cử tri và các tố cáo, kiến nghị đó được giải quyết trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận khiếu nại, tố cáo. Đối với Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì thời hạn này lần lượt là 25 và 5 ngày. Mỗi khu vực bỏ phiếu chỉ có một danh sách cử tri nên quy định về thời hạn liên quan đến danh sách cử tri đòi hỏi phải có sự thống nhất giữa hai luật.
Trong thực tế các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân có trường hợp đặc biệt cần phải hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ
phiếu sớm hơn ngày quy định. Với luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định “Ban
bầu cử sau khi lấy ý kiến của Tổ bầu cử phải kịp thời báo cáo các tổ chức phụ
trách bầu cử cấp trên biết để đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định”.
Trong khi đó, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân lại quy định “Tổ bầu cử
phải kịp thời báo cáo Ban bầu cử biết để đề nghị Hội đồng bầu cử trình cơ quan
có thẩm quyền xem xét, quyết định”. Như vậy, đối với bầu cử đại biểu Hội đồng
nhân dân vẫn chưa xác định cụ thể cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Nếu áp dụng quy trình này theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội thì cũng không hợp lý vì Hội đồng bầu cử đối với bầu cử đại biểu Quốc hội chỉ có một, nhưng đối với bầu cử Hội đồng nhân dân thì lại có tới 3 tổ chức Hội đồng bầu cử ở các cấp. Vì vậy, với cùng một việc, cùng một đối tượng điều chỉnh cần phải có sự thống nhất về quy trình để tạo sự thuận lợi, thông suốt trong quá trình triển khai. Để thực hiện được điều này cần phải có sự thống nhất, phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Việc lập biên bản kết quả kiểm phiếu của Tổ bầu cử
Lập biên bản kết quả kiểm phiếu là nhiệm vụ của các Tổ bầu cử phải thực hiện sau khi kiểm phiếu xong. Tuy nhiên về các thông tin trong biên bản kiểm phiếu của Tổ bầu cử lại khác nhau giữa Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Thực tế cho thấy việc lập biên bản kết quả kiểm phiếu là công việc đòi hỏi sự chính xác cao, lại phải hoàn thành trong ba ngày sau ngày bầu cử đối với các Tổ bầu cử nên các thông tin cần thiết trong biên bản phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với các thành viên Tổ bầu cử.
Vì vậy, với riêng thông tin “tỷ lệ cử tri đã tham gia bỏ phiếu so với tổng số cử
tri” như yêu cầu của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội lại là một vấn đề phức tạp
đối với các thành viên Tổ bầu cử khi phải tính đúng tỷ lệ này. Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân lại quy định đơn giản hơn khi chỉ yêu cầu thông tin về
“số phiếu phát ra; số phiếu thu về” bên cạnh các thông tin chung khác. Ngoài ra, quy định các cơ quan nhận biên bản kiểm phiếu từ Tổ bầu cử gửi đến cũng không thống nhất giữa hai luật về bầu cử. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định Tổ bầu cử phải gửi biên bản kiểm phiếu tới 4 đơn vị, trong khi đó Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định chỉ gửi biên bản kiểm phiếu tới 3 đơn vị là Ban bầu cử, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn mà không gửi đến Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Điều này cũng phù hợp với thực tế vì Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ tập thể quyết định theo đa số tại các kỳ họp. Vì vậy, nếu biên bản kiểm phiếu gửi đến Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì cũng không thể hiện rõ mục đích của hành động này. Trong điều kiện bầu cử đồng thời đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì quy định về nội dung biên bản kiểm phiếu phải được thể hiện thống nhất.