Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật về bầu cử những vấn đề lý luận và thực tiễn ths luật 60 38 01 (Trang 56 - 58)

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo toàn diện quá trình phát triển đất nước. Mục tiêu và lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất với mục tiêu và lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Vì vậy, Đảng lãnh đạo Nhà nước, xây dựng củng cố Nhà nước vừa là quy luật khách quan, vừa là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp cách mạng nước ta. Do đó, thành công của các cuộc bầu cử ở nước ta phụ thuộc rất nhiều vào sự lãnh đạo của Đảng.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng trong quá trình lãnh đạo bầu cử, các cấp ủy Đảng còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là tuyệt đối hóa hoặc vận dụng một cách máy móc các quan điểm chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, không có biện pháp triển khai hợp lý. Trong thực tế đã dẫn đến bệnh hình thức, áp đặt cơ cấu thành phần đại biểu một cách bình quân, máy móc, xơ cứng, không phát huy được tính chủ động tích cực của quần chúng nhân dân trong việc lựa chọn người đại diện xứng đáng nhất cho mình. Vì thế, trong nhiều cuộc bầu cử vẫn còn biểu hiện tính phong trào, hình thức.

Trong quá trình Đảng lãnh đạo củng cố, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quá trình bầu cử là một yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh việc đổi mới về nhận thức đối với bầu cử, cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với bầu cử trong thực tiễn, tập trung vào một số nội dung sau:

Lãnh đạo hoàn thiện hệ thống bầu cử ở nước ta, xác định chiến lược của Đảng trong các cuộc bầu cử, thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thông qua đội ngũ các nhà lãnh đạo, quản lý được nhân dân lựa chọn, ủy quyền qua các cuộc bầu cử. “Kết hợp thực hiện chế độ tập trung

dân chủ trong Đảng và chế độ hiệp thương dân chủ trong tổ chức Mặt trận để

làm phong phú thêm nền dân chủ ở nước ta”. Đây là cơ sở để Đảng đổi mới

phương thức lãnh đạo đối với Mặt trận trong quá trình phát huy sức mạnh, tập hợp đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là phát huy vai trò to lớn của Mặt trận trong quá trình hiệp thương dân chủ.

Phát huy tác dụng và hiệu quả của hiệp thương dân chủ của tổ chức Mặt trận, chủ động hiệp thương dân chủ trong mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận sẽ bảo đảm cho Đảng lãnh đạo Mặt trận một cách dân chủ, tránh tình trạng quan liêu, hành chính hóa, tránh tình trạng “nhà nước hóa đảng” khi Đảng trở thành đảng cầm quyền; bảo đảm cho Đảng có khả năng luôn luôn nhận biết được tâm trạng, ý nguyện thực của nhân dân, thấu hiểu nhân dân, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng, phù hợp với cuộc sống, được nhân dân ủng hộ, tin cậy. Sự kết hợp giữa chế độ tập trung dân chủ trong Đảng với chế độ hiệp thương dân chủ của Mặt trận là sự kết hợp cần thiết và không thể thiếu được trong nền chính trị theo nguyên tắc nhất nguyên và mô hình một đảng cầm quyền như ở nước ta hiện nay.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền. Đảng viên của Đảng chiếm tỷ lệ cao trong thành phần của Quốc hội và các cơ quan nhà nước là đúng quy luật và rất cần thiết. Vấn đề mấu chốt là việc tổ chức đảng lựa chọn đảng viên để giới thiệu tham gia ứng cử như thế nào? Do vậy, Đảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ là vấn đề cốt tử của Đảng, là công việc thường xuyên và liên tục của công tác xây dựng Đảng. Cần xây dựng đội ngũ đảng viên vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có uy tín với quần chúng nhân dân... đáp ứng được yêu cầu của cách mạng trong mọi thời kỳ. Đảng phải coi trọng công tác kiểm tra lãnh đạo và thực hiện kỷ luật của Đảng, kiên quyết đấu tranh với mọi hiện tượng đảng viên thoái hóa, biến chất, củng cố xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao vai trò, uy tín và sức chiến đấu của Đảng. Những đảng viên ưu tú được các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh giới thiệu (thông qua Mặt trận, theo đúng Luật Bầu cử) để nhân

dân lựa chọn, ủy thác. Đó thực sự là phương sách chăm lo xây dựng, phát hiện và tiến cử người hiền tài cho đất nước.

Để bảo đảm chất lượng đại biểu của Đảng trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cấp ủy cần coi trọng và làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ phải được coi như là một khoa học trong công tác cán bộ, phải được nghiên cứu, làm thận trọng. Trong xây dựng đề án quy hoạch cán bộ, cần bảo đảm tính khách quan và tính khả thi cao; có quy trình cụ thể, có sự phân công trách nhiệm cho các tổ chức cơ quan và giao nhiệm vụ cho cá nhân cán bộ được quy hoạch, tạo điều kiện cho cán bộ được quy hoạch phấn đấu rèn luyện, được thử thách... Quy hoạch cán bộ phải đi liền với việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển kế hoạch sử dụng cán bộ. Cán bộ trong diện quy hoạch phải được khẳng định và trưởng thành từ ý thức, trách nhiệm, hiệu quả phục vụ nhân dân, được lớn lên trong sự yêu thương, tin cậy của nhân dân. Họ trước hết phải là cán bộ của dân, vì dân và do dân tin cậy ủy quyền; Đảng là tổ chức giới thiệu và bảo đảm. Có như vậy, ý Đảng và lòng dân mới là một. Người đại biểu nhân dân đó mới thực sự xứng đáng.

Trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hiệp thương, cùng với việc đổi mới quá trình giới thiệu ứng cử viên của Đảng ra ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, phải khuyến khích những công dân có tài, có đức hăng hái tham gia gánh vác việc nước. Kết hợp hài hòa giữa định hướng cơ cấu của Đảng với quyền ứng cử, đề cử của công dân và các tổ chức xã hội, phát huy quyền làm chủ của công dân. Muốn vậy, các cấp ủy cần tập trung trí tuệ, công sức, khách quan, công minh, có đủ bản lĩnh để phát hiện người có đức, tài, động viên, ủng hộ họ ra ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; động viên nhân dân tìm kiếm, giới thiệu người ra ứng cử...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật về bầu cử những vấn đề lý luận và thực tiễn ths luật 60 38 01 (Trang 56 - 58)