Đổi mới sự quản lý của Nhà nƣớc đối với thị trƣờng bất động sản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về hoạt động môi giới bất động sản ở việt nam (Trang 98 - 102)

Một sự quản lý phù hợp của Nhà nước đối với thị trường bất động sản cũng sẽ là điều kiện để cho hoạt động môi giới phát triển. Để bảo đảm ổn định thị trường Nhà nước có nhiệm vụ ban hành các văn bản quy hoạch và coi đó là một công cụ để quản lý bất động sản và thị trường bất động sản. Công tác này trong thời gian qua thể hiện rõ sự yếu kém. Quy hoạch không dựa trên cơ sở phát triển kinh tế- xã hội là thực trạng và cũng là nguyên nhân dẫn đến tính thiếu ổn định của những thông tin về thị trường bất động sản. Nhiều khi hậu quả của nó tai hại đến mức mà người tham gia thị trường trở thành trắng tay. Vì vậy công tác quy hoạch phát triển của Nhà nước phải được đổi mới theo hướng vừa đáp ứng được nhu cầu về đầu tư kinh doanh bất động sản ngày càng tăng ở các đô thị, vừa tạo đủ điều kiện cho việc tăng cường quản lý đầu tư và phát triển đô thị; đồng thời, tính pháp lý của văn bản quy hoạch. Từ đó đa dạng hoá các sản phẩm bất động sản, tạo ra sự chuyển biến về tâm lý sử dụng bất động sản của dân cư. Bên cạnh đó cần ban hành cơ chế để người dân và tổ chức có lợi ích và trách nhiệm trong vùng quy hoạch được tham gia thiết thực vào việc xây dựng, thẩm định, điều chỉnh quy hoạch.

Chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản cũng phải tuân theo những quy luật của thị trường, tránh tình trạng một mặt Nhà nước thừa nhận quyền tự do thoả thuận, bình đẳng trong giao dịch bất động sản giữa cá nhân, tổ chức với nhau, nhưng mặt khác lại hành chính hoá những giao dịch giữa mình với những cá nhân, tổ chức đó. Nghĩa là Nhà nước phải lấy thị trường làm thước đo, làm cơ sở để điều tiết đối với các giao dịch bất động sản. Chế độ hai giá đối với quyền sử dụng đất và nhà ở hiện nay là biểu hiện rõ nhất của thái độ của Nhà nước đối với thị trường bất động sản. Nó cũng là nguyên nhân phát sinh nhiều vấn đề nảy sinh cần giải quyết trong thực tiễn. Thực tế việc đền bù giải phóng mặt bằng, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê là biểu hiện rõ nhất về sự hạn chế của chế độ hai giá này. Riêng trong việc bán nhà ở của Nhà nước hiện đang cho thuê, vì hầu hết người thuê là người có chức có quyền, khi thực hiện chủ trương bán nhà thì không mua, nhưng khi thay đổi chính sách thì lại đòi mua với giá cũ, tạo ra sự bất ổn trong quan hệ giao dịch bất động sản, là cơ hội cho hoạt động môi giới không chân chính.

Nhà nước cũng cần xây dựng quy định các bên giao dịch bất động sản phải đăng ký với những thủ tục đơn giản, thuận tiện. Quy trình về giao dịch bất động sản là quyền sử dụng đất được pháp luật hiện hành quy định là quá dài và phiền hà, không thể hiện được sự tự do ý chí của các bên giao dịch mặc dù quy định như việc chuyển quyền sử dụng đất phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép đã bị loại bỏ. Để đổi mới trong lĩnh vực này Nhà nước chỉ cần quy định bắt buộc các bên tham gia giao dịch bất động sản phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký giao dịch đó tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Làm như vậy thông tin về bất động sản và giao dịch bất động sản sẽ từng bước được hoàn thiện và minh bạch. Bên được môi giới bất động sản dễ dàng tiếp cận với những thông tin này để kiểm chứng những thông tin mà bên môi giới cung cấp. Ngược lại, những giao dịch có đăng ký cũng là cơ sở để giúp bên môi giới hạn chế, kiểm soát được những hành vi gian lận của bên được môi giới trong việc sử dụng dịch vụ do mình đã cung cấp.

Môi giới bất động sản là nhân tố sống còn, một hoạt động tất yếu đối với thị trường bất động sản phát triển bởi nó thực hiện chức năng đưa người mua và người bán đến với nhau và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch. Việc cho phép tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản hoạt động với mô hình phù hợp, chiến lược phát triển hợp lý sẽ làm sôi động thị trường, có tác dụng kích cầu, mở rộng kênh phân phối, gián tiếp hình thành và làm tăng giá trị của bất động sản. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi giúp các nhà đầu tư bất động sản rút ngắn thời gian thu hồi vốn, tái đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh tế, tăng uy tín và tính hấp dẫn cho nhà đầu tư lẫn dự án; người tiêu dùng có nhiều cơ hội được phục vụ tốt hơn.

Đánh giá một cách công bằng, thì ho ạt động môi giới bất động sản ở nước ta trong thời gian qua mặc dù đã có những bước phát triển nhất định, đáp ứng được một phần nhu cầu giao dịch bất động sản của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường và hội nhập, song do mới chỉ trong giai đoạn sơ khai, nên môi giới bất động sản còn có nhiều khiếm khuyết trong hoạt động và trong công tác quản lý nhà nước. Hiện nay, về cơ bản thị trường bất động sản nước ta vẫn hoạt động không theo quy định của pháp luật, với hơn 70% giao dịch về bất động sản không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, thị trường luôn rơi vào tình trạng căng thẳng giả tạo trong quan hệ cung cầu về bất động sản, giá cả biến động mạnh.

Sự yếu kém của hoạt động môi giới sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh, đúng hướng của thị trường bất động sản. Trong bối cảnh đó, việc hình hành một hành lang pháp lý cho hoạt động môi giới bất động sản là việc làm cần thiết, là một yêu cầu tất yếu khách quan nhằm thúc đẩy những nhân tố tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực, để thị trường bất động sản phát triển một cách công khai, minh bạch và có tổ chức. Đối với các tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước cần có biện pháp hạn chế sự phát triển, tiến tới từng bước giảm và loại bỏ.

Muốn vậy, cần phải ban hành Luật Kinh doanh bất động sản, Quy chế hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, Quy chế hoạt động môi giới bất động sản để nhằm tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch cho các chủ thể tham gia hoạt động môi giới; hoạt động môi giới bất động sản phải được quy định là hoạt động kinh doanh có điều kiện với giấy phép hành nghề; chế độ pháp lý đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản

cần phải được quy định rõ ràng, minh bạch với phạm vi, nội dung hoạt động môi giới, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ môi giới; quản lý tốt đối với hoạt động môi giới bằng việc quy định cơ quan, tổ chức có quyền cấp chứng chỉ hành nghề môi giới và xác định thống nhất một cơ quan nhà nước làm đầu mối trong việc cấp đăng ký kinh doanh đối với hoạt động này.

Việc thể chế hoá những vấn đề trên đây là cơ sở quan trọng góp phần tạo ra sự lành mạnh của hoạt động môi giới bất động sản ở Việt Nam. Thông qua đó chúng ta sẽ sớm giải quyết tình trạng hoạt động môi giới tự phát như hiện nay, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển dưới sự kiểm soát của Nhà nước, phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế, đáp ứng được quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về hoạt động môi giới bất động sản ở việt nam (Trang 98 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)