Vấn đề chấn thương trong văn học Pháp đương đại

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 27 - 35)

CHƢƠNG 1 : KHÁI NIỆM VÀ CƠ SỞ CỦA VĂN HỌC CHẤN THƢƠNG

1.1 Khái niệm văn học chấn thƣơng

1.1.2 Vấn đề chấn thương trong văn học Pháp đương đại

Chấn thương trong văn học không phải là sản phẩm tùy tiện của bất cứ thời đại nào. Chấn thương chỉ xuất hiện khi lịch sử xã hội nảy sinh những cuộc va chạm ngoài tầm kiểm soát, gây ra những tác động dữ dội, những vết thương tinh thần lớn trong đời sống loài người. Trong nền văn học Pháp, dòng chảy của văn học chấn thương được ghi nhận ở nhiều thời kì văn học.

Từ thế kỷ XIX trở lại đây, cảm thức chấn thương trong văn học Pháp xuất hiện ở xu hướng văn học hiện thực phê phán. Về nội dung, văn học hiện thực phê phán đã lên án xã hội tư bản và các biểu hiện tiêu cực của nó đã làm tha hóa con người trong mối quan hệ với đời sống. Xã hội quá chú trọng phát triển kinh tế, đề cao lợi nhuận đã khiến con người trở nên lạnh lùng tàn nhẫn dưới sự chỉ huy của đồng tiền. Nội dung này đã gây ấn tượng khi xuất hiện một trào lưu sở trường mô tả cái xấu, cái ác với hàng loạt các nhân vật phản diện điển hình. Bên cạnh đó, các tác phẩm đã đặt vấn đề về những chấn thương mà con người gặp phải khi đối diện với sự đổi thay của xã hội. Sự thích nghi chậm cùng tính chất yếu thế của con người trước đời sống đã khiến họ gục ngã và nhận về mình những đổ vỡ tinh thần.

Nhìn lại thế kỉ XX với một loạt các tác phẩm đạt giải Nobel văn học, văn học Pháp vẫn cho thấy mạch ngầm bền bỉ của nội dung này thông qua các hình tượng nhân vật được xây dựng trong những bối cảnh xã hội đầy biến động.

Albert Camus - tác giả của các tiểu thuyết nổi tiếng Người xa lạ

(L'Étranger), Dịch hạch (La Peste), được trao tặng Giải Nobel Văn học năm 1957 vì các sáng tác văn học của ông đã “đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta”. Tác phẩm Người xa lạ là một tác phẩm lạ thường nói về một người đàn ông Pháp bị bệnh tâm thần, người mà cuối cùng đã bị tống giam vì tội giết người, và ngồi chờ bị hành hình. Trong thời gian đó, ông đã suy nghĩ rất nhiều về sự phi lý của cuộc đời ông cũng như nhìn ra được và ao ước có được một đời sống an lành trở lại. Cuộc đời nhân vật này cũng là một tấn bi kịch với những vết thương tinh thần không thể hàn gắn.

Tiểu thuyết của Patrick Modiano đa số lấy đề tài từ thời kỳ Đức chiếm đóng Pháp trong Đệ nhị thế chiến, nhưng ông không viết trực tiếp về chiến tranh mà miêu tả thực tế xã hội qua bầu không khí ngột ngạt và u ám của chiến tranh. Nhân vật chính trong Quảng trường ngôi sao (La place de L’Etoile, 1968) là một thanh niên Do Thái, anh ta từ Pháp chạy đến Israel, nhưng vẫn không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh về chủ nghĩa phát xít, cuối cùng bị hành quyết tại quảng trường ngôi sao, trước Khải Hoàn Môn Paris. Nhân vật chính trong Tuần tra đêm (La ronde de nuit, 1969) là một thanh niên làm việc hai mang, vừa như một Gestapo vừa tham gia vận động kháng chiến, trong cảnh tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng đi vào con đường tự hủy hoại mình. Nhân vật chính trong Các đại lộ vành đai (Les Boulevards de ceinture, 1972) vào năm 17 tuổi phát hiện thấy một bức ảnh của cha mình và lên đường đi tìm cha, do người cha có thân phận không rõ ràng nên phải sống cảnh lẩn trốn. Trong những tình thế ấy, các nhân vật buộc phải nhận lấy về mình một đời sống tâm hồn cũng đầy biến động, tổn thương như bối cảnh.

Ở đây chúng tôi sẽ dừng lại ở hai tác phẩm đại diện cho văn học Pháp đương đại ở hai giai đoạn, tiểu thuyết Người tình (Marguerite Duras, 1984)

đại diện cho văn học Pháp nửa cuối thế kỉ XX, và tiểu thuyết Những đứa con của tự do (Marc Levy, 2007) đại diện cho văn học Pháp những năm đầu thế kỉ XXI.

Tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras được xuất bản năm 1984. Tác phẩm vinh dự được trao giải Goncourt cùng trong năm xuất bản với rất nhiều ngợi khen từ các nhà phê bình văn học Pháp. Người tình có bối cảnh ở Sài Gòn, khi Việt Nam vẫn còn là thuộc địa của Pháp (1884-1945).

Ẩn ức chấn thương trong tiểu thuyết xuất hiện ở nhiều phương diện. Trước hết đó là những vết thương khơi ra từ một gia cảnh không êm đềm. Cái chết của người cha, những tham vọng không thành của bà mẹ, sự yếu đuối của người anh út khi bị anh cả ức hiếp đã khiến những vết thương ủ mầm trong lòng nhân vật tôi từ tấm bé đến mãi sau này. Cô gái trẻ lớn lên trong nỗi bất an và ức chế tinh thần suốt tuổi thơ, sau này trở nên mất tự tin trong cuộc sống. Cô sống khép mình và chỉ tìm thấy nỗi an ủi trong tình yêu thấm đẫm mùi tình dục với người đàn ông Hoa kiều. Marguerite Duras đã dành phân nửa dung lượng tác phẩm để viết về những chấn thương tuổi ấu thơ của nhân vật chính. Tuổi thơ của cô đã lớn lên trong cái nóng triền miên của khí hậu thuộc địa, cộng với cảnh sống nhiều cãi vã, đánh lộn của hai người anh. Cô gái luôn bị ám ảnh bởi người anh cả cục súc, hung hãn, luôn hành hạ người anh út yếu đuối: “thứ luật lệ được đại diện bởi người anh cả, được ban ra bởi anh cả, một con người, nhưng lại là một thứ luật súc sinh, một thứ luật đã gây ra nỗi khiếp sợ ở từng khoảnh khắc của mỗi ngày trong cuộc đời người anh út này” [22, tr. 15]. Cô từng nuôi dưỡng trong trí óc ấu thơ của mình cái suy nghĩ kinh hãi về giết chóc: “Tôi muốn giết, anh cả tôi, tôi muốn giết anh ta, tôi muốn thắng được anh ta một lần, một lần duy nhất thôi và nhìn thấy anh ta chết” [22, tr. 14]. Nỗi khiếp đảm bám theo trí óc cô gái từ lúc còn là đứa trẻ con non nớt đến khi cô đã là một thiếu nữ với những biến động, thay đổi trong

tâm sinh lý. Không khó để thấy được, chính nỗi ám ảnh kinh hoàng đó đã hằn in lên tính cách và lối sống của cô. Cô ít bộc lộ bản thân, lánh xa đám đông, chỉ có duy nhất một người bạn gái ở trường nội trú. Trái ngược với vẻ ngoài bình lặng và ít nói là một tâm hồn dữ dội, hằn thù, sợ hãi, bất lực…

Cô gái trẻ còn bị ám ảnh bởi người mẹ của mình. Một người đàn bà chịu nhiều vất vả, lo toan ở thuộc địa khi người chồng không may mất sớm, một người đặt nhiều kì vọng vào những đứa con và mong mỏi một cuộc sống tươi sáng hơn. Tuy nhiên, điều bà nhận lại được chỉ toàn những thất vọng: “Cái sự chán sống ghê gớm ấy, ngày nào mẹ tôi cũng nếm trải. Đôi khi nó kéo dài, đôi khi nó biến mất lúc đêm đến. Số tôi có được một bà mẹ tuyệt vọng bởi một nỗi tuyệt vọng thuần túy đến mức ngay cả niềm hạnh phúc của cuộc đời, dù sâu sắc đến đâu đi nữa, đôi khi cũng không thể làm cho bà nguôi quên hẳn được” [22. tr. 25]. Tinh thần sống thiếu năng lượng từ bà mẹ đã khiến đứa con gái lớn lên với nỗi ám ảnh về sự thiếu thốn tiền bạc, tình cảm và sự sẻ chia.

Những chấn thương thuở ấu thơ cũng là một phần căn nguyên cho mối tình nhiều bất thường với người đàn ông mà cô gái gặp tình cờ trên chuyến phà qua sông Sài Gòn. Trái tim của cô gái mới hơn mười lăm tuổi vội vã bập vào một mối tình mà ngay chính cả cô cũng không lí giải được liệu đó là tình yêu hay tình dục, hay chỉ là nỗi thèm muốn vật chất đơn thuần? Những vết thương ngày thơ lại được nối dài bởi trải nghiệm của một thiếu nữ mười lăm tuổi không đủ để chống chọi với những hệ lụy mà mối tình này đưa lại. Những âu lo xen lẫn đam mê vì vụng trộm, những nỗi đau đớn khi chia xa như một tất yếu thường trực trong đầu khiến cô gái trở nên già nua đi so với tuổi. Đặc biệt là nỗi cô độc khi tất cả mọi người tránh xa cô như một con điếm trẻ: “Giờ ra chơi, cô nhìn ra phố, cô đơn”, “cô tiếp tục đi đến lớp trong chiếc limousine đen của anh chàng người Hoa Chợ Lớn. Các cô gái nhìn chiếc xe chạy đi. Sẽ không có một ngoại lệ nào. Sẽ không một cô gái nào nói chuyện

với cô” [22, tr. 138]. Ngay từ đầu tiểu thuyết, tác giả đã viết về sự lão hóa sớm đến với tuổi trẻ của cô: “Hình như tôi đã từng nghe nói đến một sự già nua đôi khi ập đến với ta vào những năm tháng trẻ trung nhất, huy hoàng nhất của cuộc đời. Sự lão hóa này thật đột ngột. Tôi thấy nó lấn dần từng đường nét của tôi, nó thay đổi tương quan giữa những đường nét đó, nó làm cho cặp mắt to hơn, ánh mắt buồn bã hơn, khuôn miệng dứt khoát hơn” [22, tr. 10].

Chấn thương trong Người tình của Marguerite Duras là chấn thương của kí ức, chấn thương của người thiếu nữ sớm va chạm với những vang động của đời. Là một cuốn hồi kí của một nhà văn Pháp, có tuổi thơ và thời thiếu nữ lớn lên ở Sài Gòn, Người tình đã cho người đọc thấy được một tâm hồn Pháp lãng mạn trong tình yêu, pha trộn trong đó cái nóng bỏng của miền đất nhiệt đới, bất chấp tất cả để cháy mãnh liệt, yêu là yêu đến tàn lụi. Chấn thương tinh thần được thể hiện rõ rệt thông qua các hình thức của hồi kí, chân thực và sống động.

Trong những năm đầu tiên của thế kỉ XXI,tiểu thuyết Những đứa con của tự do của nhà văn Marc Levy lại mang đến một bối cảnh chiến tranh dữ dội, là một phần lịch sử nước Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai (1939 -1945).

Những đứa con của tự do được kể lại dựa trên câu chuyện có thật ở Pháp tôn vinh những người con dũng cảm, kiên gan đã chiến đấu không mệt mỏi cho tự do, khi mà mỹ từ ấy trở nên xa xỉ trong thời đại hỗn loạn của đại chiến thế giới. Đặc biệt, những người anh hùng ấy tuổi đời còn rất non nớt nhưng đã có tư tưởng và con tim vĩ đại. Những người con ngoại quốc đến từ nhiều quốc gia Ba Lan, Rumani, Hungari, Italia, Tây Ban Nha… lại yêu tha thiết mảnh đất đã dung nạp mình, để rồi họ cống hiến tuổi trẻ và tinh thần của mình cho quốc gia Pháp, nơi họ vĩnh viễn thuộc về, nơi mà họ tin là mùa xuân sẽ trở lại vào một ngày nào đó.

Cha ruột của Marc Levy là một nhân chứng sống động trong thời đại hỗn loạn, nước Pháp bị Đức quốc xã chiếm đoạt không còn một chút quyền lợi nào. Và ông, một chiến sỹ cách mạng là nhân vật chính trong câu chuyện, mang biệt hiệu Jeannot. Jeannot và cả một thế hệ trẻ chủ yếu là dân ngoại quốc đã từng sống trên đất Pháp đã tập hợp lại thành lữ đoàn 35 mang tên Marcel Langer. Ở đó họ “chưa bao giờ thừa nhận thân phận mà người ta muốn áp đặt cho mình, chưa bao giờ chấp nhận cho người ta xâm phạm đến phẩm giá con người” [39, tr. 34]. Lý tưởng chiến đấu cho tự do đã gắn kết những con người ấy lại với nhau. Họ mang trong mình niềm tin mãnh liệt, lòng dũng cảm đôi lúc vượt lên tất cả mọi trở ngại để chiến đấu. Và đó cũng là cảm hứng xuyên suốt toàn bộ câu chuyện.

Cảm thức chấn thương trong tác phẩm này thể hiện trước hết ở mặc cảm là người ngoại quốc. Nỗi mặc cảm này càng thêm đau đớn hơn đối với những người mang dòng máu Do Thái bị truy diệt đến tận cùng. Marc Levy đã đặc tả cuộc chia lìa của một gia đình Do Thái, hình ảnh đứa con gái may mắn được che dấu nhìn theo người mẹ bị những tên lính dẫn đi, không dám khóc vì sợ phát hiện như là biểu tượng cho nỗi đau lớn lao mà con người phải gánh chịu. Nỗi mặc cảm dị biệt này cũng được Philippe Claudel nhắc đến trong các tiểu thuyết của mình như một nỗi đau to lớn trong lịch sử nhân loại.

Là một tác phẩm mang dáng dấp một anh hùng ca, Marc Levy đã xây dựng thành công hình tượng Lữ đoàn 35 chiến đấu quả cảm cả trên chiến trường và sau song sắt nhà tù. Tuy nhiên, lý tưởng đâu phải là một thứ dễ nắm bắt mà đôi khi phải trả bằng xương máu của biết bao chiến sỹ, bằng nỗi sợ hãi luôn thường trực bất cứ nơi nào họ đặt chân đến. Vì thế, những người lính bên cạnh các câu chuyện về chiến dịch, còn được tác giả miêu tả ở phương diện những chấn thương trong họ. Trước hết là nỗi sợ cái chết, sợ chia lìa trong chiến tranh. Vào bất cứ lúc nào, “nỗi sợ cứ tồn tại trong mỗi ngày của bạn,

trong mỗi đêm của bạn” [39, tr. 97]. Nỗi sợ hãi cái chết, sợ hãi sự chia lìa, sợ tù đày bủa vây lấy những người lính thiếu niên, những người bên cạnh vẻ anh hùng vẫn còn sót lại sự non nớt, luôn khao khát được chở che trong vòng tay gia đình: “Mình sợ, buổi sáng thức dậy, mình sợ; ở mỗi ngã ba, mình sợ họ theo mình, sợ họ bắn mình, sợ họ bắt giữ mình, sợ có những Marius và Rosine khác không trở về sau khi hành động, sợ Jeannot, Jacques và Claude bị xử bắn, sợ có điều gì xảy ra với Damira, với Osna, với Jan, với tất cả các cậu, những người là gia đình của mình. Lúc nào mình cũng sợ, ngay cả khi đang ngủ. Nhưng không nhiều hơn hôm qua hay hôm kia, không nhiều hơn kể từ ngày đầu tiên mình gia nhập đội, không nhiều hơn kể từ ngày họ tước đoạt của chúng ta quyền tự do” [39, tr. 261]. Nhưng vượt qua những khoảnh khắc yếu ớt ấy, các chiến sỹ tuổi 20 kiên quyết “sẽ tiếp tục sống với nỗi sợ ấy, cho đến chỗ “tận cùng”, và “tiếp tục sống, tiếp tục hành động, tiếp tục tin rằng mùa xuân sẽ trở lại” [39, tr. 355].

Tuân thủ những điều lệ nghiêm ngặt của quân đội, những người trẻ tuổi phải chiến đấu với cái bụng rỗng, với giấc mơ về món bánh mì kẹp tầm thường mà lại vô cùng xa xôi. Cái đói trong điều kiện sống ngặt nghèo biến thành mặc cảm, bởi không gì chua chát hơn là khi người ta phải khao khát miếng ăn hơn tất cả thứ gì trên đời. Thế nhưng với lòng khao khát tự do và tình yêu, họ đã vượt lên tất cả. Không những là tình yêu nước, tình cảm gia đình, tình yêu nhân loại mà mãnh liệt và da diết nhất, đó là tình yêu đôi lứa, thứ tình cảm bị cấm đoán trong quân đội. Ngập tràn trong tình yêu, những chiến sỹ quyết đoán, sắt đá nhất cũng trở nên dịu dàng, đáng yêu. Họ mộng mơ về một thế giới tốt đẹp hơn, nơi họ có thể vĩnh viễn thuộc về nhau, nơi mà con người tự do tồn tại, nơi mà họ đã không phí mạng khi giành giật nó từ tay bọn phát xít. Một gia đình hạnh phúc, với người chồng, người vợ và những đứa con thơ sống trong thời bình là cả một thế giới tươi đẹp trong tâm hồn các

chiến sỹ. Hình ảnh ấy vẫn còn lưu luyến, dù đến lúc họ buộc phải rời khỏi thế gian và đi về một thế giới khác. Nhưng dù là nơi tận cùng của thế giới, nơi không gian tối tăm và chật hẹp, lãnh thổ chỉ có bệnh tật là chúa tể ngự trị thì niềm tin mãnh liệt của những người lính thiếu niên ấy vẫn lớn lao, không suy suyển. Trong nhà ngục tối tăm, họ vẫn hát vang bài ca Cồn đất Đỏ, đôi lúc pha chuyện cho cuộc đời thêm tươi vui.

Những đứa con của tự do của nhà văn Marc Levy tuy được viết như một bản hùng ca nhưng người đọc vẫn có được cái nhìn thấu đáo về hiện thực tang thương trong bối cảnh chiến tranh loạn lạc. Nhà văn không tô vẽ nên hình tượng anh hùng mà để chính những chấn thương tinh thần làm bật nổi hành

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 27 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)