Quan niệm nghệ thuật của Philippe Claudel

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 38 - 49)

CHƢƠNG 1 : KHÁI NIỆM VÀ CƠ SỞ CỦA VĂN HỌC CHẤN THƢƠNG

1.2 Cơ sở của vấn đề chấn thƣơng trong tiểu thuyết của Philippe Claudel

1.2.2 Quan niệm nghệ thuật của Philippe Claudel

Trước khi là một nhà tiểu thuyết, Philippe Claudel là một đạo diễn có tài. Ở Việt Nam, khán giả biết đến đạo diễn Philippe Claudel qua bộ phim Tình yêu bất diệt. Bộ phim là hành trình của một người phụ nữ tìm lại niềm tin khi bước ra cuộc sống đời thường sau hơn 10 năm ngồi tù vì bị cáo buộc giết con trai mình. Với tình yêu thương của cô em gái, sau nhiều khó khăn, trở ngại, người phụ nữ đã tìm thấy nụ cười, niềm vui và tình yêu trong cuộc sống, đồng

thời giải được nỗi hàm oan khiến cô phải ngồi tù và mất đi quá nhiều thời gian cho nỗi cô đơn, khổ đau. Diễn biến bộ phim là những tình huống nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày của nhân vật, không có những tình tiết gay cấn, hồi hộp. Cái thu hút người xem của bộ phim này là những biến động trong tâm hồn, cách phản ứng của nhân vật chính với cuộc sống nhiều mới mẻ và luôn luôn thường trực những tác nhân gây tổn thương. Những biến đổi từ tổn thương tới hàn gắn tổn thương được khắc họa nhẹ nhàng tinh tế, tự nhiên đã đem lại nhiều rung cảm chân thành cho người xem. Từ điện ảnh bước sang thế giới văn chương, Philippe Claudel vẫn cho thấy khả năng của mình trong việc mô tả những chấn động tinh vi trong tâm hồn con người.

Là một người viết không chỉ dựa vào bản năng thiên bẩm mà còn luôn quan sát và suy nghĩ về chính công việc của mình và đồng nghiệp, ở Philippe Claudel đã hình thành ý thức nghệ thuật khá nhất quán và ngày càng toàn diện, sâu sắc. Từng tham gia nhiều cuộc trao đổi và phỏng vấn, Philippe Claudel từng chia sẻ những quan niệm làm nghề của mình với độc giả quan tâm. Dịch giả Nguyễn Duy Bình đã dịch và giới thiệu hai bài phỏng vấn Philippe Claudel trong cuốn Lưng chừng Babel, xuất bản năm 2014. Bài thứ nhất được dịch giả thực hiện trong cuộc giao lưu của Philippe Claudel với sinh viên và giáo viên Khoa Sáng tác và Lý luận – Phê bình văn học, Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội năm 2009. Bài thứ hai được thực hiện bởi Bernard Demonty. Hai bài phỏng vấn này đã cho thấy quan niệm nghệ thuật của nhà văn với nhiều điểm đáng chú ý.

Trước tiên, cũng như bao nhà văn chân chính khác, Philippe Claudel viết văn không chỉ đơn thuần vì mục đích giải trí của độc giả. Ông đã từng phát biểu trong bài phỏng vấn do Bernard Demonty thực hiện: “Cuốn tiểu thuyết nào cũng nên đưa ra cái gì đó có khả năng chiếm giữ độc giả, đặt vào lòng

độc giả đầy những khối thuốc nổ sẵn sàng nổ tung trong khi và sau khi đọc” [12, tr. 381].

Ông quan niệm, nguyên tắc đầu tiên và cơ bản trong việc viết tiểu thuyết là không bao giờ làm cho độc giả chán. Cuốn sách chính là phương tiện để tác giả dẫn dắt người đọc vào một câu chuyện, vào một thế giới mà sau khi được gặp gỡ với các nhân vật và bước ra khỏi đó, người đọc sẽ có ít nhiều thay đổi, biết tự chất vấn mình, biết suy ngẫm và trưởng thành hơn. Như vậy, với nhà văn, tiểu thuyết không chỉ để giải trí nhất thời mà trên hết, Philippe Claudel xem đây là không gian để người đọc có dịp nhìn lại mình, biết suy ngẫm và hoàn thiện bản thân. Theo nhà văn, đây cũng chính là điểm khác giữa sách văn học và các loại sách khác.

Bên cạnh đó, tuy nhận mình là người viết văn như một cuộc dạo chơi, là việc để giải quyết nhu cầu ham mê đọc sách như ông từng tâm sự, nhưng qua mỗi trang văn, đồng thời cũng đã từng chia sẻ trong nhiều bài phỏng vấn, Philippe Claudel đã cho thấy một quan niệm nghệ thuật hết sức nghiêm túc. Say mê đọc sách từ nhỏ, ông ấp ủ một ước mơ được viết những cuốn sách của riêng mình. Ông từng tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, ở một thành phố nhỏ thuộc miền Đông nước Pháp, có núi rừng và đồng ruộng bao quanh” [12, tr. 335-336]. Tuổi thơ hạnh phúc của Philippe Claudel có thiên nhiên tươi đẹp và những cuốn sách làm bạn. Sức hấp dẫn của thế giới kì diệu đến từ những trang sách đã khiến nhà văn thôi thúc được viết, tuy nhiên, thời niên thiếu, ông chỉ viết và cất giữ cho riêng mình, chỉ đến năm 36 tuổi, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, Meose l’oubli, mới được xuất bản “sau nhiều lần trầy trượt” [12, tr. 336].

Philippe Claudel từng nhắc lại nhiều lần trong các bài phỏng vấn: “Tôi là một độc giả, tôi không phải là nhà văn”. Quá trình viết của ông gần giống quá trình đọc, ông không có bố cục định sẵn mà ông “viết sách từng từ, từng

dòng, từ trang này sang trang khác, vừa viết lại vừa khám phá” [12, tr. 370]. Theo ông, việc viết văn là một việc “rất mơ hồ”, nghĩa là ông muốn nhắc đến tính bất công thức, bất quy tắc của nghề văn. Ông xem đây là một sự lĩnh hội kinh nghiệm được dày lên theo thời gian qua việc đọc, tích lũy từ sách vở, từ những vang động của đời sống va đập vào trái tim người nghệ sĩ.

Cũng trong quan niệm nghệ thuật Philippe Claudel, văn học phải đạt tới tính nhân bản, văn học có vai trò của người dẫn lối, là sợi dây nối kết người này với người khác, khiến thế giới gần lại với nhau hơn. Trong tác phẩm của mình, ông luôn đặt ra vấn đề về một thế giới hỗn độn, đầy rẫy nghi ngờ và có những cá nhân bị cô lập, ruồng rẫy, bị đẩy tới đường cùng của sự kì thị. Từ đó, ông kêu gọi sự gắn kết, lòng thương, tình bác ái. Những tiểu thuyết của ông, tuy bối cảnh nhỏ hẹp, đôi khi vô danh nhưng vấn đề bật lên lại là vấn đề của toàn nhân loại. Với Philippe Claudel, văn chương là “thế giới có khả năng tạo ra những thế giới khác, vượt qua thế giới thực để đến với thế giới khác còn thực hơn” [12, tr. 336].

Ông từng chia sẻ: “Có một chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của tôi cũng như các nhà văn khác, đó là tính phức tạp của con người” [12, tr. 337], đây cũng chính là điều mà nhà văn luôn luôn suy ngẫm. Những xung động, niềm khát khao, hi vọng của con người đã được nhà văn cố gắng tìm cách phản ánh vào trong tác phẩm của mình. Ông đã thực hiện công việc đó bằng cách đặt ra những câu hỏi về nhân loại, bản chất con người và giải đáp nó, đồng thời sẻ chia những điều này đến người đọc.

Đặc biệt, với Philippe Claudel, một cuốn “tiểu thuyết không phải là cuốn sách giáo khoa về tuyệt vọng” [12, tr. 338]. Nhà văn quan tâm đến tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc giữa người với người, trong các tác phẩm của ông, ông luôn tìm cách “thuần hóa sự trắc ẩn trong lòng mỗi người” [12, tr. 338].

Chính vì luôn quan tâm đến đời sống tinh thần con người và khát khao cải tạo nó, nhà văn luôn thường trực ý thức tìm kiếm cội nguồn của những nét tính bất nhân trong tâm hồn con người, con người thường “cư xử trong tính bất nhân như thế nào, đi đến bờ vực của tính bất nhân ra sao và những nỗi lo sợ kéo theo là gì” [12, tr. 370]. Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm của ông khi cầm bút, ông viết văn với một ý thức muốn tìm về gốc rễ của những biến động trong bản tính người. Ông không ưa những gì phẳng lặng. Một tâm hồn nhiều đổ vỡ, rạn nứt trở thành đối tượng hấp dẫn mà ông muốn mô tả trong văn chương.

Tiểu thuyết của Philippe Claudel hướng tới vấn đề toàn cầu, ông không lựa chọn một sự kiện lịch sử cụ thể, có thật để làm bối cảnh cho câu chuyện mà các địa danh, nhân vật, các biến cố trong truyện đều mang tính tượng trưng. Như cách ông nói trong bài trao đổi với Bernard Demonty là “tiểu thuyết ngụ ngôn” [12, tr. 375]. Nhà văn viết với mong muốn “mang lại một tầm vóc đậm nét toàn cầu cho câu chuyện” [12, tr. 375]. Chẳng hạn, Báo cáo của Brodeck kể về nạn diệt chủng, tuy nhiên, ông không bó hẹp câu chuyện của mình trong một sự kiện cụ thể như thảm họa diện chủng người Do Thái của Đức quốc xã. Ông mong muốn người đọc hiểu rằng, còn có nhiều thảm họa lớn nhỏ khác, thậm chí lớn hơn, chủ ý của ông chính là vượt qua giới hạn của sự kiện.

Đặc biệt, Philippe Claudel luôn đề cao tính nhân văn trong tác phẩm của mình, ông quan niệm mục đích cuối cùng của văn chương không phải là chỉ ra một nhân loại đen tối mà là chỉ ra sự đen tối để làm cho nhân loại tươi sáng hơn. Để cho mỗi độc giả tự mình chiêm nghiệm và tiến tới hành động vì những người khác, hành động cho cả thế giới, để cho sự đen tối phần nào được xóa bỏ.

Trong quan niệm nghệ thuật của Philippe Claudel, điểm đáng chú ý nhất là quan niệm về con người. Ở đây, chúng tôi xoáy sâu vào nội dung này bởi quan niệm nghệ thuật về con người sẽ chi phối sâu sắc đến cách nhà văn nhìn nhận nhân cách của nhân vật chấn thương và phân chia các tuyến nhân vật như thế nào trong tác phẩm.

Con người là trung tâm của văn học, là đối tượng chủ yếu mà các nhà sáng tạo nghệ thuật hướng đến. Quan niệm nghệ thuật về con người là một khái niệm lý luận nhằm nói đến khả năng khám phá, sáng tạo trong lĩnh vực miêu tả, thể hiện con người của người nghệ sĩ nói riêng và của thời đại văn học nói chung. Nó quy định đặc trưng cho một giai đoạn văn học, một trào lưu văn học, một tác giả văn học hay là trong phạm vi một tác phẩm trên bình diện quan điểm của nhà văn về vấn đề con người. Từ điển Thuật ngữ văn học

định nghĩa: “Quan niệm nghệ thuật về con người là hình thức bên trong của sự chiếm lĩnh đời sống, là hệ quy chiếu ẩn chìm trong đời sống nghệ thuật, nó gắn với các phạm trù phương pháp sáng tác, phong cách nghệ thuật, làm thành thước đo của hình thức văn học và là cơ sở của tư duy nghệ thuật” [29, tr. 275].

Cũng như nhiều tác giả tiến bộ sáng tác về đề tài chiến tranh, Philippe Claudel viết văn với một quan niệm rất nhân văn về con người. Hầu như trong các tác phẩm nghệ thuật của ông, không chỉ riêng văn học, vấn đề số phận con người cá nhân được đề cập đến ở phương diện cá nhân. Kể cả khi cuốn sách của ông đề cập đến vấn đề của tập thể thì câu chuyện của những cá nhân riêng lẻ, nhỏ bé vẫn là điều được tác giả nói tới với tất cả sức ám ảnh của nó. Trong

Báo cáo của Brodeck, nhà văn đụng chạm đến vấn đề tập thể. “Đám đông là gì? Xã hội là gì? Xã hội tự soi ngắm mình như thế nào? Làm thế nào mà xã hội thu nhập hoặc loại trừ một kẻ hoàn toàn khác?” [12, tr. 369]. Bên cạnh đó, tuyến câu chuyện về từng nhân vật, Brodeck, bà lão Fédorine, Anderer cũng

nêu bật những chủ đề khác cho tiểu thuyết, đó là chủ đề về thân phận kẻ dị biệt trong xã hội, là chuyện về thân phận của tình yêu hay là vấn đề ranh giới lương thiện và ác quỷ trong tâm hồn mỗi người.

Trong lịch sử thế giới, những biến cố, những cuộc chiến dường như không lúc nào ngơi, trước bão táp của vô số cuộc chiến lớn nhỏ, số phận con người trở nên bé nhỏ, thậm chí, còn được so sánh với thân phận “con sâu cái kiến”, là hạt bụi vô nghĩa giữa không trung. Thống kê trong hai cuộc chiến tranh thế giới cho thấy, số người thiệt mạng lên đến con số 87 triệu [vi.wikipedia.org], trong đó, phát xít Đức đã gây ra thảm họa diệt chủng người Do Thái với con số người chết lên đến hơn 6 triệu. Chưa kể đến các cuộc chiến lớn nhỏ khác mà cho đến thời điểm hiện tại, vẫn âm ỉ cháy đâu đó trên thế giới. Tuy nhiên, điều được người ta biết đến nhiều nhất và cũng được kể trong các cuốn sách, bộ phim lịch sử chủ yếu là tên của các trận đánh, những con số thương vong, mất mát, bom đạn và xác người. Còn ẩn khuất sau đó là thân phận của những con người riêng lẻ thì không mấy ai để ý. Liệu rằng chỉ một trong số hơn 70 triệu cái chết trong hai cuộc chiến tranh thế giới có thể nói lên điều gì to tát hay không? Nhiều nhà văn hóa tiến bộ đã ý thức được việc trả lại giá trị, chỗ đứng lịch sử cho những thân phận nhỏ bé trong chiến tranh. Philippe Claudel cũng vậy, tiểu thuyết với đề tài chiến tranh của ông không hướng đến việc mô tả các trận chiến, đưa ra các sự kiện lớn mà chú trọng đến việc những người dân bình thường đã cố gắng tồn tại bằng cách nào trong cuộc chiến đó. Với Philippe Claudel, vấn đề thật sự của cuộc sống, trong mọi bối cảnh, là vấn đề về con người.

Từng phát biểu trong tiểu thuyết Báo cáo của Brodeck, Philippe Claudel đã đưa ra những nhận định của ông về vấn đề này. Với ông, trong cơn bão táp của chiến tranh, con người là “những vết thương chưa bao giờ chữa khỏi” [18, tr. 190]. Chính những trại tập trung, những cảnh huống chiến tranh đầy đau

thương mất mát đã khiến con người phải gánh chịu hoặc là cái chết, hoặc là phải sống quãng đời còn lại với vết nhơ trong đáy lòng, với nghi kị, thất vọng và bất an. Nếu mỗi cuộc chiến là một cơn bão lớn thì mỗi con người được Philippe Claudel mô tả như những cơn bão nhỏ, chính họ đã khiến nỗi đau chiến tranh trở nên càng thêm cuộn xoáy.

Philippe Claudel cũng quan niệm rằng, chính trong những cơn lốc của lịch sử, mỗi con người mới bộc lộ rõ bản ngã của mình. Vì thế, tiểu thuyết của ông luôn đặt con người trong những cảnh huống không yên ổn để từ đó sống và hành động trong sự thôi thúc của trái tim luôn đập những nhịp không bình yên.

Có thể thấy, trong quan điểm của nhà văn, lịch sử càng nhiều biến động, đổ vỡ, vấn đề con người càng cần được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là ở bình diện tâm hồn. Điều này đòi hỏi nhà văn cần am hiểu tâm lý, nắm bắt những chuyển động, bước ngoặt phức tạp của nó mà ở mỗi bối cảnh lại có sự biến đổi khác nhau. Philippe Claudel đã giải quyết yêu cầu trên một cách thuyết phục bằng phong cách viết độc đáo, tuy cũ mà mới, đầy hấp dẫn.

Từng phát biểu trong bài phỏng vấn khi sang Việt Nam giao lưu năm 2009, Philippe Claudel cho rằng bản chất của con người là phức tạp, ẩn chứa trong đó là “xung động, niềm khát khao, hi vọng” [12, tr. 337]. Philippe Claudel luôn trăn trở tìm cách phản ánh những điều này vào trong tác phẩm của mình. Qua mỗi tác phẩm, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, và kể cả trong điện ảnh, Philippe Claudel đã cho thấy sự kiên trì trong việc dõi theo từng bước đổi thay, vận động của tâm trạng nhân vật. Ông cố gắng tìm về ngọn nguồn tâm lý trong từng hành động của nhân vật và lẩy ra từ đó những nét đẹp nhất của tính người. Với Philippe Claudel, “tác phẩm văn học không phải là cuốn sách giáo khoa về tuyệt vọng” [12, tr. 338], điều ông quan tâm hơn cả là tình thương yêu đùm bọc giữa người với người. Cũng chính vì thế mà trong

tiểu thuyết của ông, giữa hiện thực đau thương được phản ánh rất chân xác, vẫn luôn có những hồi tưởng, kí ức, hi vọng đẹp đẽ về sự hồi sinh, về tình yêu. Điều này đã trở thành cánh tay vịn, nâng đỡ nhân vật trong những lúc tuyệt vọng, đau khổ kiệt cùng nhất.

Cũng chính vì lẽ đó mà tác giả Philippe Claudel luôn hướng tiểu thuyết của mình thoát ra khỏi sự u tối, vươn đến ánh sáng lạc quan như ông từng nói: “Mục đích cuối cùng không phải là chỉ ra một nhân loại đen tối mà là chỉ ra sự đen tối để làm cho nó tươi sáng hơn” [12, tr. 12]. Philippe Claudel mong

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 38 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)