Nhân vật mất niềm tin

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 82 - 87)

CHƢƠNG 3 : VẤN ĐỀ CHẤN THƢƠNG QUA CÁC KIỂU NHÂN VẬT

3.1 Các dạng thức nhân vật chấn thƣơng

3.1.1 Nhân vật mất niềm tin

Trong cơn bối rối của lịch sử, con người xuất hiện linh tính về sự bất trắc và cảm giác sợ hãi trước tình trạng hiện tồn nhỏ nhoi của sự sống, vì thế mà nghi ngờ, mất niềm tin trỗi dậy như một phản ứng phòng vệ tất yếu.

Niềm tin là một trong những động lực sống cho con người. Ở đây, mất niềm tin được xem như một biểu hiện rõ rệt của tình trạng chấn thương, khi nỗi đau và những chấn động tinh thần tiêu cực đã làm tiêu hao sức mạnh tồn tại trong con người. Trong bộ ba tiểu thuyết của Philippe Claudel, vấn đề mất niềm tin đã trở thành cảm quan trầm trọng ở nhiều nhân vật. Các nhân vật loay hoay trong những hố thương đau, những vết trầy xước khó lành nơi tinh thần, để rồi sợi dây níu giữ họ và đức tin càng ngày càng bục ra và đứt đoạn. Nói cho cùng, trong việc dấn thân vào những thách thức, những vòng xoáy của đời sống xã hội, sự va chạm về đời sống tâm lý là khó tránh khỏi. Tác giả Philippe Claudel đã tiến đến việc tái khám phá hiện thực trong cái nhìn sâu xa của nó, tiếp cận cảm quan mất niềm tin để phác họa đầy đủ diện mạo con người trong bối cảnh ấy. Đấy là mẫu hình con người của thời buổi nhiều biến động, trong không gian thời chiến và hậu chiến, và hoàn cảnh từ hiện đại sang hậu hiện đại trên thế giới. Như thế, mâu thuẫn tất yếu xảy ra, và trạng thái mất

niềm tin chính là sự đổ vỡ những giá trị sống cũ và kiến tạo những quy chuẩn lẽ sống mới cho xã hội.

Đầu tiên, có thể quan sát các nhân vật tiểu thuyết ở biểu hiện mất niềm tin vào chính mình. Trạng thái này được nhìn thấy ở nhiều nhân vật, như sự phản ánh sâu sắc những bất ổn nơi đời sống tinh thần con người, dưới sức ép của động lực xã hội. Ở họ, biểu hiện rõ rệt nhất của việc mất niềm tin chính là thái độ hoài nghi các giá trị bản thân và tự hạ bệ, giễu nhại chính mình, họ chỉ còn có thể tìm thấy mình trong những bối cảnh an toàn hơn như gia đình, vợ con hoặc trong cách sống cô độc.

Tiêu biểu cho biểu hiện này đến từ nhân vật người đại diện của tôn giáo – Cha xứ. Trong tín ngưỡng Tây phương, Cha xứ giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Cha xứ là đại diện cho Đức Chúa trời, là biểu tượng của đức tin, nơi tâm hồn của mỗi con người được trao gửi một cách tin tưởng nhất, hay nói cách khác, Cha xứ là nhân vật tượng trưng cho “quyền lực cứu rỗi”. Trong bối cảnh xã hội nhiều bất an và đời sống con người chứa đầy thương tích thì nhân vật này càng được coi trọng. Xuất hiện ở hai tiểu thuyết Báo cáo của Brodeck Những linh hồn xám, hình tượng Cha xứ được Philippe Claudel xây dựng như một kẻ cầm quyền bất lực. Nhân vật từng là vị cha đạo đúng mực, thế nhưng trải qua nhiều biến động, những cuộc chiến tranh, tàn phá, chết chóc, lừa dối, bạo tàn… đã khiến nhân vật này buộc phải lột bỏ dần tư cách quyền lực của mình. Ông cô đơn và khổ đau, không còn tự tin trước đức tin mà mình theo đuổi. Nhân vật Cha xứ được miêu tả như một người đàn ông bình thường, cũng có những nhu cầu tầm thường về rượu thịt, rồi say mê hoa cỏ như Cha xứ Lurant trong Những linh hồn xám. Cha xứ cũng có những nỗi niềm cô độc, suy tư, những cơn khủng hoảng niềm tin khi đối diện với hiện thực trong và sau mỗi cuộc chiến quá thảm khốc như Cha xứ Peiper trong Báo cáo của Brodeck. Khi những mối quan hệ tốt đẹp,

những giá trị tốt đẹp bị đổ vỡ, con chiên mất dần niềm tin ở Chúa trời, người ta không còn tìm đến Cha xứ để mong được dựa dẫm và che chở. Quyền lực cứu rỗi ở nhân vật này dần dần tiêu biến, người ta nhìn Cha xứ chỉ còn như một người đàn ông đã “bị rượu tàn phá” và ngay chính Cha xứ cũng mất dần niềm tin ở chính mình.

Trong nỗi hoang mang về giá trị bản thân, Cha xứ Peiper trong Báo cáo của Brodeck thấy mình chỉ như một “cái cống”, nơi mà người ta trút hết những tâm sự tội lỗi mà ông gọi là “những gửi gắm ghê rợn”. Với ông, rượu là “người thân yêu”, là duyên cớ để ông được sống đúng với những khổ đau, chán ghét đang xâm chiến trong ông. Có thể thấy chiến tranh và những nỗi đau mà nó gây ra đã thẳng thừng hạ bệ đức tin vào Chúa trời, từ thiêng liêng biến thành tầm thường, từ điểm tựa để cứu rỗi linh hồn thành đối tượng của hành động cứu rỗi. Ở đây, sắc thái mất niềm tin nảy sinh trong bối cảnh có quá nhiều nỗi đau xảy ra, giữa những cái chết oan ức, ngay cả Cha xứ cũng phải thú nhận, “ta cũng không còn tin vào Chúa nữa”. Nhân vật Brodeck cũng từng nói “Ở chỗ chúng tôi, Chúa trời là một sự sáng tạo xa vời, sách vở và hương khói, còn Qủy dữ là một kẻ ở sát gần mà rất nhiều người nghĩ có thể nhìn thấy lúc này hoặc lúc khác” [18, tr. 196]. Từ vấn đề bất lực của tôn giáo, có thể thấy rằng, thay vì niềm tin yêu thì tội ác và sự lừa dối đang ngự trị và hoành hành trong xã hội.

Cũng trở nên mất niềm tin vào chính mình, nhiều nhân vật khác cũng rơi vào tình trạng hoang mang, bối rối, bất lực trước cơn tai biến của nghịch cảnh. Nhân vật Lysia từ một cô gái trẻ với trái tim háo hức yêu đương đã trở thành một người luôn hằn học, dằn dỗi với đời, trở nên bối rối, mất niềm tin vào chính tình yêu của mình. Trải lòng trong những bức thư gửi người yêu, người đọc nhận ra một Lysia yếu đuối, khổ đau, hoang mang trước tình cảnh của bản thân. Tình yêu mà cô hằng gìn giữ, nâng niu, đã mạnh mẽ theo đuổi

đến tận cùng bỗng chốc khiến cô bối rối, không đủ gần gũi để nuôi dưỡng, nó đang lụi tàn đi trong những níu kéo điên cuồng của cô. Trong nỗi nhớ mong dày vò năm canh, cô nghi ngờ người yêu, nghi ngờ tình yêu của mình đã phai nhạt đi vì xa cách, vì bặt vô tin tức. Những dòng thư cô viết cho chàng sĩ quan nhuốm đầy màu sắc cay đắng, vật vã của một người đã mất hết sinh lực bởi lý do duy nhất cô tồn tại là tình yêu cũng đang trong cơn hấp hối.

Ngoài ra, bên cạnh sự hoài nghi về giá trị bản thể, còn là sự xuất hiện của kiểu người mất niềm tin vào đời sống và lý tưởng. Vấn đề này gắn liền với cảm quan lạc lõng hoặc thất vọng sau những sang chấn tinh thần, đã đẩy bật những cá thể đó khỏi điểm tựa vững chãi ban đầu.

Trước hết, phải kể đến hình tượng người thanh niên trí thức bất lực về chính trị và mất niềm tin vào hoàn cảnh văn hóa. Philippe Claudel đã khắc họa trong Báo cáo của Brodeck một tầng lớp thanh niên trí thức gặp phải những cơn sang chấn về lí tưởng ngay trước ngưỡng cửa cuộc đời. Anh thanh niên Brodeck cùng với những người bạn sinh viên của mình đã có những tháng ngày nhiều ước mơ, hoài bão, ấp ủ trong lòng niềm khát khao tri thức. Trước hàng loạt cuộc bạo động xảy ra trong thành phố, họ, kẻ thì chạy trốn sợ hãi, kẻ hùa theo như một cuộc vui. Brodeck rùng mình trước những cảnh chém giết không ghê tay cuối cùng đành bỏ cuộc. Bỏ lại ước mơ nơi thành phố, bỏ lại niềm khát khao tri thức dở dang, anh đành trốn vào quê nhà, gia đình và tình yêu để tìm lại chút bình yên, cân bằng giữa những ngày loạn lạc. Nỗi mất mát lớn lao của thời sinh viên vẫn trở đi trở lại trong trí óc anh mãi cho đến sau này với một câu hỏi day dứt: thực sự thì điều gì đã xảy ra trong thời điểm đó, tại sao đám đông đó lại cuồng nộ, điên rồ đến thế! Cơn sốc của tuổi trẻ khiến Brodeck cho đến sau này vẫn băn khoăn bởi có những điều thuộc về thời điểm đó nhưng anh không thể nào lý giải nổi. Những cảnh huống bạo loạn mang trong nó những ẩn ức về chính trị mà tuổi đời nông nổi

của những anh chàng sinh viên không thể nào bắt kịp nổi. Philippe Claudel đã miêu tả hình ảnh một đám đông sinh viên trở nên mất phương hướng trong tình thế xã hội bất ổn, ngay cả điều trong lành nhất, đã trở thành lí tưởng sống của những sinh viên này là chiếm lĩnh tri thức cũng trở nên mất đi vẻ lấp lánh của nó. Những buổi học diễn ra trong bất ổn, những giờ khắc học hành, đọc sách trong bất an, và rốt cục, trước sức ép của thời cuộc, họ vứt lại sách vở, vứt lại ước mơ dang dở giữa đường đời để tháo chạy. Nhìn chung, dạng thức nhân vật này gắn liền với tình trạng mất niềm tin vào lý tưởng. Lý tưởng, trong trường hợp này, được xem như điểm tựa nâng đỡ sức mạnh tồn tại. Trong hoàn cảnh hiện thực phức tạp, khái niệm lý tưởng trước đây đã đến hồi đổ vỡ mà chưa có ý niệm nào khả dĩ thay thế.

Tuy nhiên, ở dạng thức nhân vật này, biểu hiện quan trọng nhất phải là vấn đề con người đang dần mất niềm tin vào những điều tốt đẹp trong xã hội. Đó cũng là hệ quả tất yếu của thời buổi loạn lạc, khi mà khổ đau khiến con người không còn dễ dàng tin vào bất cứ điều gì. Trong các tiểu thuyết của Philippe Claudel, một không khí chung bao trùm lên mọi cộng đồng là không khí nghi kị, con người sống với nhau trong sự xoi mói, dò xét, không còn tin tưởng lẫn nhau. Mọi mối quan hệ tốt đẹp trong quá khứ giữa các nhân vật bị phá hủy bởi mất niềm tin: Destinat và viên cảnh sát, Brodeck và thầy giáo của mình, người dân làng Brodeck và nhân vật Anderer, ông Linh và những người bạn cùng trại tị nạn, những người bản xứ…. Lòng tốt bị nghi kị và con người dần xa nhau trong nỗi đắng cay và bất lực vì quá khứ tốt đẹp không thể cứu vãn. Philippe Claudel đã đưa vào tiểu thuyết của mình những sự kiện mang tính chất “vụ án”. Đó là cái chết của Hoa Bìm Bìm trong Những linh hồn xám

hay cái chết của Anderer trong Báo cáo của Brodeck, tình tiết này càng làm tăng thêm những bất ổn mà con người phải trải qua, cảm quan mất niềm tin cũng từ đó lan rộng và gây nên những nứt vỡ trong tâm hồn con người. Người

đọc cũng từng bắt gặp motip này trong tiểu thuyết Ngã tư và những cột đèn

của nhà văn Trần Dần. Nhân vật Dưỡng cũng bị cuốn vào một vụ án mất cắp súng, để minh oan cho mình, anh buộc phải tự điều tra. Quá trình điều tra đó đã cuốn nhân vật vào trong những chấn động tinh thần lớn lao.

Ở đây, người viết, thông qua sự hoài nghi và dao động của tâm lý nhân vật, đã biểu hiện cảm quan mất niềm tin vào sức mạnh, sức trẻ và sự tự chủ của những người sắp phải gánh vác thời vận dân tộc. Có thể nói, nó cũng bắt nguồn một phần từ sự kìm hãm của những thế lực cổ hủ, cũ kỹ nhưng chứa đựng nhiều tham vọng. Và như vậy, chấn thương niềm tin sẽ đến trong sự xung đột giữa các thế hệ, giữa cái cũ và cái mới, trong sự lầm lẫn nhận thức và bảo thủ tinh thần.

Đồng thời, điều này gắn với cảm thức hậu hiện đại đang dần xâm chiếm tâm lý sáng tạo, tâm lý sống, đưa đến việc hoài nghi và bất tín mọi lý tưởng như một đặc trưng. Tiểu thuyết của Philippe Claudel đã đi sâu và phản ánh những bề khuất, những chuyển mình trong tiến trình lịch sử của một nền văn hóa. Nói đến cái bất tín, không phải nhằm bi quan, phủ định, mà chính là biểu hiện cho việc dân tộc đó đang ngày một tự ý thức, tự suy nghiệm sâu sắc về vận mệnh và thân phận mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)