Nhân vật hàn gắn sự chấn thương

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 97 - 105)

CHƢƠNG 3 : VẤN ĐỀ CHẤN THƢƠNG QUA CÁC KIỂU NHÂN VẬT

3.1 Các dạng thức nhân vật chấn thƣơng

3.1.4 Nhân vật hàn gắn sự chấn thương

Theo Hoàng Phong Tuấn: “Vết thương chiến tranh là một nỗi đau mà để có thể làm nguôi lành nó, […] ta phải buộc chặt chấn thương của mình vào chấn thương của người khác” [55]. Đọc các tác phẩm của Philippe Claudel chúng ta thấy, nhà văn đã đưa vào những trang viết tưởng chừng như sẽ rất u ám bởi đầy rẫy chấn thương những câu chuyện giàu tình người. Đây cũng là điều làm nên sức sống nhân văn cho các tiểu thuyết của Philippe Claudel. Xuyên suốt các tác phẩm của ông, những nhân vật mang trong mình những chấn thương tinh thần đủ mọi kiểu dạng luôn được đồng hành, nâng đỡ, xoa dịu, ủi an bởi những nhân vật khác, họ mang một chức năng cao cả - hàn gắn sự chấn thương. Bên cạnh nỗi đau, sự chết chóc còn là tình yêu thương, sự cưu mang bao bọc lẫn nhau, các tác phẩm của ông vì thế vẫn đầy ắp ánh sáng và niềm hi vọng. Đây cũng là điều mà ông mong muốn cho những cuốn sách ông viết như ông từng chia sẻ trong các bài phỏng vấn.

Xây dựng nhân vật mang chức năng hàn gắn chấn thương, Philippe Claudel chú trọng xây dựng thế giới tinh thần của tình yêu thương cao cả. Điển hình là nhân vật bà lão Fédorine, người đàn bà đã cưu mang Brodeck, đưa anh sống lại trong một cuộc đời mới, sau sự đổ nát kinh hoàng của kí ức. Bà lão Fédorine được miêu tả mang vẻ ngoài già cỗi của một bà phù thủy bướu lưng trong truyện cổ tích, “từ bao giờ, Brodeck đã thấy bà vặn vẹo, lưng còng xuống, lốm đốm như một quả sơn trà bị lãng quên qua ba mùa trong hầm chứa thực phẩm” [18, tr. 27]. Một con người có vẻ ngoài cằn cỗi lại mang trong mình một tình yêu thương đầy sức sống, đã nâng đỡ Brodeck mồ

côi đi qua mọi khúc quanh của cuộc đời. Fédorine nhặt lấy Brodeck từ một đống đổ nát của chiến tranh, mồ côi và chết chóc, đưa lại cho anh một điểm tựa thuở thiếu thời. Fédorine ở bên anh những tháng năm trưởng thành, giúp anh cơ hội được vào đại học và sống những tháng ngày tuổi trẻ đẹp nhất. Fédorine cũng sát cánh bên Brodeck khi anh thêm 1 lần nữa trở thành nạn nhân của chiến tranh. Bà giúp anh chăm sóc người vợ tội nghiệp bị hãm hiếp, giúp anh gượng dậy, sống lại lần nữa khi anh từ trại tập trung về. Fédorine không chỉ là bà tiên nhân hậu đã cho anh sự sống, trải qua bao kiếp nạn mà bà còn chăm sóc cho Brodeck cả đời sống tâm hồn của anh, bà thấu hiểu “cái khoảng trống đen ngòm luôn trở lại trong các giấc mơ” [18, tr. 27], luôn lắng nghe anh nói, đưa ra những lời khuyên, giúp anh lấy lại được cân bằng và sự tỉnh táo trong cuộc sống. Không nói nhiều, chỉ ở bên, yên lặng và tin cậy, bà lão Fédorine đã thực sự trở thành chiếc phao cứu sinh, người nâng đỡ nỗi đau suốt cuộc đời nhiều va đập chấn thương của nhân vật Brodeck.

Không chỉ riêng bà lão Fédorine, dường như các nhân vật mang trong mình thiên tính yêu thương, chở che đều có đặc điểm kiệm lời, ít nói. Người vợ của Brodeck là một cô gái câm, vợ của nhân vật viên cảnh sát cũng được miêu tả rất kiệm lời, anh chàng Anderer hầu như im lặng giữa đám đông làng Brodeck. Đến một nhân vật tưởng chừng như nói nhiều như người bạn già của ông Linh thì lại phát ngôn trong hoàn cảnh bất đồng ngôn ngữ. Philippe Claudel xây dựng nhân vật với đặc điểm đó nhằm làm nổi rõ sức mạnh của tình thương và sự thấu hiểu, đó chính là sự kết nối giữa người với người. Dù không thể hiện ra bằng lời nói cụ thể, chỉ cần im lặng bên nhau, lắng nghe một cách cảm thông và tin cậy cũng đủ giúp an ủi một nỗi đau. Trong tiểu thuyết của mình, tác giả đã nhiều lần cho các nhân vật của mình được giải tỏa những ẩn ức đau đớn bằng những cuộc trò chuyện mà gần như độc thoại nhưng đầy thấu hiểu như thế. Đó là Anderer với Brodeck, một dòng tâm tư

mà anh chàng Brodeck chưa bao giờ dám thổ lộ cùng ai, đó là ông chủ quán rượu Schloss đã trút hết bầu tâm tình với Brodeck về nỗi đau mất đi đứa con khi còn nhỏ, là câu chuyện cha xứ Peiper và Brodeck đã tâm sự cùng nhau, hay những buổi gặp gỡ giữa hai người đàn ông bất đồng ngôn ngữ trong Cháu gái ông Linh. Nhờ những thấu hiểu này mà phần nào, nỗi cô đơn, sợ hãi, sự ám ảnh của những kí ức kinh hoàng, nỗi hoang mang trong thời hiện tại đã được hóa giải.

Bên cạnh đó, các nhân vật hàn gắn chấn thương cũng mang trong mình thiên tính nữ, với tính cách dịu dàng, hi sinh và cảm thông và với một sắc vóc đẹp đẽ. Chính tình yêu và sắc đẹp cùng bản ngã nữ tính đã trở thành liều thuốc giá trị, xoa dịu những vết thương tinh thần trầm trọng. Đó là người vợ, người yêu với trái tim yêu thương và đam mê bất tận. Lysia, cô giáo – người yêu anh lính trận, Clémence – người vợ yểu mệnh của viên cảnh sát, Emélia – người vợ bất hạnh của Brodeck đều mang trong mình trái tim yêu mãnh liệt. Trong bộ ba tiểu thuyết của Philippe Claudel, nhân vật người vợ, người yêu luôn trở đi trở lại với những lời văn thân thương và tha thiết nhất. Hầu như các nhân vật chấn thương đều giữ trong lòng mình một kí ức đẹp đẽ nhất, một tình yêu để được ủi an khi những cơn tai biến của chấn thương lại hoành hành. Với những người đàn ông đã mất đi người vợ, người yêu, họ đều giữ lại bên mình bức hình kỉ niệm. Đó là ông Linh và người bạn ngoại quốc của ông, là anh chàng viên cảnh sát, là Destinat… Những bức hình đã phai nhòa theo năm tháng, đôi khi còn không giữ lại được đường nét, màu sắc nhưng với họ là kỉ vật quý báu về một tình yêu họ đã sống trong quá khứ và tựa nương vào trong hiện tại. Những dòng văn viết về tình yêu đôi lứa là những dòng êm dịu nhất trong tiểu thuyết Philippe Claudel, được tác giả trau chuốt bằng thứ ngôn ngữ đầy đam mê và thiết tha của tình yêu.

Cho dù nhân vật mang trong mình những chấn thương đau đớn đến thế nào thì chỉ cần bước qua cánh cửa nơi ngôi nhà tình yêu đang ngự trị, thì tất cả, “chiến tranh, ma quỷ, trẻ em bị sát hại, tất cả phải dừng bước” [20, tr. 181]. Một đặc điểm rất dễ nhận thấy ở các nhân vật là khi nỗi hoang mang, mệt mỏi và bất lực dâng lên trong lòng, họ lại tìm về mùi hương da thịt, nụ cười, giọng nói, đôi môi, mái tóc của người vợ, người yêu như một liều thuốc tăng lực. Những điều này giúp họ tìm thấy sự an yên trong tâm hồn. Dẫu có nhiều lo lắng, suy tư đến mấy khi đi trên đường thì chỉ cần nghĩ về gia đình, nghĩ về ngôi nhà mà đằng sau cánh cửa, có người vợ của họ với rất nhiều ấm áp và yêu thương đang chờ đợi, họ lại thấy yên tâm hơn, chân bước nhanh hơn như trốn chạy cõi đời. Hằng đêm, Brodeck tìm đến hơi ấm nơi bụng người vợ, tìm đến hơi thở lướt qua mắt, qua môi mình, tìm đến gương mặt đẹp đẽ của Emélia như mong được tìm thấy bình yên để đi vào giấc ngủ và có thêm sức mạnh cho ngày sống tiếp theo. Nhân vật viên cảnh sát lại liên tục đối thoại với vợ mình trong giấc mơ. Nếu trong đời thực, trước dòng chảy của cuộc sống và rất nhiều cuộc gặp gỡ, anh kiệm lời và rất ít bộc lộ bản thân thì khi tìm về gương mặt người vợ quá cố, anh tâm tư nhiều hơn. Nhân vật viên cảnh sát bộc lộ hết những yếu đuối, nỗi lo lắng, nỗi xấu hổ khi làm một việc gì đó, tất cả anh đều hướng đến vợ mình như một bãn ngã khác của chính mình nhằm được bày tỏ, tâm sự một cách tin tưởng nhất. Trường đoạn độc thoại ở chương cuối cuốn tiểu thuyết Những linh hồn xám chính là những phút giây âm đềm nhất của nhân vật viên cảnh sát khi anh tìm thấy niềm an ủi tuyệt đối nơi người vợ của mình. Cái chết đối với anh chỉ là sự kết thúc những tháng ngày mê man trong suy tưởng và đớn đau, bắt đầu cho những thanh thản khi anh tới gần hơn với người vợ đầy thương yêu của mình. Tình yêu trong tiểu thuyết của Philippe Claudel có thể ví như đôi cánh thiên thần, đã

nâng đỡ những nỗi đau, nỗi bất hạnh, sự bạo tàn, chết chóc, trở thành lí do của mọi sự tồn tại.

Những trang viết về tình yêu trong tiểu thuyết của ông không ít, nó xuất hiện khá thường xuyên trong truyện, đó là những trang viết đẹp, cho thấy một bút pháp lãng mạn bên cạnh khả năng tả thực sắc sảo của tài năng Philippe Claudel.

Ở đây cần phải nói riêng về một năng lực hàn gắn chấn thương khác, năng lực này đến từ cái đẹp. Đó là cái đẹp thuần túy thẩm mỹ, hiển hiện qua vẻ đẹp của người phụ nữ và của những loài hoa. Đặt vấn đề về sức mạnh của vẻ đẹp với vai trò là nhân tố hàn gắn chấn thương của con người, tác giả đã dựa vào một đặc điểm trong tâm lý con người. Phân tâm học của Freud đã nhắc đến những phản xạ bản năng trong đời sống tâm hồn con người trước cái đẹp. Cái đẹp dễ dàng đưa đến sự thư giãn cho con người, tạo nên sự phấn khích và tạo ra hoạt chất kích thích giúp giảm đau cho con người. Điều này đã được thể hiện trong tiểu thuyết của Philippe Claudel như một minh chứng cho thấy tác giả đã rất thấu hiểu quy luật tâm lý này. Với người đàn ông cô đơn Destinat, vẻ đẹp của cô giáo Lysia, của cô bé Hoa Bìm Bìm, của người vợ quá cố đã trở thành lẽ sống. Nhân cách của nhân vật này khá đặc biệt, được người kể chuyện nhật xét là một nhân cách mang màu xám, đầy bí ẩn. Ông sống cuộc đời khổ hạnh và khắc kỉ, sống trong kí ức đẹp đẽ của người vợ sớm qua đời, rồi sau này tìm lại dấu ấn trong hình ảnh cô bé Hoa Bìm Bìm, trong sáng thánh thiện như Đức mẹ. Đồng thời, ông cũng tìm lại bóng dáng người xưa qua hình ảnh đẹp đẽ thanh tân của cô giáo Lysia. Destinat mắc kiểu tâm lý tôn thờ cái đẹp tuyệt mỹ, chính cái đẹp đã dẫn dắt ông đi qua cuộc đời này, tìm thấy lẽ tồn tại giữa cô đơn, nỗi cô đơn của một người giàu có, quyền lực nhưng già cả và chịu sự lãng quên, e sợ của cả cộng đồng.

Sự xuất hiện của nhân vật Lysia được mô tả với sự chính xác về thời gian và chi tiết về không gian. Cô đến vào “ngày 13 tháng 12 năm 1914”. Chuyến xe từ thành phố V. đến mang theo đủ thứ hỗn tạp nhưng như một món quà muộn, thường chỉ đến vào cuối cùng, một cô gái trẻ đã hiện ra. Lysia được miêu tả như một thiên thần, trong khoảnh khắc cô xuất hiện, chiến tranh như lùi xa, “người ta không nghe tiếng đùng đùng của súng đạn và tiếng nổ của trái pháo nữa”, không gian quanh cô gái trẻ cũng như bừng sáng, thay vì những gam màu u ám, “ánh nắng như còn thơm mùi ấm áp của mùa thu và nhựa cây dương xỉ” [20, tr. 61]. Cô gái toát lên một vẻ đẹp vừa giản dị, nhẹ nhàng, thanh khiết vừa đầy bí ẩn, quyến rũ, lôi kéo những ánh nhìn không dứt. Vẻ đẹp của cô gái lạ không chỉ đến từ những nét đẹp có thực trên cơ thể cô mà dường như chính bởi sự xuất hiện của cô đã đem lại những luồng sinh khí mới cho khung cảnh chết chóc và u ám ở ngôi làng này. Đến nỗi, nhân vật kể chuyện cũng phải thốt lên, ngay cả cái tên của cô cũng đẹp một cách kì lạ, như một bộ váy khiêu vũ. Chính những vẻ đẹp thiên thần như thế luôn mang trong nó khả năng cứu rỗi. Một cô giáo mới, đẹp đẽ, trong suốt và thơm hương, hình ảnh này đối lập với một phòng học như bãi chiến trường, hôi mùi trẻ con nhà quê, những dấu vết ám ảnh của vụ đốt cờ trước đó vẫn để lại nhiều rơi vãi. Cô gái đẹp không kinh hãi, không bỏ chạy, không ghê tởm, tự tay cô sắp xếp lại mọi thứ, làm sạch nó, làm ngăn nắp nó, như một hành động an ủi, cũng có thể là đồng tình cho những điều mà ở đây, người ta đã ghê tởm.

Nụ cười tuổi hai mươi của cô, tươi trẻ, bình yên, trong sáng, được đặc tả trong tương quan đối lập với những hình ảnh rùng rợn của cuộc chiến cách đó khoảng mười lăm dặm, “người ta cắt cổ nhau, sợ đái cả ra quần, trong khi mỗi ngày có hàng nghìn người chết mà không thấy nụ cười con gái” [20, tr. 67]. Như một tấm gương phản chiếu, thần thái đẹp đẽ của cô gái đã càng làm nổi bật vùng đất tan hoang, chết chóc, mọi ý niệm về cái đẹp đã trở nên héo úa,

mọi ý nghĩ về phụ nữ cũng trở thành một ảo tưởng, “một giấc mơ của kẻ say rượu, một lời chửi rủa quá đẹp đẽ” [20, tr. 67]. Cô gái xinh đẹp Lysia đóng vai trò như vị nữ thần cứu rỗi mọi nỗi đau của người dân ở thành phố bất hạnh này. Với người đàn ông Denstinat, cô đã biến màu xám trong cuộc đời Denstinat trở nên có nhiều màu sắc, thanh âm hơn. Cái đẹp và tình yêu của người phụ nữ cũng đã giúp cho Brodeck đã không bị tiêu tan trong trại tập trung, để anh chịu hạ mình làm Chó Brodeck, để được sống, được trở về và sống lại một lần nữa là thân phận người.

Một số nhân vật lại tìm đến vẻ đẹp của những loài hoa, nếu tiểu thuyết

Những linh hồn xám đưa lại biểu tượng về “Hoa Bìm Bìm” thì Báo cáo của Brodeck lại đưa đến biểu tượng “Hoa hồng hoang bên khe núi”. Con người đã cố sức kiếm tìm nó, biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên, cố gắng gieo trồng nó như gieo trồng và tìm kiếm điều tốt ở cuộc đời này. Vin vào ước mơ kiếm tìm đó, con người có thêm hi vọng, có thêm niềm tin tưởng và bồi đắp ước vọng về những điều đẹp đẽ ở đời, xua tan đi những kí ức kinh hoàng và đau đớn.

Bên cạnh đó, bạn bè bằng hữu cũng là những nhân vật đã giúp con người vượt qua được những thay đổi rạn vỡ và bất ổn trong đời sống. Với ông Linh, trong hoàn cảnh lưu vong, điều làm ông cảm thấy được an ủi nhất là có được người bạn ngoại quốc, người sẵn sàng chấp nhận ông như một con người bình thường, trao cho ông nụ cười trìu mến, những cuộc đối thoại trò chuyện cởi mở và tin cậy. Dẫu cả hai người không hiểu được ngôn ngữ của nhau nhưng sự tin cậy đã khiến họ mở lòng. Nhờ có sự sẻ chia đầy tôn trong của người bạn mới mà trong nỗi cô đơn và tuyệt vọng tột cùng, ông Linh vẫn sống, vẫn hi vọng, vẫn nghĩ tới tương lai, chính đứa cháu gái bé bỏng đã giữ ông lại với cuộc đời, đã khiến ông muốn sống và sống một cách khôn ngoan nhất. Ông không cho phép mình chết, không cho phép mình ngã quỵ và buông xuôi, đứa cháu gái là động lực khiến ông đến một đất nước xa lạ, chấp nhận chia lìa,

chấp nhận nỗi nhớ, chấp nhận những tháng ngày ngùn ngụt cô đơn phía trước để đổi lại là tương lai cho đứa cháu bé bỏng [20, tr. 144]. Dù câu chuyện bi thương đến thế nào thì điều tác giả Philippe Claudel muốn nói đến gói gọn trong chính tiêu đề tiểu thuyết: Cháu gái ông Linh. Đó là niềm tin, là hi vọng, là tia sáng nhân văn, điều mà cho đến tận cùng của nỗi đau, vẫn nảy mầm trong mỗi tiểu thuyết của Philippe Claudel. Nhân vật người đàn ông ngoại quốc là hình ảnh đại diện cho tấm lòng bao dung rộng mở ở cuộc đời này, là điều mà cuộc sống nhiều bất an rạn vỡ này cần nhất. Chỉ có tình thương giữa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 97 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)