Chiến tranh và biểu tượng về sự vụn vỡ trong hình khối không gian

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 51 - 70)

CHƢƠNG 1 : KHÁI NIỆM VÀ CƠ SỞ CỦA VĂN HỌC CHẤN THƢƠNG

2.1 Chấn thƣơng trong không gian thời chiến và hậu chiến

2.1.1 Chiến tranh và biểu tượng về sự vụn vỡ trong hình khối không gian

Không gian trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật, đồng thời, nó còn là hình thức tồn tại tất yếu của mọi thế giới nghệ thuật. Nếu không có không gian thì mọi tác phẩm sẽ là hư vô. Không gian nghệ thuật được xác định do tọa độ nhìn của chủ thể lời văn tạo ra với đủ các chiều cao, thấp, rộng, hẹp, xa, gần. Không gian trong tác phẩm được miêu tả bằng hình thức không gian của đời sống. Vật chất nói chung, vận động trong không gian và thời gian. Con người trong cuộc đời cũng thế, kéo dài sự hiện sinh của mình trong khoảng không bao trùm và khoảng thời gian nhất định. Đó là hình thức cơ bản cho kinh nghiệm sống của con người. Không gian và thời gian trong nghệ thuật không còn nguyên chiều kích và thời khoảng khách quan đó nữa. Nó là sáng tạo chủ quan của người nghệ sĩ thông qua trạng thái tình cảm và các phương thức biểu hiện của ngôn ngữ.

Như vậy, không gian nghệ thuật là không gian cảm nhận chủ quan của tác giả và người đọc. Nó hoàn toàn không đồng nhất với không gian hiện thực của cuộc sống. “Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng mà còn cho thấy các quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hiện tượng nghệ thuật” [57, tr. 161].

Không gian trong tiểu thuyết của Philippe Claudel mang tính biểu tượng rõ rệt, những chấn thương trong tâm lý nhân vật có thể được hình dung qua những hình ảnh không gian được tác giả khắc họa trong tiểu thuyết. Hình dung rõ nhất về không gian trong bộ ba tiểu thuyết là tính chất vụn vỡ, không

toàn vẹn, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị phá hủy. Tính không bền vững trong cách xây dựng không gian trong tiểu thuyết Philippe Claudel không chỉ được thể hiện ở việc miêu tả chân thực sự đổ nát do chiến tranh gây ra mà còn thể hiện thông qua kết cấu không gian mang tính chất mảnh vỡ trong tiểu thuyết.

Trước hết, tiểu thuyết của Philippe Claudel đã khắc họa một cách chân thực và sống động sự đổ vỡ, tiêu hủy mà chiến tranh gây ra cho đời sống con người. Cả ba cuốn tiểu thuyết đều xây dựng không gian đời sống khi chiến tranh tràn qua và để lại những hậu quả đau thương. Đó là không gian trong kí ức thuở ấu thơ của Brodeck với “ngôi nhà đổ nát, đang bốc khói”, “những con vật chết bụng trương phềnh lên, các kho lúa mì mở trống huơ trống hoác, các bức tường sụt lở” [18, tr. 27-28]. Ngôi làng bị đánh bom của ông Linh cũng bị phá hủy hoàn toàn sự sống, từ con người đến súc vật: “xác con trâu ruột xổ tung, cái ách của nó gãy đôi như một cọng rơm” [19, tr. 9]. Ám ảnh hơn cả là hình ảnh “con búp bê của bé […] bị một mảnh bom phạt đứt đầu” [19, tr. 9]. Miêu tả “cái chết” của một vật vô tri vô giác như con búp bê, tác giả cho thấy tận cùng sự hủy diệt của chiến tranh, con búp bê mất đầu nằm chơ vơ trên bờ ruộng sau trận bom thảm sát, giữa cái chết của con người và súc vật là hình ảnh biểu tượng cho sự phá hủy, thảm sát, hủy diệt hoàn toàn sự sống và tắt lịm mọi hi vọng được hồi sinh.

Không gian đổ vỡ mở rộng dần từ làng quê lên thành phố. Nếu sự vụn vỡ trong không gian ở làng quê ám ảnh bởi những xác chết của con người và súc vật thì khi miêu tả không gian vụn vỡ ở thành phố, Philippe Claudel tập trung làm nổi bật sự đổ nát của các công trình kiến trúc, nhà cửa, đường xá. Không gian thành phố nơi Brodeck theo học sau một cuộc bạo loạn của đám đông mù quáng cũng lâm cảnh tan tành: “Gạch lát […] vương vãi mảnh thủy tinh […] các tủ kính há hốc như miệng các con thú bị chết, nội thất của các cửa hàng bị cướp phá, các thùng tônô bị vỡ bung làm vương vãi […] hàng hóa

tung tóe” [18, tr. 238-239]. Trong Những linh hồn xám, thành phố nhỏ nơi bố mẹ của nhân vật tôi sống sau bốn năm chiến tranh đã trở nên hoang vắng vì cư dân ở đây đã bỏ đi bởi “những tòa nhà đã bị phanh thây và những đường phố bị chọc thủng như pho mát Thụy Sĩ” [20, tr.127] . Ám ảnh về không gian bị tiêu hủy còn kéo dài theo thời gian, từ quá khứ thuở ấu thơ mịt mờ của Brodeck đến quá khứ gần hơn, rõ rệt từng đường nét, màu sắc như đêm thanh trừng đẫm máu trong thành phố Brodeck theo học.

Ở phương diện này, tiểu thuyết của Philippe Claudel đã phần nào phục dựng được một phần lịch sử đau thương của loài người, những không gian đổ vỡ trong tiểu thuyết càng ám ảnh hơn khi tác giả biết cách đưa vào đó dày đặc những từ ngữ giàu sức gợi. Tác giả đã sử dụng thường xuyên, với mật độ khá dày các cụm từ cùng trường nghĩa về sự đổ vỡ trong tác phẩm của mình như: “tàn phá, đổ vỡ, phá hủy, đổ nát, quét sạch, lộn xộn, phá tan hoang, vụn, hoang tàn cháy đen…”. Cách dùng từ này đã đưa lại những cảm nhận chân thực, rõ ràng nhất của người đọc về những không gian đang gãy đổ, đang bị tiêu hủy mà không thể cứu vãn. Dưới áp lực tàn phá đó, không có bất kì một không gian nào, dù là riêng tư nhất có thể tồn tại một cách lành lặn. Không một tia hi vọng sống sót nào có thể lóe lên giữa bối cảnh chết chóc đó, con người mất đi những chỗ trú ngụ an toàn, lui về ốc đảo riêng mình với những vết thương không thể lành miệng.

Không gian đổ nát không chỉ xuất hiện ở những nơi chiến tranh, bạo loạn tràn qua mà ven rìa các cuộc chiến, không gian “không tiếng súng” của người dân cũng đầy rẫy những ám ảnh đổ vỡ. Đó là không gian căn phòng của viên cảnh sát khi người vợ yêu quý của ông vật lộn trong cô độc với cơn đau đẻ: “nàng đã sóng soài trên giường, trên chiếc giường hỗn loạn và thương đau”, “xung quanh nàng là sự hỗn độn khó tả” [20, tr. 182-183]. Đó là bối cảnh lúc bà lão Fédorine quá ngỡ ngàng khi Brodeck mở cửa căn nhà sau hơn hai năm

mất tích trong trại tập trung. Tác giả miêu tả những mảnh vỡ của chiếc đĩa bị rơi từ tay bà lão Fédorine như một cảnh quay chậm trong điện ảnh, gợi ấn tượng đến sự vỡ òa của niềm hạnh phúc gặp gỡ, của sự vui sướng nghẹn ngào khi điều tưởng đã mất, giờ đột ngột tìm lại được. Đó còn là không gian bừa bộn, tan hoang của trường học và căn phòng của anh giáo trong Những linh hồn xám [20, tr. 65-70]. Khi cuộc chiến nổ ra, người ta đã bỏ quên giáo dục, bỏ quên ước mơ của những đứa trẻ. Biên độ không gian mỗi lúc một thu hẹp trong những không gian nhỏ, với những cảnh huống đời thường càng khiến cho sắc thái đổ vỡ trở nên vụn vặt, tỉ mỉ hơn.

Dù mở rộng ra hay thu hẹp lại thì đâu đâu trong tiểu thuyết của Philippe Claudel người đọc cũng bắt gặp những cảnh huống không toàn vẹn, chứa đựng trong đó những bất trắc của sự vật, sự việc. Đó cũng là ẩn dụ sâu sắc cho những chấn thương tinh thần của con người – có nguồn gốc từ những chấn thương của hiện thực xã hội. Không gian đổ vỡ đã chứng tỏ sự mất an toàn, sự không yên ổn trong đời sống thường nhật, điều này tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần trong mỗi con người. Người đọc không khó để nhận ra rằng, mỗi nhân vật trong tiểu thuyết của Philippe Claudel, dù chính hay phụ, đều được miêu tả là một thế giới tâm hồn đầy những âu lo và biến động. Chứng mất niềm tin có thể bắt gặp ở nhiều nhân vật, đẩy các tình huống truyện vào nút thắt căng thẳng. Hoài nghi khiến con người bị đẩy ra xa nhau, các mối quan hệ giữa họ cũng trở nên lỏng lẻo, rạn nứt như chính sự vỡ vụn của không gian sống.

Bên cạnh những mảng không gian đổ vỡ thì tính biểu tượng trong không gian của tiểu thuyết còn thể hiện ở nhiều dạng không gian đa dạng khác. Mỗi không gian được tác giả đặc tả đều mang trong đó ẩn dụ về một vết thương tinh thần nhức nhối.

Trong Những linh hồn xám, không gian lâu đài tồn tại trong tác phẩm như một sự ám ảnh. Đây là lớp không gian nhuốm đầy màu sắc bí ẩn, vừa xa vừa gần. Được nhắc đến ngay từ đầu tác phẩm, hình ảnh lâu đài đã góp phần quan trọng trong việc khắc họa bức chân dung của chủ nhân lâu đài – Destinat, một ông Kiểm sát trưởng sống đơn độc, lạnh lùng, khép kín. Tác giả đã nhiều lần nhấn mạnh đến không gian rộng lớn của tòa lâu đài: “đó là tòa nhà uy nghi nhất thị trấn”, “cả trung đoàn có thể đóng quân tại Công viên Lâu Đài mà không cảm thấy gò bó, chật chội” [20, tr. 38-39]. Sự rộng lớn này của không gian đối lập với tình trạng “neo người” trong Lâu đài càng làm nổi rõ sự cô độc của con người: “lâu đài này rộng mênh mông, vượt quá tầm vóc con người” [20, tr. 38]. Chỉ có vài ba bóng người xuất hiện trong khung cảnh đó như Destinat, bà Barbe - người làm bếp, thậm chí, có những nhân vật chỉ xuất hiện qua 1 cái tên như mẹ Destinat, bố Destinat, ông già đánh xe – Nghiêm trọng. Tầm vóc mênh mông của tòa lâu đài được miêu tả cùng với sự u tịch của cảnh vật: “Ngôi nhà dường như ngái ngủ”, “ngôi nhà già đi, y như con người vậy” [20, tr. 44]. Cũng như chủ nhân của nó, lâu đài là không gian mang tính chất biểu tượng cho sự cô độc, của nỗi buồn, của những mất mát, thiếu thốn trong tình yêu. Số phận những con người sống trong đó cũng cô độc như chính tòa lâu đài, bố Destinat mất người vợ khi còn trẻ, vợ chồng bà làm bếp và ông đánh xe cũng không con cái… Destinat cũng lặp lại số phận của người cha, sống cuộc đời độc thân sau khi vợ mất, ông cầm tù chính mình trong tình yêu thầm kín mà mãnh liệt với Hoa Bìm Bìm, với cô giáo trẻ Lysia – nơi ông có thể tìm lại bóng hình của người vợ đã khuất. Đó còn là không gian của những ảo vọng không thành, biểu tượng cho hành trình hoang hoải và bất lực kiếm tìm giấc mơ hạnh phúc của loài người. Không gian lâu đài trong tiểu thuyết của Philippe Claudel gợi nhắc đến không gian lâu đài trong tiểu thuyết Lâu đài của Kafka. Ngay trong những dòng văn mô tả, Kafka đã

cố ý phân tích “Hình dáng toà Lâu đài bắt đầu chìm trong bóng tối, nó đứng câm lặng như vẫn thế”, “Nhìn Lâu đài, thỉnh thoảng K cảm thấy như mình đang quan sát một ai đó ngồi điềm tĩnh và nhìn ra trước mặt, chưa mải nghĩ ngợi, tuy thế vẫn xa lánh với mọi thứ khác; một cách tự do, người đó không quan tâm đến điều gì cả như thể chỉ có một mình anh ta” [38, tr. 435]. Sự bí ẩn, u tịch của Lâu đài đã làm nỗi cô đơn của nhân vật K càng thêm lớn. Khát khao được chia sẻ, được gần gũi đã trở nên bẽ bàng khi vấp phải sự đáp trả của không gian lạnh lẽo và bí ẩn. Sự xuất hiện của không gian lâu đài trong tiểu thuyết, vì thế, càng chứng tỏ được tính biểu tượng sâu sắc của nó.

Bệnh viện cũng là không gian mang tính biểu tượng cho nỗi đau, mất mát của con người trong chiến tranh. Nó phản ánh mặt trái của cuộc chiến với những đau đớn về thể xác, về sự chia lìa vĩnh viễn của tình thân. Trong

Những linh hồn xám, qua cái nhìn của nhân vật viên cảnh sát, bệnh viện thời chiến là “một phòng tập thể rộng lớn đầy tiếng thở thoi thóp, váng vất mùi chua chua của bông băng, của những vết thương đầy mủ, của sự dơ dáy. Đó là mùi của những vết thương, của nỗi buồn, cơn đau chứ không phải là mùi của cái chết”, “giường nào cũng có người nằm, la liệt trên đó là những hình hài thuôn dài mất hút trong bông băng, cựa cựa quậy quậy” [20, tr. 217]. Qua cách miêu tả này, dường như hình hài của bệnh viện thời chiến có sự khác biệt với hình hài của bệnh viện thời bình. Cùng là không gian của bệnh tật, của đớn đau nhưng bệnh viện thời chiến mang trong nó sự ghê rợn, cái chết như hiện hình, giãy dụa khắp nơi. Trong Cháu gái ông Linh, bệnh viện là nơi bệnh tật và tuổi già ngự trị, nơi nỗi đau ngưng đọng trong màu trắng thăm thẳm và sự lặng yên đến rợn người. Ở đó, ông Linh sống những ngày lụi tàn khi bị lấy đi cơ hội được giao tiếp chia sẻ với người bạn ngoại quốc, nơi ông bị cầm tù trong nỗi cô đơn. Ở đây, anh chàng viên cảnh sát đã sống cùng vợ những giây phút cuối cùng, mỗi khoảnh khắc trong bệnh viện trôi qua là biết

bao yêu thương, đớn đau, hối hận, bất lực, hoảng loạn tràn đến dày vò viên cảnh sát. Tình vợ chồng đã vĩnh viễn bị cắt đứt trên giường bệnh. Hình ảnh của những anh lính què chân, cụt tay, có một niềm thỏa mãn kì dị với mất mát của mình, bởi bị thương sẽ không phải ra trận, càng tô đậm tính chất tàn ác của cuộc chiến đưa lại. Cũng chính bệnh viện là nơi đã làm thui chột đi sự sống của ông Linh, trong ý thức của ông lão, ông vẫn còn hi vọng sống, vẫn còn niềm vui, còn bạn bè nhưng bốn bức tường bệnh viện đã giam hãm những niềm vui đẹp đẽ đó, buộc lòng thôi thúc ông phải thoát ra ngoài. Có thể nói, không gian bệnh viện mang tính biểu tượng cao, đây là không gian được xây dựng với ẩn ý về một cuộc sống luôn bị giam hãm trong bi kịch, đó chính là cuộc sống của con người trong hoàn cảnh chiến tranh.

Ngoài ra, căn phòng nơi nhân vật anh cảnh sát tư pháp và Brodeck chọn làm nơi tái dựng lại câu chuyện cũng là một không gian mang tính biểu tượng. Không gian căn phòng xuất hiện ở hai tác phẩm Báo cáo của Brodeck

Những linh hồn xám, đó là nơi nhân vật viết lên câu chuyện của đời mình, nó có điểm chung là luôn được miêu tả khi đêm về nên thường mờ ảo, thiếu ánh sáng. Trong không gian tranh tối tranh sáng đó, con người có cơ hội đối diện với bản thể chính mình, để những tâm hồn đầy vết thương và hoài nghi có được một nơi an toàn và tin cậy để được nương náu và vỗ về. Toàn bộ câu chuyện đã được viết ra ở đây, được lớp sương mờ ảo bao quanh, vừa thực vừa hư nhưng tất cả là những điều gan ruột mà nhân vật muốn được thổ lộ. Được miêu tả với thủ pháp lạ hóa, không gian căn phòng mang màu sắc của ảo ảnh như chính sự tồn tại mong manh của con người giữa cuộc đời. Không gian căn phòng viết cũng còn là biểu tượng cho cảm thức mất niềm tin, sự sợ hãi của con người. Sự an toàn của căn phòng nhỏ đối lập với không gian rộng lớn nhưng đầy bất trắc ngoài kia cho thấy con người đang cố thu mình lại trong ốc đảo an toàn của riêng họ, không muốn can dự vào cuộc sống nhiều đau

thương đang diễn ra. Nếu lâu đài là biểu tượng của sự cô đơn, bệnh viện biểu tượng cho sự mất mát thì không gian căn phòng lại là sự tổng hợp của sự cô đơn, nỗi đau mất mát và biểu tưởng cho sự mong manh trong lẽ tồn tại của con người trên cõi đời.

Được tác giả ưu tiên khá lớn dung lượng tác phẩm để miêu tả, không gian

trại tập trung trong Báo cáo của Brodeck để lại ám ảnh cho người đọc về những gì thảm khốc, ghê rợn nhất của một thời kì diệt chủng kinh hoàng trong lịch sử loài người. Được miêu tả bằng những chi tiết tả thực, bức tranh trại tập trung hiện lên như một địa ngục trần gian, với những xác chết, nghi thức treo

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 51 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)