CHƢƠNG 1 : KHÁI NIỆM VÀ CƠ SỞ CỦA VĂN HỌC CHẤN THƢƠNG
2.2 Chấn thƣơng trong tâm hồn con ngƣời
2.2.2 Rạn vỡ trong chính tâm hồn mỗi người
Một trong những đổi mới của nhãn quan về con người trong tiến trình phát triển văn học là điểm nhìn nhân sinh quan ngày càng đi sâu vào bên trong nhân vật. Thay vì chú trọng hình tượng hóa con người ở bề ngoài, ở mặt nổi của tính cách thì cảm hứng về những vấn đề “khuất mặt” đã trở nên mạnh mẽ hơn ở nhiều nhà văn. Gắn với việc nhân văn hóa bút pháp xây dựng nhân vật, việc phô bày những góc khuất là cách biểu đạt chiều sâu thẩm mỹ trong bản thể người.
Lẽ thường, để thấu hiểu một con người không phải là điều dễ dàng. Tiểu thuyết của Philippe Claudel đã đặt vấn đề con người lên một tầm vóc mới, quan tâm đến những thương tổn sâu kín nhất, những thương tổn đôi khi nhòe mờ và dễ bị lãng quên.
Rạn vỡ trong tâm hồn mỗi người hay những chấn thương về mặt tinh thần được thể hiện trong tiểu thuyết của Philippe Claudel trước hết được nhìn nhận thông qua cách nhà văn đặt nhân vật vào trong bối cảnh đời thường. Không gian chiến trận tham gia vào tiểu thuyết như là vùng không gian của tâm tưởng, của quá khứ, xuất hiện trở đi trở lại nhiều lần trong tiềm thức của nhân vật và đóng vai trò vô cùng quan trọng. Còn không gian chủ đạo, tương tác trực tiếp với nhân vật lại được xác lập là nơi chốn sinh hoạt, sinh sống riêng của nhân vật, như căn phòng, ngôi nhà, ngôi làng, thành phố, thị trấn… Mở rộng ra xung quanh là những địa chỉ gắn với hoạt động đời thường của con người như quán trọ, nhà hàng, trại tị nạn. Không gian này gắn liền với chuỗi các hoạt động và các nhu cầu, đòi hỏi của đời thường.
Hơn nữa, vấn đề thời gian ở đây, cũng được nhìn nhận dưới góc độ thế sự cá nhân và xoay chuyển quanh nhiều trục: hoặc là thời gian tuyến tính trong đời sống thường nhật, hoặc chen lẫn với thời gian hồi tưởng, đồng hiện từ quá khứ. Từ đây, đời sống tinh thần của nhân vật được đặt trong sự va chạm liên
tục với bối cảnh sống đa dạng, biến đổi liên tục trên trục thời gian phi tuyến tính, làm bật nổi những vết thương cũ, mới trong tâm hồn nhân vật. Một ví dụ tiêu biểu với Brodeck, trước quá khứ mù mờ của mình, anh luôn thấy mất mát, mặc cảm về thân phận. Không gian trại tập trung đã làm anh tổn thương mọi bề, tổn thương danh dự, nhân cách, cùng những trải nghiệm kinh hoàng chết chóc. Không gian ngôi nhà nơi có người vợ đã mất cả nhận thức vì bị hãm hiếp lại khiến nhân vật chìm sâu trong đau đớn, tủi phận, tiếc nuối, ân hận giằng xé.
Rạn vỡ trong tinh thần không chỉ bắt nguồn từ rủi ro của thời đại hoặc sức ép của cộng đồng mà trước hết, đó là kinh nghiệm về nỗi đau, về sự hụt hẫng hoặc chấn động hằn lên bề mặt tâm lý, khiến tự trong họ nảy sinh những mặc cảm chấn thương và ẩn ức lặng lẽ. Vết thương lòng ấy, không lành lặn, mà những khi “trái gió trở trời”, lại hằn lên, ám ảnh, nhói buốt. Những nhân vật này không còn được thanh thản trong đời sống mà thường xuyên bị chi phối bởi những giày vò, giằng xé, những “tiếng vọng của nỗi đau”. Tiếng vọng đó, theo Cathy Caruth trong Chấn thương: những khảo sát kí ức là những giọng nói, là trải nghiệm bắt buộc luôn vang động trong tâm trí con người, khiến họ phải lắng nghe, thấu hiểu và cảm nhận được nỗi đau từ đó. Nói cách khác, kinh nghiệm về vết thương luôn tồn tại trong tâm trí nhân vật, đưa họ đứng trên một tầm nhận thức dày dặn, đúng đắn về lịch sử, thời đại và biết cách sống với lòng cảm thông.
Đó là nguồn gốc của những nhân cách đầy mặc cảm như Destinat, Brodeck… Với Destinat, nỗi cô độc trong nhân cách ông khởi nguồn từ một tuổi thơ thiếu thốn tình cảm, bị gò ép trong một cơ chế giáo dục cứng nhắc, cái chết đột ngột của người vợ cũng hoàn thành nốt cú nốc ao nhấn chìm ông vào trong những nỗi đau khôn cùng mà không phải ai cũng thấu hiểu. Hay đối với nhân vật Brodeck, anh sinh ra đã thấm cái mặc cảm về thân phận dị biệt
của mình, kí ức về ngôi làng bị đánh bom và những mảnh sọ người cháy dở cùng hành trình đến ngôi làng mới khiến trong sâu thẳm nhận thức của anh mặc cảm dị biệt chưa bao giờ xóa nổi. Nhân vật ông Linh và ông bạn ngoại quốc - Bark cũng đón nhận quá nhiều mất mát từ trong quá khứ. Các nhân vật tự nhốt mình trong vỏ bọc khó gần nhưng thực chất nỗi đau đã khiến họ xuất hiện phản xạ tự vệ dù nhu cầu được chia sẻ nỗi lòng chưa lúc nào nguôi. Chính cách khai thác đến tận cùng những vỉa ngầm tinh vi này của tâm lý chấn thương đã cho thấy tầm vóc nhân văn trong tiểu thuyết của Philippe Claudel.
Nhìn chung, biểu hiện của những chấn thương tinh thần bộc lộ ngay trong sự tồn tại của nhân vật, có thể rõ nét, hoặc đôi khi âm thầm, nhức nhối. Việc tạo lập cá thể mang nỗi đau tinh thần, chính là dấu hiệu của sự phát triển trong năng lực khám phá, thấu hiểu con người, cũng như gợi đến một dòng chảy văn chương mới: văn học chấn thương mà các dạng thức nhân vật chấn thương cụ thể sẽ được trình bày ở phần sau của đề tài.