Nhân vật sống trong mặc cảm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 92 - 97)

CHƢƠNG 3 : VẤN ĐỀ CHẤN THƢƠNG QUA CÁC KIỂU NHÂN VẬT

3.1 Các dạng thức nhân vật chấn thƣơng

3.1.3 Nhân vật sống trong mặc cảm

Tâm thức mặc cảm thuộc về nẻo khuất của ý thức, thậm chí lùi sâu vào vô thức. Đó là biểu hiện của nỗi ám ảnh về sự mắc tội hoặc sự tồn tại nhỏ nhoi, bé mọn, thấp kém mà con người phải gánh chịu. Mặc cảm nảy sinh với cái nhìn tự nhận thức, tự phán xét trong vòng xoáy nhiều đau thương biến động trong chiến tranh. Trong các tiểu thuyết của Philippe Claudel, dạng nhân vật mang chấn thương mặc cảm xuất hiện khá phổ biến, với các biểu hiện đa chiều, đa diện. Đó là những người đang tồn tại trong một thế giới bất ổn, giữa trạng thái khốn khó và bất thường của sự sống thời buổi chiến tranh.

Ở đây, mặc cảm trong hoàn cảnh đời sống, bao gồm nhiều biểu hiện. Trước hết, đấy là mặc cảm về thân phận của những kẻ dị biệt. Philippe Claudel tập trung khắc họa số phận những thân phận dị biệt về chủng tộc

thông qua hình tượng hai nhân vật, Brodeck trong Báo cáo của Brodeck và ông Linh trong Cháu gái ông Linh. Những nhân vật dạng này đều mang trong tiềm thức của bản thân nỗi mặc cảm khủng khiếp về sự khác biệt trong dòng máu của mình. Cộng thêm vào đó là thái độ ứng xử của cộng đồng có sự thiếu công bằng, càng khiến họ lún sâu hơn vào nỗi mặc cảm lạc loài. Việc một con người mang những đặc điểm dị biệt, để sống hòa đồng trong cộng đồng xã hội thực sự không phải là một điều dễ dàng. Vấn đề này vốn được nhắc đến như là một trong những vấn đề quan trọng của xã hội học hiện đại.

Thực tế trong các tác phẩm của mình, Philippe Claudel đã lấy chất liệu từ các sự kiện từng diễn ra trong lịch sử thế giới về vấn nạn này. Báo cáo của Brodeck gợi cho người đọc nhớ lại cuộc thảm sát người Do Thái với những trại tập trung – mồ chôn tập thể do Đức quốc xã lập nên. Cháu gái ông Linh

lại gợi nhắc đến các cuộc xâm lược thuộc địa và dòng người di cư sang các nước cai trị tạo nên những thân phận lưu vong lạc lõng giữa đất người. Những con người này buộc phải lựa chọn cho mình một thân phận khác biệt giữa cộng đồng, từ dòng máu, tiếng nói, tập quán, đặc điểm ngoại hình, và một quá khứ không bình yên. Như Brodeck đã cay đắng tự nói về chính mình: “mắt quá tối, tóc quá đen, da quá nâu, từ xa đến, thuộc về một quá khứ mù mờ và một lịch sử đau đớn, lang thang và lâu đời, nói lung bung vài từ thổ ngữ” [18, tr. 296-297]. Nỗi mặc cảm trong các nhân vật này đến từ hai phía, từ phía bản ngã, họ mang sẵn ý thức mặc cảm như một cách bảo vệ mình giữa cộng đồng; từ thái độ kì thị của xã hội, cộng đồng khó có thể chấp nhận họ như một người bình thường. Khi có biến cố xảy ra, những thân phận dị biệt này bị cộng đồng ngấm ngầm hoặc công khai cô lập và gánh chịu những hệ quả không hay. Chính nhân vật viên đại tá Adolf Buller trong Báo cáo của Brodeck đã nhắc tới điều này trong một ví dụ về loài bướm Rex flammae [18, tr. 294], cộng đồng muốn tồn tại trước những biến cố của đời sống, nên biết

cách loại trừ và tiêu diệt những “Fremdёr” – kẻ ngoại bang. Việc Brodeck ngộ ra được nỗi cay đắng bị phân biệt khiến mỗi khoảnh khắc sau này của đời sống đối với anh đầy phản ứng tự vệ, như một cách ý thức cay đắng về số phận. Anh cảnh giác trước mỗi lời nói, mỗi một sự quan tâm của người đời.

Trong cảm thức chấn thương mặc cảm, biểu hiện đỉnh cao là khi các nhân vật mất đi khả năng giao tiếp. Họ ngần ngại sử dụng lời nói để giao tiếp, ngần ngại trải lòng trước một cá thể không phải là mình. Biểu hiện này xuyên suốt diễn biến tính cách của các nhân vật trung tâm của tiểu thuyết như ông Linh, Brodeck và viên cảnh sát cho thấy ngay đến cả kĩ năng tối thiểu nhất của con người là giao tiếp họ cũng không dám làm trước cộng đồng. Họ giấu thân phận dị biệt của mình trong một vỏ bọc an toàn hơn – kẻ im lặng. Nét tâm lý này được tác giả khắc họa như một đặc trưng chủ yếu của các nhân vật, họ đều là những nhân vật kiệm lời, thường chìm đắm trong dòng ý thức bất tận. Đời sống của các nhân vật trải dài miên man trong tự thú, dày vò, suy tưởng, để giãi bày với một ai đó trở thành một kĩ năng khó thực hiện đối với họ. Xây dựng nhân vật với thủ pháp dòng ý thức cũng vốn được James Joyce, William Faulkner sử dụng trong các tác phẩm của mình như một thủ pháp chủ yếu. Trong Âm thanh và cuồng nộ (1929), William Faulkner đã sử dụng lối kết cấu của tiểu thuyết dòng ý thức để diễn tả nội dung tác phẩm. William Falkner thể hiện con người cô đơn, thác loạn trong tác phẩm bằng nghệ thuật độc thoại nội tâm. Tác phẩm có tất cả bốn chương thì đã ba chương là độc thoại nội tâm (của Benji, Quentin và Jackson). Và chương cuối mới là chương dùng lời kể bình thường. Với thời gian đồng hiện, tác giả đã khiến cho sự độc thoại nội tâm của nhân vật được trôi chảy như dòng ý thức rất thực của con người. Lúc đang ở hiện tại bỗng trở về quá khứ, rồi từ quá khứ này sang quá khứ khác còn hiện tại lãng vãng như mơ hồ như cái bóng. Trong Ulysses, tiểu thuyết của James Joyce xuất bản lần đầu năm 1922, thủ pháp dòng ý thức được sử

dụng và nội dung được nén chặt bằng những sự kiện miên man trôi theo suy tưởng của các nhân vật diễn ra chỉ trong một ngày - 16 tháng 6 năm 1904. Sử dụng thủ pháp này, người đọc bị cuốn vào dòng chảy suy tưởng của nhân vật, cảm nhận điều kì diệu của ngôn ngữ trong việc diễn tả đời sống nội tâm của nhân vật.

Nói đến cảm thức chấn thương mặc cảm, thật thiếu sót nếu không nhắc đến mặc cảm tội lỗi. Mặc cảm tội lỗi sản sinh trong những con người luôn tự cho mình đã làm một điều sai trái, đi ngược lại đạo lý ở đời và từ đó luôn mang nặng mặc cảm mình là kẻ có tội, là kẻ xấu xa, đáng nguyền rủa. Trong tiểu thuyết của Philippe Claudel, có không ít nhân vật mang mặc cảm này, giữa nhiều biểu hiện, đáng chú ý nhất là mặc cảm của những nhân vật tham chiến. Chiến tranh hiện hữu trong tiểu thuyết của Philippe Claudel như một bối cảnh đầy bất trắc, con người bị cuốn vào đó, nếu không là nạn nhân sẽ là kẻ tham chiến – cũng là một dạng nạn nhân khác. Gọi kẻ tham chiến là một dạng nhân vật nạn nhân bởi sau khi xuất hiện như tư cách người có tội, họ cũng hiện ra dưới một tư cách khác, một nạn nhân, bị nỗi mặc cảm tội lỗi dày vò. Người bạn ngoại quốc của ông Linh từng tham chiến ở một nước thuộc địa châu Á, quê hương của ông Linh khi mới hai mươi tuổi. Hai mươi tuổi, ông đã nhận thức được việc mình đang làm, cầm súng đạn, nã vào những người dân vô tội, tàn phá một vùng đất mà ông đã gọi nó là thiên đường khi đặt chân đến. Những tiếng gào rú, những đứa trẻ chạy, đêm tối và lửa đạn, tất cả đã đeo bám lấy ông, là một quá khứ tội lỗi không gì gột rửa được. Hay một nhân vật khác, ông lão đã cưu mang Brodeck sau khi ra khỏi trại tập trung, một người cha phải chịu gánh nặng mặc cảm từ tội lỗi của đứa con tham chiến. Chiến tranh quả thực là một điều tồi tệ nhất trong lịch sử loài người, tất cả mọi người, bất kể tham gia chiến tranh với tư cách nào đều phải hứng chịu những vết thương khó lành. Mặc dù đã làm hết mình những điều tốt đẹp để

chuộc lỗi nhưng trong sâu thẳm tâm thức của họ, mặc cảm là kẻ có tội rất khó để gội rửa sạch sẽ. Những nhân vật này đã vô cùng đau khổ, họ rơi vào vùng kí ức tội lỗi khi bắt gặp tình cảnh thê thảm của những nạn nhân của mình. Trước nỗi cô đơn của người đàn ông lưu vong, khắc khoải gọi tên đất nước mình phía bên kia bờ biển, người đàn ông ngoại quốc đã luống cuống thú tội rồi thanh minh, vẻ cao lớn mạnh mẽ của ông biến mất, chỉ còn lại một con người yếu đuối, xấu hổ và ăn năn trước tội lỗi mình gây ra. Cũng mang tâm trạng mặc cảm tội lỗi, người đàn ông xa lạ đã cưu mang Brodeck trong những ngày đầu tiên anh ra khỏi trại tập trung với tất cả chân tình của mình. Brodeck được phục vụ như một ông hoàng, được chăm sóc từ trái tim đau đớn của một người cha có con tham chiến, làm tất cả mong chuộc lại lỗi lầm của con trai mình. Tác giả đã miêu tả xúc động sự chăm sóc của những nhân vật này đối với người họ cho là nạn nhân của chính họ với một tâm nguyện, “hãy tha thứ” [18, tr. 103].

Phán xét là tình trạng bị giày vò trong sự buộc tội hoặc tự buộc tội. Phán xét khiến con người sợ hãi và ám ảnh. Trong những tiểu thuyết của Philippe Claudel, tình trạng con người phải sống trong sự phán xét được nhắc đến ở nhiều nhân vật như một thứ định mệnh thời đại. Ở đây, không hẳn mọi phán xét đều gắn với tội lỗi cụ thể, mà nó nghiêng nhiều hơn về việc cho thấy những va chạm tinh thần đã để lại mặc cảm tội lỗi như một thứ hệ quả lên những cá nhân này. Như vậy, ám ảnh phán xét là biểu hiện của mặc cảm tội lỗi, của sự dằn vặt tâm lý mà các nhân vật phải đối diện khi dấn thân vào đời sống đa chiều, phức hợp.

Nhìn chung, vấn đề tội lỗi được nhìn nhận dưới góc độ mặc cảm đã đưa ra cái nhìn sâu sắc về đời sống tâm lý con người thời hiện đại. Đó không phải là sự buộc tội hay phán quyết, mà ngược lại, chính là nỗi xót xa và sự thấu suốt các vấn đề thuộc về bản chất nhân loại. Với sự bén nhạy trong việc nắm bắt

tinh thần thời đại, nhà văn Philippe Claudel đã khắc họa được những hình tượng vừa điển hình, vừa độc lập. Trong đó, việc phô bày những nẻo khuất trong tâm hồn con người chính là bước phát triển của nhãn quan bao quát đời sống, cả về bề rộng lẫn bề sâu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 92 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)