Đối thoại – giao tiếp dạng mảnh vỡ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 113 - 120)

CHƢƠNG 3 : VẤN ĐỀ CHẤN THƢƠNG QUA CÁC KIỂU NHÂN VẬT

3.2 Nghệ thuật phân tích nhân vật chấn thƣơng

3.2.1.2 Đối thoại – giao tiếp dạng mảnh vỡ

Tiểu thuyết của Philippe Claudel chủ yếu được viết với hình thức độc thoại, tuy vậy, hình thức đối thoại cũng đã được sử dụng linh hoạt và tạo được một dấu ấn riêng. Do đó, đây được xem là một nét nghệ thuật độc đáo trong việc xây dựng nên các hình tượng nhân vật chấn thương.

Bakhtin cho rằng, ở những cuốn tiểu thuyết thực sự có giá trị, hầu như toàn bộ tác phẩm được phân hóa thành những hình tượng ngôn ngữ gắn bó với nhau và với tác giả bằng những quan hệ đối thoại đặc thù. Theo tinh thần đó, mặc dù không sử dụng nhiều nhưng tiểu thuyết của Philippe Claudel cũng ẩn chứa trong mình nó những mẩu đối thoại, đặc biệt là những lời đối thoại giữa các nhân vật. Họ thường đối thoại với nhau về các vấn đề đã xảy ra, những gì họ trăn trở, băn khoăn, điều này giúp cảm xúc chấn thương của mỗi nhân vật dần bộc lộ ra rõ nét hơn, sinh động hơn.

Những linh hồn xám Báo cáo của Brodeck là hai tác phẩm được triển khai theo mạch hồi tưởng của nhân vật chính xưng “tôi”. Lúc này người kể chuyện chỉ đóng vai trò tái tạo lại câu chuyện và lồng vào đó mạch cảm xúc, tâm trạng của mình. Những lời đối thoại trong hai tác phẩm không nhiều và nó mang nét đặc sắc rất riêng biệt. Lời đối thoại giữa các nhân vật nhưng được ghi lại hoặc tái tạo lại theo cái nhìn chủ quan của nhà văn. Chính vì tính chất kể lại đó mà có khi lời đối thoại của nhân vật không được đặt trong dấu ngoặc kép hay không được tách xuống hàng, gạch đầu dòng mà chỉ tồn tại

đơn thuần như một sự kiện nằm trong mạch tự sự của tác giả. Khảo sát cho thấy, tiểu thuyết Báo cáo của Brodeck có 34 đoạn đối thoại, nhân vật Brodeck có mặt ở trong cả 34 đoạn đối thoại này. Tiểu thuyết Những linh hồn xám có 15 đoạn đối thoại, với chủ thể tham gia đối thoại đa dạng hơn nhiều. Trong khi đó, Cháu gái ông Linh lại được viết từ ngôi kể thứ ba, tuy nhiên, đây là ngôi kể thứ ba biết tuốt, thâm nhập thường xuyên vào nhân vật để chạm đến tận cùng những suy tư, chiêm nghiệm của nhân vật. Các đoạn đối thoại trong tác phẩm này cũng được sử dụng nhiều hơn và tách bạch rõ ràng với mạch kể. Tiểu thuyết này có 10 đoạn hội thoại và nhân vật ông Linh có mặt trong cả 10 đoạn đối thoại này. Sự khác nhau đó trong việc sử dụng đối thoại đã mang lại những hiệu quả khác nhau trong việc xây dựng các hình tượng nhân vật chấn thương trong từng tác phẩm.

Trước hết, đối thoại trong tiểu thuyết của Philippe Claudel thường đa số là đối thoại đã diễn ra và được thuật lại trong mạch tự sự của người kể chuyện. Hình thức đối thoại này đặc biệt được sử dụng trong hai tiểu thuyết Báo cáo của Brodeck Những linh hồn xám. Cách viết thuật lại đối thoại thường xen kẽ trong đó lời dẫn của người kể chuyện với những chêm xen bình luận, tạt ngang liên tưởng, khiến đoạn hội thoại bị kéo dãn ra. Cũng chính bởi cách viết này mà người đọc được thâm nhập sâu hơn vào dòng cảm xúc của nhân vật, hiểu được tường tận hơn những đổ vỡ, đau thương mà nhân vật phải gánh chịu.

Brodeck trong đoạn đối thoại với nhân vật Anderer là một đoạn đối thoại bị kéo dãn đến 20 trang viết [18, tr. 301-320]. Đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ nhưng nhân vật Brodeck đã có dịp trải lòng về những bất hạnh đau thương mà gia đình anh phải gánh chịu. Trong suốt 20 trang văn bản, Brodeck kể lại câu chuyện của mình từ lúc bọn lính vào làng bắt anh đi đến khi vợ anh bị làm nhục và ngày trở về đẫm nước mắt. Đây là lần đầu tiên Brodeck được trải

lòng mình một cách thoải mái như thế, như một người đang say chuyện, lại là câu chuyện mà anh đã ôm trong lòng bao lâu như khối u nhức nhối. Brodeck trong mạch tâm sự, đôi khi lạc ra ngoài diễn ngôn kể của mình, rơi vào trong diễn ngôn của người kể chuyện với những bình luận bên lề. Chẳng hạn sau khi đã kể lại gần hết câu chuyện của mình, lời người kể bỗng lạc vào mạch tâm sự của Brodeck: “Đoạn tiếp theo, tôi kể cho anh ngắn gọn…” [18, tr. 317]. Cũng có những khi hình ảnh quá khứ hiện về gây những chấn động lớn trong lòng anh, Brodeck – người đối thoại với Anderer đã tạm quên đi người ngồi đối diện mình để lạc vào trong dòng cảm xúc đớn đau khi câu chuyện nhắc tới người vợ: “tôi gọi đi gọi lại tên nàng với niềm vui vô bờ bến được gặp lại nàng, tay tôi đặt lên vai nàng, vuốt ve đôi má, mái tóc nàng…” [18, tr. 318].

Một đặc điểm nữa trong cách sử dụng đối thoại của Philippe Claudel là ông thường dùng những đoạn đối thoại ngắn nhưng bộc lộ được tính cách hoặc tâm trạng nhân vật rất đắt giá. Chẳng hạn trong chương mở đầu tác giả chỉ trích dẫn một lượt lời duy nhất trong cuộc đối thoại của ông Kiểm sát trưởng Destinat và kể sắp sửa bị kết án:

“Thưa ô' Kiểm sá' trưởng, thưa ô' Kiểm sá' trưởng”

“Đúng rồi, anh bạn, chúng ta đã từng gặp nhau phải không nhỉ? Tôi có thể giúp gì anh được đây?” [20, tr. 21]

Cuộc đối thoại ấy cho ta thấy được sự lạnh lùng uy nghiêm của kẻ đại diện cho pháp luật đang thực thi quyền lực. Nếu trên phiên toà chỉ một vài từ ngữ đủ dựng lên một chiếc “máy chém” thì ở ngoài tiền sảnh tòa án, cách ông đáp lại một người tử tù đang run sợ đến líu lưỡi bằng cách nói rất lịch sự, kiểu cách chẳng khác nào bản án thứ hai vậy. Kiểm sát trưởng là một con người rất kiệm lời, và vì thế nên ông làm cho người ta kinh sợ, vẻ lạnh lùng của ông cũng càng được nhân lên. Chính sự chắt lọc ngôn từ tới mức tối đa, sử dụng

khi cần nhất nên lời nói của ông rất có trọng lượng. Đó là vũ khí giết người không cần dao kéo, vũ khí tàng hình ông đâm thẳng vào trái tim nạn nhân. Một bản tuyên án kết thúc cuộc đời của một con người thường được ông viết ra không dài nhưng chỉ cần ông đọc lên là tất cả phải nghe theo, mội sự biện minh, ăn năn, hối lỗi đều trở nên vô nghĩa trước bản án mà ông đã tuyên. Một lời thoại thôi cũng đủ dựng nên chân dung, tính cách, nghề nghiệp của một con người. Chính cách sống lặng lẽ, khép kín trong tòa Lâu đài làm cho mọi người không dám tới gần ông vì sợ giao tiếp với ông. Vì vậy, trước cái chết bất ngờ của Lysia, chỉ có ông Kiểm sát là có chút ít dính dáng nhưng anh cảnh sát lại không đủ bản lĩnh để giao tiếp với Destinat. Vì thế, lời đối thoại giữa hai người vô cùng rời rạc, như là một sự ép buộc phải giao tiếp. Anh cảnh sát phải “hất đầu”, “hắng giọng” để tạo sự tự tin khi cất lời hỏi và chờ đợi câu trả lời. Còn ông Kiểm sát trưởng thì vẫn thế, thờ ơ, dửng dưng, lạnh lùng như bản tính của ông vốn vậy.

“Đúng thế...”

“Bác đã không thấy gì hết à?” “Không thấy gì hết”

Như vậy, rõ ràng diễn ngôn nhân vật có chức năng cá thể hóa tính cách nhân vật rất cao. Bằng lời đối thoại của nhân vật giúp chúng ta hình dung được bức chân dung hoàn chỉnh của các nhân vật.

Những nhân vật chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel có một đặc điểm chung, đó đều là những nhân cách bị nỗi cô đơn, lòng hoài nghi bủa vây. Chính vì thế, họ rất ngại phải tham gia vào những cuộc giao tiếp, đối thoại. Trong các cuộc đối thoại được khảo sát ở ba tiểu thuyết, có rất nhiều cuộc đối thoại gần như là một hình thức độc thoại vì chỉ một chủ thể trực tiếp ra lời, đối tác trần thuật còn lại chọn cách im lặng như một ngôn ngữ giao tiếp ngầm, hoặc im lặng bởi họ mất đi khả năng diễn đạt bằng lời nói. Brodeck khi

được ông lão giúp đỡ khi vừa ra khỏi trại tập trung đã không thể cất lời nổi. Ông lão nhân hậu hầu như chỉ nói một mình, còn Brodeck chọn cách im lặng bởi cuộc sống tù ngục khiến anh tạm thời mất khả năng nhạy bén về ngôn ngữ. Sau này khi về làng sống lại bên gia đình, các cuộc đối thoại của anh chỉ xoay quanh những nhân vật thân thuộc như bà lão Fédorine, người thầy giáo cũ Diodème, ngoài ra trong các cuộc đối thoại với người khác, anh rất kiệm lời, việc phải nói ra với anh là điều không dễ dàng. Khi có cơ hội giãi này với Anderer, Brodeck đã trả lời Anderer mà như nghe tiếng một ai xa lạ, “với một giọng tôi không nhận ra là giọng của mình” [18, tr. 305]. Nhân vật viên cảnh sát cũng tương tự, để viết ra trên giấy là điều rất dễ dàng, nhưng để cất lên thành lời những suy nghĩ, quan điểm của mình lại là không dễ. Đặc trưng đối thoại này cho người đọc thấy được nhiều điều trong nhân cách chấn thương của nhân vật, nỗi cô đơn, hoài nghi, đau khổ tột cùng, nỗi mặc cảm dị biệt.

Tiểu thuyết của Philippe Claudel rất hạn chế về diễn ngôn đối thoại, đó là kết quả của sự sàng lọc vô cùng kĩ càng và tỉ mỉ. Mỗi cuộc đối thoại dù ngắn, dù dài đều gửi gắm một tầm nhìn nhất định của nhà văn. Cuộc đối thoại duy nhất giữa anh cảnh sát và bác Marcoire (bạn, địch thủ đối đầu của người cha viên cảnh sát) mở ra nhiều trường suy nghĩ:

“Thế hắn ta chết rồi à?

- Chết thật rồi bác Marcoire ạ... - Thẳng đểu, chơi tao cái trò ấy! - Cha cháu cũng có tuổi rồi. - Có nghĩa là tao cũng thế a? - Vâng đúng thế.

- Đồ giòi bọ, chơi tao cái trò ấy! Tao biết làm cái quái gì bây giờ? - Bác cứ đi, đi đến nơi khác, thưa bác Marcoire.

- Không có cái đếch gì khác là đi nơi khác à... Mày cũng đểu như cha mày!

Đồ chó chết! Như kiểu lão ta có mặt trên cõi đời này chỉ để làm tao bực mình... Tao sẽ như thế nào bây giờ... Mày nghĩ là lão ta đã đau đớn à?

- Cháu không nghĩ thế.

- Không đau đớn chút nào ư?

- Có thể lắm, cháu không biết, ai mà biết được?

- Tao thì tao sẽ phải đau đớn, chắc chắn rồi, tao cảm thấy bắt đầu đau, đồ đểu cáng...” [20, tr. 128-129]

Đây là đoạn hội thoại khi nhân vật viên cảnh sát về thăm lại người cha và phát hiện ông đã mất. Ẩn đằng sau lớp ngôn ngữ tục tằn, thô lỗ, “thằng đểu”, “đồ giòi bọ”, “cái đếch gì”... là một sự ẩn mình của nhân vật để che dấu nỗi đau cô đơn. Cô đơn vì xung quanh mình chẳng còn ai. Chiến tranh làm cho người ta ly tán và con người trở nên lẻ loi, trơ trọi và cô độc giữa cuộc đời. Vì thế, đối thoại ở đây không phải là để xác lập các mối quan hệ mà là để nói lên tính cách con người và bi kịch làm người. Đối thoại chỉ là tấm áo choàng khoác lên bên ngoài để che dấu và khỏa lấp nỗi trống vắng đang ngự trị và tồn tại trong lòng. Lời đối thoại trong tác phẩm vì thế giúp chúng ta nhận thức được bi kịch khi con người phải sống chung với chiến tranh như một người bạn.

Một đặc điểm nữa trong diễn ngôn đối thoại của tiểu thuyết Philippe Claudel đó là sự đan xen giữa diễn ngôn đối thoại của nhân vật với diễn ngôn của tác giả. Nhân vật giao tiếp, đối thoại với nhau trong vỏ bọc diễn ngôn trần thuật của nhà văn. Chính sự lồng ghép này đã làm cho lời đối thoại trở thành một phương thức hữu hiệu để chuyển tải thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm. Đồng thời, nó cũng khắc sâu tính cách cũng như nhấn mạnh những tâm tư, tình cảm, nỗi đau của con người. Chiến tranh, án mạng làm cho con người

ta cảm thấy run sợ trước chính cuộc sống mà mình đang tồn tại. Cái ác, sự tàn nhẫn, lạnh lùng làm con người phải thức tỉnh để nhìn nhận lại giá trị đạo đức làm người. Tất cả giống như một mớ bòng bong hỗn loạn. Cuộc sống đó, nỗi đau đó quá lớn khiến cho mọi người bị siết chặt vào vòng vây cương tỏa của số phận. Tác phẩm rung lên âm điệu buồn với khát khao được sống một cuộc đời đúng nghĩa.

Khảo sát toàn bộ ba tiểu thuyết chúng ta cũng nhận thấy, tác giả dựng nên các cuộc đối thoại với nhân vật tham gia không có sự trùng lặp lại lần thứ hai, vì thế tạo nên dòng thác thẳng băng cho câu chuyện kể. Đồng thời, nội dung của các cuộc thoại cũng cho thấy sự không trùng lặp. Với tính chất “không hoàn lại” đó, người đọc được trải qua nhiều cảnh đời, số phận cũng như những tổn thương mất mát khác nhau của các nhân vật, khắc sâu thêm nỗi đau của nhân vật, của thời đại. Hơn nữa, việc đan cài trong diễn ngôn đối thoại của nhân vật là diễn ngôn của người trần thuật đã tạo sự an tâm trong tâm thế đọc của độc giả. Nhân vật vừa là chủ thể nhưng cũng là khách thể của câu chuyện kể được nói tới. Những lời đối thoại ngắn gọn có cái kết hay không có cái kết, rời rạc hay lẻ tẻ thể hiện dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Những gì còn bỏ ngỏ sẽ được người đọc bổ sung, lấp đầy theo những cách riêng của mình làm cho sự phản ánh trở nên hoàn thiện hơn.

Tính cách nhân vật thể hiện rõ qua đối thoại nhưng việc lược bỏ tối đa các cuộc thoại trong tác phẩm là cách mà nhà văn kêu gọi sự đồng sáng tạo ở mỗi người tiếp nhận. Philippe Claudel không để cho người đọc dễ dàng nắm bắt linh hồn tác phẩm chỉ qua lần đọc duy nhất. Những linh hồn màu xám, những thế giới con người bí ẩn đang chờ đợi chúng ta phát hiện. Nhà văn đã chinh phục được độc giả chính nhờ thủ pháp nghệ thuật đặc sắc như vậy.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 113 - 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)