Hát – hành động an ủi chính mình

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 120 - 125)

CHƢƠNG 3 : VẤN ĐỀ CHẤN THƢƠNG QUA CÁC KIỂU NHÂN VẬT

3.2 Nghệ thuật phân tích nhân vật chấn thƣơng

3.2.2.1 Hát – hành động an ủi chính mình

Một số nhân vật trong tiểu thuyết của Philippe Claudel lại chọn cách “hát” như một hành động tự ru mình để vượt qua vết thương hoặc như một cách nhắc nhớ về nỗi đau không nguôi trong lòng họ. Theo tâm thần học, khi chấn thương tinh thần trong một con người vượt quá ngưỡng chịu đựng, con người sẽ nảy sinh phản xạ tự bảo vệ mình bằng nhiều cách khác nhau. Họ có thể lựa chọn im lặng như một giải pháp tự vệ an toàn, khi bật ra thành lời hát, đó lại là một cách an ủi hữu dụng.

Trong tiểu thuyết của Philippe Claudel, tác giả đặt hành động này vào trong những nhân vật mà chấn thương ở họ đã vượt ngưỡng chịu đựng, khiến họ rơi vào trạng thái mất ý thức của một dạng bênh lý tâm thần. Nhân vật ông Linh, nhân vật Emélia là hai nhân vật như thế. Với ông Linh trong tiểu thuyết

Cháu gái ông Linh, chiến tranh đã lấy mất của ông tài sản lớn nhất, cũng là duy nhất: gia đình. Chưa hết, chiến tranh cũng lấy đi không gian an toàn nhất, che chở cho ông, đó là quê hương. Thân phận ông như chiếc lá bị bứt ra khỏi cành, chơ vơ xoay vần giữa cơn bão chiến tranh. Nỗi đau mất mát đến vào lúc tuổi già khiến tinh thần ông bị va đập dữ dội, nỗi đau khiến ông bị rơi vào trạng thái tâm thần hoang tưởng, ông ôm một con búp bê mà cứ ngỡ là đứa cháu sơ sinh may mắn sống sót trong trận càn quét. Nhưng đứa cháu gái trong tâm tưởng ấy chính là sợi dây duy nhất níu giữ ông ở lại với cuộc đời. Năng

lượng sống còn đến từ bài hát ông vẫn lẩm nhẩm mỗi ngày, bài hát quê hương ông:

Bao giờ cũng có buổi sáng… Bao giờ ánh sáng cũng quay về Bao giờ cũng có một ngày mai

Một ngày kia chính em sẽ trở thành người mẹ

Nội dung của bài hát quê hương ông Linh có tinh thần tươi sáng, lạc quan, với niềm tin bất diệt vào tình yêu, vào ngày mai. Ca từ gợi nhắc về “buổi sáng”, về “ánh sáng”, về “ngày mai”, về “một ngày kia” với lời khẳng định lặp đi lặp lại, “bao giờ” cũng thế, những điều tốt đẹp sẽ lại quay về. Đó là niềm tin mãnh liệt nảy nở trong tâm hồn của một người gần như không còn lại gì, tuổi trẻ, sức khỏe, tài sản, gia đình, quê hương, càng cho thấy sức sống diệu kì, bất chấp hoàn cảnh của con người trong hoàn cảnh chiến tranh, lưu lạc.

Còn với Emélia, người vợ, tình yêu bất diệt của Brodeck, cô đã phải gánh chịu nỗi đau khủng khiếp – bị ngôi làng cô lập bởi chồng cô là một kẻ ngoại bang, bị bọn lính và những người làng cưỡng hiếp đến điên loạn. Từ đó, cô chìm vào trong cơn mê của quá khứ với tình yêu đẹp đẽ từ thuở thanh xuân. Bài hát kỉ niệm của vợ chồng cô trở thành tấm áo choàng tin cậy cho cô núp bóng:

Hoàng tử đẹp trai dịu dàng Đã đi thật xa rồi

Hoàng tử đẹp trai dịu dàng

Bao nhiêu đêm thiếu vắng môi chàng Hoàng tử đẹp trai dịu dàng

Bao nhiêu ngày nắng sáng mới lên Hoàng tử đẹp trai dịu dàng

Hãy mơ như em vẫn hằng mơ Hoàng tử đẹp trai dịu dàng

Chàng và em lại bắt đầu một sáng

Bài hát nhắc đi nhắc lại ca từ “Hoàng tử đẹp trai dịu dàng”, đó là một hình ảnh đẹp, gợi nhớ người chồng đang đi xa, cũng là gợi nhắc đến những kí ức đẹp của tình yêu thời trẻ. Bài hát vừa mang nỗi lòng của người đợi chinh phu, vừa tràn đầy hi vọng về một ngày sum họp hạnh phúc trong tương lai.

Những đoạn bài hát như thế này vang lên đều đặn trong các tác phẩm của Philippe Claudel đưa lại giọng điệu ủi an, êm đềm cho tác phẩm. Trước hết, đây là những bài hát thuộc về quá khứ, thuộc về những kỉ niệm đẹp đẽ, thiêng liêng nhất, gần gũi nhất, thuộc về thời đoạn đáng nhớ nhất của nhân vật. Với ông Linh, bài hát đó là một khúc hát dân ca của quê hương, khúc hát mà những người thân thuộc của ông đã hát trên mảnh đất, ở ngôi làng thân thuộc, nơi sinh ra và nuôi nấng ông cùng gia đình, bài hát truyền từ đời này qua đời khác [19, tr. 33]. Khi rời bỏ mảnh đất thân thuộc, ông chỉ kịp mang theo một nắm đất, một bức ảnh kỉ niệm của gia đình đã nhòe hết đường nét và ông mang theo bài hát của đất nước mình như muốn bù đắp lại nỗi mất mát lớn lao trong lòng. Một bài hát quê hương ẩn chứa trong đó là đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hóa của người dân, một khúc ca như thế có sức mạnh neo giữ một thân phận mỏng manh như ông Linh giữa đất người xa lạ. Bài hát là hình bóng thiêng liêng của đất nước, là giai điệu gợi lên biết bao gần gũi, thân thuộc. Bài hát đưa ông về với ngôi làng nhỏ, “nơi mình đã sống, trong ngôi nhà tre dưới đất có hàng rào thưa, tất cả thấm đẫm mùi bếp lửa người ta nấu

ăn trên đó trong khi mưa rũ bộ lông mao trong sáng và bằng nước xuống mái lá [19, tr. 34]. Nhà văn đã viết về bài hát của ông Linh với những dòng văn

trân trọng và yêu mến nhất, những hình ảnh “ngôi nhà tre”, “hàng rào thưa”, “mùi bếp lửa”, mưa rũ bộ lông mao” hiện lên lung linh một miền kí ức.

Những hình ảnh thân thuộc đó, ông Linh không còn cơ hội được nhìn lại, nó chỉ trở về trong âm vang bài hát cũ.

Còn với Emélia, bài hát ấy là kỉ niệm của những ngày đầu yêu nhau, bài hát trong đêm khiêu vũ, trong men say tình yêu tuổi trẻ, Brodeck đã nhớ lại kỉ niệm với Emélia cũng chính qua bài hát này: “Đó là giây phút trước khi có nụ hôn đầu tiên. Vài phút ngây ngất đã dẫn đến với nụ hôn đó. Đó là một thời xa xưa. Trước thời kì loạn lạc. Đã có bài hát này, bài hát của nụ hôn đầu tiên, bài hát của ngôn ngữ cổ xưa đã đi qua bao thế kỉ như người lữ hành qua bao biên giới. Bài hát tình yêu tan chảy trong những lời dữ dội, bài hát huyền thoại, bài hát của một buổi tối và của một cuộc đời” [18, tr. 219]. Sự thiêng liêng của khúc ca được gắn với khoảnh khắc của tình yêu và sự lâu đời của ngôn ngữ dân tộc. Tình yêu với Brodeck là lẽ sống duy nhất của Emélia, đưa cô đi qua năm tháng tuổi trẻ say mê và cứu vớt cô khỏi những kí ức ảm đạm của một tuổi thơ mịt mùng, thế nên thật dễ hiểu khi dù đã rơi vào trạng thái mất nhận thức nhưng bài hát cũ vẫn ở lại và ngân nga không dứt trên đôi môi Emélia.

Giai điệu và lời ca bài hát được Philippe Claudel nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm, trước hết, là một cách nhấn nhá, nhắc lại nỗi mất mát lớn lao mà con người phải chịu đựng. Với Brodeck, hình ảnh Emélia ngồi bên cửa sổ, ánh mắt vô định xa xăm trong khi miệng vẫn lẩm bẩm bài hát cũ là hình ảnh đau xót nhất với anh. Anh đã từng phải thốt lên trong tâm tưởng: “Đừng khe khẽ hát nữa, anh van em đấy, đừng ngân nga điệu nhạc làm cho đầu óc và con tim anh vỡ vụn”, “những cái anh có được mới ít ỏi làm sao và cuộc đời anh không có một chút ánh sáng nếu không có em” [18, tr. 162]. Với ông Linh, giai điệu bài hát vang lên khiến ông càng ý thức rõ ràng hơn sự mất mát ở hiện tại, giai điệu ấm áp và gần gũi ấy càng làm ông cảm giác rõ hơn cái lạnh của thời tiết, cái xa lạ của cộng đồng nơi ông đang góp mặt.

Thế nhưng ở một phương diện khác, khi để cho tâm hồn chìm lấp trong những giai điệu quen thuộc và đẹp đẽ của kí ức, ông Linh hay nàng Emélia đã tìm thấy động lực, ý nghĩa sống của cuộc đời mình, giúp họ vượt qua mất mát đau thương và tiếp tục sống, dù là trong tình trạng hoang tưởng của tinh thần. Tác giả đã để cho giai điệu bài hát trở đi trở lại trong suốt chặng dài tác phẩm, như đôi cánh giúp nâng đỡ tinh thần của nhân vật. Với ông Linh bài hát “là một loại dầu thơm làm dịu đôi môi ông, cũng như làm dịu tâm hồn ông”, “nhờ có chúng, người ta dễ dàng trở lại nơi mình sinh ra, nơi mình đã sống, trong ngôi nhà tre dưới đất có hàng rào thưa…” [19, tr. 34]. Cũng chính giai điệu của âm nhạc đã trở thành phương cách giao tiếp thần kì giữa những con người bất đồng ngôn ngữ, giữa ông Linh và người bạn ngoại quốc đáng mến. Với tinh thần của tác phẩm, những giai điệu này đã đưa lại nét đẹp lãng mạn cho một tiểu thuyết đầy đau thương, đưa lại ý nghĩa nhân văn cho tác phẩm, điều mà Philippe Claudel luôn mong mỏi hướng đến.

Ở một hệ giá trị khác, khi các nhân vật được bao bọc bởi giai điệu của kí ức, của kỉ niệm đẹp đẽ cũng chính là khi họ chính thức chối bỏ hiện tại nhiều đau thương, khóa trái cánh cửa, ngăn những xâm nhập của những vết thương mới. Đây cũng chính là một cách phản kháng, một phản xạ tự vệ của con người trước chấn thương tinh thần. Qua đây, Philippe Claudel cũng muốn cất lên tiếng nói phê phán đầy ẩn ý của mình tới những hệ quả đau thương mà các cuộc chiến tranh gây ra cho xã hội loài người.

Một biến thể khác của khúc hát tinh thần, đó là giọng nói yêu thương ngân nga đầy giai điệu của người yêu. Brodeck vì câu nói Emélia đã hét lên trong hoảng loạn “Anh sẽ trở về” mà cam nguyện sống thân phận Chó Brodeck để được sống sót quay trở về. Với viên cảnh sát, dẫu tháng năm đã làm mờ gương mặt người vợ trong kí ức nhưng giọng nói êm đềm của cô thì

anh nhớ rất rõ, không bao giờ quên, là giai điệu êm ái nhất của tình yêu, nâng đỡ anh suốt quãng thời gian sống sau này.

Có thể thấy, người ta có thể tìm thấy nhiều thứ từ giai điệu của âm nhạc, nhất là khi nó được cất lên từ những kỉ niệm đẹp đẽ thiêng thiêng của quá khứ. Với các nhân vật chấn thương, đó chính là liệu pháp tinh thần, giúp họ đi qua những cơn tai biến khủng khiếp mà chiến tranh đã giáng xuống cuộc đời.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 120 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)