Nhân vật cô đơn, ám ảnh

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 87 - 92)

CHƢƠNG 3 : VẤN ĐỀ CHẤN THƢƠNG QUA CÁC KIỂU NHÂN VẬT

3.1 Các dạng thức nhân vật chấn thƣơng

3.1.2 Nhân vật cô đơn, ám ảnh

Một thời đại bất ổn đã sinh ra những thân phận người mang tâm hồn đầy bất an, mất niềm tin với cộng đồng và ngay cả với chính mình. Trong tâm lý đó, con người không còn tự tin vào khả năng được sẻ chia, an ủi từ người khác. Vì thế nên để an toàn, các nhân vật xuất hiện động thái thu mình lại trong cô đơn và ám ảnh như một phản xạ dễ hiểu. Trong tiểu thuyết của Philippe Claudel, đâu đâu cũng thấy bóng dáng của những gương mặt cô đơn. Mỗi nhân vật cô đơn được tác giả xây dựng như một thế giới bí ẩn, cô độc và riêng biệt trong cộng đồng người. Họ đeo mang những ẩn ức không dễ để

thấu hiểu, sẻ chia, tự họ tâm sự với chính họ, phản biện, tranh luận với chính mình, những khúc đoạn đối thoại với cộng đồng của những nhân vật này cũng nhuốm đầy màu sắc độc thoại, tự tình. Không thể sẻ chia nên nỗi đau trong lòng người lại càng lớn hơn, càng cuộn xoáy và đầy ám ảnh.

Biểu hiện đáng chú ý đầu tiên ở dạng thức nhân vật này là ngay từ bề ngoài, các nhân vật đã cho thấy sự khác biệt với cộng đồng người xung quanh. Đó có thể là một viên kiểm sát với bề ngoài lạnh lùng, khắc kỷ như Destinat, hay là nhân vật mang thân phận dị biệt với cộng đồng ngay từ trong dòng máu như nhân vật Brodeck, ông Linh, hay cô gái trẻ Lysia Verhareine với vẻ đẹp lạ lùng, nổi bật đến nỗi “không phù hợp để làm bất cứ nghề gì”. Với vẻ ngoài khác biệt, những nhân vật này đã mang trong mình số phận của một kẻ cô đơn, và cũng chính sự khác biệt từ bề ngoài càng khiến nhân vật khép mình hơn nữa, nỗi cô đơn trong lòng càng tăng lên gấp bội.

Mang một vẻ ngoài khác biệt với cộng đồng, những nỗi niềm mà các nhân vật này đeo mang cũng đặc biệt hơn với số đông xã hội. Với viên kiểm sát trưởng Destinat trong tiểu thuyết Những linh hồn xám, cuộc sống giàu có và quyền hành ông nắm trong tay không thể nào khỏa lấp được thân phận cô độc đã theo ông từ khi mới ra đời. Cái chết của người vợ ông mà ông rất yêu thương chỉ sau kết hôn sáu tháng càng đẩy nhân vật này vào cảnh cô độc đến tột cùng. Tuy mang một vẻ ngoài “lạnh lùng, uy nghi và xa vời” [20, tr. 18] nhưng thẳm sâu trong tâm hồn nhân vật lại mang một nỗi đau khó ai thấu hiểu. Miêu tả về Destinat, tác giả sử dụng đa điểm nhìn, cùng hội tụ làm bật thoát thế giới cô đơn đang ẩn chìm trong con người kì lạ này. Qua cái nhìn của bà giúp việc Barbe “Ngay khi con bé vào ở trong nhà, người ta thấy ông ấy đã thay đổi hẳn” [20, tr. 82]; Qua cô gái trẻ Lysia “Đó là một người cô đơn, già cả và lạnh lùng” [20, tr. 267]; Qua điểm nhìn của những tù nhân ở nhà tù V. thì ông là “tên Uống Máu” [20, tr. 18]. Nhưng qua cái nhìn “hiểu

chuyện” của viên cảnh sát – nhân vật kể chuyện, Destinat lại hiện lên với những nét tính cách hồn hậu và đáng cảm thông. Nhân vật này còn được miêu tả gián tiếp qua hình tượng tòa lâu đài Destinat, cũng như chủ nhân của nó, lâu đài Destinat là địa điểm đặc biệt ở thị trấn nhỏ này, rộng mênh mông, khó ra vào và mang một màu cũ xám đầy bí ẩn.

Trong Destinat, có một nỗi ám ảnh lạ lùng về cái đẹp và tình yêu. Dường như nỗi đau về cái chết của người vợ khi còn quá trẻ đã đẩy Destinat vào một thái độ sống tiêu cực. Ông bị ám ảnh bởi cái đẹp thanh xuân, ông vừa tôn thờ, vừa sợ hãi khi nhìn thấy hình ảnh ấy bởi nó gắn với nỗi đau quá lớn mà ông từng chịu đựng vì cái chết của người vợ trẻ. Điều này lí giải cho thái độ khó hiểu của ông trước hai nhân vật, cô gái Lysia và cô bé Hoa Bìm Bìm. Vẻ đẹp của họ đã tưới mát tâm hồn nhiều thương đau, khiến vỏ bọc lạnh lùng và khắc kỉ của ông phải tan chảy, đồng thời khiến nhân vật viên cảnh sát phải nghi ngờ sự liên quan giữa cái chết bí ẩn và thảm khốc của hai nhân vật này với vai trò của Destinat. Nỗi cô độc bí ẩn của Destinat là lớp sương mù bao quanh nhân vật, khiến nhân cách của Destinat mãi mãi nằm trong vùng mù mờ, khó lí giải cho đến cuối truyện. Ngay cả khi viên cảnh sát đã đi vào tòa lâu đài, lần giở những bút tích mà Destinat để lại sau khi mất thì nhân cách của nhân vật này cũng không sáng rõ hơn.

Cô đơn không chỉ là khi nhân vật mang một thái độ sống lạnh lùng và xa cách với đám đông, cô đơn là khi dù đã hòa mình vào cộng đồng, nhưng vì không chung lí tưởng, không chung mong ước, nhân vật buộc lòng phải giấu những nỗi niềm đó cho riêng mình. Cô giáo Lysia Verhareine là một nhân vật như thế. Dưới cái nhìn của người dân ở thành phố V., Lysia là một cô gái xinh đẹp lạ lùng, là một cô giáo yêu trẻ, luôn yêu đời với vẻ thân thiện và nụ cười không bao giờ tắt. Nhưng đằng sau vẻ bề ngoài xinh tươi đó, Lysia chôn dấu một nỗi đau lớn vì phải chia lìa, xa cách người yêu. Cô đến thành phố V. là để

được gần anh, được sống dưới cùng một bầu trời và hít thở chung một bầu không khí với người yêu. Cô giấu nỗi nhớ nhung và tình yêu mãnh liệt của mình trong những trang nhật kí, nụ cười và ánh mắt rạng ngời, xa xăm của cô cũng chỉ để dành cho anh, người lính trẻ ở bên kia chiến tuyến. Nếu không có những trang nhật ký hé mở cuối truyện, không ai có thể biết được rằng Lysia đã phải chịu đựng những đắng cay, vật vã, thậm chí là hận thù. Những trang giấy chất chứa những nỗi niềm của cô gái trẻ, nỗi bất lực khi không thể tới được gần hơn với người yêu, nỗi ghen tuông giận hờn yêu thương mà cô dành cho người yêu, hay những suy nghĩ hằn học, ghen tị với hạnh phúc của người đời. Đằng sau vẻ trong sáng, thánh thiện của Lysia là nỗi thống khổ thôi thúc cô nảy sinh những suy nghĩ chết chóc và “ngày càng sa đọa” [20, tr. 280]. Để khắc họa nỗi cô đơn, Lysia chỉ được miêu tả từ hội tụ những điểm nhìn bên ngoài qua con mắt dò xét của người dân thành phố V. Viết về Lysia, hầu như nhà văn không sử dụng đối thoại, cô chỉ trò chuyện với chính mình thông qua những trang nhật kí, đây chính là biểu tượng sống động nhất cho nỗi cô đơn ngày một lớn, ngày một cắn xé trái tim non trẻ của cô giáo Lysia.

Destinat hay Lysia là một kiểu nhân vật tự nguyện lựa chọn thân phận cô đơn cho chính cuộc sống của mình. Ngoài ra, còn có những nhân vật, bị đẩy vào một tình thế buộc phải lựa chọn cô đơn làm bạn đồng hành bởi sự khác biệt quá lớn với cộng đồng mà nhân vật chung sống. Brodeck, ông Linh là hai trong số những nhân vật như vậy. Nếu Brodeck là “kẻ ngụ cư” ở ngôi làng anh đang sống, khác biệt cả về nguồn gốc, dòng máu, dân tộc thì ông Linh lại mang thân phận lưu vong, ngoài những yếu tố khác biệt trên ông còn bất đồng ngôn ngữ với người bản địa. Ngay đến cả phương tiện giao tiếp tối thiểu nhất là ngôn ngữ cũng không có, nhân vật buộc phải lựa chọn cách sống cô đơn giữa cộng đồng. Với ông Linh, ông chọn cách làm bạn với chính mình, ông tự trò chuyện với chính mình, với đứa cháu gái bé bỏng, với bà con ở quê cũ

trong miền tưởng tượng. Bằng cách này, ông Linh được tiếp thêm những nhịp đập trái tim thật mạnh mẽ để sống và tạo dựng tương lai cho đứa cháu gái bé bỏng ở nơi quê người. Nhờ biết cách làm bạn với cô đơn mà ông đã trải qua cuộc phiêu lưu nhọc nhằn ở vùng đất mới một cách ngoạn mục. Ông tự trò chuyện, tự động viên mình, tự tiếp thêm sức mạnh cho tấm thân già yếu và thân thế bơ vơ giữa đất lạ. Trong ông có những nỗi đau, những ám ảnh khôn nguôi về ngôi làng tan nát dưới bom đạn chiến tranh và cái chết tức tưởi của con cháu, những nỗi niềm ấy ông giữ riêng mình, buồn thương và khóc than trong tâm tưởng. Ở cách xây dựng nhân vật ông Linh, một điều thú vị là nhân vật này được đối thoại rất nhiều, tuy nhiên, đối thoại trong hoàn cảnh bất đồng ngôn ngữ nên thực chất, đối thoại cũng được hiểu là độc thoại. Điều này khiến cô đơn không còn quá đáng sợ với ông Linh. Sự tồn tại của ông Linh ở quê hương mới là một điều đặc biệt, ở cái tuổi gần đất xa trời, theo lẽ thường, đã quá muộn để ông bắt đầu một cuộc sống mới với những ước vọng mới nhưng ông vẫn có một đời sống thật sống động. Khả năng làm bạn với cô đơn của nhân vật này quả là một điều kì diệu, nó chứng tỏ sức sống thần kỳ của con người.

Trong một xã hội đang bất ổn vì những cuộc chiến, mỗi con người đều mang trong lòng mình những vết thương tinh thần, những nỗi đau không giống nhau. Từng có một đúc kết tâm lý học cho rằng, con người là một sinh vật luôn cô đơn, càng trong nỗi đau của chính mình, con người càng cảm thấy khó chia sẻ, nhất là với những người đã từng trải qua những chấn động mạnh của cuộc đời như các nhân vật trong tiểu thuyết của Philippe Claudel. Không phải ai cũng có những trải nghiệm kinh hoàng, những nỗi thống khổ ghê rợn như Brodeck hay viên cảnh sát nên thật khó để tìm được sự đồng điệu chia sẻ. Nỗi đau vợ bị hãm hiếp đến điên loạn Brodeck cũng chỉ biết rên xiết trong lòng với những đoạn đối thoại trong tâm tưởng với người vợ Emélia. Đó cũng

là cách mà viên cảnh sát hay Destinat lựa chọn. Hành động đối thoại với người chết đã cho thấy sự cô đơn đến cùng cực, cô đơn đã đẩy con người rơi vào trạng thái gần như hoang tưởng. Cũng là một nhân vật tương tự, ông chủ quán rượu Schloss trong Báo cáo của Brodeck, một người đàn ông cô độc, vợ con đã mất, sống một mình với lời lãi từ việc bán rượu từ trong chiến tranh. Nếu không được thấu hiểu, Schloss chỉ là một con buôn, lạnh lùng, thờ ơ với mọi thứ ngoại trừ tiền bạc, thế nhưng trong lòng ông, cái chết của vợ con luôn ám ảnh, điều đó khiến ông luôn phải sống trong tình trạng “nửa sống nửa chết” [18, tr. 188]. Nỗi niềm ấy được giấu kín dưới vẻ bề ngoài xù xì, lạnh lùng và hám tiền bạc mà không có ai chia sẻ.

Dường như bản thân sự cô đơn đã mang trong nó một vẻ đẹp hấp dẫn lạ lùng. Để khắc họa nhân vật ở dạng thức chấn thương này, tác giả chủ yếu sử dụng hình thức độc thoại nội tâm hoặc đối thoại – như một cách trò chuyện với chính mình. Đây cũng chính là một trong những nét hấp dẫn người đọc của tiểu thuyết Philippe Claudel.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)