Rạn vỡ trong quan hệ giữa con người và cộng đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 70 - 75)

CHƢƠNG 1 : KHÁI NIỆM VÀ CƠ SỞ CỦA VĂN HỌC CHẤN THƢƠNG

2.2 Chấn thƣơng trong tâm hồn con ngƣời

2.2.1 Rạn vỡ trong quan hệ giữa con người và cộng đồng

Trên con đường hình thành nhân cách của một cá nhân, không thể phủ nhận sự tác động của cộng đồng bởi con người không thể đặt mình nằm ngoài các mối quan hệ xã hội. Trong cuốn Nhập môn Xã hội học, các tác giả có trích dẫn ý tưởng của Peter L. Berger: “Xã hội thâm nhập vào chúng ta, đồng thời

bao trùm lấy chúng ta. Sự ràng buộc của chúng ta vào xã hội được thiết lập không hẳn bằng sự chinh phục, mà là thông qua sự câu kết…” (Dẫn theo Nguyễn Vân Dung) [21]. Có thể thấy rằng, không thể nhìn nhận một con người nếu không đặt họ vào trong mối quan hệ với cộng đồng mà họ đang sống.

Trong văn học, việc xây dựng hình tượng nhân vật cũng luôn tuân thủ quy tắc xã hội học trên. Bakhtin từng nhận định: “Tiểu thuyết là thể loại văn chương duy nhất luôn biến đổi, do đó, nó phản ánh sâu sắc hơn, cơ bản hơn, nhạy bén hơn sự biến chuyển của bản thân hiện thực” [9, tr. 30]. Tiểu thuyết Philippe Claudel cũng đã “chụp” lại nhân vật trong những mối quan hệ phức tạp của đời sống. Đó là chân dung con người hiện lên trong trạng thái luôn vận động, luôn có sự va chạm với các thành tố, các liên kết cấu thành xã hội.

Trong tiểu thuyết của Philippe Claudel, bối cảnh chiến tranh và những bất ổn bên lề đã tác động lớn đến những mối quan hệ trong cộng đồng người. Đã có những nứt vỡ, dở dang xuất hiện, đó cũng là hậu quả tất yếu mà bối cảnh xã hội đưa lại.

Trước hết, chiến tranh đã đẩy con người vào những hoàn cảnh phải đối mặt với tư cách là những kẻ đứng ở hai đầu chiến tuyến. Chiến tranh xảy ra và tiếp diễn buộc phải có sự tham chiến của một bộ phận cộng đồng. Đời sống khác nhau một trời một vực giữa chiến trường và hậu phương đã làm nảy sinh ra những mặc cảm thua thiệt của những người phải nhận về phần mình những mất mát, khổ đau. Những so sánh đã làm lộ ra những bất nhẫn mà con người phải gánh chịu. Trong tiểu thuyết Những linh hồn xám, tác giả đã đào sâu vào mạch tâm lý này, chỉ ra những rạn vỡ trong quan hệ giữa người với người. “Những kẻ trú ẩn thật là hên! Đó là suy nghĩ của những người lính đang thời kì điều dưỡng, những người mắt chột, những kẻ què chân, những anh bị cụt, những người lính đã bị nghiền nát, mồm bị méo mó, những tân binh bị ngạt

thở, thân hình nham nhở. Những người lính này thốt lên điều đó khi bắt gặp những anh công nhân mang túi dết, hồng hào và khỏe mạnh. Một số anh lính cụt tay hay cụt chân quay về phía những người công nhân kia và nhổ toẹt xuống đất. Phải hiểu họ thôi. Người ta có thể căm thù vì những điều nhỏ mọn hơn” [20, tr. 57]. Chiến tranh và nỗi đau vượt ngưỡng chịu đựng mà con người buộc phải nhận lấy đã xóa tan hào quang mà họ vẫn lầm tưởng khi tham chiến. Hi sinh không còn là hành động anh hùng, xả thân vì đất nước, mà được nhìn nhận dưới góc độ xui xẻo, dại dột, là vận rủi mà họ phải gánh chịu. Tâm lý ích kỷ khiến con người buông những trách cứ bất nhẫn thay vì những lời động viên, cảm thông, ủi an nhau vượt qua nỗi đau: “Họ thì trách chúng tôi sống yên ổn, chúng tôi thì trách họ đã đưa đến trước mặt chúng tôi nào là băng bó, chân cụt, sọ thủng, miệng méo” [20, tr. 148].

Đó cũng là tâm lý của nhân vật Lysia khi nghĩ về người yêu ở chiến tuyến và thầm so sánh với những cặp đôi được bên nhau hạnh phúc ở hậu phương. Thậm chí, Lysia còn tỏ rõ sự ghen tức, giận dữ trong những trang nhật ký viết cho người yêu: “thật diễm phúc biết bao những người vợ mà em gặp hằng ngày, họ chỉ xa chồng vài ba tiếng đồng hồ thôi” [20, tr. 277]. Cô còn chỉ trích thậm tệ những người ở hậu phương, gọi họ là “những kẻ gặp may” [20, tr. 276]. Rõ ràng, việc thế giới bị phân chia một cách nghiệt ngã thành hai mảnh: hậu phương, tiền tuyến, khiến con người sống trong những điều kiện khác biệt nhau đã vô tình đẩy họ về hai phía, quay lưng lại với nhau trong nỗi ghen tỵ, mặc cảm đến đáng thương. Sự khác biệt quá lớn trong giá trị sống đã khiến con người nảy sinh những suy nghĩ so bì, họ đau khổ vì sự thiệt thòi ấy. Rạn vỡ trong các mối quan hệ xã hội cũng từ đây nảy sinh. Đó là sự thật trớ trêu mà dường như đã bị lịch sử lãng quên trong một thời gian dài.

Các cuộc chiến tranh lớn nhỏ, có tên và không tên đã tàn phá nhiều ngôi làng, đất nước, đẩy những phận người phải rời xa quê hương và sống ở nước

ngoài với thân phận lưu vong, ngoại bang. Nỗi mất mát đến từ quá khứ, cộng với hiện tại nhiều khác biệt, từ ngôn ngữ, đến màu da, dòng máu đã đẩy họ vào tình cảnh lạc lõng giữa cộng đồng, thậm chí, bị cộng đồng phân biệt, xa lánh. Khi có biến cố lớn ảnh hưởng đến quyền lợi chung của cộng đồng, họ sẽ bị liệt vào danh sách đen. Brodeck là một ví dụ tiêu biểu, là một “kẻ ngoại bang”, anh thấm thía tất cả sự cay đắng của thân phận mình khi dân làng đã xem anh như vật “hiến tế” trước trận càn của nạn diệt chủng. Ông Linh cũng là một thân phận tương tự, sống kiếp lưu vong trên đất Pháp, ông vô tình bị cộng đồng mới cô lập bởi sự khác biệt về ngôn ngữ và lối sống cùng những chứng bệnh về tâm thần. Thậm chí, giữa những người cùng quê, cùng cảnh trong “nhà ngủ”, ông cũng bị cô lập bởi sinh hoạt và suy nghĩ khác thường của mình.

Tuy nhiên, những rạn vỡ trong mối quan hệ giữa con người và cộng đồng có nguyên nhân sâu xa hơn cả là thiếu đi sự thấu cảm, bao dung, rộng lượng đối với những cá thể khác biệt. Đồng thời, những ẩn ức mất niềm tin từ quá khứ không may của con người đã khiến họ tự tách mình ra khỏi xã hội, sống cuộc đời cô độc. Đó là tình thế lâm phải của Destinat – người đàn ông mang danh Nỗi Buồn, cô nàng Joséphine – người đàn bà mang mùi da thuộc, ở trong một túp lều “ không ai vào đó bao giờ” [20, tr. 139]. Tác giả đã miêu tả họ từ góc nhìn của một người xa lạ, lén dõi theo từ xa, để làm nổi bật bóng dáng nhân vật đi về trong câm lặng, lầm lũi, họ không có cơ hội được trải lòng bởi sự xa lánh và e ngại đó của người đời. Từ vô vàn những bất ổn do chiến tranh và lối sống thiếu thiện chí của con người, đã có nhiều rạn vỡ nảy sinh trong mối quan hệ giữa con người và cộng đồng. Đã xuất hiện những thân phận bị chối bỏ, bị kì thị, sống cuộc đời cô độc như Destinat, Brodeck, ông Linh. Người trong thành phố có người dè bỉu, có người trân trọng Destinat, nhưng Destinat không có cơ hội được biết đến bởi khoảng cách tạo

ra bởi địa vị, giàu nghèo… Còn Brodeck khi đi ra phố lại được “chào hỏi” bởi những cái bĩu môi, nhổ nước bọt từ những người đã từng là bạn bè với anh. Với ông Linh, một người bị chứng bệnh tâm thần, tưởng con búp bê là đứa cháu gái đã mất trong chiến tranh thì phải chịu cảnh bị chối bỏ, cô lập, hoàn toàn không được sẻ chia về mặt tinh thần bởi tâm lý dè bỉu của nhóm người sống cùng trong trại tị nạn. Giữa đất khách quê người, đáng nhẽ ông cần được cảm thông và sẻ chia thì thậm chí, đến cả những người cùng quê hương, cùng cảnh ngộ cũng xa lánh ông.

Rạn vỡ còn biểu hiện ở ý thức hoài nghi, cảnh giác trong sinh hoạt của đám đông, chẳng hạn Brodeck luôn cảm thấy có ai đó đang theo dõi mình trong đêm. Nỗi nghi ngờ lớn đến nỗi anh trở nên dè dặt với mọi ánh nhìn, mọi câu nói, luôn tìm thấy trong đó những ẩn ý không mấy tốt đẹp. Thậm chí, anh còn nghi ngờ thầy giáo cũ cũng đang quay lưng với mình, anh vứt bỏ những xâu nấm ông già Limmat đã cho. Brodeck đã sụp đổ hoàn toàn lòng tin, nỗi đau anh gánh chịu là nỗi đau mất đi điều bấy lâu anh trân trọng, mến yêu.

Chính Philippe Claudel từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn về vấn đề mà ông trăn trở trong quá trình sáng tác tác phẩm Báo cáo của Brodeck: “Đám đông là gì? Xã hội là gì? Xã hội tự soi ngắm mình như thế nào? Làm thế nào mà xã hội thu nhập hoặc loại trừ một kẻ hoàn toàn khác? Tại sao xã hội không thể chấp nhận để người ta chải chuốt mình?” [12, tr. 370]. Các tiểu thuyết của ông đã cho thấy điều đó, Philippe Claudel đã không ngại ngần đi vào khai khác các mối quan hệ xã hội để từ đó đào sâu vào ngọn nguồn của những chấn thương trong sâu thẳm tâm hồn người. Tác phẩm của ông vì thế, có được sự thuyết phục đối với người đọc, sức hút của các tác phẩm đến từ khả năng thông tỏ, am tường và ý thức truy tìm đến gốc rễ của vấn đề, sự việc. Những thân phận chấn thương vì thế, cũng hiện lên ám ảnh vô cùng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)