Cơ sở lịch sử xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 35 - 38)

CHƢƠNG 1 : KHÁI NIỆM VÀ CƠ SỞ CỦA VĂN HỌC CHẤN THƢƠNG

1.2 Cơ sở của vấn đề chấn thƣơng trong tiểu thuyết của Philippe Claudel

1.2.1 Cơ sở lịch sử xã hội

Như đã nhắc đến ở trên, cái tên Phippe Claudel nổi bật trong nền văn học Pháp với nhiều mới mẻ trong cách khai thác đề tài và sử dụng ngôn ngữ. Các tác phẩm của ông đã cho thấy một cảm thức chấn thương sâu sắc, mang tầm vóc thời đại. Cảm thức ấy nhen nhóm từ một lịch sử nhân loại chưa bao giờ ngơi yên, đồng thời cũng bắt nguồn từ chính nhiều vấn đề của lịch sử, xã hội nước Pháp đương thời.

Philippe Claudel có các sáng tác thành danh đầu tiên vào những năm 2000. Đó là thời kì mà thế giới đã chứng kiến vô vàn chấn động. Ngay năm đầu tiên của thế kỉ XXI, vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ đã làm ba nghìn người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải chịu các dư chấn tinh thần, sức khỏe về sau. Không tặc đã cướp bốn máy bay chở khách rồi lao thẳng vào nhiều biểu tượng lớn của nước Mỹ như Tòa tháp đôi ở New York, Lầu Năm Góc. Thủ phạm được xác định là tổ chức khủng bố Al-Qaeda do Osama bin Laden cầm đầu. Sự kiện này không chỉ tác động toàn diện đến nước Mỹ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống quốc tế, bắt đầu “thời đại khủng bố và chống khủng bố” trên toàn cầu. Ngay sau đó, hai chiến dịch do Mỹ cầm đầu, cuộc tấn công Afghanistan ngày 7 tháng 10 năm 2001 và cuộc tấn công I-rắc lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein ngày 20 tháng 3 năm 2003 đã trở thành hai cuộc chiến lớn nhất thế giới thập niên đầu của thế kỷ XXI. Theo một công bố gần đây, hiện có 19000 người tham gia cứu hộ ngày 11 tháng 9 năm 2001 đang gặp trục trặc về sức khỏe và cứ 8 người thì có một người bị chấn thương tâm lí. Cũng từ đó đến nay đã có 817 người chết, trong đó có 30 người tự tử. Hiện nay khi được hỏi, chỉ có 1/3 dân số nước Mĩ cho rằng cuộc sống đã trở lại bình thường, 2/3 còn lại vẫn thấy mình đang

sống trong một cuộc sống bất thường, bấp bênh. Chưa kể đến các cuộc chiến lớn nhỏ khác cũng như thiên tai dịch bệnh đó đây trên thế giới, tất cả đã khiến đời sống của loài người trở nên đầy âu lo, mất mát.

Ở Pháp, từ cuối thế kỉ XX, nhiều cuộc khủng bố cũng bắt đầu đe dọa đến sự bình yên của đất nước này. Trong vòng hai mươi năm cuối thế kỉ XX, nước Pháp đã hứng chịu sáu vụ khủng bố lớn khiến 41 người chết và 280 người bị thương (được thống kê bởi kienthuc.net) [2]. Ở một phạm vi rộng hơn, châu Âu cũng đang chứng kiến một thời đại bất ổn trên nhiều lĩnh vực. Nếu kinh tế liên tục gặp các cuộc khủng hoảng như nợ công giai đoạn 1982- 2011 thì về chính trị, các nước châu Âu cũng phải đối mặt với nạn khủng bố, di cư, nhập cư trái phép. Kinh tế khó khăn làm con người sống chật vật, nhọc nhằn hơn. Cùng với đó là những tổn thất xương máu từ nạn khủng bố, ám ảnh chết chóc từ đây khiến kí ức khủng khiếp về chiến tranh lại sống dậy. Không phải ngẫu nhiên khi đề tài chiến tranh lại được văn học nghệ thuật khai thác nhiều hơn trong giai đoạn này. Bên cạnh các tiểu thuyết của Philippe Claudel là sáng tác thành công của nhiều các tác giả khác. Một nhà văn nổi tiếng với các tiểu thuyết tình cảm - Marc Levy đã xuất bản tiểu thuyết Những đứa con của tự do vào năm 2007. Tiểu thuyết viết về một thời đoạn đáng nhớ của nước Pháp trong thế chiến thứ hai, khi nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng và không còn một quyền lợi nào. Tác phẩm xây dựng hình tượng Lữ đoàn 35, những người lính thiếu niên đã phối hợp với quân đội địa phương chiến đấu chống lại lực lượng chiếm đóng. Bạn đọc cũng có thể tìm thấy điều tương tự trong văn học Việt Nam giai đoạn này. Khi những bất đồng liên quan đến chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam với Trung Quốc dâng cao thì sáng tạo nghệ thuật cũng có thêm nguồn cảm hứng mới. Hai tiểu thuyết Mình và họ của Nguyễn Bình Phương và Xác phàm của Nguyễn Đình Tú xuất bản năm 2014 đã làm sống dậy một thời kì lịch sử, cuộc chiến đấu bảo vệ biên

cương phía Bắc năm 1979. Qua đó có thể thấy được sức ảnh hưởng mạnh mẽ của bối cảnh xã hội tới việc khơi gợi cảm hứng và lựa chọn đề tài trong sáng tạo văn học nghệ thuật.

Bên cạnh đó, tình trạng di cư, nhập cư trái phép diễn ra tràn lan đã gây khủng hoảng trên nhiều phương diện. Về phương diện xã hội, tình trạng nhập cư, di cư khiến chính quyền mất kiểm soát về dân số, việc đáp ứng nhu cầu giáo dục, y tế trở nên quá tải. Đặc biệt, từ đây nước Pháp đã xuất hiện một dạng thức xã hội mà bao trùm lên đó là tinh thần cá nhân chủ nghĩa và sự hiện diện của tình trạng phân biệt đẳng cấp. Nhập cư đã biến nước Pháp thành một đất nước đa sắc tộc. Trong xã hội Pháp hiện đại, ngay cả khi chính phủ có nhiều biện pháp tích cực để tạo sự công bằng thì trên thực tế bất bình đẳng vẫn xảy ra. Đa số người nhập cư làm các công việc đơn giản vì họ không có bằng cấp và không thông thạo tiếng Pháp. Cuộc sống của người nhập cư bấp bênh, lao động cực nhọc, đồng lương thấp, ở tập trung trong những khu tập thể chật chội, thiếu tiện nghi ở ngoại ô các thành phố lớn. Ngoài ra chưa kể đến việc họ bị một số người dân Pháp miệt thị thông qua Đảng Mặt trận Dân tộc do Jean - Marie Le Pen đứng đầu mà mục tiêu là đấu tranh chống nhập cư vì theo họ người nhập cư làm tình hình thất nghiệp của Pháp trầm trọng hơn. Người đọc thấy bóng dáng vấn đề này thông qua thân phận nhân vật Brodeck và ông Linh trong tiểu thuyết của Philippe Claudel. Nỗi mặc cảm là kẻ ngoại bang, là người dị biệt đã đẩy nhân vật vào tình thế mất niềm tin. Sự thay đổi tầng lớp trong xã hội khó khăn đến nỗi mà người Pháp gọi đó là những câu chuyện “thần tiên”.

Ở phạm vi nhỏ hơn, trong mỗi gia đình Pháp đương đại hiện cũng đang trải qua nhiều thăng trầm và có nhiều thay đổi so với đầu thế kỷ XX, đặc biệt là từ năm 1968 với sự thay đổi của các giá trị truyền thống và từ công cuộc giải phóng phụ nữ. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng cao và trở

thành một tệ nạn ở Pháp. Vào cuối tháng 3 năm 2006, ở Pháp có 406.000 người thất nghiệp ở độ tuổi dưới 25, chiếm 22,1%, đây là tỉ lệ cao nhất ở châu Âu trong năm 2006. Nhà xã hội học Hirigoyen đã nhận định: “Thành đạt trong công việc với nguy cơ mất việc, thành công trong cuộc sống gia đình với những cuộc chia tay không thể tránh khỏi, nuôi dạy con cái thật tốt để sau này chúng chỉ nghĩ đến chúng mà thôi, tất cả những cái đó làm cho con người ta nghi ngờ, lo lắng. Nhưng làm sao tìm được việc làm nếu ta không tỏ ra là có năng lực, làm sao tìm được bạn đời nếu ta quá mệt mỏi? Cần phải giả vờ, phải tỏ ra rất nhiệt tình ngay cả khi chán chường” (dẫn theo Nguyễn Vân Dung) [21]. Những sự khập khiễng, không tương xứng giữa các giá trị khiến cuộc sống của cộng đồng Pháp đương đại trở nên ngột ngạt, những tổn thương trong tâm hồn mỗi người gia tăng bởi các mối quan hệ bị phá vỡ.

Những chấn thương tinh thần có thực trong cuộc sống đương đại đã được chuyển hóa thành các hình tượng, câu chuyện trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Bối cảnh xã hội có nhiều bất ổn đã phần nào khơi gợi các tác giả lựa chọn đề tài, chủ đề phù hợp với đời sống xã hội đang diễn ra. Dù ở thời nào thì chấn thương tinh thần của con người vẫn luôn là điều ám ảnh dai dẳng, làm thao thức những trái tim sáng tạo nghệ thuật. Đó cũng là lí giải cho những lựa chọn của Philippe Claudel về đề tài, nội dung tư tưởng cho các tác phẩm của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)