Viết như một sự giải tỏa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 125 - 137)

CHƢƠNG 3 : VẤN ĐỀ CHẤN THƢƠNG QUA CÁC KIỂU NHÂN VẬT

3.2 Nghệ thuật phân tích nhân vật chấn thƣơng

3.2.2.2 Viết như một sự giải tỏa

Trong những nứt vỡ, gãy đổ của một thời đại nhiều biến động, nhân vật chấn thương đã lựa chọn một thái độ sống khép kín, hạn chế bộc lộ bản thân trước cộng đồng. Sống với tâm thế đó, nhân vật đã tìm đến những phương cách giải tỏa tâm lí khác, viết chính là hành động được nhiều nhân vật chấn thương lựa chọn.

Hành động viết là một hình thức khác của sự suy tưởng. Thay vì giữ lại dòng ý thức trong tâm hồn, để nó cuộn xoáy, thao thức thì nhân vật lựa chọn cách viết ra nó. Lúc này, giấy trắng và những dòng chữ trở thành đối tượng để nhân vật trải lòng tâm sự, giúp nhân vật phần nào giải tỏa được những ẩn ức. Đó chính là mục đích mà phần lớn nhân vật chấn thương hướng đến.

Tâm thế của nhân vật khi thực hiện hành động này là khi trải nghiệm về chấn thương trong họ đã quá lớn, tâm hồn họ không còn đủ sức giữ lại dòng tâm tư đang chuyển động dữ dội và những chấn thương tâm lý nhất quyết đòi được giải thoát. Nhân vật Brodeck đã nói: “đó là hình ảnh của cuộc đời tôi, tôi không thể chứa nổi và nó cứ trôi theo dòng nước” [18, tr. 255]. Mặt khác, nhân vật tìm đến hình thức tự đối thoại này khi cuộc đời đã lấy đi của họ người khiến họ tin tưởng, yêu thương và được thấu cảm, sẻ chia. Nhân vật viên cảnh sát trong Những linh hồn xám đã bắt đầu viết khi người vợ của ông – Clémence mất đi sau một đêm quằn quại đau đớn trong cô độc vì trở dạ. Trong ý thức và với tình yêu lớn lao với vợ, viên cảnh sát đã giam quãng đời

sau này của mình trong day dứt và ân hận vì không có mặt bên cạnh để cứu vợ. Anh mất đi người vợ thân yêu, mất đi một người bạn luôn thấu hiểu anh và có khả năng giúp anh giải tỏa những tâm sự lớn nhỏ trong lòng. Anh tìm đến những trang giấy như một cách “tự nói với chính mình”, “tự tạo cho mình một cuộc nói chuyện, một cuộc nói chuyện của thời khác” [20, tr. 92], “anh viết thì chính là cho em và vì em thôi!” [20, tr. 295]. Nhân vật Lysia cũng đã tìm đến những trang nhật kí, những bức thư gửi đi trong vô vọng khi người cô yêu phải rời xa cô để ra chiến trường. Giữa một cộng đồng đông đúc nhưng xa lạ với thân phận cô, cô chỉ có thể tìm thấy sự sẻ chia nơi trang giấy, đó cũng là nơi cô có thể nói lên những lời yêu thương bỏng cháy với người yêu một cách không ngại ngần, không e dè. Còn với Brodeck, viết báo cáo chỉ là một cái cớ hợp pháp để anh có được những giây phút sống với chính mình khi người bạn đời của anh rơi vào trong đêm tối của sự im lặng vô thức. Có thể thấy, lựa chọn viết ra dòng ý thức của mình lên trang giấy cũng chỉ là một cách làm “chẳng đặng đừng”, khi mà nhân vật mất đi điểm tựa tinh thần giữa một thời đại nhiều sóng gió.

Đối thoại trực tiếp với một con người trong hoàn cảnh đời sống có quá nhiều tác nhân gây chấn thương đã trở nên quá khó khăn đối với các nhân vật, Brodeck là một nhân vật điển hình, anh gặp khó khăn khi buộc phải sử dụng đến hình thức giao tiếp bằng lời nói, đây cũng là một biểu hiện điển hình khi những vết thương tinh thần chưa được hóa giải. Họ chọn cách viết bởi việc làm này tạo cho họ cảm giác an toàn và được bảo vệ trước cộng đồng đã thiếu hụt đi rất nhiều tin tưởng. Cả Brodeck, viên cảnh sát hay cô giáo Lysia đã chọn cho mình bóng đêm và góc phòng riêng tư làm không gian cho cuộc trò chuyện đặc biệt của mình. Với Brodeck, anh chọn một căn phòng chứa đồ cũ kĩ đã từ lâu không ai ngó ngàng đến, một chiếc máy chữ cũ kĩ, không gian lạnh lẽo, nhưng cái mà Brodeck cần là sự yên tĩnh và an toàn tuyệt đối để viết

những trang chân thật nhất về cuộc đời mình. Lysia cũng chọn cho mình một khoảng đồi ít người qua lại, nơi nàng có thể nhìn thấy rõ nhất chiến trường phía xa nơi người yêu đang tham trận, cuốn nhật kí và những trang thư đã được viết lên trong tĩnh lặng như thế, nơi nhân vật cảm thấy như nghe được tiếng trái tim mình [20, tr. 89].

Chính vì hướng tới mục đích chủ yếu là viết cho chính mình, viết để giải tỏa nỗi lòng trong hoàn cảnh cô đơn nên các nhân vật hầu như không có ý thức giữ lại những gì mình viết. Nhân vật viên cảnh sát đã từng nói: “Tệ nhất là tôi đếch cần biết những cuốn sổ tôi viết trở thành cái gì rồi. Tôi đang ở cuốn số 4. Tôi không tìm ra cuốn số 2 và số 3. Chắc chúng đã thất lạc, chắc là Berthe đã dùng để nhen lửa. Quan trọng gì đâu. Tôi không muốn đọc lại. Tôi viết. Thế thôi” [20, tr. 92]. Tính vô định của hành động cho thấy nhân vật đã khát khao được giải tỏa biết chừng nào, họ viết ra như một thôi thúc khi tâm hồn chật chội không đủ chỗ cho dòng thác tâm tư trú ngụ. Viết để giải phóng mà thôi. Destinat cũng là một nhân vật đã để lại những dòng chữ như một cách chống chọi với nỗi cô độc khắc nghiệt của ông. Ông không để lại gì nhiều, chỉ đôi dòng, vài ba bức ảnh, nhưng đó là những tín hiệu để có thể biết thêm rõ hơn về nhân vật này, dòng chữ ít ỏi mà ông gạch chân lại trong một cuốn sách là tất cả những chiêm nghiệm sâu sắc mà tàn nhẫn về cuộc đời mà Destinat cay đắng nhận ra: “Hành vi cuối cùng là hành vi đẫm máu, cho dù phần còn lại của vở hài kịch có hay ho đến mấy. Cuối cùng thì người ta cũng đổ đất lên đầu, và như thế mãi mãi” [20, tr. 258]. Suốt cuộc đời cô độc của ông, ông vừa tôn thờ vừa e dè với cái đẹp, những bức ảnh của vợ ông – Clélis Destinat, cô giáo Lysia, cô bé Hoa Bìm Bìm được lưu giữ lại trong cuốn sổ của ông đã thay những dòng chữ, nói lên nỗi đau và nỗi khát khao bất lực trong lòng người đàn ông cô độc đến kiệt cùng.

Còn với Lysia, những trang nhật ký là tuyệt tác của tình yêu mà cô để lại sau khi đã hủy hoại cuộc đời tươi trẻ của mình. Người đọc tìm thấy trong đó một tình yêu mãnh liệt, phóng túng, một tâm hồn nổi loạn ẩn đằng sau vẻ trong sáng và bình yên của cô. Nhật ký cũng đã giúp cô bày tỏ những chiêm nghiệm về chiến tranh, về lòng người, về thời đại bão tố mà cô đang sống. Lúc này, hành động viết đã thể hiện một tâm hồn trẻ trung, sôi nổi và dạt dào cảm xúc của một cô gái thông minh, nhạy cảm và đôi phần bồng bột, xốc nổi. Chấn thương trong cô, qua đây, cũng thể hiện được rõ ràng hơn, đó là những vết thương luôn mới mẻ, đau đớn dữ dội, mang đặc trưng của lứa tuổi. Lysia đang còn trẻ, trải nghiệm của cô rõ ràng khác với một viên cảnh sát đã hơn năm mươi, đủ để chiêm nghiệm mọi thứ trong cuộc đời.

Sám hối – cũng là một mục đích mà các nhân vật chấn thương hướng đến khi quyết định giăng trải lòng mình trên giấy trắng. Người thầy giáo già của Brodeck – Diodème là người bạn đã luôn bên cạnh gia đình của Brodeck kể cả khi gia đình anh bị dân làng cô lập. Nhưng trước áp lực tồn tại giữa cộng đồng, Diodème buộc lòng phản bội lại chính con người mình, đồng ý kí tên vào danh sách những kẻ ngoại bang cần loại bỏ trong cộng đồng, danh sách có tên Brodeck. Nhân vật này đã sống trong nỗi day dứt và mặc cảm về tội lỗi của mình, đến độ phải tìm đến cái chết như một sự sám hối. Và bức thư ông để lại cho Brodeck là bản cáo trạng mà ông viết cho riêng ông: “Brodeck, cả đời tôi, tôi cố gắng là một con người, nhưng không phải lúc nào tôi cũng đạt được điều đó…xin hãy tha thứ cho tôi, Brodeck, hãy tha thứ cho tôi, tôi xin anh…” [18, tr. 300]. Một bức thư sám hối, thú tội và cầu xin được tha thứ trong nỗi xấu hổ, những điều này thật khó để nói thành lời và những trang viết là cách lựa chọn của Diodème.

Có thể thấy được khả năng biến hóa ngôn ngữ vô cùng sinh động của nhà văn trong khi xây dựng hình tượng nhân vật. Khắc họa nhân cách chấn

thương thông qua việc miêu tả hành động đặc trưng đã khiến nhân vật hiện lên không cứng nhắc, có tính hình tượng cao. Cùng với các đặc sắc về diễn ngôn, tiểu thuyết của Philippe Claudel đã cho thấy sức hấp dẫn lạ kì, đưa bạn đọc càng đi đến những trang cuối cuốn sách càng thêm say mê.

Tiểu kết

Việc phân tách các dạng thức nhân vật chấn thương gắn liền với cảm quan về một “xã hội thương tổn” được thực hiện dựa trên sự phân loại của tâm lý học về các trạng thái, xúc cảm của con người. Qua đó, thấy được biểu hiện rất đa dạng, phong phú và phức tạp của dạng thức nhân vật chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel. Nhà văn đã xây dựng hình tượng nhân vật chấn thương vừa là chứng nhân, vừa là nạn nhân của nỗi đau. Những đối tượng đấy là chủ thể mà văn học hướng đến, phân tích và hình tượng hóa. Để rồi, thông qua việc viết lại, kể lại, dường như nỗi đau ấy cũng được thấu hiểu, chở che, hóa giải phần nào. Đấy là tính nhân văn sâu sắc trong nội hàm của dạng thức nhân vật chấn thương.

Nhìn chung, các khía cạnh nghệ thuật của dạng thức nhân vật chấn thương ở đây, vừa phân tách, biệt lập, mà thực chất lại gắn bó chặt chẽ, hình thành lẫn nhau. Độc thoại và đối thoại đều là kết quả của việc mở rộng và đào sâu những đường biên đã biết trong quá trình khám phá bản chất người. Hành động mang tính biểu trưng của nhân vật được nhà văn dụng công xây dựng như một phương tiện biểu đạt, giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về nhân cách chấn thương của nhân vật. Toàn bộ chúng, là biểu hiện cho tiếng nói của cái tôi bị chấn thương, luôn có nhu cầu được thừa nhận, thấu hiểu, được tự đối thoại và tự nhận thức chính mình.

KẾT LUẬN

Qua quá trình nghiên cứu đi từ lý thuyết văn học chấn thương, đề tài tiếp cận tác phẩm của một tác giả xuất sắc trong văn học Pháp đương đại và bước đầu đưa ra một số tổng kết sau đây.

1. Có thể thấy, cảm thức văn học chấn thương tuy còn mới mẻ so với bề dày phát triển của lý luận văn học nói chung nhưng nó hội tụ đầy đủ những yếu tố để trở thành một cơ sở lý thuyết cho vấn đề nghiên cứu với sự giới thuyết khái niệm của các nhà nghiên cứu văn học Đông Tây. Từ lý thuyết văn học này, giới nghiên cứu và công chúng bạn đọc có cơ sở để mở tách những tầng vỉa tư tưởng về những chấn thương tinh thần của nhân vật văn học – phản ánh chính tình trạng của đời sống xã hội vốn chưa lúc nào bình yên trong lịch sử nhân loại.

2. Luận văn đi sâu vào vấn đề chấn thương gắn với đề tài cụ thể trong tiểu thuyết của Philippe Claudel là đề tài chiến tranh với những bất ổn ở bên trong và bên lề cuộc chiến. Từ sự khám phá hình tượng chiến tranh được thể hiện với góc nhìn vừa hiện thực, vừa ẩn dụ, luận văn chỉ ra được những đặc trưng trong cách khai phá đề tài của tác giả. Ở đây, chấn thương bước đầu được nhìn nhận thông qua hệ thống biểu tượng về màu sắc và hình khối, được tác giả thể hiện sống động, giàu ý nghĩa tượng trưng và có hệ thống trong ba tiểu thuyết được khảo sát. Từ chấn thương của không gian, luận văn đi vào khám phá những nội dung cụ thể về những khía cạnh chấn thương tinh thần của con người thông qua các mối quan hệ đa dạng với cộng đồng và với chính bản thân nhân vật. Đặc biệt, luận văn đào sâu vào những chấn thương về tình yêu thời chiến bởi chính sự đối nghịch của hai cặp phạm trù tình yêu – chiến tranh đã cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của chiến tranh lên đời sống tinh thần của con người. Ở đây, khi bắt đầu nhận thức về vị thế con người trong mối quan hệ phức tạp với đời sống, với lịch sử thăng trầm và đời thường bề

bộn, thì cảm hứng về một “xã hội thương tổn” cũng bắt đầu thẩm thấu sâu xa vào ngòi bút của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tường.

3. Từ sự khám phá cách tiếp cận vấn đề chấn thương tinh thần ở trên, luận văn định hình những dạng thức nhân vật chấn thương đa dạng, đa chiều. Theo đó, loại hình nhân vật chấn thương có thể được phân tách thành những nhánh nhỏ như: Nhân vật mất niềm tin; nhân vật cô đơn, ám ảnh; nhân vật sống trong mặc cảm; nhân vật hàn gắn sự chấn thương. Việc phân chia này mang tính tương đối, dựa trên cảm hứng sáng tạo, tình trạng biểu hiện và dư âm của những kiểu chấn thương khác nhau hằn lên tâm thế con người. Mặt khác, mỗi kiểu loại, lại có sự tương liên, đồng hợp, hình thành lẫn nhau hoặc tồn tại đan xen trong nhiều mặt của một chủ thể. Qua đó thấy được sắc thái đa dạng những chấn thương tinh thần mà con người phải gánh chịu.

4. Cuối cùng, vấn đề nhân vật chấn thương được nhìn nhận trên một số khía cạnh nghệ thuật có thể thu được những tín hiệu mang tính đặc trưng, phong cách xây dựng nhân vật riêng có của nhà văn Philippe Claudel. Trước tiên, đấy là sự biểu hiện đời sống tâm lý nặng nề, ám ảnh qua hình thức độc thoại. Hơn nữa, thông qua việc xác lập những trường ngôn ngữ đậm đặc sắc thái thương tổn, lớp lớp di chấn đã được người chứng nhân ấy chụp lại một cách chân xác, am tường. Để rồi, kĩ thuật đối thoại lại bồi đắp thêm vào đó những tiếng nói đa dạng của nhân vật chấn thương. Không chỉ thế, cái độc đáo thú vị trong nghệ thuật tiểu thuyết của Philippe Claudel còn nằm ở cách ông biết tạo lập nhân cách nhân vật thông qua những hành động nhỏ mang tính ẩn dụ cao. Những phương diện nghệ thuật này vừa là sự hoàn thiện cho chiều sâu nhân vật chấn thương, vừa cho thấy nét độc đáo trong cách kể chuyện truyền thống của tác giả.

Tìm hiểu vấn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel cũng nhằm gợi ý ra đây một hiện tượng văn học Pháp đương đại xuất sắc. Trong

giới hạn của người viết còn chưa có nhiều trải nghiệm, nhất là không đi qua chiến tranh, rất khó để nhận thức vấn đề chấn thương một cách thấu đáo.

Thực hiện luận văn này cũng là một cách tự bồi đắp tâm thế dấn thân, tinh thần thấu hiểu và khả năng nhạy cảm trước hiện thực tâm hồn. Hình tượng vết thương, là nỗi băn khoăn muôn đời của nhân loại, trên hành trình hiện sinh, tìm kiếm và xác thực chính mình. Hành động viết và cảm thức vết thương, luôn song hành cùng nhau như một định mệnh bù đắp, để tiếng vọng của cái tôi mang nỗi đau có thể được cảm thụ, được ghi nhớ và hóa giải.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Xuân An, Văn chương về các “vết thương” chiến tranh, hậu chiến & Ánh sáng mới, tham luận Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM, khoá VI (5- 2010)

2. Tâm Anh, “10 vụ khủng bố đẫm máu nhất lịch sử Pháp”,

http://kienthuc.net.vn/, 15/11/2015

3. Lê Tú Anh (2013), “Từ trường hợp Đoàn Minh Phượng, nghĩ về văn học chấn thương ở Việt Nam và quan điểm nghiên cứu”, Lý thuyết phê bình văn học hiện đại, tiếp nhận và ứng dụng,Nxb ĐH Vinh, Nghệ An

4. Nguyễn Hoàng Tuệ Anh (2012), “Không gian mảnh vỡ trong tiểu thuyết Thành phố Quốc tế của Don Delilio”, Tạp chí Khoa học, đại học Huế, tập

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vẫn đề chấn thương trong tiểu thuyết của Philippe Claudel Luận văn ThS. Văn học 60 22 01 45 (Trang 125 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)