Khái niệm Công tác xã hội, Công tác xã hội nhóm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trợ giúp người nghèo nhập cư thành phố hà nội tiếp cận thông tin dịch vụ xã hội qua phương pháp công tác xã hội nhóm (điển cứu tại phường phúc xá quận ba đình thành phố hà nội) (Trang 28 - 31)

10. Kết cấu của đề tài

1.1. Một số khái niệm công cụ

1.1.4. Khái niệm Công tác xã hội, Công tác xã hội nhóm

1.1.4.1. Khái niệm Công tác xã hội

Công tác xã hội là một ngành khoa học, một nghề chuyên môn đang được ứng dụng rộng rãi trong xã hội hiện đại. Công tác xã hội bắt nguồn từ Đạo luật Elizabet ở Anh năm 1961, trải qua quá trình phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế, khoa học và xã hội, Công tác xã hội ngày càng hoàn thiện và trở thành một nghề chuyên nghiệp.

Có nhiều cách hiểu, cách định nghĩa về Công tác xã hội. Những định nghĩa này bắt nguồn từ những quan niệm khác nhau về Công tác xã hội: Công tác xã hội là việc thực hiện các chính sách xã hội; Công tác xã hội là hoạt động nhân đạo từ thiện; Công tác xã hội là các thiết chế xã hội; Công tác xã hội là dịch vụ xã hội; Công tác xã hội là phong trào xã hội...Nhìn chung, các quan điểm trên đã có những cách hiểu và sự tiếp cận đến Công tác xã hội ở những khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, sự phản ánh này chưa thể hiện đầy đủ bản chất, nội dung và tính chất của Công tác xã hội.

Từ việc tổng hợp, phân tích các định nghĩa khác nhau của CTXH, cùng với thực tiễn hoạt động CTXH, có thể dưa ra một định nghĩa chung, khái quát về CTXH: Công tác xã hội là hoạt động chuyên nghiệp được thực hiện dựa trên nền tảng khoa học chuyên ngành nhằm hỗ trợ đối tượng có vấn đề xã hội (cá nhân, nhóm, công đồng) giải quyết vấn đề gặp phải, cải thiện hoàn cảnh, vươn lên hòa nhập xã hội theo hướng tích cực, bền vững.

Như vậy, Công tác xã hội là một ngành khoa học ứng dụng, sử dụng khoa học về xã hội và con người để phân tích, xây dựng, can thiệp một cách phù hợp đối với các vấn đề xã hội. Công tác xã hội cũng là một nghề nghiệp và hoạt động chuyên nghiệp phi lợi nhuận nhằm giúp đỡ cá nhân, nhóm, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội giải quyết được vấn đề và và phát triển khả

năng giải quyết vấn đề. Không chỉ vậy, Công tác xã hội còn góp phần thực hiện ổn đinh, công bằng và tiến bộ xã hội.

1.1.4.2. Phương pháp Công tác xã hội Nhóm

Khái niệm phương pháp Công tác xã hội Nhóm

Có nhiều cách hiểu và cách tiếp cận về công tác xã hội nhóm nhưng có điểm chung thống nhất là sử dụng phương pháp công tác xã hội nhóm, tiến trình sinh hoạt nhóm để tạo dựng, duy trì và tăng cường sự tương tác giữa các thành viên của nhóm nhằm thay đổi thái độ, hành vi cá nhân một cách tích cực, nâng cao khă năng giải quyết vấn đề, đáp ứng nhu cầu của mỗi thành viên và của cả nhóm.

Phương pháp Công tác xã hội nhóm là một công cụ tác nghiệp, phương pháp can thiệp của Công tác xã hội với nhóm mà trong đó, dưới sự điều phối, trợ giúp của nhân viên công tác xã hội, các thành viên được tạo cơ hội, môi trường có các hoạt động tương tác, chia sẻ quan tâm, vấn đề chung của nhóm nhằm đạt được mục đích chung của nhóm và hướng đến giải quyết mục tiêu cá nhân thành viên nhóm. Nhóm trong Công tác xã hội được thành lập, sinh hoạt thường kỳ dưới sự điều phối của nhân viên công tác xã hội/ thành viên trong nhóm và sự trợ giúp của nhân viên công tác xã hội (Ví dụ: nhóm chị em phụ nữ bị bạo lực gia đình xã A, nhóm trẻ mồ côi nhiễm HIV/AIDS, nhóm nhân viên công tác xã hội, nhóm tình nguyện viên, nhóm chuyên môn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ,…)

Đặc trưng của phương pháp công tác xã hội nhóm

Về công cụ tác nghiệp: hầu hết công cụ hay phương tiện, kĩ năng tác nghiệp của công tác xã hội là những phương tiện thuộc về khái niệm mang ý nghĩa trừu tượng nhưng được thể hiện thông qua hành động (hành vi) cụ thể. Trong công tác xã hội nhóm, công cụ tác nghiệp chủ yếu là mối quan hệ, sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm. Bằng trình độ, năng lực chuyên môn của mình, nhân viên xã hội thông qua hoạt động nhóm phát huy sự tác động qua lại giữa các thành viên nhóm để phát hiện, củng cố, nâng cao, phát

triển năng lực của mỗi cá nhân. Quá trình giúp đỡ được hiểu là quá trình trợ giúp lẫn nhau giữa các thành viên nhóm.

Nhân viên xã hội sử dụng các công cụ tác động là mối quan hệ, sự tương tác giữa các thành viên, hoạt động sinh hoạt nhóm và bầu không khí nhóm. Cụ thể là: Lấy hoạt động nhóm làm nơi thỏa mãn nhu cầu của các thành viên và nhóm; Lấy sự tương tác nhóm và hoạt động nhóm để trị liệu và giải quyết các vấn đề đặt ra của các thành viên; Mục đích chung phục vụ các mục đích riêng và sự tác động trở lại; Lấy ảnh hưởng của nhóm để tạo sự thay đổi hành vi, thái độ, nhận thức của mỗi thành viên.

Về kiến thức và kỹ năng của người thực hiện phương pháp công tác xã hội nhóm: người thực hiện phương pháp Công tác xã hội nhóm (NVCTXH) giữ vai trò quan trọng đối với sự hiệu quả của công tác xã hội nhóm. Vì vậy đòi hỏi NVCTXH phải đảm bảo những yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, bên cạnh phẩm chất nghề nghiệp.Những yêu cầu chung được xác định thành những quy định mang tính bắt buộc cho sự chi tiết hóa về kiến thức và kỹ năng đối với nhân viên công tác xã hội trong CTXH nhóm:

Hệ thống kiến thức đặc biệt quan trọng trong CTXH nhóm đòi hỏi người thực hiện phương pháp này phải nắm vững, hiểu rõ là: Các lý thuyết sử dụng trong CTXH nhóm như Thuyết động năng tâm lý, Thuyết học tập xã hội, Thuyết trao đổi xã hội, Thuyết lãnh đạo, Lý thuyết về tương tác nhóm, năng động nhóm….Bên cạnh đó nhân viên công tác xã hội cần nắm vững và linh hoạt các kiến thức về triết học, tâm lý xã hội, xã hội học, pháp luật….

Kỹ năng được hiểu là những thói quen hành động, việc thực hiện hành vi, sự phản ứng và thể hiện thao tác một cách tích cực, tự giác theo một quy trình dựa trên cơ sở kết quả của quá trình nhận thức, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế của cá nhân trước những tác động bên ngoài, những nhu cầu, đòi hỏi về công việc và hoạt động trong những điều kiện, bối cảnh cụ thể.

Người thực hiện phương pháp Công tác xã hội nhóm cần phải được trang bị, thực hành ứng dụng trực tiếp các kỹ năng cơ bản cũng như những

công cụ mang tính chất kỹ thuật để thực hiện tốt nhất vai trò của mình. Những kỹ năng này không tự nhiên mà có, nó phải được rèn luyện và tích lũy trong quá trình hoạt động tác nghiệp và trải nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó người thực hiện phương pháp Công tác xã hội nhóm còn cần có những công cụ sử dụng trong CTXH nhóm như: các công cụ giúp các thành viên vận động, thay đổi không khí; các công cụ lấy ý kiến thành viên nhóm…

Tiến trình công tác xã hội nhóm

Tiến trình công tác xã hội nhóm là quá trình bao gồm các bước hoạt động thể hiện sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm với nhau và với nhân viên xã hội nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Thực chất tiến trình công tác xã hội nhóm là trình tự các bước, các nội dung hoạt động được xác lập trong kế hoạch hỗ trợ đối với một nhóm xã hội cụ thể của nhân viên công tác xã hội dựa trên các yêu cầu về chuyên môn công tác xã hội.

Tiến trình công tác xã hội nhóm được chia làm bốn bước– bốn giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị và thành lập nhóm; Giai đoạn khởi động và tiến hành hoạt động– giai đoạn đầu; Giai đoạn tập trung hoạt động– giai đoạn trộng tâm; Giai đoạn lượng giá và kết thúc hoạt động– giai đoạn cuối.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trợ giúp người nghèo nhập cư thành phố hà nội tiếp cận thông tin dịch vụ xã hội qua phương pháp công tác xã hội nhóm (điển cứu tại phường phúc xá quận ba đình thành phố hà nội) (Trang 28 - 31)