Đội ngũ cán bộ xã hội/ cán bộ chuyên trách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trợ giúp người nghèo nhập cư thành phố hà nội tiếp cận thông tin dịch vụ xã hội qua phương pháp công tác xã hội nhóm (điển cứu tại phường phúc xá quận ba đình thành phố hà nội) (Trang 107 - 111)

10. Kết cấu của đề tài

3.2.1.Đội ngũ cán bộ xã hội/ cán bộ chuyên trách

3.2. Xây dựng và huy động nguồn lực

3.2.1.Đội ngũ cán bộ xã hội/ cán bộ chuyên trách

Là nhóm của những người yếu thế, nhóm nghèo nhập cư tại đô thị cần có sự hỗ trợ của nhân viên Công tác xã hội, cụ thể ở đây là cán bộ xã hội/ chuyên gia có chuyên môn hỗ trợ để có thể duy trì các hoạt động sinh hoạt nhóm thông qua phương pháp Công tác xã hội nhóm.

Kết quả khảo sát những người nghèo nhập cư phường Phúc Xá cho thấy, các hoạt động hỗ trợ nhóm và sinh hoạt truyền thông tại địa phương có sự hỗ trợ của cán bộ xã hội/ chuyên gia có chuyên môn. Tuy sự hỗ trợ này không thường xuyên và liên tục nhưng vẫn rất ý nghĩa, và cần thiết đặc biệt đối với nhóm người nghèo nhập cư có nhiều đặc điểm yếu thế. Với hoạt động hỗ trợ người nghèo nhập cư địa phương tiếp cận các thông tin dịch vụ xã hội tại địa phương bằng phương pháp CTXH nhóm, cán bộ xã hội/ chuyên gia có chuyên môn cần đảm nhận vai trò một NVCTXH. NVCTXH cần thực hiện một số vai trò như sau:

Thứ nhất, NVCTXH là người đi trước vấn đề. Từ thực trạng cuộc sống của người nghèo tại đô thị hiện nay, qua việc nghiên cứu và đánh giá, người cán bộ xã hội nhận định được những vấn đề mà họ đang gặp phải, những khó khăn mà họ phải đương đầu trong tiếp cận thông tin dịch vụ xã họi và tiếp cận dịch vụ xã hội như nhà ở , giáo dục, y tế, sức khỏe…Đồng thời thấy được

những nguy cơ mà họ có thể sẽ phải đối mặt để từ đó có biện pháp phòng ngừa thích hợp. Ở nghiên cứu này, NVCTXH vận dụng các kiến thức, kỹ năng của phương pháp CTXH nhóm để làm việc với nhóm và thành viên nhóm người nghèo nhập cư từ đó có được thông tin chính xác nhất. Đồng thời người cán bộ phải tìm hiểu thực tế cuộc sống của những người ngày đêm đi bán dạo, bán hàng rong, những phu khuân vác…thành viên nhóm để thực sự hiểu tình cảnh của họ cũng như những mong muốn, nhu cầu hiện tại.

Thứ hai, NVCTXH là người nghiên cứu các chương trình, chính sách, mục tiêu của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến nhóm người nghèo nhập cư tại đô thị. Đó là những chương trình chính sách cụ thể như: chính sách giảm nghèo đô thị, việc truyền thông, việc cung cấp các dịch vụ xã hội cho người nghèo, dự án xây dựng nhà ở, nhà xã hội, chính sách nhập dân…và những chính sách phòng ngừa khác.Việc nghiên cứu này cùng với việc đánh giá thực tiễn tại địa phương để xem xét hiệu quả của quá trình thực hiện các chính sách đó. Thực tế hiện nay cho thấy việc thực thi các chính sách giảm nghèo đô thị còn nhiều bất cập, chưa thực sự hướng đến lợi ích của người nghèo nói chung và còn chưa quan tâm đến nhóm người nghèo nhập cư nói riêng. Như vậy, NVCTXH phải có những kiến nghị, giải pháp để thúc đẩy việc truyền thông, thực thi các chính sách này một cách tốt nhất, đem lại cuộc sống tốt hơn cho nhóm người nghèo này.

Thứ ba, NVCTXH giữ vai trò là người kết nối các nguồn lực xã hội, những nguồn lực từ phía Nhà nước, các Đoàn thể, các tổ chức xã hội, cá nhân nhằm đem lại sự hỗ trợ trong tiếp cận thông tin và tiếp cận dịch vụ xã hội tốt hơn cho người nghèo nhập cư tại đô thị.

Thứ tư, NVCTXH là người hỗ trợ thành viên nhóm lập kế hoạch. Trong các vấn đề liên quan đến nghèo đô thị, cần hơn bao giờ hết những hỗ trợ dành cho nhóm người nghèo nhập cư. Khi nhóm đi vào hoạt động, với mục tiêu nhóm đặt ra cùng với sự thảo luận, trao đổi của thành viên nhóm, cần có những kế hoạch để hoạt động nhóm diễn ra thực sự hiệu quả. Với kiến

thức chuyên sâu, kinh nghiệm trong hỗ trợ nhóm, NVCTXH là người hỗ trợ thành viên nhóm lập kế hoạch cho các hoạt động.

Đối với thành viên nhóm, NVCTXH có vai trò hết sức quan trọng. NVCTXH là người tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng, những mong muốn của thành viên nhóm. Hầu hết họ là những người có trình độ học vấn thấp, dễ bị tổn thương, thiếu các kỹ năng xã hội. Thành viên nhóm người yếu thế này thường mặc cảm tự ti, cảm thấy mình thấp kém, nhất là khi họ sống trong môi trường năng động, hiện đại của thành thị, nơi sự phân biệt giàu nghèo rõ nét nhất. Chính vì thế NVCTXH cần phát huy vai trò nâng cao năng lực cho người nghèo ngay từ trong tâm lý, giúp họ nhận thức rõ giá trị bản thân và có tinh thần vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời cung cấp cho họ những kỹ năng để có thể đương đầu với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, có khả năng tự vệ trước những tiêu cực của xã hội. Thành viên nhóm cũng là những người thiếu hiểu biết về các chính sách và pháp luật của nhà nước. Như vậy nhân viên công tác xã hội phải là ngườicung cấp các thông tin, kiến thức pháp luật cho họ để tránh việc vi phạm pháp luật, đồng thời giúp họ hiểu và có cái nhìn đúng đắn về các chính sách có liên quan tới cuộc sống của họ, hiệu quả đem lại từ các chính sách xã hội ấy. Đây cũng là một phần nội dung mục tiêu của sinh hoạt nhóm người nghèo nhập cư phường Phúc Xá- Ba Đình- Hà Nội.

Trong đề tài này, với hoạt động chính là xây dựng mô hình CTXH nhóm nhằm hỗ trợ cho người nghèo nhập cư tiếp cận thông tin dịch vụ xã hội, hướng đến nâng cao được khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, NVCTXH cần có vai trò cụ thể hơn và thực sự đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của các thành viên trong nhóm về một người trợ giúp.

Bên cạnh những vai trò mà NVCTXH cần thực hiện trong hoạt động trợ giúp cho một nhóm cụ thể, nhân viên xã hội cần thông qua khảo sát ý kiến của các thành viên trong nhóm về sự nhìn nhận vai trò của NVCTXH trong nhóm. Điều này nhằm đảm bảo tính khách quan và hiệu quả của việc thực hiện một cách tốt nhất các vai trò của NVCTXH.

Thông qua mục đích hoạt động và đặc điểm của nhóm được thành lập, thông qua kết quả khảo sát ý kiến nhóm viên, các thành viên trong nhóm có sự nhận thức và đề xuất ý kiến về vai trò của nhân viên công tác xã hội trong nhóm dự định sẽ thành lập. Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy nhiệm vụ của NVCTXH trong mô hình CTXH nhóm bao gồm:

- NVCTXH là người phổ biến về hoạt động nhóm: Thực tế cho thấy, hầu hết người dân nhập cư ở khu vực này đều không có cái nhìn chính xác và đầy đủ về hoạt động CTXH nhóm. Một số thành viên trong khu dân cư đã từng tham gia các nhóm có tính chất hỗ trợ như nhóm phụ nữ bị bạo hành, nhóm nâng cao hiểu biết về SKSS…trong một số hoạt động của địa phương. Nhưng một hoạt động nhóm mang tính chất của CTXH với đầy đủ các giai đoạn của nó thì họ chưa được biết đến. Do vậy, trong quá trình hình thành nhóm, NVCTXH cần phổ biến những kiến thức cần thiết về hoạt động nhóm để người dân nắm bắt được những yếu tố chính của hoạt động nhóm và thực sự hiểu.

- Nhân viên công tác xã hội là người cùng với các thành viên đưa ra các ý kiến về hoạt động của nhóm và là người tổng hợp lại các ý kiến để đưa ra kết luận cuối cùng: trong hoạt động nhóm, do chưa có sự hiểu biết nhiều cũng như có sự hạn chế về kiến thức và trình độ học vấn, người nghèo nhập cư mong muốn nhân viên công tác xã hội sẽ là người định hướng các hoạt động cần thực hiện. Tuy nhiên, NVCTXH không phải là người quyết định các vấn đề đưa ra mà các vấn đề sẽ được lấy ý kiến thảo luận của các thành viên trong nhóm, NVCTXH tổng hợp lại các ý kiến đó và đưa ra nhận định.

- NVCTXH là người hỗ trợ các nhóm viên tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho hoạt động nhóm đạt kết quả cao. Do tính chất của người nghèo nhập cư là nghèo vốn xã hội, tức là rất hạn chế trong các quan hệ xã hội với những người xung quanh, với cộng đồng. Nhận thức được thực tế này, các thành viên mong muốn được hỗ trợ cải thiện các mối qun hệ xã hội. Đồng thời trong hoạt động của nhóm, việc liên hệ và kết nối nguồn lực với các cơ quan chức năng để người dân có thể nói lên tiếng nói của mình rất cần tới vai trò trợ giúp của NVCTXH. NVCTXH là người hỗ trợ và cùng nhóm tham gia các hoạt động cần thiết.

- Nhân viên công tác xã hội là người cùng với các thành viên nhóm đánh giá kết quả hoạt động và rút ra kinh nghiệm. Mỗi hoạt động khi thực hiện xong cần có sự đánh giá những gì đã đạt được và những điểm chưa tốt, cần phải khắc phục. Hoạt động nhóm đối với người nghèo nhập cư cũng như vậy. Hầu hết các thành viên đều thiếu tự tin vào khả năng của mình, vì vậy họ đòi hỏi cần có sự đánh giá khách quan và có chuyên môn của NVCTXH. Tuy nhiên, NVCTXH không áp đặt ý kiến chủ quan. Mà khích lệ các thành viên nhóm thông qua đóng góp của mình đối với nhóm để tự đánh giá bản thân.

- NVCTXH là người hỗ trợ các kỹ năng hoạt động nhóm cho các thành viên. Do đặc thù là nhóm người nghèo, thời gian phần lớn dành cho lao động, làm việc nên người nghèo ít có những kỹ năng trong cuộc sống. Những kỹ năng cơ bản trong giao tiếp, kỹ năng sống hay là việc nhóm đối với người nghèo lại càng xa lạ. Do vậy, việc tập huấn các kỹ năng này cho các thành viên là hết sức cần thiết. Trước hết là để tăng cường hiệu quả hoạt động của nhóm, khi các thành viên được trang bị kỹ năng cần thiết thì hoạt động nhóm sẽ được diễn ra tốt hơn, tất yếu đem lại hiệu quả cao hơn; đồng thời việc tập huấn các kỹ năng còn có ý nghĩa chính ngay trong cuộc sống của các thành viên, giúp họ cải thiện các mối quan hệ xã hội và tăng cường khả năng đối phó với vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Trên đây là một số vai trò và nhiệm vụ cơ bản của NVCTXH trong mô hình nhóm thử nghiệm, dựa trên ý kiến đóng góp và đánh giá của các thành viên tham gia vào nhóm. NVCTXH dựa trên mong muốn, nhu cầu của người dân để thực hiện một cách tốt nhất vai trò, nhiệm vụ của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trợ giúp người nghèo nhập cư thành phố hà nội tiếp cận thông tin dịch vụ xã hội qua phương pháp công tác xã hội nhóm (điển cứu tại phường phúc xá quận ba đình thành phố hà nội) (Trang 107 - 111)