Hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản

Một phần của tài liệu tranh tụng tại phiên tòa theo pháp luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 49 - 53)

3.1.1.1. Quy định nguyên tắc tranh tụng

Cho đến nay, BLTTHS 2003 đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung. Nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức nhằm đóng góp ý kiến cho công tác này. Hội thảo về “Mô hình Luật TTHS Việt Nam” do VKSNDTC tổ chức ngày 31/11/2009 với nhiều chuyên gia đầu ngành, các thẩm phán, KSV và LS đã tham dự và phát biểu tranh luận. Dù còn nhiều tranh cãi nhưng một số vấn đề nhận được sự thống nhất cao như việc tán thành ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong BLTTHS sửa đổi.

Phiên tòa sơ thẩm có tính tranh tụng không chỉ làm thay đổi một cách cơ bản hoạt động của các bên tranh tụng tại phiên tòa và những người tham gia tố tụng khác, thay đổi vai trò của TA, tạo điều kiện khách quan cần thiết cho bản án công minh mà còn có tác động lan tỏa tích cực đến hoạt động tố tụng ở các giai đoạn khác, nhất là giai đoạn điều tra. Một phiên tòa tranh tụng sẽ buộc hoạt động của tất cả những chủ thể tham gia phiên tòa, kể cả hoạt động xét xử của TA và các chủ thể tham gia giai đoạn trước phiên tòa sẽ phải chuyên nghiệp hơn. Sự

hiện diện của nguyên tắc tranh tụng trong BLTTHS là cơ sở pháp lý quan trọng để các bên tranh tụng được bình đẳng với nhau trong việc thực hiện chức năng tranh tụng của mình và TA với chức năng xét xử là vị trọng tài vô tư, khách quan, điều khiển, quyết định kết quả của quá trình tranh tụng.

Với ưu điểm đó, nguyên tắc tranh tụng cần sớm được ghi nhận là một nguyên tắc cơ bản trong BLTTHS Việt Nam giữ vai trò chi phối và định hướng mọi hoạt động cũng như hành vi tranh tụng của tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình TTHS. Nguyên tắc này cũng cần được cụ thể hóa trong toàn bộ quá trình tố tụng. Đây là giải pháp cần thiết để tạo ra sự chuyển biến tích cực trong hoạt động TTHS ở nước ta, làm cho hoạt động TTHS phù hợp với qui luật khách quan vốn có của nó.

BLTTHS hiện hành của nước ta chưa ghi nhận và thể hiện đầy đủ các yêu cầu của nguyên tắc tranh tụng. Quy định tại Điều 19 của Bộ luật mới phản ánh được một phần nội dung của nguyên tắc này. Chính vì vậy, việc nhận thức và áp dụng quy định đó trong thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự không chính xác và đầy đủ. Điều đó có thể ảnh hưởng đến mục đích và nhiệm vụ đặt ra của TTHS. Bởi vậy, trong BLTTHS sửa đổi của nước ta nên ghi nhận nguyên tắc tranh tụng với những nội dung chính sau đây:

Thứ nhất, khẳng định sự tách bạch giữa các chức năng cơ bản của TTHS

là chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử. Những chức năng này do các chủ thể khác nhau thực hiện;

Thứ hai, khẳng định sự bình đẳng của bên buộc tội và bào chữa trong

hoạt động thu thập, đưa ra các chứng cứ, các yêu cầu và tranh luận về các vấn đề có liên quan đến việc giải quyết vụ án tại phiên tòa.

Thứ ba, khẳng định nghĩa vụ của các CQTHTT phải tạo mọi điều kiện tốt

nhất để thực hiện việc tranh tụng. TA phải tạo điều kiện để các bên tranh tụng thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình, phải xem xét vô tư, khách quan mọi chứng cứ và lý lẽ của bên buộc tội cũng như bên bào chữa. Bản án của TA chỉ dựa trên cơ sở kết quả tranh tụng dân chủ giữa các bên.

Theo đó, Điều luật mới sẽ có nội dung như sau: “Điều...Bảo đảm tranh tụng trong TTHS

Trong TTHS, các chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử độc lập với nhau..

Bên buộc tội và bên bào chữa bình đẳng với nhau trong việc thu thập và đưa ra các chứng cứ, các yêu cầu và tranh luận về các vấn đề có liên quan đến việc giải quyết vụ án.

TA tạo điều kiện để các bên tranh tụng thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình; xem xét vô tư, khách quan mọi chứng cứ và lý lẽ của bên buộc tội cũng như bên bào chữa..Bản án của TA chỉ dựa trên cơ sở kết quả tranh tụng dân chủ giữa các bên.”

3.1.1.2. Quy định nguyên tắc suy đoán vô tội

Bên cạnh nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội chính là nền tảng, là sự thể hiện sự cô đọng nhất những bảo đảm pháp lý cho quyền bào chữa của bị cáo. Nói cách khác, nguyên tắc suy đoán vô tội có mối quan hệ mật thiết với quyền bào chữa của bị cáo. Quyền bào chữa của bị cáo chỉ có thể thực hiện được một cách đầy đủ nếu tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội. Vi phạm quyền bào chữa của bị cáo luôn luôn là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội ở chừng mực nhất định nào đó. Ngược lại, vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội tất yếu dẫn tới vi phạm quyền bào chữa của bị cáo.

Nguyên tắc này nhằm loại trừ định kiến, kết tội một chiều trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, có tác dụng định hướng cho những người tham gia tố tụng trong quan hệ với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Nó khẳng định: “Dù

chứng cứ thu thập trong vụ án đến đâu, dù niềm tin nội tâm của những người tiến hành tố tụng về lỗi của bị can thế nào thì họ vẫn có nghĩa vụ làm sáng tỏ các tình tiết sự kiện của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ” [28].

Nguyên tắc suy đoán vô tội gồm có các nội dung chính sau:

Thứ nhất, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người được suy đoán vô tội

cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực của TA;

Thứ hai, nghĩa vụ chứng minh lỗi của bị can, bị cáo thuộc về các

CQTHTT. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội. Việc không chứng minh được lỗi của bị cáo đồng nghĩa với việc bị cáo vô tội;

Thứ ba, mọi hoài nghi về lỗi của bị can trong vụ án phải được giải thích

theo hướng có lợi cho bị can; Những yếu tố liên quan đến tiền án, tiền sự cần được loại trừ, không được đưa ra trước khi HĐXX quyết định một người nào đó phạm tội và chỉ đưa ra khi quyết định hình phạt...

Trong BLTTHS 2003, mặc dù đã có sự ghi nhận về cơ bản những nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội qua Điều 9 (Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của TA đã có hiệu lực pháp luật) và Điều 10 (Xác định sự thật của vụ án). Tuy nhiên, để hoàn thiện nguyên tắc này trong BLTTHS sửa đổi, chúng tôi đề nghị sửa đổi Điều 9 và Điều 10 như sau:

“Nguyên tắc suy đoán vô tội

Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được coi là không có tội và không phải chịu hình phạt cho tới khi có bản án kết tội của TA có hiệu lực pháp luật.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về CQTHTT. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Việc không làm rõ được hoài nghi về lỗi của bị cáo trong vụ án phải được giải thích theo hướng có lợi cho bị cáo”.

Trên cơ sở nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội (đã sửa đổi như trên), cần sửa đổi, bổ sung các quy định khác của BLTTHS hiện hành về các quy định

có liên quan đến việc thực hiện nguyên tắc trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự. Tác giả sẽ tiếp tục đề xuất trong các kiến nghị tiếp theo.

Một phần của tài liệu tranh tụng tại phiên tòa theo pháp luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w