Nguyên nhân khách quan

Một phần của tài liệu tranh tụng tại phiên tòa theo pháp luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 40 - 46)

2.3.1.1. Hạn chế trong quy định của pháp luật.

Thứ nhất, về các nguyên tắc cơ bản đảm bảo cho tranh tụng tại phiên tòa.

Đến nay, tranh tụng vẫn chưa được quy định là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động TTHS. Chúng tôi đồng tình với PGS.TS. Nguyễn Thái Phúc khi cho rằng:

Không thừa nhận nguyên tắc tranh tụng là bỏ lỡ cơ hội để các cơ quan tiến hành tố tụng mà trước hết là CQĐT, VKS phải tự đổi mới, hoàn thiện để nâng mình lên trước sự đối trọng và phản biện tích cực từ bên bào chữa... bỏ lỡ cơ hội thể hiện sự nhận thức của chúng ta về những giá trị nhân văn chung, những quy luật khách quan chung của TTHS đã được thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế... Chính vì hạn chế này mà những đột phá như chúng ta mong muốn và chờ đợi sau khi BLTTHS năm 2003 có hiệu lực đã không xảy ra trong hoạt động của TTHS nước nhà.

[28].

Bên cạnh những quy định cụ thể về tranh tụng tại phiên tòa, cần thiết phải có một nguyên tắc đặc thù, giữ vai trò nền tảng, là kim chỉ nam định hướng cho hoạt động này.

Thứ hai, quy định về chức năng của các chủ thể trong TTHS.

Nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của các chủ thể trong TTHS cần được xác định trên cơ sở chức năng của nó. Việc quy định những quyền hạn và nghĩa

vụ không thuộc về chức năng của bất kỳ chủ thể nào cũng sẽ dẫn tới những vướng mắc và tồn tại trong thực tiễn.

Phân tích các quy định của BLTTHS năm 2003 về nhiệm vụ và quyền hạn của TA thấy rằng pháp luật đã giao một số nhiệm vụ và quyền hạn không thuộc về chức năng xét xử mà thuộc về chức năng buộc tội và chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật cho TA thực hiện. Những quy định như vậy sẽ dẫn tới tình trạng không đảm bảo được sự vô tư, khách quan trong cương vị trọng tài của TA.

Ngoài ra, việc KSV tham gia phiên tòa đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: buộc tội và kiểm sát việc tuân theo pháp luật cũng là điểm bất hợp lý. Theo TS. Nguyễn Đức Mai thì: “Chức năng chủ yếu của KSV khi tham gia phiên tòa theo

sự ủy quyền của Viện trưởng là thực hành quyền công tố để buộc tội bị cáo” [55]

và KSV khi tham gia phiên tòa: “là người tham gia tố tụng chứ không phải

người tiến hành tố tụng... Tại phiên tòa, KSV không có đủ thẩm quyền và điều kiện để có thể thực hiện được chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử của TA bởi vì việc kháng nghị thuộc thẩm quyền của Viện trưởng và chỉ có thể tiến hành sau khi việc xét xử vụ án đã kết thúc” [55]. Đồng quan điểm này, PGS.TS. Phạm Hồng Hải cũng cho rằng: “Không thể coi KSV là người tiến

hành tố tụng tại phiên tòa xét xử... Việc coi KSV là người tiến hành tố tụng tại phiên tòa là hạ thấp vai trò điều khiển phiên tòa xét xử và quyết định tất cả những vấn đề thuộc chức năng của TA... vi phạm quyền bình đẳng giữa các bên trong tố tụng” [16].

Thứ ba, các quy định về trình tự, thủ tục xét hỏi, tranh luận.

Quy định tại Điều 207 BLTTHS là biểu hiện sinh động nhất của hệ thống tố tụng xét hỏi đã và đang tồn tại ở Việt Nam. Trình tự xét hỏi cùng với việc quy định quyền xét hỏi đã khiến cho phiên tòa không đảm bảo tăng cường tính tranh

tụng. Bởi vì, với quyền xét hỏi trước tiên, HĐXX thường “quá tích cực” tham gia xét hỏi khiến cho những người tham dự có cảm giác là HĐXX đang tiến hành hợp thức hóa những gì có tại hồ sơ vụ án và quá trình tranh tụng chỉ là hình thức. Khi tích cực tham gia xét hỏi thì HĐXX khó có điều kiện tập trung xem xét, đánh giá những chứng cứ do các bên tranh tụng đưa ra. Mặt khác, còn khiến các chủ thể thuộc bên buộc tội và bên bào chữa mất đi tính chủ động trong việc tham gia xét hỏi để chứng minh cho quan điểm của mình.

Hơn nữa, theo quy định tại Điều luật này thì xét hỏi là quyền của KSV. Do đó, KSV có thể thực hiện quyền của mình hoặc không. Chúng tôi tán đồng với ý kiến của TS. Từ Văn Nhũ khi cho rằng:

Chưa có quy định nào buộc KSV phải có trách nhiệm thẩm vấn, làm rõ mọi tình tiết của vụ án; mà KSV thẩm vấn ai, thẩm vấn như thế nào là hoàn toàn do KSV tự quyết; có phiên tòa KSV không hề hỏi, thẩm vấn bất kỳ ai, thậm chí khi tranh luận có KSV luôn luôn giữ cho mình một câu kinh điển “đại diện có VKS nhân dân, giữ quyền công tố tại phiên tòa, tôi giữ nguyên quan điểm về vụ án như cáo trạng đã công bố”. Trong khi bản cáo trạng thì do VKS nhân dân soạn thảo, phát hành trước khi xét xử vụ án vài ba tháng và được tập thể duyệt, thông qua. [56].

Rõ ràng, quy định về xét hỏi như trên là không phù hợp và có khuynh hướng phản tác dụng đối với yêu cầu “tăng cường tranh tụng” như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Một hạn chế nữa của pháp luật thực định là quy định cho HĐXX được quyền công bố lời khai tại CQĐT theo một số điều kiện tại khoản 2 Điều 208 BLTTHS. TA là chủ thể có trách nhiệm chứng minh tội phạm (Điều 10 BLTTHS) nhưng theo chúng tôi, TA (HĐXX) là chủ thể của chức năng xét xử

không có nghĩa vụ chứng minh tính có lỗi của bị cáo, không phải tìm chứng cứ để xác định bị cáo có thực hiện hành vi như bản cáo trạng đã truy tố hay không, mà là kiểm tra tính hợp pháp, tính có căn cứ của những chứng cứ do các bên tranh tụng đưa ra. Hoạt động chứng minh của TA là chứng minh căn cứ và lý do cho bản án và quyết định của mình. Sự chứng minh này có tính đặc thù so với hoạt động chứng minh của các chủ thể buộc tội và bào chữa. HĐXX vẫn có cơ hội công bố lời khai tại CQĐT nhưng thời điểm thích hợp nhất là lúc tuyên bản án HSST, nội dung công bố thể hiện ngay trong bản án HSST.

Theo quy định của BLTTHS, bị cáo có quyền tự bào chữa cho mình. Tuy nhiên, cơ chế để bị cáo có thể thực hiện quyền này vẫn chưa đảm bảo, còn thiếu những quy định nhằm tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện có hiệu quả quyền tự bào chữa. Ví như, BLTTHS chưa quy định cho bị cáo có quyền ghi chép và sử dụng những tài liệu tại phiên tòa trong quá trình bào chữa, tranh luận và đối đáp. Trong khi đó, KSV là người có kiến thức pháp luật, có hồ sơ vụ án, được xét hỏi và ghi chép toàn bộ diễn biến, sàng lọc những căn cứ để buộc tội bị cáo. Vì vậy, không thể có được sự bình đẳng dân chủ trong tham gia tranh luận giữa các bên tại phiên tòa như quy định của pháp luật. Chúng tôi đồng tình với quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Văn Huyên:

Để giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi nên quy định cho bị cáo được quyền ghi chép lại những nội dung cần thiết khi tranh luận và tạo các điều kiện thực tế cho bị cáo ghi chép. Quy định này bảo đảm sự dân chủ tại phiên tòa, giúp bị cáo nắm vững các nội dung buộc tội của KSV và thuận lợi khi trình bày để bảo vệ quan điểm của mình” [14 tr18].

Thứ tư, pháp luật thực định còn thiếu chế tài xử lý đối với những vi phạm

tranh tụng tại phiên tòa như: KSV không tham gia đối đáp, tranh luận; chủ tọa phiên tòa không yêu cầu KSV đáp lại những ý kiến của người bào chữa, hạn chế thời gian tranh luận... Theo ý kiến của TS. Tô Văn Hòa thì: “những quy định về quyền bào chữa của bị can, bị cáo đang thiếu hẳn một cơ chế khách quan, bảo đảm cho việc thực hiện quyền tố tụng, khiến cho bị cáo hoặc người bào chữa đôi khi rơi vào tình trạng không bảo vệ được quyền của chính mình” [43].

2.3.1.2. Quy chế làm việc của ngành

Do hoàn cảnh lịch sử, ở nước ta chế độ thỉnh thị án và duyệt án đã tồn tại trong thời gian dài. Chế độ thỉnh thị án thể hiện lề lối làm việc phát sinh trong quan hệ giữa TAND cấp trên và TA cấp dưới trong giai đoạn các TA chưa mạnh, đội ngũ Thẩm phán còn yếu kém về trình độ, pháp luật chưa hoàn thiện; còn chế độ duyệt án là lề lối làm việc phát sinh trong quan hệ giữa tập thể lãnh đạo của một TA đối với cá nhân người thẩm phán được phân công xét xử vụ án cụ thể.

Lề lối làm việc trên đã đưa tới căn bệnh “án tại hồ sơ” dẫn đến không ít trường hợp oan sai như: vụ Bùi Minh Hải phạm tội giết người ở Đồng Nai; vụ Dương Thị Lệ phạm tội Tổ chức đánh bạc ở Trà Vinh; vụ Đặng Thị Dân phạm tội Đánh bạc ở Vĩnh Long... Thẩm phán ra trước phiên tòa chỉ là để thể hiện kết quả của “Ban duyệt án”. Rõ ràng, xử lý như vậy là trọng cung hơn trọng chứng cứ. Trong trường hợp bị cáo bị ép cung và quyền lực trong tay người làm án đã khép kín thì bị cáo khó mà gỡ tội.

Thực tế cho thấy, “không ít vụ án, khi tiến hành thẩm vấn tại phiên tòa, (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

HĐXX thấy vụ án có nhiều tình tiết mới hoặc có thể xử mức án nhẹ hơn hoặc chuyển sang khung hình phạt có mức án nhẹ hơn, thậm chí có bị cáo không phạm tội nhưng HĐXX không dám tuyên vô tội mà phải hoãn phiên tòa để xin ý kiến của Ủy ban Thẩm phán” [22. tr 266].

Để đảm bảo người thẩm phán khi xét xử phải thực hiện được các nguyên tắc: độc lập, không thiên vị, phán quyết dựa trên cơ sở pháp luật, các nước trên thế giới như Đan Mạch, Na Uy, Đức...đưa ra những cơ chế như: thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời, không bị bãi nhiệm trái ý muốn, có mức lương cao, được trang bị nhà, xe... Ở Việt Nam, chế độ đãi ngộ đối với công chức nói chung và Thẩm phán, KSV nói riêng còn chưa tương xứng. Chế độ tiền lương thấp, điều kiện sinh hoạt và làm việc còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Áp lực từ mưu sinh cho cuộc sống chính là một trong những nguyên nhân nảy sinh tình trạng nhận hối lộ, cố ý làm sai lệch và có những hành vi không bảo đảm tranh tụng hoặc đưa ra phán quyết không đúng đắn trong việc giải quyết vụ án.

2.3.1.3. Hạn chế về người tham gia bào chữa

Tính đến nay, với hơn 5.800 LS đang hành nghề và hơn 2.200 đang thực tập trên cả nước, đội ngũ LS đã và đang được đánh giá là có số lượng phát triển vượt bậc chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm trở lại đây, với tốc độ phát triển đạt 250%. Thế nhưng, nếu so với quy mô dân số và các nước trên thế giới, tỷ lệ LS của Việt Nam vẫn còn quá ít, tính trung bình mới đạt 1/16.000 dân. Trong khi ở Mỹ, tỷ lệ này là 1/250, Nhật Bản là 1/400, Singapore là 1/1.000, Thái Lan là 1/1.526... [39]. Mặt khác, số lượng LS ở nước ta phát triển quá chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, trung du. Sự phát triển đội ngũ LS chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, số lượng LS không đủ đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý của nhân dân. Ngay cả trong việc thực hiện bào chữa cho bị can, bị cáo mà luật định phải có sự tham gia của LS. Hạn chế về số lượng người bào chữa cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới khó khăn trong việc tăng cường tính tranh tụng tại phiên tòa.

Giới hạn về người được tham gia bào chữa theo quy định tại Điều 56 BLTTHS cũng ảnh hưởng nhiều tới quyền lựa chọn người bào chữa của bị can, bị cáo. Rất nhiều trường hợp bị can, bị cáo có những người thân thích (như cô, dì, chú bác, anh chị em ruột…) có trình độ cử nhân luật trở lên và có khả năng bào chữa cho họ. Tuy nhiên, vì không phải là luật sư, không là người đại diện

hợp pháp hoặc bào chữa viên nhân dân nên họ đã không thể tham gia làm người bào chữa cho bị can, bị cáo. Quy định này vô hình chung đã hạn chế và không tạo điều kiện thuận lợi cho bị can, bị cáo trong việc lựa chọn người bào chữa để bảo vệ kịp thời, có hiệu quả và phù hợp với khả năng tài chính của mình.

Một phần của tài liệu tranh tụng tại phiên tòa theo pháp luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 40 - 46)