của các chủ thể tham gia phiên tòa hình sự
Từ nguyên tắc tranh tụng với sự phân định rõ ba chức năng cơ bản trong TTHS là buộc tội, bào chữa và xét xử với những chủ thể tương ứng, BLTTHS cũng cần sửa đổi các quy định cụ thể về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể này đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc trên.
Đối với TA, chủ thể của chức năng xét xử, cần được quy định lại theo
hướng Tòa là hạt nhân của các cơ quan tư pháp, độc lập với bên buộc tội và bên bào chữa. Do đó, những quy định không phù hợp với nội dung của chức năng xét xử cần được sửa lại cho phù hợp. Cụ thể là:
Thứ nhất, bỏ quy định TA (HĐXX) có quyền khởi tố vụ án tại Điều 104
BLTTHS; Bởi vì đây là công việc của chức năng buộc tội.
Thứ hai, sửa quy định tại khoản 2 Điều 222 BLTTHS theo hướng TA
tuyên bản án vô tội đối với bị cáo trong trường hợp có căn cứ xác định bị cáo không có tội hoặc việc truy tố không có căn cứ. Việc TA tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị với VKS cấp trên khi thấy việc rút quyết định truy tố không có căn cứ thực chất chính là việc buộc tội gián tiếp của TA. Điều này không phù hợp với chức năng, địa vị pháp lý của TA (HĐXX).
Thứ ba, sửa đổi quy định về việc thẩm phán trả hồ sơ để điều tra bổ sung
theo Điều 179 và Điều 199 BLTTHS 2003 theo hướng quy định trường hợp duy nhất mà Thẩm phán có thể trả hồ sơ yêu cầu bổ sung là khi thẩm phán phát hiện ra những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và những vi phạm đó cản trở việc xét xử của TA. Ví dụ: VKS chưa tống đạt cáo trạng cho bị cáo... Còn về vấn đề chứng cứ đã đủ hay chưa, chứng cứ nào là chứng cứ quan trọng của vụ án... là mối quan tâm và trách nhiệm của VKS đối với việc bảo vệ cáo trạng của mình. TA không có nhiệm vụ hỗ trợ chức năng “buộc tội” của VKS.
Đối với VKS, cần quy định VKS chỉ thực hiện một chức năng duy nhất là
chức năng công tố. Tại phiên tòa sơ thẩm, VKS chỉ có nhiệm vụ thực hành quyền công tố để bảo vệ cáo trạng của mình. Điều này phù hợp với nguyên tắc tranh tụng, phân định rõ chức năng của các chủ thể và đảm bảo sự bình đẳng giữa hai chức năng buộc tội và gỡ tội về địa vị pháp lý. Việc bỏ chức năng kiểm sát xét xử tại phiên tòa của VKS để TA tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật sẽ góp phần giúp HĐXX độc lập hơn khi xét xử.
Ngoài ra, cần quy định lại vị trí ngồi của KSV và người bào chữa tại các phiên tòa hình sự theo hướng để LS được ngồi ở ghế đối diện ngang bằng với KSV và gần bị cáo. Ở vị trí này LS bào chữa cho bị cáo vừa có điều kiện dễ dàng tiếp xúc với bị cáo vừa có sự ngang bằng với KSV. Quy định này thể hiện sự bình đẳng trước TA của KSV và LS.
Trong các phiên toà có nhiều bị cáo, nhiều người bào chữa, có thể tăng số lượng KSV để tương xứng hơn trong tranh tụng.
Đối với người bào chữa, để thực hiện tốt hoạt động tranh tụng tại phiên
tòa đòi hỏi người bào chữa phải có được những lập luận sắc sảo thông qua việc đưa ra những chứng cứ, tài liệu thu thập được. Do đó, cần mở rộng quyền thu thập chứng cứ và cách thức thu thập chứng cứ của người bào chữa. Cụ thể là: khi tìm được bất kỳ tài liệu, đồ vật nào... có liên quan đến vụ án, người bào chữa giao nộp cho CQĐT, VKS hoặc TA. Việc giao nộp phải có biên bản chi tiết và
các tài liệu, đồ vật đó phải được mô tả đầy đủ về cách thức được tìm ra thế nào? trong hoàn cảnh nào?.. BLTTHS cũng cần quy định về việc CQĐT và VKS khi nhận được đồ vật, tài liệu do người bào chữa cung cấp phải đưa những chứng cứ này vào hồ sơ hình sự. Hơn nữa, để tránh tình trạng “bức cung”, “mớm cung”,
cần quy định rõ khi người bào chữa yêu cầu có mặt khi hỏi cung bị can thì các
biên bản hỏi cung chỉ có giá trị pháp lý khi có sự hiện diện của người bào chữa thể hiện bằng chữ ký của họ trên các tài liệu, biên bản điều tra. Trong
trường hợp bị cáo không có người bào chữa, việc hỏi cung cũng cần sự có mặt của người đại diện hợp pháp hoặc người thân thích được bị cáo đề nghị làm người bào chữa cho họ. Quy định này không chỉ nhằm tránh tình trạng “bức cung, mớm cung” dẫn tới việc bị cáo phản cung tại phiên tòa mà còn tăng tính dân chủ, khách quan trong quá trình điều tra, tránh những oan sai từng xảy ra trong TTHS. Hơn nữa, quy định này cũng sẽ đảm bảo sự vững chắc của các lý lẽ, lập luận mà người bào chữa đưa ra trong tranh tụng tại phiên tòa. Không thể nói về tăng cường tranh tụng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bị can, bị cáo nếu không tạo điều kiện cho họ và người bào chữa của họ có được “vũ khí” khi tham gia vào quá trình chứng minh tại Tòa.
Nhìn chung, quyền bào chữa của bị can, bị cáo được thực hiện phần lớn thông qua sự tham gia của người bào chữa vào các giai đoạn tố tụng. Do đó, pháp luật TTHS cần đề cao vị trí, vai trò của người bào chữa trong TTHS; Quy định thêm các quyền của người bào chữa ở các giai đoạn tố tụng cho tương xứng với các quyền của bên buộc tội; Xây dựng cơ chế pháp lý bảo đảm cho người bào chữa thực hiện được các quyền của mình trên thực tế; Xác định vị trí bình đẳng và độc lập của người bào chữa với CQTHTT trong hoạt động TTHS.
Những sửa đổi trên sẽ làm thay đổi căn bản quan niệm về người bào chữa với tư cách là người tham gia tố tụng, nhằm phát huy hơn nữa vai trò tích cực và chủ động của người bào chữa trong tranh tụng tại phiên tòa.