Tình trạng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của TTHS vẫn xảy ra và chưa đảm bảo thực hiện triệt để

Một phần của tài liệu tranh tụng tại phiên tòa theo pháp luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 31 - 35)

Phổ biến nhất là việc vi phạm các nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước TA, bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo và không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án, quyết định có hiệu lực của TA. Có thể kể tới những biểu hiện cụ thể sau:

Mặc dù Điều 18 BLTTHS quy định: “Việc xét xử của TA được tiến hành

công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì TA xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”, nhưng nhiều vụ án không nằm

trong phạm trù trường hợp đặc biệt, người dân cũng không thể vào tham dự vì không được TA có thẩm quyền cấp giấy cho phép vào tham dự.

Ngoài ra, dù BLTTHS đã quy định rất cụ thể nhưng thực tế hầu như đối với các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 37 BLTTHS đều không được CQĐT yêu cầu Đoàn LS cử người bào chữa cho họ từ khi khởi tố bị can. Chỉ khi vụ án chuyển sang giai đoạn xét xử, có lịch phiên tòa thì TA mới thông báo cho đoàn LS cử người bào chữa cho họ và như vậy người bào chữa không có cơ hội để thực hiện được các quyền của mình như quyền có mặt khi hỏi cung bị can và có mặt trong các hoạt động điều tra khác. Do đó, đã xảy ra nhiều trường hợp bị cáo phản cung tại các phiên tòa bởi vì bị “mớm cung, ép cung” trong quá

trình điều tra. Tại phiên tòa, nơi xét xử công khai, có nhiều người chứng kiến họ mới không sợ bị đánh, bị ép và coi đây là cơ hội để nói ra sự thật.

Thậm chí, cá biệt có thẩm phán ngại sự tham gia của LS bào chữa ở phiên toà sẽ gây khó khăn cho việc xét xử nên không giải thích đầy đủ và cụ thể cho bị cáo biết về quyền có LS bào chữa trong trường hợp pháp luật bắt buộc nếu bị cáo không mời và không phản đối việc cử người bào chữa cho họ. Hoặc có trường hợp ra Tòa bị cáo mới xin mời LS bào chữa thì HĐXX lại không đồng ý.

Sau khi có kết luận điều tra và đề nghị truy tố, hồ sơ vụ án được chuyển sang VKS thì người bào chữa lại tiếp tục gặp những khó dễ nhất định. Người bào

chữa muốn nghiên cứu hồ sơ trong giai đoạn này thì không được KSV tạo điều kiện và bị từ chối với lý do còn phải nghiên cứu hoặc chưa có văn bản nào quy định giao hồ sơ cho người bào chữa mà chỉ được đọc, ghi chép. Tuy nhiên, luật cũng không quy định người bào chữa được đọc, ghi chép và sao chụp toàn bộ hồ

sơ vụ án hình sự mà chỉ được “đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ

sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật” [36, tr56]. Những quy định mang tính hạn chế hoặc mập mờ như

vậy gây không ít khó khăn cho người bào chữa trong việc phát huy vai trò của mình trong quá trình tố tụng.

Có thể thấy, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa dù được đảm bảo nhưng sẽ không đạt kết quả như mong muốn nếu trong các giai đoạn tố tụng trước đó việc thực hiện quyền của người bào chữa bị hạn chế. Bởi vì, những lập luận, quan điểm của người bào chữa phải được xây dựng dựa trên sự tìm tòi, nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ kết hợp với việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ tại phiên tòa. Những lập luận vững chắc của người bào chữa chính là cơ sở để thuyết phục HĐXX nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo.

Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự ở nước ta trong những năm qua cho thấy các thẩm phán chủ tọa điều khiển phiên tòa thường dành phần lớn thời gian cho việc xét hỏi mà không quan tâm đến việc tranh luận tại phiên tòa. Theo quy định của pháp luật thì phán quyết cuối cùng mà TA đưa ra dựa trên kết quả tranh luận giữa KSV với bị cáo và người bào chữa, đồng thời luật cũng quy định đối đáp vừa là quyền song cũng là nghĩa vụ của KSV. Nhưng trong hoạt động thực tiễn, do trình độ, năng lực của KSV hạn chế hoặc do KSV chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chưa tập trung chú ý theo dõi diễn biến phiên tòa và thụ động trong việc xét hỏi nên tranh luận qua loa, chưa đưa ra đầy đủ những luận điểm phản bác ý kiến của người bào chữa.

Vụ án xét xử tiêu cực tại PMU 18 là một dẫn chứng về năng lực của các KSV tại tòa. Tại phiên tòa, có rất nhiều luật sư yêu cầu VKS chứng minh

những nội dung cáo buộc trong cáo trạng, nhiều ý kiến cho rằng, trong nội dung truy tố, VKS đã không đưa ra những chứng cứ thuyết phục mà chỉ căn cứ vào những lời khai chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, hai vị kiểm sát viên đã sử dụng “quyền im lặng” để đối đáp lại các luật sư. Trước sau như một, các kiểm sát viên chỉ nói duy một câu: “Giữ nguyên quan điểm như trong cáo trạng”. Điều này đã gây nhiều bức xúc cho các luật sư cũng như những người tham dự phiên tòa, thậm chí đã có những luật sư bỏ tòa... về nhà. [53]

Mặc dù Điều 10 BLTTHS đã quy định rõ: “CQĐT, VKS, TA phải áp dụng

mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và những chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo”. Tuy nhiên, HĐXX thường chú ý đến các chứng cứ

buộc tội do VKS đưa ra hơn là chứng cứ gỡ tội do người bào chữa đưa ra. Vai trò của người bào chữa còn bị xem nhẹ. Giới LS than phiền rằng ý kiến của họ thường bị HĐXX “bỏ qua”. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc có những tình tiết quan trọng LS đưa ra để tranh luận gỡ tội cho bị cáo hoặc bảo vệ quyền cho đương sự nhưng không được lập luận trong bản án. Đây cũng là lý do khiến dư luận nghi ngờ về sự tồn tại của “án bỏ túi”.

Trong tranh tụng, hai chức năng buộc tội và gỡ tội là bình đẳng. Tuy nhiên, trong mô hình TTHS nước ta, vai trò người bào chữa thể hiện khá mờ nhạt, hoàn toàn không cân sức so với vai trò của KSV, nhất là trong giai đoạn xét xử. Ngoài việc kiểm soát những gì sẽ được đưa vào hồ sơ hình sự, KSV còn có điều kiện pháp lý để định hướng trước phiên tòa xét xử bằng việc đưa vào trong hồ sơ hình sự một văn bản đề nghị danh sách những người được triệu tập để xét hỏi trước Tòa và trình tự xét hỏi. Dựa trên danh sách này, TA sẽ quyết định về người được triệu tập và trình tự xét hỏi. Trong khi đó, người bào chữa hoàn toàn không có điều kiện pháp lý tác động lên quá trình này. Trường hợp thường xảy

ra là người bào chữa ra phiên tòa không được xét hỏi nhân chứng của mình mà lại là nhân chứng được đề xuất vì mục đích buộc tội của VKS.

Một phần của tài liệu tranh tụng tại phiên tòa theo pháp luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 31 - 35)