Trong những năm qua, trên cơ sở quy định của Bộ luật về các vấn đề liên quan tới tranh tụng tại phiên tòa hình sự, “các TA đã đảm bảo cho những người
tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của họ. Các phán quyết của TA căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét một cách toàn diện, khách quan các chứng cứ của vụ án, nên đã đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật” [50]. Chất lượng xét xử các vụ án hình sự ngày càng được nâng cao, thể hiện ở việc số người bị kết án oan, sai ngày càng giảm. Theo thống kê của TANDTC, số người bị xét xử oan trên toàn quốc trong các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm trong 4 năm từ năm 2003 đến năm 2006 là:
Năm Xét xử sơ thẩm Xét xử phúc thẩm Xét xử giám đốc thẩm
2003 6 1 0
2004 4 1 0
2005 3 1 0
2006 0 0 0
So với tổng số bị cáo đã đưa ra xét xử, số lượng người bị xét xử oan chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Ở cấp sơ thẩm trong các năm 2003, 2004, 2005 tỷ lệ này lần lượt là 0,008%; 0,005%; 0,003%. Ở cấp phúc thẩm, trong các năm 2003, 2004, 2005 số liệu lần lượt là 0,005%; 0,004%; 0,004%. Năm 2006 không có trường hợp nào bị kết án oan ở cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm.
Số liệu trên cho thấy, số lượng người bị xét xử oan năm sau ít hơn năm trước. Những sai lầm trong công tác xét xử ngày một giảm. Điều đó phản ánh chất lượng xét xử đã dần từng bước được cải thiện, năng lực của thẩm phán ngày càng được nâng cao. Chất lượng này có được không chỉ phụ thuộc vào kết quả điều tra, trách nhiệm chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng mà sâu xa hơn nữa, kết quả này có được còn phải kể đến việc thực thi tranh tụng trên thực tế.