PHẦN 2 CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ TỔNG QUAN TÀI LIỆU
2.7. CÔNG TÁC BẢO TỒN, KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỂN HỒNG HOA
TẠI VIỆT NAM
Cây hồng hoa được nhập nội vào Việt Nam từ các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) vào khoảng cuối những năm 1970. Trước đây được trồng nhiều nhất ở Hà Giang (Đỗ Tất Lợi, 1991). Cây cũng đã được trồng thử nghiệm và đưa vào sản xuất thử ở nhiều vùng trong cả nước từ các vùng núi cao như Sa Pa – Lào Cai, Tam Đảo – Vĩnh Phúc, Đà Lạt – Lâm Đồng, ... cho đến đồng bằng như Hà Nội, Hưng Yên... (Đại học Dược, 2004; Đỗ Huy Bích và cs., 2003). Cây sinh trưởng và phát triển khá tốt cho năng suất hoa và hạt khá cao. Tuy nhiên sau một thời gian dài cây không được quan tâm nên giống bị thoái hoá và dần bị mất giống.
Hiện nay, dược liệu hồng hoa chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ để sử dụng cho y học cổ truyền trong nước. Khi nguồn cung ứng có chất lượng và giá cả không ổn định sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới nhu cầu sử dụng trong nước nhất là trong sản xuất thuốc. Hàng năm nước ta phải nhập khoảng 20 tấn dược liệu hồng hoa (cả nhập chính ngạch và tiểu ngạch) để sử dụng trong các bệnh viện Y học cổ truyền, các khoa Đông y và các cơ sở khám chữa bệnh Đông y. Nhu cầu sử dụng hồng hoa của một số bệnh viện Y học cổ truyền trong nước hàng năm: Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố HCM sử dụng 800 kg hồng hoa Vân Nam và 30 kg Hồng hoa Tây Tạng; Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương sử dụng 500 kg (Cao Hữu Linh, 2012).
Hồng hoa được nhân giống và trồng bằng hạt. Vào mùa quả chín chọn những quả to của những cây khoẻ để chín già, mang về phơi khô, tách lấy hạt, tiếp tục phơi khô và bảo quản cẩn thận đến tháng 12 đem gieo trong vườn ươm. Đất vườn ươm cần làm nhỏ, lên luống cao 15-20 cm, rộng 70-90 cm. Hạt cần phải được ngâm vào trong nước nóng (1 sôi, 2 lạnh) trong 3-4 giờ, vớt ra để ráo rồi gieo vãi hay gieo hạt theo rạch. Dùng rơm rạ phủ và tưới nước hàng ngày. Sau 3-5 ngày, hạt nảy mầm. Khi cây có 4-5 lá thật đánh đi trồng vào ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ. Hồng hoa ưa đất cát pha, màu mỡ, cao ráo, thoát nước. Đất cần cày bừa kỹ, để ải, đập nhỏ, lên luống cao 20-25 cm, mặt luống rộng 70-100 cm. Mỗi hecta cần bón lót 15-20 tấn phân chuồng. Phân có thể được rải đều hoặc bón theo hốc.
Cây con được trồng khoảng cách 30 x 40 cm trồng lệch nanh sấu 2 hàng/luống 70 cm và 3 hàng/luống 100 cm. Trồng xong tưới ngay trong vòng 5-7 ngày. Từ khi trồng đến lúc thu hoạch, làm cỏ, xới 3-4 lần, kết hợp bón thúc đạm và vun gốc. Mỗi lần bón 50 kg ure cho 1 ha (Đỗ Huy Bích và cs., 2003).
Sau khi trồng được 6-7 tháng hồng hoa ra hoa và cho thu hoạch. Hoa được hái khi có màu đỏ sẫm. Cứ 2-3 ngày thu 1 lần vào lúc trời nắng ráo. Thu xong phơi trong râm mát hoặc nắng nhẹ cho đến khô. Hồng hoa được trồng ở Trạm nghiên cứu cây thuốc Sa Pa và Trung tâm nghiên cứu cây thuốc Văn Điển Hà Nội (nay là Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuộc Hà Hội) đều có chất lượng tốt. Cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, chiều cao cây tới gần 2 m, cây ra hoa quả nhiều (Đỗ Huy Bích và cs., 2003).
Trước đây đã được các nhà khoa học nghiên cứu chọn vùng, canh tác có kết quả rất khả quan như trồng đại trà ở Hà Giang, Hà Nội cây sinh trưởng và phát triển tốt như vùng nguyên sản, cho hoa, quả có năng suất khá cao. Tuy nhiên dần dần cây bị mai một và mất giống chủ yếu do bị sâu bệnh gây hại. Hồng hoa bị rất nhiều tác nhân gây hại. Cho đến nay đã phát hiện có trên 50 loại sâu bệnh gây hại. Vì thế trong thời gian trước đây kỹ thuật về bảo vệ thực vật chưa cao, phần lớn nguyên nhân hồng hoa bị chết do chưa biết tác nhân gây bệnh nên năng suất và sản lượng giảm sút, nó dần mất khỏi cơ cấu trồng cây dược liệu. Ngày nay nhu cầu sử dụng dược liệu hồng hoa trong nước tăng cao, trong khi đó việc sản xuất loại dược liệu này gặp nhiều khó khăn (Đỗ Huy Bích và cs., 2003).