Giá trị đạo đức của thông điệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông điệp về trẻ em trên báo điện tử dưới góc nhìn văn hóa (Trang 81 - 87)

7. Kết cấu luận văn:

2.2. Đánh giá thực trạng thông điệp về trẻ em trên báo điện tử dưới góc nhìn văn

2.2.2. Giá trị đạo đức của thông điệp

Viết về trẻ em, trong mọi hoạt động, từ việc nảy sinh ý tưởng, lựa chọn đề tài, cách tiếp cận thông tin đến việc hình thành tác phẩm đòi hỏi nhà báo phải luôn thể hiện tính nhân văn và đạo đức nghề nghiệp.

Với sự vươn mình mạnh mẽ của internet, mối dây kết nối giữa báo chí với công chúng trở nên gần gũi và liên tục. Nhờ báo chí lên tiếng, nhiều số phận khó khăn, ốm đau bệnh tật đã được cộng đồng chung tay giúp đỡ. Dư luận xã hội râm ran, lan tỏa nhiều tấm gương sáng, những câu chuyện cảm động về tình yêu thương giữa những con người xa lạ với nhau.

Báo Dân trí nổi tiếng với chuyên mục “Tấm lòng nhân ái” – là chiếc cầu nối

giữa những con người cùng khổ với những trái tim đầy thương yêu. Báo đã làm rất tốt các chương trình từ thiện giúp đỡ các trường học, các gia đình và các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, giúp họ vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Những câu chuyện được các nhà báo viết lên đầy tình yêu và trách nhiệm. Ngôn ngữ thể hiện xúc động nhưng không làm hình ảnh của những nhân vật trong đó trở nên thảm hại và nhếch nhác. Nhờ vậy những thông điệp lan tỏa trong xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng. Cơ quan báo chí – nơi truyền đi những thông điệp – có cơ hội tổ chức

nhiều chương trình từ thiện như tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, “lá lành đùm là rách”, hỗ trợ tiền viện phí...

Trên báo Dân trí ngày 30/6/2014 có tin “Đứa con trai đáng thương của người lính biển” của tác giả Khánh Hồng. Đó là câu chuyện hết sức cảm động về em bé

mới hơn 2 tháng tuổi đã bị dị tật khoèo chân và tim bẩm sinh. Nhà nghèo, người mẹ phải một mình chăm con trong khi người chồng đang thực hiện nhiệm vụ trên biển. Và chỉ chưa đầy 1 tháng sau, ngày 20/7/2014, bạn đọc lại vui mừng khi đọc được

tin “Hơn 55 triệu đồng đến với đứa con đáng thương của người lính biển” (tác giả

Khánh Hồng). Rõ ràng nếu Dân trí không truyền đi thông điệp kêu gọi mọi người giúp đỡ thì em bé đáng thương đó có được mọi người biết đến và nhận được số tiền hỗ trợ cho việc chữa chạy bệnh tình?

Báo Vietnamnet có tiểu mục “Sẻ chia” nằm trong chuyên mục “Bạn đọc” với nhiều thông điệp có tính nhân văn, mục đích là kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng đối với những số phận kém may mắn. Kết quả là nhiều mảnh đời bất hạnh được cứu vớt, nhiều chương trình kết nối được tổ chức. Như vậy báo chí đã làm rất tốt việc thức tỉnh tình yêu thương con người, giáo dục cho nhiều thế hệ những bài học về đoàn kết, giúp đỡ và nương tựa lẫn nhau.

Thông tin về trường hợp của em Châu Đình Dỹ cần phải mổ gấp cho bệnh tình hẹp khí quản nhưng gia đình quá khó khăn không đủ số tiền khoảng 50 triệu, đăng trên báo Vietnamnet đã được đông đảo bạn đọc gọi điện động viên và giúp đỡ. Chỉ

một thời gian ngắn sau đó, ngày 22/7/2014, tác giả Đức Toàn đã có bài viết: “Gần 100 triệu đồng đến với Châu Đình Dỹ”. Thông tin về số tiền bạn đọc quyên góp

cùng với ca mổ thực hiện thành công khiến bất kì ai cũng hân hoan, hạnh phúc. Câu chuyện về số phận một con người và sự chung tay giúp đỡ cộng đồng sẽ còn được viết tiếp và là những thông điệp có giá trị trường tồn vĩnh hằng. Trong những trường hợp này báo chí chính là “bàn tay” góp phần nâng đỡ số phận của các em với thiện chí đầy tính nhân văn và nhân đạo.

Nhà báo Kiên Trung (phóng viên báo Vietnamnet) đã chia sẻ, quá trình anh được tham gia làm việc với một tổ chức bạo hành phụ nữ, trẻ em đã giúp anh có

những trải nghiệm và kiến thức đáng quý khi phản ánh nhiều vụ bạo hành có liên quan đến trẻ em. Ông Nguyễn Anh Tuấn – thư kí tòa soạn báo Dân trí cũng khẳng định, đội ngũ biên tập viên, phóng viên của báo đều được tham gia các khóa đào tạo kiến thức và kĩ năng ít nhất 1 lần/ 1 năm. Đây là những cơ sở quan trọng để những thông điệp về trẻ em do các nhà báo này sáng tạo rất hợp tình và hợp lý, vừa phản ánh chân thực sự việc, vừa thấm đẫm tính nhân đạo và nhân văn cao cả.

Trên các chuyên mục như “Xã hội”, “Pháp luật”... chúng ta có thể tìm đọc rất nhiều thông tin về trẻ vi phạm pháp luật. Đây được xem là những hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Các hiện tượng như trẻ hút ma túy, trẻ giết người, trộm cắp... khiến người lớn chúng ta nhận thấy cần phải giáo dục và bảo vệ trẻ em sát sao hơn nữa. Bố mẹ nào lại không lo lắng khi đọc báo mới biết có hiện tượng ngay trong

trường học cũng có hiện tượng hút chích ma túy như tin“Phát hiện 6 nam sinh sử dụng ma túy trong trường học” đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 23/12/2014 của tác giả

Ngọc Tài... Thông điệp này cũng đã khiến dư luận băn khoăn như bình luận của độc

giả Thanh Thúy: “...Sắp tới sở sẽ chỉ đạo các trường làm chặt chẽ hơn nữa về vấn đề này. Riêng 6 em học sinh này nhà trường sẽ phải để tâm nhiều hơn nữa để các em không tái phạm”, ông Huấn nói.Tôi thực sự chưa hiểu, "Không tái phạm" nghĩa là sao! Nghĩa là không sử dụng ma túy nữa hay là không sủ dụng ma túy trong trường nữa? Ai cũng biết, sử dụng ma túy dù 1 lần cũng gây nghiện. Cho nên phải có giải pháp hỗ trợ các em cai nghiện. Đồng thời, công an nhanh chóng vào cuộc để cắt đường dây, ngăn chặn sự lây lan”.

Như vậy có thể thấy tình trạng trẻ em phạm pháp ngày càng tăng do các em mất định hướng, không định hình được các chuẩn mực, khủng hoảng về các giá trị đạo đức. Trẻ em chưa được trang bị kĩ năng sống để thích nghi với xã hội trong khi tâm sinh lý chưa thực sự ổn định

Những thông tin về hiện tượng này xuất hiện trên báo chí dù ngắn gọn trong vài trăm câu chữ nhưng thông điệp truyền tải tới công chúng lại có sức mạnh ngàn cân. Nhà báo trước hết bằng câu chữ, xúc cảm của mình đã phản ánh hiện tượng dù đau lòng nhưng tạo nên được sự cảm thông cho người đọc, góp phần làm thay đổi định

kiến của xã hội đối với các em. Độc giả cũng nhận thấy được trách nhiệm của gia đình, của đoàn thể và cộng đồng đối với các em vi phạm pháp luật.

Mặt khác, khi có sự vụ trẻ em vi phạm pháp luật, nhà báo luôn phải đặt ra câu hỏi, nên đưa tin như thế nào để vừa có tác dụng giáo dục xã hội, vừa không ảnh hưởng đến tương lai sau này của trẻ vi phạm? Luật phóng viên của Xrilanca nói về

đạo lý và phóng viên: “Khi chuẩn bị công bố các thông báo về tình hình hay nguyên nhân các vụ phạm tội, phóng viên sẽ không được nêu tên bất cứ tội phạm chưa thành niên nào, mà theo anh ta, dưới tuổi 18 hoặc mới vi phạm lần đầu” [4, tr.

223]. Không chỉ ở Xrilanca mà hầu như nhà báo các nước khác đều có những điều khoản về đạo đức nhà báo tương tự. Do đó trẻ em vi phạm xuất hiện trong những bài báo này thường được che dấu thông tin và hình ảnh. Điều này thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của thông điệp, giúp cho con đường của các em khi hòa nhập lại với cộng đồng được dễ dàng và rộng mở hơn.

Với những thông tin trẻ gặp tai nạn, trẻ bị khuyết tật, trẻ bị hiếp dâm... nhà báo không nên chụp cận cảnh, miêu tả quá chi tiết. Nếu không nỗi đau của các em và những người thật sẽ bị chính báo chí làm nhức nhối và kéo dài hơn. Ví dụ trong những sự vụ này, các báo thường chọn cách đưa tin ngắn gọn, không kèm hình ảnh

hoặc thay thế vào đó bằng những ảnh vẽ minh họa. Ví dụ như tin “Bé 10 tuổi bị “yêu râu xanh” nhí hiếp dâm” đăng trên báo Dân trí ngày 08/02/2014 của tác giả

Thiên Thư.

Đó là những điều cần thiết vừa thể hiện đạo đức nhà báo, tính nhân văn của bài báo vừa có tác dụng xoa dịu nỗi đau của những người liên quan.

Tuy nhiên không phải nhà báo nào cũng làm tốt vai trò của mình. Hiện nay, đội ngũ phóng viên, biên tập viên viết về đề tài trẻ em trên các báo mạng điện tử này thường kiêm nhiệm viết thêm các đề tài khác. Chúng ta có thể thấy có nhà báo chuyên viết về thể thao, chuyên viết về thời trang... nhưng chuyên viết về trẻ em thì hầu như không có. Ngòi bút tràn đầy tình yêu thương của họ cũng xuất phát từ tình cảm cá nhân, từ vị trí của một người cha, người mẹ như bao phụ huynh có con nhỏ khác. Họ sẽ viết về đề tài trẻ em như là một nhánh nhỏ trong vô vàn đề tài khác của

các vấn đề xã hội, giáo dục hay pháp luật... Bản thân họ viết về đề tài này đều do quá trình tự trải nghiệm, tích lũy kiến thức, kĩ năng. Chính vì điều đó họ gần như không được trang bị đầy đủ các kiến thức và kĩ năng viết về trẻ em giống như các nhà báo viết cho trẻ em ở các kênh truyền hình trẻ em hay tờ báo Thiếu niên, Nhi đồng...

Có thể do không có sự đào tạo bài bản và đầy đủ mà khi sáng tạo nên những thông điệp truyền tải tới công chúng, nhà báo đã vô tình vi phạm nhiều vấn đề đạo đức. Kết quả là gây hậu quả không chỉ cho nhân vật được đề cập đến mà còn cho cả xã hội rộng lớn bên ngoài tác phẩm. Ví dụ như công bố tên và chụp rõ mặt tội phạm trẻ em. Như vậy với tính lan tỏa nhanh và sự lưu giữ dữ liệu thông tin của báo mạng, trẻ rất tự ti khi hòa nhập lại với cộng đồng và có thể lại tiếp tục vi phạm. Ví

dụ trên báo Vietnamnet ngày 03/12/2014 có tin “Lời khai rùng rợn của kẻ giết bé trai, ném xuống giếng” của tác giả Lê Anh, đã đưa hình ảnh rõ mặt hung thủ là tội

phạm trẻ em.

Ở một số tờ báo dù không nhiều nhưng vẫn có hiện tượng nhà báo vì muốn khẳng định tính xác thực của thông tin mà đã vô tình tiết lộ tên tuổi địa chỉ rõ ràng của trẻ bị hiếp dâm, cho lên báo hình ảnh rõ mặt trẻ bị tự kỉ, khiếm thính hay miêu tả một cách thái quá trẻ gặp tai nạn... Tất cả những lỗi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc đời trẻ và cả những người liên quan. Rõ ràng đã có sự vi phạm đạo đức trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo, làm nỗi đau của nhân vật được nêu lên thêm dài và nhức nhối. Với những vấn đề này thay vì đưa thông tin một cách hờ hững, thiếu tính nhân văn, nhà báo nên có những bài viết định hướng, phân tích đúng đắn để rút ra bài học cho người lớn. Như vậy những thông điệp đó sẽ nhận được sự đồng tình, tán thưởng của dư luận xã hội.

Trên báo Vietnamnet ngày 04/12/2014 có bài chùm ảnh “Hai con chị Huyền ôm ảnh mẹ chờ dự tòa” của tác giả Phạm Hải và Nhị Tiến. Những hình ảnh này bị dư

luận phản ứng khi tác giả đã cố tình chụp cận cảnh gương mặt 2 đứa con thơ của chị Huyền – nạn nhân của vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường. Độc giả không đồng tình khi nhà báo đã lợi dụng hình ảnh trẻ em cũng như nỗi đau của gia đình nạn nhân để tạo nên một tác phẩm báo chí thiếu tính nhân văn. Trước khi đặt bút, liệu hai nhà báo có

nghĩ đến việc hai em sẽ bị nhận ra là những người con đáng thương của một nạn nhân xấu số? Bước ra ngoài xã hội, liệu hai em có mong muốn nhận được những ánh nhìn thương xót của người ngoài? Nỗi đau này có chăng nên được dấu kín để hai đứa con của chị tiếp tục một cuộc sống mới mà không bị người ngoài bàn tán về người mẹ bất hạnh. Tất cả nguyên nhân đều xuất phát từ vấn đề đạo đức của người cầm bút. Nhà báo đã không đặt mình vào vị trí của những em nhỏ để nhìn nhận vấn đề một cách nhân đạo, nhẹ nhàng hơn.

Hiện nay vẫn còn xuất hiện một số tin bài thực sự chưa coi trọng trẻ em, xem nhẹ những sự vụ mà trẻ em là nạn nhân... Điều này cực kì nguy hiểm vì nó khiến xã hội đôi khi có những nhận thức không đúng đắn và vì vậy việc vi phạm quyền trẻ em vẫn còn xảy ra nhiều.

Trên báo Vietnamnet ngày 13/11/2014 có phóng sự “Bốn chiếc lá “bùa yêu” chấn động phiên tòa bé gái 16 si tình ông 67?”, dẫn nguồn từ báo Pháp luật. Câu

chuyện kể về sự việc cô gái 16 tuổi có thai với ông lão hàng xóm 67 tuổi. Tuy nhiên chuyện đáng nói ở đây là tác giả bài viết đã biến việc vi phạm pháp luật của ông lão này trở thành một câu chuyện tình lãng mạn. Cô bé 16 tuổi từ thế bị động của người chưa có nhận thức đầy đủ lại trở thành người chủ động gây nên sự việc. Ngôn ngữ trong bài viết miêu tả nhẹ nhàng các tình tiết khiến cho việc lạm dụng tình dục trẻ em của ông lão trở nên nhẹ bẫng. Nó tương tự như ngôn ngữ của những kẻ hay lạm dụng tình dục biện minh cho mình nhằm giảm nhẹ tội trạng.

Vụ lạm dụng tình dục đối với một đứa trẻ đã được bài báo dựng nên như mối quan hệ giữa hai người lớn và hầu như được cả hai bên chấp nhận. Câu hỏi lớn đặt ra là, thông điệp tác giả muốn gửi đến công chúng ở đây là gì? Đáng lẽ nên quyết liệt phê phán hành vi này thì bài báo lại giảm nhẹ mức độ của hành vi lạm dụng trẻ em. Điều này gây hại không chỉ trong nhận thức của người đọc mà còn để lại những hệ lụy cho xã hội sau này. Nhà báo trong mọi trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em, dù bất kể lí do nào cũng phải tỏ rõ thái độ lên án kẻ phạm tội và bảo vệ nạn nhân về mọi mặt. Đó là những quy tắc cơ bản mà nhà báo phải “nằm lòng” khi viết về vấn nạn này.

Ở nhiều bài báo khác, trẻ em còn được lấy làm minh họa cho câu chuyện người lớn, tiếng nói trẻ em không được coi trọng, không chú trọng đến sự xuất hiện của các em trong bài báo... Ví dụ một số thông tin xuất hiện trên báo như tìm trẻ lạc

nhưng lại không đưa ảnh bé lên như tin trên Tuổi trẻ: “Bình Phước: cháu bé 3 tuổi mất tích bất thường” ngày 2/11/2014 của tác giả Bùi Liêm; hay tin “Trẻ tử vong vì bác sĩ thiếu trách nhiệm” ngày 09/3/2014 của tác giả Châu An không có thông tin

trẻ là nam hay nữ... Những thiếu sót này thể hiện sự cẩu thả trong tìm hiểu thông tin của nhà báo nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân khiến cho trẻ em không được coi trọng với tư cách là công dân như người lớn.

Giá trị đạo đức chi phối từ người sáng tạo thông điệp đến nội dung thông điệp vì vậy có thể coi đạo đức là giá trị cốt lõi trong mọi vấn đề liên quan đến trẻ em trên báo chí hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông điệp về trẻ em trên báo điện tử dưới góc nhìn văn hóa (Trang 81 - 87)