Xu hướng tương tác giữa tòa soạn và công chúng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông điệp về trẻ em trên báo điện tử dưới góc nhìn văn hóa (Trang 100 - 102)

7. Kết cấu luận văn:

3.1. Dự báo về xu hướng phát triển của báo điện tử và mối quan tâm của xã hội

3.1.1.2 Xu hướng tương tác giữa tòa soạn và công chúng

Tính năng này sẽ tiếp tục được các trang báo điện tử tận dụng trong việc nâng cao chất lượng thông tin và lôi kéo công chúng.

Nếu như ở các loại hình báo chí truyền thống, thông tin chủ yếu là một chiều (điều này đã được khắc phục phần nào ở truyền hình cáp và truyền hình số), việc tiếp nhận thông tin phản hồi là rất khó khăn, sự giao lưu giữa toà soạn và công chúng bị hạn chế... thì ở báo điện tử, tất cả những nhược điểm trên đều bị dỡ bỏ. Đó chính là nhờ tính tương tác cao của báo điện tử. Nó cho phép kết hợp nhiều chiều trong quá trình truyền tải và tiếp nhận thông tin.

Đặc điểm này cho phép công chúng có thể tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng. Chỉ cần một máy tính nối mạng, một địa chỉ chính xác của tờ báo, công chúng hoàn toàn có thể tiếp cận với những thông tin mới nhất mà mình quan tâm ngay lập tức.

Về phía tờ báo sẽ thuận lợi trong việc thu nhận phản hồi. Thông thường, mỗi tờ báo, thậm chí mỗi chuyên mục đều thiết lập hệ thống Email để công chúng góp ý kiến. Với những thông tin nổi bật, đang gây tranh cãi, thậm chí ngay sau khi được toà soạn đưa lên mạng đã có thư phản hồi. Công chúng có thể gửi thư điện tử trực tiếp để bày tỏ quan điểm, nhận xét, đánh giá của mình về nội dung, hình thức, cách thức tổ chức trang báo. Quá trình gửi và nhận thư mất tối đa là 2 phút, điều này sẽ tiết kiệm thời gian cho công chúng, không còn tình trạng thư thất lạc hoặc chậm trễ khi gửi qua đường bưu điện cho các cơ quan báo in, phát thanh, truyền hình. Với hệ thống này, ý kiến phản hồi được tiếp nhận nhanh chóng, toà soạn dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh, nâng cao chất lượng cho tờ báo một cách nhanh nhất.

Việc cung cấp thông tin theo yêu cầu là một bộ phận quan trọng của tính tương tác. Đặc tính này cho phép công chúng yêu cầu toà soạn gửi bản tin tóm tắt

của từng số báo về địa chỉ Email của mình. Sự ứng dụng này khiến cho mối liên kết giữa công chúng và tờ báo trở nên sâu sắc hơn. Đây là điều mà không một loại hình báo chí truyền thống nào có được.

Tòa soạn hoàn toàn có cơ sở để thiết lập các diễn đàn tranh luận (Forum) hay thảo luận (Discussion) để công chúng bày tỏ ý kiến, quan điểm một cách thoải mái và không hạn chế về một vấn đề bất kỳ đang gây tranh cãi mà ban biên tập đưa ra.

Nhờ hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm để thăm dò ý kiến bạn đọc về một vấn đề quan trọng, chưa đi đến chỗ ngã ngũ, công chúng có điều kiện gửi lựa chọn của mình trực tiếp tới toà soạn. Điều này khiến cho công việc thu thập các kết quả điều tra xã hội học trở nên đơn giản, nhanh chóng, chính xác và tiện lợi hơn rất nhiều. Những tốn kém trong việc in ấn tài liệu, phát câu hỏi, ghi chép thu thập ý kiến và tổng hợp cả một núi dữ liệu theo cách làm truyền thống đã trở nên lỗi thời nhờ ứng dụng mới này.

Những thiết kế giao diện cho phép độc giả tham gia bình luận, gửi ý kiến... sẽ làm tăng mức độ trải nghiệm thông tin của độc giả. Họ có động lực để tham gia vào một chủ đề sâu sắc hơn và chia sẻ nó với một nhóm người đọc rộng lớn hơn. Nếu một trang báo điện tử mà độc giả không thể gửi phản hồi có nghĩa là tờ báo điện tử đó đã triệt tiêu phần lớn mong muốn chia sẻ nội dung của họ và chính nhà báo, cơ quan báo chí đó sẽ bị thiệt hại đầu tiên.

Tuy nhiên nhiều người cũng tỏ ý lo ngại rằng, khi độc giả được tự do bày tỏ ý kiến thì những lời bình luận khiếm nhã xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này ảnh hưởng

đến mục đích định hướng dư luận của các thông điệp. “Ngay cả một nhóm độc giả thiểu số với tư tưởng ‘kỳ quặc’ cũng đủ sức mạnh để làm sai lệch nhận thức của người đọc”, Giám đốc nội dung trực tuyến - Suzanne LaBarre của tờ Popular Science trích

dẫn một nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Wisconsin-Madison làm bằng chứng.

Tuy nhiên theo nhà tâm lý học Marco Yzer và Brian Southwell nói: “Công nghệ truyền thông mới về cơ bản không thay đổi giới hạn lý thuyết của sự tương tác của con người, sự tương tác đó tiếp tục được điều chỉnh theo xu hướng cơ bản của con người”.

Một số tờ báo điện tử đã nảy sinh sáng kiến có vẻ như rất hiệu quả và phù hợp. Đó là cho phép người dùng đánh giá chính các bình luận của nhau. New York

Times, Gawker đã áp dụng giải pháp này và họ nhận thấy những bình luận có nội dung xấu, thái độ khiếm nhã, hung hăng… sẽ bị người khác “trừ điểm” và bị đẩy lùi xuống ngày càng sâu còn những bình luận có tính đóng góp, có chất lượng sẽ được “cộng điểm” và hiển thị nổi bật. Giải pháp này hướng cộng đồng đến với một môi trường hữu ích hơn và không cho phép những ý kiến tiêu cực dẫn dắt dư luận như trước. Bằng phương cách này, vấn đề nặc danh hay không nặc danh trở nên không còn quan trọng nữa.

Đề cao vai trò của độc giả, Danny Dagan - trưởng ban đại diện báo điện tử

của News Group Digital (Vương quốc Anh) - cũng đã từng nhấn mạnh: “Hãy để độc giả tạo ra cuộc đối thoại”. Theo ông những bài viết của độc giả thường có chất

lượng cao vì họ không phải chịu những sức ép của tòa soạn và được viết trong tâm

trạng nhiều cảm hứng. “Nếu bạn coi thường ý kiến của độc giả, bạn đã hoàn toàn sai lầm” - Danny khẳng định. [43]

Xu hướng này được sự hỗ trợ đặc biệt của công nghệ Web 2.0. Thuật ngữ web 2.0 là một khái niệm khá trừu tượng. Web 2.0 không phải là cái gì hoàn toàn mới mà nó là sự phát triển của web hiện tại nhưng người dùng sẽ làm việc với nó theo một cách hoàn toàn khác.

Web 1.0 chủ yếu là phương tiện phát tin gồm các website "đóng" của các hãng thông tấn hay các công ty nhằm mục đích tiếp cận độc giả hay khách hàng hiệu quả hơn.

Web 2.0 là phương tiện chia sẻ thông tin. Ở đó người tiêu dùng đang dần trở thành người sản xuất ra những nội dung thông tin cho chính mình. Web 2.0 còn được gọi là mạng xã hội hay tờ báo công dân. Web 2.0 sẽ làm cho chu kỳ phản hồi giữa tòa soạn và độc giả được tiến hành liên tục. Nhờ đó thông tin cũng được sản xuất và tái tạo theo nhiều góc cạnh hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông điệp về trẻ em trên báo điện tử dưới góc nhìn văn hóa (Trang 100 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)