7. Kết cấu luận văn:
3.1. Dự báo về xu hướng phát triển của báo điện tử và mối quan tâm của xã hội
3.1.2.1 Trẻ em là nạn nhân
Bất kì thông tin nào liên quan mật thiết đến đời sống cộng đồng, tùy theo mức độ, phạm vi khác nhau đều được dư luận xã hội ghi nhận. Những thông tin về trẻ em nhất là khi trẻ em là nạn nhân cũng nằm trong quy luật này và phần nào đó còn được dư luận xã hội quan tâm hơn. Điều này thể hiện năng lực của báo chí trong việc thu hút sự chú ý của công chúng, tạo ra những chấn động dư luận xã hội, khơi thức, truyền dẫn, có thể định hướng và điều hòa dư luận xã hội.
Trẻ em được nói tới ở đây là trẻ em trở thành nạn nhân của những vấn đề tiêu cực như bạo hành, bạo lực học đường, trẻ gặp tai nạn, bị lạm dụng sức lao động, tình dục...
Khi một sự kiện xuất hiện trên báo chí và tác động vào dư luận xã hội thì sẽ lần lượt gây ra các phản ứng dây chuyền. Nó sẽ được công chúng thẩm định, suy xét và hình thành phương án để xử lý. Đó cũng chính là khi đối tượng tiếp nhận thông điệp làm thay đổi nhận thức, tiến tới thay đổi thái độ và hành vi. Hành vi được xem là kết quả cuối cùng mà thông điệp tác động đến.
Trong cuốn “Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2003” tác giả đã đưa ra nhận xét: mặc dù Việt Nam đứng đầu các nước trong khu vực về phổ cập giáo dục nhưng hiện nay vẫn có khoảng 500 nghìn trẻ em trong độ tuổi tiểu học (6%) không đăng kí nhập học, nghĩa là không được đến trường. Gần 10 triệu trẻ em ở Việt Nam hiện phải sống trong tình trạng nghèo đói theo tiêu chuẩn quốc tế. 23 nghìn trẻ em phải lao động sớm và 16 nghìn trẻ em đường phố, thiếu mái ấm gia đình. Điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2004 cho thấy có khoảng 8.500 trẻ em trong độ tuổi dưới 15 đang sống với HIV và 22 nghìn trẻ em mồ côi do cha mẹ bị chết vì căn bệnh thế kỷ AIDS. [26, tr. 93]
Với các đề tài mà báo chí khai thác, chúng ta thấy rằng ở đâu đó trên thế giới và Việt Nam, tình trạng vi phạm các quy định về Quyền trẻ em vẫn còn đang tồn tại: trẻ em vẫn bị bạo hành, trẻ em bị lạm dụng tình dục và sức lao động, trẻ bị phân biệt đối xử... Như vậy có thể thấy các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò thông tin của mình theo quy định của CRC và Luật BVCS&GD TE. Tuy nhiên với sự nỗ lực cố gắng của từng nhà báo, tòa soạn, hệ thống tin bài phản ánh các vấn đề trên liên tục được cập nhật, giúp cho tiến trình thực hiện CRC ở nước ta được nhanh và hiệu quả hơn.
Khi xã hội càng phát triển, trẻ em càng cần được quan tâm hơn nữa. Thế nên khi ngoài kia vẫn còn tồn tại tình trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ thất học, trẻ bị nhiễm HIV, trẻ vi phạm pháp luật... thì báo chí phải có nhiệm vụ phản ánh được thực trạng cũng như hướng tới những giải pháp tích cực. Mỗi thông điệp được truyền tải sẽ góp thành tiếng nói chung vận động từng cá nhân, gia đình, các cơ quan chức năng và nhiều lực lượng xã hội khác cùng tham gia giải quyết có hiệu quả những vấn đề trên.
Ví dụ trong những năm qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin rất nhiều về tình trạng bạo lực học đường. Sự thực vấn nạn này đang có xu hướng gia tăng và phát triển hết sức phức tạp. Thông qua những video clip và các bài viết được truyền tải trên mạng, cộng đồng như thực sự bừng tỉnh bởi tính chất phức tạp của các hành động bạo lực cũng như hậu quả mà các nạn nhân phải gánh chịu. Bạo lực học đường không còn quá xa xôi mà trở thành một vấn nạn đầy nhức nhối khiến ai cũng phải băn khoăn, suy nghĩ.
Như vậy công chúng, trong vai trò là người bảo hộ cho trẻ sẽ luôn mong muốn nắm được càng nhiều thông tin về trẻ càng tốt. Đặc biệt là những tin tức có liên quan đến sự vi phạm các quyền cơ bản của trẻ. Lượng thông tin này sẽ giúp họ cảnh tỉnh và chăm sóc, bảo vệ chính con cái mình một cách tốt hơn.