Giá trị thẩm mỹ của thông điệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông điệp về trẻ em trên báo điện tử dưới góc nhìn văn hóa (Trang 87 - 92)

7. Kết cấu luận văn:

2.2. Đánh giá thực trạng thông điệp về trẻ em trên báo điện tử dưới góc nhìn văn

2.2.3. Giá trị thẩm mỹ của thông điệp

Có người đã nói rằng, mỗi lần đọc báo, thấy những tin bài về hình ảnh trẻ em hạnh phúc, vui vẻ, tự dưng cũng cảm thấy yêu đời hơn. Đó chính là những thông điệp giúp tạo ra những khoái cảm thẩm mỹ trong sáng, tươi vui, những tình cảm nồng nhiệt, tốt đẹp, niềm tin yêu vào con người và cuộc sống. Nó được định hình và phát triển dựa trên những quy chuẩn chung về cái đẹp đã được xã hội thừa nhận.

Bài “Cô bé Hà Nội 7 tuổi lọt top 10 mẫu nhí trên báo Mỹ” đăng trên

Vietnamnet vào ngày 2/12/2014 là một ví dụ điển hình cho hình ảnh một em bé tươi vui, hạnh phúc. Bài báo kể về em bé Hà Thiên Trang, dù học lớp 2 đã nổi tiếng với vai trò người mẫu nhí không chỉ trong nước mà còn lọt top ngoài nước. Hình ảnh em bé xinh xắn, đáng yêu với ánh mắt lấp lánh, nụ cười rạng rỡ khiến bất kì ai cũng phải thương mến. Không chỉ dừng lại ở đó, bài báo còn xen lẫn một thông điệp khác tới các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái. Bé Thiên Trang dù nổi tiếng nhưng cả mẹ lẫn bé đều không đặt nặng chuyện tiền nong khi con đi diễn, luôn lấy sở thích của con làm chính, không gò bó, ép buộc con theo ý định của người lớn. Bé được ăn ngon mặc đẹp nhưng biết sẻ chia với các bạn nghèo khổ trong các chuyến đi từ thiện cùng mẹ... Dù chỉ một bài báo nhỏ nhưng thông tin đã tác động rất lớn đến các đối tượng

tiếp nhận khiến chúng ta nhận ra được nhiều điều. Rằng trẻ em luôn mang lại điều tươi đẹp và làm cuộc sống này thêm nhiều thanh âm, sắc màu rực rỡ.

Một loạt các tin bài với chủ đề nuôi dạy, chăm sóc con cái cũng đã tạo nên được hình ảnh của những em bé hạnh phúc. Ví dụ như báo Vietnamnet có chuyên mục “Đời sống” với 25% lượng tin bài nói về vấn đề này.

Những câu chuyện kể về việc dạy con học, chăm con khéo của các ông bố bà mẹ; những tin bài về chế độ chăm sóc sức khỏe cộng đồng... khiến độc giả an tâm hơn về một thế hệ trẻ em được nuôi nấng cẩn thận, có cuộc sống đủ đầy, luôn tràn

ngập tình yêu và hạnh phúc. Ví dụ như những tin bài: “Lịch ghi chép chăm con khéo léo của ông bố xăm trổ” (đăng trên Vietnamnet ngày 01/12/2014, dẫn nguồn từ Zing); “Mẹo hay cho mẹ dạy con phân biệt màu sắc” (đăng trên Vietnamnet ngày 06/6/2014, dẫn nguồn từ Yeutretho); “5 triệu trẻ em sẽ được uống vitamin A”

(đăng trên Dân trí ngày 22/5/2014 của tác giả Hồng Hải....

Báo mạng điện tử đã thể hiện được ưu thế của mình trong việc truyền đạt kịp thời những thông tin mang tính cấp bách, liên quan đến sự sống còn của con người và nhiều tấm lòng lương thiện đầy tính nhân văn cao cả.

Nhờ báo chí nhiều điển hình và những trái tim nhân hậu được tôn vinh, ngợi ca. Và cũng nhờ báo chí, những con người xa lạ như xích lại gần nhau để cùng nhân lên niềm vui hay chia bớt đi nỗi buồn với những người xung quanh. Những tin bài này đã góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển hài hoà, hoàn thiện của con người và của xã hội, đáp ứng được mục đích, yêu cầu mà hiện thực xã hội đặt ra. Đó cũng chính là những tin bài chứa đựng thông điệp rất nhân văn và đẹp đẽ.

Trong chuyên mục “Tấm lòng nhân ái” có tin “Bé Minh Quân sẻ chia với người bạn "có khuôn mặt đáng thương"” đăng ngày 14/12/2014 vào lúc 10:13 của

tác giả Đình Hưng. Bài báo vẽ nên chân dung của cậu bé Minh Quân với việc mổ lợn tiết kiệm để làm từ thiện. Không chỉ một lần, hoạt động này đã trở thành thói quen mỗi tháng, mỗi năm của bé. Trong lần từ thiện này bé ủng hộ số tiền hơn 4 triệu đồng tiết kiệm từ việc bớt ăn sáng, bớt mua đồ chơi... để gửi đến bạn Ngô

Thành Tự, em bé đáng thương trong bài viết “Khuôn mặt kỳ dị mà rất đáng thương của cậu bé 8 tuổi”. Đọc được những thông tin này liệu ai có thể không vui mừng vì

một cậu bé mới lớp 4 đã có những suy nghĩ và hành động đáng khen như vậy. Hành động của cậu đã đánh thức bản chất lương thiện ở trong mỗi một con người, là tấm gương không chỉ dành cho các em nhỏ noi theo mà người lớn cũng phải nhìn nhận lại bản thân. Nhờ báo chí hành động đẹp này sẽ được nhân rộng, xã hội ngày thêm tốt đẹp và những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ vơi bớt đi nỗi đau đớn, mặc cảm. Hành động của bé khiến nhiều người rất ngưỡng mộ như độc giả Nguyễn Thị Hải

Yến đã bình luận: “Cảm ơn tấm lòng nhân ái của con! Năm mới có chúc con luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc bên người thân!”

Với những tin bài như vậy, những người làm báo cần có kế hoạch đăng định kì một cách có hệ thống để trước tiên là tạo ra ở bạn đọc một hệ thống những tri thức, ấn tượng đa dạng về màu sắc, âm thanh, tạo hình... của giá trị thẩm mỹ. Từ đó những thông điệp sẽ góp phần hình thành ở người đọc khả năng rung động, đánh giá và thưởng thức những sự vật và hiện tượng có giá trị thẩm mỹ.

Ở một câu chuyện khác, “Nghị lực đáng nể của cậu bé không tay” đăng trên

Vietnamnet vào ngày 18/12/2014 lúc 10:14, sẽ là một điển hình tấm gương sáng “cứu cánh” tinh thần cho những người khuyết tật khác. Em Hà Văn Tài dù sinh ra không có tay, chân bên lớn bên bé nhưng tinh thần ham học, yêu thương người nuôi dạy mình khiến ai cũng phải cảm động. Vẻ ngoài không lành lặn, bữa ăn lúc đói lúc no với bà ngoại dường như không ngăn cản nổi ý chí vượt lên số phận của em. Em không chỉ viết chữ đẹp bằng chân mà các hoạt động sinh hoạt khác cũng đều cố gắng tự làm. Hình ảnh em cứ thế ngời ngời tỏa sáng theo từng câu chữ, cảm xúc của tác giả trên từng trang báo. Nhờ đó câu chuyện về em trở nên thân thương và đầy sức lay động tình người. Những lời bình luận cảm thông, chia sẻ và tỏ rõ sự thán phục dành cho em là không ngớt. Câu chuyện đồng thời cũng là bức thông điệp dành cho tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh. Rằng cuộc sống dù còn bộn bề những khó khăn nhưng ngay chính những con người trong khó khăn đó lại tràn đầy niềm tin phơi phới về một tương lai tươi đẹp. Vậy tại sao chúng ta – những con

người lành lặn, đủ đầy trong cuộc sống lại không biết vươn lên đón nhận những điều tốt đẹp đó? Bức thông điệp này thực sự đã lay động tình yêu thương con người

như những lời bình luận của các độc giả: “Bé rất đáng yêu và đáng khâm phục, chúc con thành công trong cuộc sống” (độc giả Lưu Minh Thắng); “Một bài viết thật cảm động ! Xem video mà thương em quá, hi vọng sẽ có những tấm lòng sẻ chia gửi đến em. Chúc "Nguyễn Ngọc Ký" con viết tiếp câu chuyện đầy nghị lực”.

(độc giả Phạm Mười)...

Trong cuộc sống, để hình thành và hoàn thiện các quan hệ xã hội, để bồi dưỡng, phát triển nhân cách của mình, con người luôn khát khao vươn tới cái đẹp. Con người cần cái đẹp cũng như cần hít thở khí trời. Nhưng không phải bất kỳ người nào cũng có thể sáng tạo ra cái đẹp và đều biết cách đưa cái đẹp vào cuộc sống. Nhà báo và nghề báo với lợi thế "ngòi bút" chính là điểm xuất phát để sáng tạo ra những thông điệp đầy tính thẩm mỹ. Tuy nhiên để sáng tạo ra những giá trị thẩm mỹ trong các bài viết, đòi hỏi nhà báo phải có trình độ nhất định. Đó không phải là năng khiếu và kinh nghiệm nghề nghiệp, mà hơn thế, phải có một quá trình học tập, lao động miệt mài, nghiêm túc với một niềm yêu thương vô hạn dành cho trẻ em.

.Nhà báo đồng thời biết nhận diện, sàng lọc và loại bỏ những cái xấu, cái phản giá trị thẩm mỹ vì sự trong sạch và lành mạnh của môi trường văn hoá xã hội. Phải biết đấu tranh chống lại những cái xấu, cái bất lợi để trẻ em có một môi trường phát triển lành mạnh, toàn diện. Chính vì vậy cần thiết trên mặt báo phải xuất hiện những tin bài như lên án vấn nạn bạo hành, vấn nạn dạy thêm học thêm, những

cuốn sách giáo khoa có nội dung thô tục... như tin: “Học trò tiểu học học thêm ban đêm” đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 03/11/2014 của tác giả Thùy Trang; “Lý Nhã Kỳ kêu gọi chống bạo lực trẻ em” đăng trên báo Dân trí ngày 29/7/2014 của tác giả Hà Thanh; “Sách giáo viên hướng dẫn thầy cô dạy sai?” đăng trên báo Vietnamnet của

độc giả - thầy giáo Trần Trung Huy....

Bên cạnh đó những thông tin thiếu tính đạo lý, thẩm mỹ như cha hiếp dâm con, con đánh cha mẹ, học trò cãi lại thầy... nên hạn chế đưa tin hoặc đưa tin với những cách nhìn nhận vấn đề có hướng giáo dục, giải pháp. Có như vậy những vấn

đề xoay quanh trẻ em đều được nhìn nhận theo những khía cạnh thẩm mỹ, nhân đạo

và tốt đẹp. Ví dụ trên Vietnamnet ngày 18/02/2014 có tin: “Clip thầy giáo tát học sinh và bị đánh trả ngay trên bục giảng” (dẫn nguồn theo Pháp luật xã hội). Tin bài bên cạnh thông tin sự việc thì dẫn kèm những lời bình luận của độc giả như “Mỗi người một góc nhìn, một ý kiến, trường hợp này cả 2 cùng sai trong môi trường trường học. Người có lỗi lớn nhất ở đây vẫn là thầy giáo, thầy đủ kiến thức, đủ suy nghĩ để đi dạy người ta rồi mà còn như vậy. Cho dù là cậu học sinh kia ngoan hay hư thì cậu vẫn có tư cách là một cậu học trò, dù phản kháng lại thầy trong trường hợp này đi nữa”. Tương tự trên Vietnamnet có bài bình luận: “Thầy trò đánh nhau: Không thể xử kiểu 'xoa dịu'” của tác giả Trịnh Xuân Báu đã đưa ý kiến bình luận

với kết quả xử phạt thầy bị sa thải còn trò bị phạt cảnh cáo. Đó đồng thời cũng là những cái nhìn và giải pháp cho một sự việc hết sức phản cảm, đi ngược lại truyền thống đạo lý dân tộc.

Báo chí với chức năng thông tin, luôn phải bám sát mọi khía cạnh, ngõ ngách của vấn đề. Tuy nhiên với đề tài trẻ em cần phải cân nhắc, nên ưu tiên thể hiện cái đẹp, cái tốt, còn cái xấu nên hạn chế hoặc được nhìn nhận trong sự bao dung rộng mở. Trẻ em luôn tươi xinh, hồn nhiên và không nên tồn tại khái niệm “trẻ em xấu”

giống như bài viết đăng trên Vietnamnet ngày 18/6/2014 “Đắng lòng sinh con gái xấu” (bài viết dẫn nguồn từ Khám phá). Bài viết đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về hình hài của một em bé gái như “Bao nhiêu nét xấu của mẹ, từ đôi chân ngắn, làn da đen, mắt một mí…tất cả đều tái hiện trên gương mặt con”. Không những vậy bài báo còn đi sâu vào miêu tả cảm xúc của mọi người khi nhìn thấy em, “Ông bà nội thất vọng khi thấy con, mọi người thất vọng khi thấy con, nhưng sao cả mẹ cũng không vui khi lần đầu nhìn con”, “Đôi khi chơi đùa với con, bà nội lại buột miệng “Đặt tên là Tuyết Nhi làm gì để da nó đen xì như cá mực thế này”... Đáng lẽ nhà

báo, bằng ngòi bút và tính nhân văn, thẩm mỹ của mình phải thể hiện được cái nhìn tích cực và trân trọng. Dù chỉ là câu chuyện không có nhân vật, địa chỉ cụ thể nhưng sẽ làm định hình trong người đọc về sự tồn tại của một bộ phận “trẻ em xấu” và sự chối bỏ của mọi người khi “trẻ em xấu”

Báo chí thông tin sự kiện và vấn đề đã và đang xảy ra, có ý nghĩa xã hội và được nhiều quan tâm. Tuy nhiên cách truyền tải thông điệp tới công chúng như thế nào để xã hội ngày một tốt đẹp, trẻ em ngày càng được phát triển toàn diện phải là điều kiện tiên quyết. Hơn ai hết trong vấn đề này, nhà báo phải “chắc tay” để việc tìm kiếm đề tài và chuyển tải thông điệp luôn bật lên ánh sáng của những gì đẹp đẽ, nhân văn nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông điệp về trẻ em trên báo điện tử dưới góc nhìn văn hóa (Trang 87 - 92)