7. Kết cấu luận văn:
2.3 Những vấn đề đặt ra đối với thông điệp về trẻ em trên báo điện tử
Có thể nói vấn đề trẻ em luôn nhận được sự quan tâm của xã hội bởi lẽ trẻ em là đối tượng tạo nên nhiều xúc cảm đặc biệt cho người lớn. Khi trẻ em vui khỏe, người lớn cũng vui vẻ, hạnh phúc. Ngược lại, khi trẻ em đau khổ, người lớn cũng không thể an lòng. Hơn ai hết trẻ em là những cá thể mong manh, yếu ớt, cần sự chăm sóc và bảo vệ đặc biệt từ người lớn. Báo chí ngoài vai trò thông tin và định hướng dư luận, còn phải có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Nếu chúng ta có thể chăm sóc, giáo dục trẻ em trực tiếp từ bàn tay mình thì báo chí lại chính bằng câu chữ để truyền đi những thông điệp kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.
Báo chí trước hết có công trong việc tuyên truyền những đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề trẻ em. Đó đồng thời cũng là “khuôn mẫu” để mỗi người nhìn lại đúng, sai trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Các vấn đề có tính thời sự được phản ánh trên báo chí như nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ bị bạo hành, trẻ bị lạm dụng... cũng nằm trong định hướng của Đảng là đảm bảo quyền trẻ em và dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Theo sát theo từng diễn biến của các sự kiện, vấn đề, báo chí đã kịp thời thông tin đến độc giả những gì liên quan đến trẻ em. Chính vì vậy những vụ việc như trẻ bị bắt cóc, trẻ bị đánh đập... đã kịp thời được ngăn chặn. Những bên liên quan đều phải chịu sự trừng phạt của pháp luật dưới sự giám sát của báo chí.
Ngoài ra để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của các bậc cha mẹ về các vấn đề như chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con trẻ... báo mạng đã mở thêm các chuyên mục, sáng tạo thêm nhiều tác phẩm hay phục vụ cho nhóm đối tượng này.
Nhờ lượng thông tin ngày một phong phú, trẻ em được “mở đường” tới những chân trời mới, được tạo điều kiện phát triển toàn diện.
Không những vậy với truyền thống đạo lý “lá lành đùm lá rách”, các báo đã chú trọng đến việc phản ánh những số phận khó khăn gặp hoạn nạn để kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Những thông điệp này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Và nhờ đó nhiều hành động nghĩa hiệp, nhiều hoạt động thiện nguyện đã diễn ra, tiếp thêm sức mạnh cho những số phận éo léo và truyền cảm hứng cho tất cả những người xung quanh.
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định khi viết về trẻ em. Thứ nhất là thông tin về trẻ em quốc tế còn ít nên khiến người đọc khó có thể so sánh đối chiếu với trẻ em trong nước. Thông tin về trẻ em quốc tế chỉ thỉnh thoảng xuất hiện và chủ yếu là dịch bài từ nguồn tin nước ngoài. Đề tài về trẻ em quốc tế xoay quanh một số vấn đề như con em của người nổi tiếng; những em bé
thần đồng, giỏi giang nổi bật hoặc những tin tức mang tính thời sự. Ví dụ tin “10 tuổi tranh cử ghế lãnh đạo Hội đồng thành phố” của tác giả Thu Phương (dẫn nguồn theo BBC) đăng trên Vietnamnet ngày 04/12/2014; “TQ: Hai ô tô đấu đầu, 11 học sinh mầm non thiệt mạng” của tác giả Thu Phương (dẫn nguồn theo Reuters)
đăng trên Vietnamnet ngày 20/11/2014.
Thứ hai là thông tin về trẻ em dân tộc cũng ít được đề cập đến hoặc bị định kiến nên khi giới thiệu chỉ góp phần tạo nên hình ảnh của những em bé dân tộc nghèo khó, bệnh tật. Bởi lẽ những tin bài về các em thường xoay quanh những câu chuyện trẻ em phải bỏ học đi làm; trẻ em sống nghèo nàn, nay ốm mai đau; trẻ tảo
hôn. Ví dụ: “Bị suy tim nặng, sự sống bé gái 2 tuổi người dân tộc Mông trở nên mong manh” của tác giả Thiên Ân đăng trên báo Dân trí ngày 02/12/2014; “Bị ép cưới tảo hôn, một học sinh lớp 9 viết đơn kêu cứu, bỏ trốn và muốn… tự tử” dẫn nguồn của báo Lao động đăng trên báo Dân trí ngày 13/01/2014; “Học trò vùng sâu lội lũ đến lớp” của tác giả Nguyễn Thế Lượng đăng trên báo Tuổi trẻ ngày
Thứ ba là hình ảnh của những em bé bình thường cũng hiếm khi xuất hiện trên báo bởi với nhà báo, các em không có gì nổi bật và đặc sắc để đưa thông tin. Như vậy rõ ràng trẻ em bình thường lại bị thiệt thòi, diện mạo của các em cũng chưa chân thực. Nếu nhà báo tập trung viết nhiều hơn, toàn diện hơn đến trẻ bình thường tức là vừa khuyến khích số đông, vừa ngăn ngừa các em rơi vào các hoàn cảnh đặc biệt.
Thứ tư là hình ảnh các em thường được xây dựng phiến diện và rập khuôn theo mẫu, nếu là bé gái thì hiền lành, bé trai thì ngỗ nghịch; con nhà giàu thì nghịch phá, con nhà nghèo thì ham học... Các nhà báo chưa thực sự khai thác hết nhiều
“gương mặt” khác của trẻ. Ví dụ bài “Nhật ký đối phó với con trai "lắm chiêu" trước giờ đi ngủ” dẫn nguồn Tri thức trẻ đăng trên Vietnamnet ngày 12/6/2014 cho
thấy hình ảnh một cậu bé trai nghịch ngợm nhưng cũng rất dễ thương, bé luôn đòi hỏi người mẹ như phải mặc áo bí ngô, đòi đọc sách... trước khi đi ngủ trong khi em gái thì đặt trong trong nôi là ngủ ngon lành.
Thứ năm là các vấn nạn nhức nhối liên quan đến trẻ em như nạn buôn bán trẻ em, lạm dụng tình dục, xâm hại thân thể, bóc lột sức lao động, sao nhãng việc chăm sóc trẻ... mặc dù có xuất hiện trên báo chí nhưng với mật độ thưa thớt và chưa thực sự nằm trong kế hoạch đưa tin để tuyên truyền tới cộng đồng.
Nguyên nhân của những thiếu sót này trước hết bắt nguồn từ chất lượng đội ngũ nhà báo viết về trẻ em chưa cao. Với những tờ báo điện tử thông thường, các nhà báo viết về trẻ em thường kiêm nhiệm thêm nhiều đề tài khác. Họ viết theo thói quen và bằng vốn kiến thức sẵn có hơn là tham chiếu dưới những nguyên tắc hay quy định pháp luật. Chỉ có một bộ phận rất nhỏ trong số các nhà báo đó được bồi dưỡng các kĩ năng và kiến thức chuyên sâu qua các khóa đào tạo trong và ngoài nước.
Báo Tuổi trẻ và báo Vietnamnet đều có mục “Mẹ và bé” nhưng chỉ là tiểu mục nằm trong chuyên mục lớn, còn lại tin bài về trẻ em ở các báo vẫn nằm chung với các tin bài về các vấn đề khác. Điều này đã chứng tỏ đề tài về trẻ em chưa được đánh giá cao và cũng không có nhiều “đất diễn”.
Như vậy bên cạnh những ưu điểm thì vấn đề thông điệp về trẻ em trên báo mạng điện tử vẫn còn nhiều nhược điểm, đòi hỏi phải có sự chung tay giải quyết của khối liên kết giữa nhà báo, tòa soạn cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước. Có như vậy những thông tin về trẻ em trên phương tiện thông tin đại chúng mới đi đúng mục đích và được đông đảo công chúng đồng tình, ủng hộ.