Sử dụng từ ngữ giật gân, câu khách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những hạn chế trong việc đưa tin pháp luật trên báo điện tử hiện nay (Trang 64 - 67)

7. Kết cấu của luận văn

2.3. Hạn chế về mặt hình thức

2.3.2 Sử dụng từ ngữ giật gân, câu khách

Ngoài 3 tờ báo khảo sát, nhiều tờ BĐT khác cũng có xu hướng lạm dụng quá nhiều ngôn từ gây sốc để đăng tải thông tin giật gân, câu khách.

Không thể phủ nhận, khi sống trong một xã hội với nhu cầu đa dạng thì những thông tin giật gân, câu khách cũng đang làm thỏa mãn một bộ phận bạn đọc. Thông tin giật gân, câu khách có thể được hiểu là những thông tin đánh vào trí tò mò của con người. Đó là những thông tin đời tư, thông tin về giới tính, về các vụ phạm tội bệnh hoạn…

Sẽ chẳng có gì để nói nếu như những thông tin đó được đưa với một mật độ vừa phải, đủ để trở thành tiếng nói cảnh tỉnh cho những mặt trái của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, chúng xuất hiện trên báo điện tử với một mật độ dày đặc và hầu hết được đưa vào các tít, được treo ở mặt trang, thu hút lượng truy cập lớn của độc giả.

Tác giả luận văn dễ dàng tìm thấy các title giật sốc trên các tờ báo được khảo sát: Ở nhà một mình, nữ sinh bị chú họ 2 lần hãm hiếp (đăng 20/3/2015

trên VNN); Tiết lộ khó tin về kẻ gây thảm án chấn động Yên Bái (đăng

28/10/2015 trên PLVN), Vợ làm xa, chồng bắt con gái đấm lưng hàng tối rồi cưỡng hiếp (đăng 21/8/2015 trên PLVN)…

Hay bài viết Bị chê “đen hôi” chồng giết vợ thả xác trôi sông đăng trên

PLVN ngày 6/7/2015, tác Lành Văn Hữu dùng các từ khá giật gân. Theo bài báo,

sau khi đi uống bia về, Hảo tra khảo nhưng vợ không nói khiến anh ta ấm ức. Sau nhiều ngày dồn nén, người đàn ông này vào bếp tìm thanh sắt đập mạnh vào gáy vợ, liên tiếp đánh đến khi nạn nhân tắt thở.

Tác giả mô tả: “Gây án xong, sợ con cái phát hiện, Hảo lôi xác vợ ra đằng sau nhà, đặt xuống một bồn nước cất giấu, sau đó quay trở lại lau chùi các vết máu, lật đệm giường lại. Đợi hai con ngủ say, khoảng hơn 22h đêm, Hảo tắt điện, ra sau nhà đưa xác vợ vào bao tải, chở lên xe đem phi tang. “Khi đó tôi hoảng loạn, chỉ nghĩ là đưa xác vợ đi càng xa càng tốt. Đi được khoảng 16 km thì một đầu bao tải bị rách, phần đầu cô ấy bung ra, tôi liền vứt xuống sông”, thủ phạm khai.

Trong số 3 tờ báo được khảo sát, PLVN là tờ báo chuyên ngành nhưng tác giả luận văn thấy việc miêu tả chi tiết, sử dụng các từ sốc nhiều nhất. Dù trước đó, trả lời phỏng vấn sâu với tác giả luận văn, thư ký tòa soạn tờ này khẳng định: “Tòa soạn chúng tôi quy định không dùng những câu chữ “lừa mị” để câu kéo khán giả. Chúng tôi rất dị ứng với những kiểu giật tít như: “Thông tin mới nhất về vụ…” hay “lần đầu tiết lộ…” trong khi đó chỉ là những thông tin hết sức bình thường, đã tiết lộ nhan nhản ở các báo khác. Những ngôn ngữ phản cảm, hình ảnh bạo lực báo chúng tôi cũng sử dụng. Tổng biên tập chúng tôi còn yêu cầu rút tít phải thể hiện được bản chất vụ việc ở từng giai đoạn. Ví dụ vụ án đã được đưa ra xét xử không thể rút tít để bạn đọc hiểu nhầm rằng đó là vụ án vừa xảy ra, dù rằng cách rút này thể hiện ngay được tính cũ của thông tin, kém hấp dẫn bạn đọc”.

Ngoài chức năng giáo dục, chức năng quản lý, giám sát xã hội, chức năng phát triển văn hóa thì báo chí còn có chức năng giải trí. Nhiều tờ báo, ra đời cũng chỉ có mục đích đáp ứng nhu cầu giải trí của độc giả.

Tuy nhiên, không phải nhu cầu giải trí nào của độc giả cũng được báo chí đáp ứng, nếu như nó trở nên thiếu văn hóa và vô đạo đức. PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Chủ nhiệm khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền từng phát biểu: “ Không phải điều gì công chúng muốn cũng có thể đáp ứng. Nhà báo cần phải có tầm nhìn cao, xa hơn công chúng, tức là tầm nhìn của một nhà văn hóa”.

Thế nhưng, hiện nay trên BĐT, kể cả với những tờ báo uy tín, có lượng độc giả cao cũng không tránh khỏi những thông tin giật gân, câu khách để cạnh tranh độc giả. Đó là những tin tức về các vụ cướp, giết, hiếp, những bộ ảnh với phong cách khoe mình của những nam người mẫu vô danh, nữ nghệ sĩ ít tên tuổi kèm theo những cái tít rất khiêu khích. Có thể điểm mặt một số tít như sau: Hết quần khiêu dâm Trang Trần lại diện quần khiêu khích; Mai Phương Thúy với bồ tình tứ trong ngõ tối (VNN); Cô gái yêu say đắm sát thủ giết 77 người ở Na Uy (VietnamPlus). Theo nguyên Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói trong cuộc họp giao ban ngày 25/8/2015 thì tác giả và tòa soạn báo vô hình chung đã xây dựng hình ảnh sát thủ như một anh hùng. Bài báo này ngay sau đó đã phải gỡ khỏi trang.

Những ý kiến của đạo diễn Lê Hoàng và PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho thấy, người làm báo bao gồm phóng viên, biên tập viên, tòa soạn chính là chủ thể của những thông tin, có quyền quyết định thông tin ấy đứng ở mặt nào của văn hóa. Có văn hóa hay thiếu văn hóa là một ranh giới rất mong manh đòi hỏi người cầm bút phải tinh tế, có nền tảng kiến văn hóa, có đạo đức nghề nghiệp khi sử dụng các ngôn ngữ của báo mạng điện tử để cung cấp thông tin cho độc giả. Nhất là với những thông tin về pháp luật, không thể lạm dụng những ngôn ngữ gây sốc như “Kinh hoàng, thảm sát, thảm cảnh,

đẫm máu, man rợ…” bởi sẽ gây rất nhiều tác động tâm lý đến người đọc. Việc ngôn ngữ đưa tin pháp luật hiện này còn quá tùy tiện, nên những từ ngữ gây sốc vẫn xuất hiện với tần suất dày đặc.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, với sự bùng nổ của công nghệ, sự thay đổi thói quen người tiêu dùng, báo chí cũng có giai đoạn mất phương hướng trong việc đi tiếp thế nào, nên họ đưa ra nhiều thử nghiệm mới, cách làm mới với hy vọng sẽ thu hút, giữ chân người đọc. Nhưng cũng chính vì thế mà có những việc làm nhiều khi quá đà, có cách làm chưa chuẩn mực, khiến cho bên cạnh việc thu hút được người đọc thì cũng tăng tính phản cảm, thể hiện ở việc giật tít khác với nội dung bài viết để câu view, giật tít thiếu trách nhiệm, sai bản chất sự việc, dùng những từ mạnh để làm sao kéo người đọc vào…

Một lý do nữa là hiện nay, nhiều tờ báo sống bằng số lượng view và được chia sẻ doanh thu quảng cáo từ những công ty đang làm chủ môi trường mạng toàn cầu như: Google, Facebook… Do đó, có một xu hướng là bằng mọi giá phải có nhiều view, kể cả bị phạt cũng phải có view, biết giật tít không đúng nhưng vẫn làm…

Ở một khía cạnh khác, một bộ phận các cơ quan báo chí hoặc một bộ phận nhà báo, phóng viên do thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu thấu đáo một vấn đề, nhưng do chạy theo sức ép đưa tin nhanh nên tìm cách đơn giản nhất để đưa vấn đề lên công luận trong thời gian ngắn nhất, dẫn đến cách làm báo cẩu thả, chụp mũ, nâng quan điểm. Khi đó, tác hại đến với xã hội và bản thân tòa soạn, bản thân nhà báo là không tránh khỏi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những hạn chế trong việc đưa tin pháp luật trên báo điện tử hiện nay (Trang 64 - 67)