2.1. Những quy định pháp lý về nguyên tắc thống nhất, phân công và phối hợp
2.1.2. Về phân công giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước
(năm 2001) quy định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam; Quốc hội là cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, thông qua đó nhân dân uỷ quyền cho Quốc hội: Quốc hội với tư cách đại diện cho ý chí của toàn thể nhân dân có trách nhiệm thay mặt nhân dân đứng ra quản lý đời sống xã hội, thực hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, quản lý nhà nước tập trung thống nhất vào Quốc hội.
Hiến pháp xác định, quyền lực nhà nước thống nhất vào Quốc hội, tuy nhiên có sự phân công và phối hợp trong tổ chức vào hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự phân chia này không giống như các nước tư sản mà bản thân nó đã bao hàm tính thống nhất. Phân chia trên cơ sở thống nhất vào Quốc hội, nhằm thực hiện ý chí của nhân dân.
2.1.2. Về phân công giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước nước
Sự phân công quyền lực trong Nhà nước ta chính là sự phân công lao động hợp lý giữa các cơ quan nhà nước trên cơ sở hợp tác, giám sát lẫn nhau, đảm bảo cho mỗi cơ quan thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, làm cho hoạt động của bộ máy nhà nước phản ánh được lợi ích của nhân dân, thực sự vì nhân dân. Theo đó, tổ chức bộ máy Nhà nước ta được phân ra làm ba cơ quan: lập pháp, hành pháp, tư pháp với những nhiệm vụ chức năng khác nhau. Cụ thể là:
Thứ nhất, Quốc hội là cơ quan lập pháp. Như đã khẳng định ở trên, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Theo nguyên tắc phân công trong tổ chức quyền lực nhà nước, Quốc hội có nhiệm vụ, chức năng chủ yếu như sau:
- Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, đặt ra các quy định cơ bản nhất làm nền tảng cho hệ thống pháp luật quốc gia. Quyền lập hiến và lập pháp của Quốc hội có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự tồn vong của chế độ và sự phát triển xã hội. Thông qua chức năng lập pháp của mình, Quốc hội đảm đương các nhiệm vụ khác với tư cách là cơ quan quyền lực tối cao trong hệ thống tạo thành cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua quyền lập hiến và lập pháp, Quốc hội quy định về những nguyên tắc và tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước.
- Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tại điều 83, Hiến pháp 1992 đã khẳng định rất rõ “ Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân ”. [ 20, tr 162 ]
- Quốc hội bầu ra và có quyền bãi miễn đối với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Mọi cá nhân, cơ quan nhà nước do Quốc hội thành lập phải báo cáo hoạt động của mình trước Quốc hội.
- Quốc hội có quyền giám sát tối cao với mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước. Điều 84 Hiến pháp 1992 quy định: “ Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ”. [ 21, tr. 163 - 164]
Như vậy, theo nguyên tắc phân công quyền lực nhà nước thì Quốc hội nước ta có các chức năng, nhiệm vụ chính là: lập hiến, lập pháp; quyết định
những vấn đề quan trọng của đất nước; quyền giám sát tối cao với các cơ quan nhà nước tối cao khác.
Thứ hai, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Theo sự phân công quyền lực nhà nước, Chính phủ chịu trách nhiệm về thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ có quyền ban hành các văn bản pháp quy để thi hành Hiến pháp và pháp luật. Chính phủ có quyền thành lập và giải thể các cơ quan trực thuộc trong hệ thống của mình, tổ chức mọi hoạt động quản lý và chấp hành của cơ quan dưới quyền mình, trong đó có UBND các cấp. Nhìn chung, sự phân công này là phù hợp, bảo đảm quyền lực nhà nước thống nhất vào Quốc hội và đảm bảo nền hành chính quốc gia luôn ổn định, thống nhất, thông suốt từ trung ương đến cơ sở và có hiệu lực.
Thứ ba, Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan tư pháp. Hệ thống toà án nhân dân thực hiện hoạt động xét xử. Khi xét xử, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước kể cả toà án cấp trên. Hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố nhà nước và giám sát hoạt động tư pháp.
Thứ tư, phân công quyền hạn, chức năng cho chính quyền địa phương. Phân cấp quản lý nhà nước ở nước ta là sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước theo chiều dọc để thực hiện quyền hành pháp của Nhà nước; cụ thể là sự phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm ( thẩm quyền) cho các cấp trong hệ thống các cơ quan hành pháp từ Chính phủ đến chính quyền địa phương các cấp. Về thực chất, đó cũng là sự phân quyền theo chiều dọc nhưng khác với các nước, chẳng hạn như Cộng hoà Liên bang Đức [47, tr 99 - 132] . Sự phân quyền theo chiều dọc trong mô hình phân quyền của một số nước thể hiện tính độc lập giữa các cấp chính quyền trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm; giữa các cấp chính
quyền không là cấp trên cấp dưới của nhau. Thẩm quyền của các cấp chính quyền địa phương do cơ quan lập pháp quy định thông qua những văn bản luật. Sự phân quyền theo chiều dọc của các nước về hình thức là sự chuyển quyền từ cấp trên xuống cấp duới nhưng thực chất là sự rút bớt quyền của cấp dưới lên cấp trên, quyền hạn của cấp cơ sở rất hạn chế.
Phân cấp quản lý nhà nước ở nước ta là một sự phân quyền trong sự phối hợp để cùng thực hiện chức năng trong quản lý giữa các cơ quan nhà nước các cấp theo chiều dọc; nó tạo ra một hệ thống hành chính thứ bậc, thống nhất giữa 4 cấp ( Trung ương, tỉnh, huyện, xã ). Sự phân cấp quản lý nhà nước ở nước ta có nguồn gốc lịch sử và truyền thống lâu đời ( Nhà nước phong kiến Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền, khác với nhà nước phân quyền phương Tây ). Việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước ở một góc độ nhất định, về thực chất là một quá trình chuyển bớt các quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên cho chính quyền cấp dưới thực hiện, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền cấp dưới và nhân dân.
Mặt khác, thẩm quyền phân cấp quản lý nhà nước ở nước ta được thực hiện thông qua hai hệ thống chủ thể: Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện sự phân cấp quản lý nhà nước bằng việc thông qua các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết ( Luật Tổ chức HĐND và UBND, Pháp lệnh Cán bộ, công chức...); Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND thực hiện sự phân cấp quản lý nhà nước bằng việc ban hành các văn bản dưới luật ( Nghị quyết, Nghị định, Quyết định ). Việc thực hiện sự phân cấp của Chính phủ, các Bộ, UBND phải dựa trên những quy định của luật, pháp lệnh về những lĩnh vực liên quan. Khi những nội dung phân cấp cần phải sửa đổi bổ sung luật, pháp lệnh thì Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải sửa đổi bổ sung luật, pháp lệnh trước khi Chính phủ, các Bộ,
UBND thực hiện sự phân cấp. Phân cấp phải thể hiện sự đầy đủ, đồng bộ, thống nhất trong các văn bản pháp luật. Vấn đề này trong Nghị quyết 08 của Chính phủ cũng đã nêu rõ: " Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đề xuất những nội dung phân cấp đòi hỏi phải sửa đổi bổ sung luật, pháp lệnh, báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho sửa đổi bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan " [ 57, tr. 24 ].