Tổ chức lớp học quy mô nhỏ, thực hiện tự quản

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng giáo dục của jiddu krishnamurti và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 102 - 108)

Chương 3 TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA JIDDU KRISHNAMURTI

3.2. Những nguyên tắc tiến hành giáo dục

3.2.3. Tổ chức lớp học quy mô nhỏ, thực hiện tự quản

Để có được tình yêu trong môi trường học tập và giáo viên có thể khuyến khích trí thông minh của học sinh thì một yêu cầu quan trọng là người thầy phải có khả năng quan sát, hiểu biết tất cả học sinh trong lớp của mình. Quy mô lớp học nhỏ là điều kiện tiên quyết để thực hiện nhiệm vụ đó.

Việc xây dựng mô hình các lớp học nhỏ theo Krishnamurti sẽ mang lại nhiều lợi ích:

Thứ nhất, học sinh có điều kiện phát triển toàn vẹn khả năng của mình

dưới sự chăm sóc của các thầy giáo:

Một học hiệu phát triển to lớn mà trong đó hàng trăm học sinh được giáo dục cùng với nhau, với tất cả những sự phô bày phụ họa và thành công của nó, có thể trở thành những viên thư ký ngân hàng và những tay mại bản thượng thặng, những kỹ nghệ gia hay những nhà đại diện, những người nông cạn với hiệu năng kỹ thuật thôi; nhưng chỉ hy vọng ở cá nhân toàn vẹn, mà chỉ những trường học nhỏ mới có thể giúp tạo ra [34, tr.105].

Với phương châm giáo dục hướng đến sự phát triển toàn diện của con người, Krishnamurti quan tâm đến môi trường giáo dục với những điều kiện thuận lợi để trẻ có thể phát triển đầy đủ như một con người hoàn chỉnh không chỉ về mặt trí tuệ mà còn về mặt thể chất, tâm linh. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của không gian tĩnh lặng trong giáo dục. Điều này cũng giống như việc tạo ra một thánh đường để học sinh có thể quan sát suy nghĩ của chính mình. Với số lượng học sinh vừa phải, những ngôi trường sẽ có đủ không gian để học sinh tìm kiếm những nơi yên tĩnh, có không gian quan sát sự thay đổi của tự nhiên, vũ trụ.

Thứ hai, mô hình lớp học nhỏ là điều kiện tiên quyết để thầy giáo có thể quan tâm đến tất cả các học sinh. Krishnamurti đã chỉ ra:

Hiển nhiên điều quan trọng là có một số học sinh giới hạn trong một lớp học nhỏ thế nên nhà giáo có thể chú ý đầy đủ đến mỗi học sinh. Khi số học sinh đông quá ông ta không thể nào làm việc này được, và lúc bấy giờ trừng phạt và tưởng thưởng trở nên một phương thức thuận tiện cho việc khép vào kỷ luật [34, tr.115 - 114]. Với lớp học quá đông, vượt khỏi tầm kiểm soát thì thầy giáo sẽ sử dụng kỷ luật để giữ trật tự và kiểm soát đứa trẻ. Lúc này trật tự lớp học có được không phải do tự nguyện mà do sợ hãi hoặc bị ép buộc. Điều này làm mất tự do của đứa trẻ và cản trở sự yêu thương của thầy giáo đối với chúng. Sợ hãi là kẻ thù của sáng tạo và trí tuệ. Đứa trẻ cần cảm thấy tự do để nói với thầy giáo những vấn đề của mình mà không sợ bị mắng hay trừng phạt. Lớp học nhỏ cũng tạo điều kiện để giáo viên quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc cơ thể của học sinh như ăn uống, tập thể dục vì giáo dục không chỉ đào tạo về trí tuệ mà còn cần một cơ thể khỏe mạnh. Thay vì việc cố gắng truyền tải một khối lượng kiến thức khổng lồ, giáo viên có thể duy trì thói quen đọc sách của học sinh, tạo hứng thú cho các môn học thông qua hoạt động ngoại khóa. Với những hoạt động khoa học và văn nghệ, đứa trẻ sẽ bộc lộ sở thích và tài năng của mình; từ đó tìm được công việc thích hợp để kiếm sống mà không cảm thấy nhàm chán.

Thứ ba, với lớp học nhỏ, thầy giáo không bị quá tải giờ làm việc và có

thời gian rảnh rỗi dành cho thầy và người khác. Krishnamurti chỉ ra rằng nếu cứ bắt thầy giáo làm việc quá sức thì đó là một công việc nguy hại cho chính bản thân thầy và mọi người. Sự hồi phục về thể xác và tinh thần là một việc làm vô cùng cần thiết nhưng nó không thể có nếu một người bị bắt làm việc liên tục, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Krishnamurti kết luận:

Nếu chính bản thân thầy giáo có một số thì giờ nhất định, ông ta chỉ chịu trách nhiệm cho một số học sinh mà ông ta có thể dễ dàng đương đầu với chúng. Một tương giao trực tiếp và chủ yếu giữa thầy và trò gần như không thể được khi thầy giáo bị nghiêng oằn xuống bởi một số lớn học trò khó điều khiển được [34, tr.115]. Một lớp học với quy mô nhỏ là điều cần thiết để có được mối tương giao giữa thầy và trò. Tuy nhiên, Krishnamurti cũng chỉ ra hiện trạng của giáo dục là đa số các lớp học đều có quy mô lớn với số học sinh đông, được giảng dạy theo một mô hình có sẵn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có được các lớp học nhỏ? Giải pháp Krishnamurti đề xuất bắt đầu với vai trò của chính các bậc phụ huynh:

Nếu các bậc làm cha mẹ thực sự yêu thương con em của mình, họ sẽ sử dụng quyền lập pháp và những phương tiện khác để thiết lập những trường học nhỏ được cung cấp nhân viên với những nhà giáo dục đúng nghĩa; và họ không bị chán nản ngã lòng bởi cái sự kiện là những trường học nhỏ thì tốn kém hơn và khó tìm ra những nhà giáo dục thích đáng [34, tr.109].

Bên cạnh vai trò tích cực của cha mẹ trong việc xây dựng các ngôi trường với quy mô nhỏ thì Krishnamurti cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những cá nhân có tâm huyết tham gia vào công tác giáo dục. Theo ông, nếu một người có ham muốn mãnh liệt mở các trường học không phải vì mục đích kinh tế hay chính trị mà thuần túy vì muốn tạo ra một môi trường học tập tốt hơn cho trẻ em, tiền bạc tự nhiên sẽ đến: “Nhưng nếu nó là một trường học thực sự xứng đáng, thì sự giúp đỡ cần thiết sẽ tìm ra. Khi có sự yêu thương đứa trẻ, thì tất cả mọi sự đều có thể được cả” [34, tr.108]. Nếu chưa thể có tiền bạc để xây dựng các ngôi trường, người thầy có thể dạy học tại bất cứ nơi

đâu, thậm chí ngay tại nhà của mình. Tình yêu thương đứa trẻ không nhất thiết phải núp dưới bóng của một ngôi trường đẹp đẽ, to lớn nào cả.

Trong giáo dục, theo Krishnamurti, nếu có thiện tâm và tình yêu, mọi thứ khác đều trở nên ít quan trọng và có thể giải quyết được. Những việc ông đã làm trong giáo dục là minh chứng rõ nét cho quan điểm này. Ông là người không có bất kỳ tài sản cá nhân nào từ sau khi tuyên bố rời khỏi vị trí lãnh đạo tổ chức Ngôi sao Phương Đông và Hội Thông Thiên học. Tuy nhiên, bất cứ khi nào ông mong muốn mở trường thì lại có người đứng ra hiến tặng đất đai, tiền bạc. Thậm chí, những người có kinh nghiệm và thâm niên trong lĩnh vực giáo dục cũng tìm đến hợp tác trong việc quản lý, điều hành các ngôi trường. Sau khi ông mất, các trường do ông sáng lập vẫn tiếp tục nhận được tài trợ và sự ủng hộ của cha mẹ học sinh để tồn tại. Quan điểm trên không chỉ được minh chứng bằng các ngôi trường của Krishnamurti mà trên thế giới cũng có rất nhiều mô hình trường học được xây dựng nhờ danh tiếng của một cá nhân hay sự ủng hộ từ những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Với mô hình lớp học nhỏ, việc tự quản là điều cần thiết và cũng dễ dàng thực hiện hơn để chuẩn bị cho cuộc sống của các em sau này.Việc tự quản giúp các em tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình và giúp đỡ bạn bè để tất cả đều phát triển đồng đều, toàn diện: “Các học sinh sẽ lựa chọn trong những người từ bọn họ chịu trách nhiệm cho việc hoàn tất những quyết định và do đó giúp đỡ với sự trông nom chung. Dù sao việc tự trị trong trường học là một chuẩn bị cho việc tự trị trong đời sống sau này” [34, tr.117].

Những phẩm chất mà học sinh được thực tập ở trường như sự thận trọng, ý tứ, tinh thần chịu trách nhiệm thì sau này, đứa trẻ có thể đương đầu với mọi khó khăn, phức tạp của cuộc sống. Trường học giống như một giai đoạn chuẩn bị đầy đủ để đứa trẻ có thể bước vào cuộc sống mà không bị thiếu hụt các kỹ năng cần thiết.

Trong trường học, những người có ảnh hưởng sâu sắc đến đứa trẻ chính là các thầy giáo. Một ngôi trường bao gồm nhiều thầy giáo cùng làm việc và còn có cả sự tồn tại của hiệu trưởng. Để mang lại hiệu quả tốt nhất cho công việc giáo dục, các thầy giáo trong trường cần có sự hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện,

bình đẳng, hợp tác. Trước khi chấp nhận làm việc, thầy giáo cần đến trường để

xem thực sự bản thân mình có phù hợp với ngôi trường đó không:

Điều quan trọng là người thầy phải cảm thấy an toàn cả về mặt kinh tế và tâm lý trong các ngôi trường này. Có một số nhà giáo có thể có ý muốn dạy học mà không quan tâm đến sự đãi ngộ kinh tế, có thể họ đến vì giáo lý và vì nhiều lý do tâm lý, nhưng mỗi người thầy phải cảm thấy an toàn như ở nhà mình, được chăm sóc, không có những lo âu về mặt tài chánh [50, tr.195].

Mỗi trường học khi nhận một thầy giáo thì trước hết nên mời họ đến trường, ở lại một thời gian để xem họ có thực sự phù hợp với ngôi trường không. Theo Krishnamurti, chỉ khi nào thầy giáo cảm thấy an toàn và thoải mái, khi đó thầy mới thấy hạnh phúc trong công việc dạy học. Điều này sẽ tác động tích cực lên học sinh, chính thầy sẽ mang lại cho học sinh cảm giác an toàn như chính thầy đang cảm nhận.

Khi đã có sự hòa hợp với ngôi trường thì sự hòa hợp giữa đồng nghiệp cũng vô cùng cần thiết: “Nhưng điều tối đại quan trọng là tất cả các thầy giáo trong một trường học loại này sẽ cùng đến với nhau một cách tình nguyện mà không bị cưỡng bức hoặc lựa chọn; bởi vì sự tự do tình nguyện từ trên thế gian này là nền tảng đúng đắn duy nhất cho một trung tâm giáo dục” [34, tr.109].

Trước hết, các thầy giáo do có cùng sự tự nguyện trong công việc giáo dục sẽ dễ dàng cảm thông với nhau hơn. Những vấn đề chung của nhà trường cần được đưa ra bàn bạc để không có sự hiểu lầm giữa mọi người. Khi làm việc cùng nhau, thầy giáo cần có ý thức hợp tác trong công việc, không để

tình trạng một người phải làm tất cả mọi việc trong khi người khác không làm gì cả. Việc hợp tác, có trách nhiệm cũng cần phải được thực hiện trong chính các thầy giáo trước khi dạy điều đó cho đứa trẻ.

Trong môi trường giáo dục, nhất thiết phải có một hiệu trưởng để điều hành công việc nhưng sự tồn tại của hiệu trưởng không đồng nghĩa với quyền uy và sự sợ hãi. Krishnamurti nhận định: “Số nhân viên không cần ở dưới sự thống trị của vị hiệu trưởng, và vị hiệu trưởng sẽ không ôm đồm tất cả trách nhiệm; trái lại; mỗi thầy giáo sẽ cảm thấy có trách nhiệm với toàn thể” [34, tr.111]. Ông cũng nhấn mạnh: “Không thầy giáo nào sẽ sợ vị hiệu trưởng, cũng không vị hiệu trưởng nào sẽ cảm thấy bị dọa nạt bởi những thầy giáo lớn tuổi hơn. Sự thỏa thuận vui vẻ chỉ có thể có được khi có một cảm giác tuyệt đối bình đẳng giữa tất cả mọi người với nhau” [34, tr.113].

Theo Krishnamurti, một ngôi trường lý tưởng là tập hợp của những thầy giáo nhiệt huyết và hăng say với công việc; một lớp học với số lượng học sinh nhỏ để giáo viên có thể quan tâm đến tất cả. Trong việc quản trị trường học, tinh thần hợp tác, hỗ trợ giữa các thầy giáo được nhấn mạnh. Nhà trường trước khi nhận giáo viên vào làm việc cũng cần cho họ có thời gian để tìm hiểu về ngôi trường và sự phù hợp giữa họ với ngôi trường cùng với một chế độ đãi ngộ hợp lý giúp thầy giáo yên tâm hoàn thành sứ mệnh của mình. Quan điểm này được hiện thực hóa rõ nét trong chính các ngôi trường mà Krishnamurti sáng lập: số học sinh không quá vài trăm và mỗi lớp học chỉ từ 10 đến 20 học sinh. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên mà Krishnamurti đã đề ra để đạt được các mục tiêu đối với giáo dục.

Như vậy, quá trình giáo dục cần xuất phát từ sự tự do trong tâm trí mỗi đứa trẻ, tình yêu thương từ những người làm công tác giáo dục và một lớp học với quy mô vừa phải. Những nguyên tắc này đi kèm với một chương trình giáo dục không quan trọng việc thúc ép học sinh tìm kiếm thông tin từ giáo

viên hay học toán từ những quyển sách, ghi nhớ ngày tháng lịch sử hay các phong tục, tập quán mà quan trọng là khơi dậy trí thông minh để đứa trẻ có thể sử dụng kiến thức của mình một cách đúng đắn và hiệu quả. Điều này cũng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục mà Krishnamurti đã đề ra ở trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng giáo dục của jiddu krishnamurti và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 102 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)