Cuộc đời của J.Krishnamurti

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng giáo dục của jiddu krishnamurti và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 64 - 70)

2.3. Cuộc đời và sự nghiệp củaJiddu Krishnamurti

2.3.1. Cuộc đời của J.Krishnamurti

Krishnamurti sinh ngày 12 tháng 5 năm 1895 trong một gia đình theo đạo Hindutại Madanapalle, một thị trấn nằm giữa Madras và Banggalora, miền Nam Ấn Độ.

Tổ tiên của Jiddu Krishnamurti thuộc hệ cấp Velanadu, sinh sống trong một ngôi làng nhỏ nằm giữa những cánh đồng lúa tươi tốt của bờ biển Andhra. Cha của Krishnamurti là Jiddu Narianiah - một viên chức làm việc cho chính quyền Anh. Mẹ của ông - Sanjeevamma - là người nhân từ và sùng đạo. Theo truyền thống Ấn Độ, Krishnamurti là con trai thứ tám phải được đặt tên theo biểu tượng của Krishna, sự hoá thân thứ tám của thần Vishnu trong Ấn giáo. Thần là hiện thân của tình yêu, sự hủy diệt, đau khổ và tội lỗi, sự kết nối tình yêu giữa con người với Thượng đế, đại diện cho tri thức của nhân loại. Thần Krishna thường được mô tả trong hình ảnh một đứa trẻ sơ sinh hay cậu bé chơi sáo, cũng có khi là hình ảnh một hoàng tử trẻ tuổi, thích đùa giỡn, yêu mô hình hay vị anh hùng tối cao. Sau này, khi Krishnamurti trở nên nổi tiếng, người ta gọi ông là Krishnaji. Hậu từ “ji” thể hiện sự kính trọng, yêu

mến. Còn Krishnamurti tự gọi mình là K và các cuốn sách ông viết đều ký tên là K - như một cách ông tự ám chỉ mình.

Khi còn nhỏ, Krishnamurti là một đứa trẻ yếu ớt, thường hay bị bệnh, đặc biệt là bệnh sốt rét. Thậm chí, khi hai tuổi, Krishnamurti suýt chết vì bệnh này. Hậu quả là cậu thường xuyên bị những cơn co giật và chảy máu cam. Do không đủ sức khỏe, cậu không thể theo học ở trường mà phải ở nhà để mẹ cậu chăm sóc một cách đặc biệt. Trong khoảng thời gian này, cậu thường theo mẹ đến các ngôi đền, được nghe kể về Mahabharata và Ramayana. Cậu cũng rất chăm chỉ thực hiện các nghi lễ theo truyền thống Ấn Độ.

Ở trường, Krishnamurti không được đánh giá cao về khả năng học hành do tính hay mơ mộng và lơ đãng. Cậu thường dành thời gian nhìn ngắm những đám mây, con ong, con kiến, côn trùng và những khoảng không mênh mông. Vì vậy, các thầy giáo đánh giá cậu không thông minh và không có khả năng học hành. Với bản tính rộng lượng, cậu thường hay đem đồ dùng học tập và đồ ăn bố thí cho người nghèo. Bản tính này theo cậu suốt cả cuộc đời. Chính sự đánh giá thiên lệch và thái độ của thầy giáo đối với Krishnamurti khi cậu còn nhỏ đã ảnh hưởng rất lớn đến thái độ với trường học và quan niệm về người thầy của Krishnamurti sau này.

Khi Krishnamurti được mười tuổi, bà Sanjeevamma qua đời. Cái chết của bà có ảnh hưởng rất lớn đến các thành viên trong gia đình. Những đứa trẻ không có người chăm sóc trong khi người cha quá bận rộn với công việc mưu sinh. Krishnamurti chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì cậu bé nhút nhát, ít thân thiết với các thành viên khác và là người quyến luyến mẹ nhất trong số các anh chị em.

Năm 1907, Narianiah phải thôi việc khi mới năm mươi hai tuổi cùng với số tiền trợ cấp ít ỏi không đủ để nuôi sống một gia đình đông đúc. Ông viết một lá thư xin Annie Besant - lãnh đạo Hội Thông Thiên học tại Ấn Độ - một công việc

tại Adyar – trụ sở của Hội. Narianiah là hội viên của Hội từ năm 1882. Mặc dù bà Besant từ chối nhiều lần vì lo lắng về chỗ ở cũng như việc học của những đứa trẻ nhà Narianiah nhưng Narianiah kiên trì nài nỉ, cuối cùng, ông được chấp nhận làm thư ký trợ tá trong tổ chức và gia đình ông dọn đến Adyar ngày 23 tháng giêng năm 1909.

Năm 1909, Krishnamurti có cơ hội gặp Charles Webster Leadbeater - một nhà huyền bí học nổi tiếng và có vị trí cao trong Hội Thông Thiên học. Leadbeater lúc đó đang sống tại bộ chỉ huy của Hội với công việc chính là giải quyết lượng thư từ khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới gửi về. Một lần, người thư kí gợi ý Leadbeater nên đi xuống bãi biển và xem những đứa trẻ đang nô đùa vì người thư kí tin rằng sẽ có đứa trẻ gây hứng thú cho ông. Thay vì nhìn đứa trẻ như người thư ký giới thiệu, Leadbeater chú ý đến Krishnamurti - một đứa trẻ gầy gò và không có gì đặc biệt. Ông khẳng định Krishnamurti sẽ trở thành một người thầy tinh thần và người giảng thuyết vĩ đại trước sự ngạc nhiên tột cùng của người thư ký. Sau đó, Leadbeater đề nghị Narianiah cho Krishnamurti và Nitya nghỉ học tại ngôi trường các cậu đang theo học và cho phép các cậu được giáo dục theo cách thức của Hội Thông Thiên học. Việc giáo dục 2 anh em được giao cho bốn giáo viên thuộc Hội Thông Thiên học. Mặc dù dạy song song nhiều môn nhưng môn học quan trọng nhất được dạy là tiếng Anh vì Leadbeater mong muốn Krishnamurti thực hiện những công việc cao cấp hơn ở châu Âu. Ngoài việc học, các cậu còn được huấn luyện các môn thể thao để tăng cường sức khỏe và thay đổi hoàn toàn dáng vẻ bề ngoài để phù hợp với tiêu chuẩn một quý tộc người Anh do Leadbeater đề xuất.

Sau khi gặp gỡ Krishnamurti vào cuối năm 1909, bà Besant cũng nhận định rằng Krishnamurti chính là “Bậc Thầy Thế giới” mà Hội Thông Thiên học đã dự đoán sự xuất hiện của ngài nhiều năm trước đó. Để chuẩn bị cho sự xuất hiện của “Bậc Thầy Thế giới”, Besant và Leadbeater sáng lập Hội Ngôi

sao Phương Đông tại Adyar, Ấn Độ. Sau đó, Krishnamurti đến Anh và được chào đón một cách nồng nhiệt; có nhiều người tình nguyện gia nhập Hội, sẵn sàng hiến nhà và xe để Besant và Krishnamurti sử dụng. Trong thời gian này, Krishnamurti và em trai được đi xem những nơi đẹp nhất ở nước Anh và tham gia những buổi họp của Hội Thông Thiên học. Leadbeater và Besant muốn các cậu được giáo dục tại Anh và học tại trường Oxford. Vì vậy, tháng 8 năm 1912, Krishnamurti và Nitya ghi danh học tại New College - nơi Krishnamurti chờ đợi để được xét quyền cư trú vào năm 1914. Bên cạnh việc học, Krishnamurti được sắp xếp để có thể nói chuyện với các thành viên của Hội Thông Thiên học. Với vai trò người diễn thuyết, Krishnamurti đã có những thành tựu bước đầu trong việc thu hút sự quan tâm của mọi người. Điều này đã để lại ấn tượng sâu đậm và có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời Krishnamurti, lần đầu tiên cậu cảm thấy có thể làm tốt một công việc với niềm say mê lớn lao. Sau này, trong suốt cuộc đời, Krishnamurti đã phát huy khả năng diễn thuyết của mình đối với những vấn đề mà con người trong xã hội hiện đại day dứt, đặc biệt là giáo dục.

Năm 1925, Nitya - người em mà Krishnamurti vô cùng yêu quý - sau bao năm chung sống cùng ông qua đời. Đây là một cú sốc lớn trong cuộc đời ông. Krishnamurti đã viết về sự đau khổ của mình:

Em tôi đã chết. Tôi đã khóc than trong nỗi cô đơn trơ trọi. Bất kỳ đi đến đâu tôi cũng đều nghe thấy giọng nói của nó và tiếng cười vui vẻ của nó. Tôi sẽ tìm kiếm khuôn mặt của nó giữa những khách qua đường và hỏi họ không biết họ có thấy em tôi không. Nhưng không một ai có thể đem đến cho tôi sự an ủi. Tôi đã cầu nguyện, tôi đã thờ phượng, song các vị Thần vẫn im lặng [19, tr.19].

Biến cố này đã làm thay đổi tư tưởng cũng như thái độ của ông đối với bậc thầy huyền bí. Ông không còn niềm tin vào các tổ chức tôn giáo, địa vị xã

hội hay ánh hào quang lấp lánh do con người tạo ra. Lần đầu tiên ông cảm thấy bất lực vì các bậc Thầy - người ông tôn thờ bấy lâu không thể giải quyết được nỗi tuyệt vọng và đau khổ của ông. Ông suy nghĩ đến việc tìm một con đường mới để giải thoát thay vì các tôn giáo và thần linh. Biến cố này cũng góp phần vào việc ông chối bỏ danh hiệu “Bậc Thầy Thế giới” - danh hiệu mà ông đã chán nản từ lâu.

Mùa hè 1928, Krishnamurti có mặt tại Hà Lan và bắt đầu nói với bạn bè về việc có thể giải tán Hội Ngôi sao Phương Đông. “Bậc Thầy Thế giới” đã tổ chức một buổi diễn thuyết kéo dài mười ngày để nói về sự cần thiết phải loại bỏ tất cả những nền tảng của uy quyền, đặc biệt uy quyền của chính mình. Ngày 3 tháng 8 năm 1929, dưới sự chứng kiến của ba ngàn hội viên Hội Ngôi sao Phương Đông, Krishnamurti tuyên bố giải tán Hội. Sau đó, nhiều tổ chức và những quỹ khác nhau dưới danh nghĩa Hội Ngôi sao Phương Đông bị đóng cửa, những đất đai và những điền trang rộng lớn được giao lại cho những người dâng tặng ban đầu. Năm 1930, ông tuyên bố rút khỏi tổ chức Thông Thiên học. Mọi mối dây liên hệ với tổ chức đều cắt đứt và ông cũng không nhận bất kì khoản trợ cấp hay ưu đãi nào từ tổ chức này nữa. Từ chối danh hiệu và từ bỏ tất cả những gì đã được sửa soạn cho danh hiệu đó, Krishnamurti đơn độc tiếp tục cuộc hành trình của mình trên con đường tìm kiếm chân lý và sự thật.

Ngày 15 tháng 8 năm 1947, Ấn Độ độc lập và Jawaharlal Nehru là thủ tướng đầu tiên. Hai tháng sau, Krishnamurti trở về Ấn Độ. Thời gian này và những năm tiếp theo trong suốt cuộc đời mình, Krishnamurti dành rất nhiều thời gian để tổ chức những cuộc nói chuyện tại nhiều nơi trên quê hương. Ông luôn quan tâm đến những biến động chính trị xảy ra tại đây, đặc biệt số phận của con người khi các cuộc chiến tranh, ly khai xảy ra.

Trong những năm tiếp theo, Krishnamurti dành hết thời gian để đi khắp nơi trên thế giới, tổ chức những cuộc nói chuyện thường xuyên với mọi tầng lớp trong xã hội. Cũng trong thời gian này, ông cùng với các cộng sự xây dựng trường học ở nhiều nơi trên thế giới để giáo dục học sinh theo cách thức ông đề xuất. Sự cống hiến và niềm đam mê của Krishnamurti không hề giảm khi ông đã già và phát hiện một khối u trên gan.Vào những năm cuối đời chống chọi với bệnh tật, Krishnamurti phải sống trong bệnh viện và tiếp nhận sự chăm sóc đặc biệt của bác sỹ. Ông cũng viết thư cho những người bạn Ấn Độ hỏi về truyền thống đối với thân thể của một người khi họ chết. Khi nghe được câu trả lời, ông đã không chấp nhận bất kỳ một cách nào được đưa ra. Ông không muốn mọi người viếng thân xác mình theo cách mà người Ấn Độ thường làm đối với các bậc Thầy, càng không muốn có nhiều người dự lễ hoả táng thân thể ông. Vào những ngày cuối cùng của cuộc đời, ông yêu cầu được trở về ngôi nhà trước kia ông từng sống chứ không muốn chết trong bệnh viện. Ngày 17 tháng 2 năm 1986, ông qua đời tại nhà riêng. Theo ước nguyện của Krishnamurti, thi hài ông được hoả thiêu và chia thành nhiều phần nhỏ gửi tặng bạn bè ở khắp quốc gia (Ấn Độ, Anh và Mỹ) nơi ông đã từng sống và cống hiến phần lớn cuộc đời mình.

Có thể nói, Krishnamurti đã có một chặng đường dài với rất nhiều những biến cố lớn xảy ra trong cuộc đời. Từ một cậu bé thuộc tầng lớp bình dân của xã hội, bị coi là chậm phát triển về mặt tư duy, Krishnamurti trở thành “Bậc Thầy Thế giới” sau phát hiện của Leadbeater. Kể từ sau phát hiện này, Krishnamurti luôn được đặt dưới vầng hào quang do Hội Thông Thiên học tạo ra. Mọi người trông chờ vào những điều vĩ đại ông sẽ thực hiện. Nhiều cuốn sách viết về tiểu sử và cuộc đời được tô vẽ để phù hợp với mục tiêu của Hội nhưng Krishnamurti lại không chấp nhận con đường mà Hội Thông Thiên học đã vạch sẵn. Việc giải tán Hội Ngôi sao Phương Đông và

rút khỏi tổ chức Thông Thiên học là quyết định táo bạo và gây nhiều tranh cãi trong cuộc đời ông. Với mong muốn được hoàn toàn tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc, Krishnamurti đã chối bỏ những lợi ích về vật chất, tinh thần vốn được chuẩn bị cho ông từ rất lâu. Sau khi rời bỏ Hội, Krishnamurti luôn tách mình ra khỏi tôn giáo hiện hành, kịch liệt đả phá các tổ chức tôn giáo, những mê tín và những nghi thức phù phiếm đang làm tha hoá các tôn giáo. Những năm cuối cuộc đời, Krishnamurti vẫn sống một cuộc đời giản dị, tiếp xúc với tất cả mọi người có nhu cầu gặp gỡ mặc dù ông rất nổi tiếng và luôn bận rộn. Việc làm của ông không tách rời với phương châm mà ông suốt đời theo đuổi: “Tôi chỉ có mục đích: sao cho con người tự do, thúc giục con người hướng tới giải thoát; giúp con người phá vỡ mọi giới hạn để chỉ riêng hành động đó cũng đã cho con người hạnh phúc vĩnh cửu, cho con người sự nhận biết không bị điều kiện tha hoá bản ngã của mình” [51, tr.4].

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng giáo dục của jiddu krishnamurti và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 64 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)