Giáo dục nhằm xây dựng xã hội hòa bình

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng giáo dục của jiddu krishnamurti và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 81 - 86)

Chương 3 TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA JIDDU KRISHNAMURTI

3.1. Mục đích của giáo dục

3.1.2. Giáo dục nhằm xây dựng xã hội hòa bình

Sống trong thế kỷ với hàng loạt các cuộc chiến tranh, chính Krishnamurti đã liệt kê: “Và theo ghi nhận của loài người, tôi nhớ như thế, có khoảng 14.600 cuộc chiến và hơn thế nữa. Từ năm 1945 đến nay đã có bốn mươi cuộc chiến tranh!” [39, tr.164]. Điều nguy hiểm hơn nữa là các cuộc chiến tranh không hề có dấu hiệu dừng lại:

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, con người có lẽ đã nói rằng,

“Mong rằng đây sẽ là cuộc chiến sau cùng!” Những người mẹ,

người vợ, người chồng, những đứa con đã phải khóc rất nhiều. Và chúng ta vẫn còn than khóc sau 5.500 năm qua. Nhân loại chấp nhận chiến tranh như một lối sống [39, tr.164].

Ông cũng từng chứng kiến những hậu quả nặng nề do chiến tranh mang lại. Theo quan điểm của ông, có nhiều cách để chấm dứt chiến tranh nhưng

cách thức nhanh nhất, hiệu quả và bền vững nhất là thông qua giáo dục. Giáo dục, trong phạm vi của mình, cần có trách nhiệm để xóa bỏ chiến tranh, xây dựng một xã hội hòa bình.

Trong nỗ lực hướng tới một nền giáo dục vì hòa bình, Krishnamurti đã chỉ ra nguyên nhân của các cuộc chiến tranh:

Thứ nhất, chiến tranh xuất phát từ những ham muốn cá nhân của con người. Krishnamurti cho rằng, khi con người có những điều kiện vật chất: ba

bữa ăn hàng ngày, những tài khoản trong ngân hàng, địa vị xã hội cao thì càng muốn an toàn, vững bền, thanh thản bấy nhiêu. Mong ước này không có gì sai trái nhưng bản chất con người là luôn muốn có nhiều hơn nữa: tiền bạc, địa vị, công việc… Nguyên nhân này khá tương đồng với quan điểm của Phật giáo khi cho rằng vì lòng tham mà nhân loại tranh giành, chém giết lẫn nhau.

Để thỏa mãn nhu cầu vật chất, con người không ngừng tìm kiếm cả ở bên ngoài biên giới quốc gia mình: “Việc chinh phục các xứ sở và dân tộc khác cung cấp thêm thị trường mới cho hàng hoá cũng như cho các ý thức hệ chính trị và tôn giáo” [34, tr.86]. Hơn nữa, con người còn có những mưu đồ, bị trói buộc bởi niềm tin, tôn giáo và để bảo vệ những điều đó, con người sẵn sàng chết và tàn sát lẫn nhau:

Sự không ngớt cứ lặp lại khẳng định rằng chúng ta thuộc về một nhóm tôn giáo hay chính trị đặc biệt, rằng chúng ta là thế này hoặc thế nọ, những nịnh hót tâng bốc ngã thể nhỏ bé của chúng ta, trương chúng ra như những chiếc buồm, cho đến khi chúng ta sẵn sàng sát nhân hoặc bị giết chết vì đất nước, chủng tộc hay ý thức hệ của chúng ta [34, tr.85 - 86].

Thứ hai, sự phân chia giai cấp, chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh: “Một trong những nguyên nhân của

nào đó là tối thượng hơn giai cấp hoặc chủng tộc khác” [34, tr.91]. Theo Krishnamurti, đứa trẻ mới được sinh ra không hề có ý thức giai cấp hay chủng tộc. Chính nhà trường và gia đình đã gieo vào đầu đứa bé sự phân biệt thông qua giáo dục:

Đứa bé chẳng hề có ý thức giai cấp hay chủng tộc gì cả, đó là do hoàn cảnh ở nhà và trường học, hoặc cả hai, làm cho nó cảm thấy chia cách phân liệt. Trong người hắn đứa bé không quan tâm dù bạn nó là một người Da đen hay người Do Thái, một người Bà la môn hay không phải là Bà la môn, nhưng ảnh hưởng của toàn bộ cơ cấu xã hội cứ không ngớt động cập vào đầu óc nó; gây ra ảnh hưởng và uốn nắn nó [34, tr.91].

Ông cho rằng, nếu con người còn bị phân cách bởi tín ngưỡng, quyền uy và địa vị kinh tế thì khó có thể tìm kiếm tình yêu thương. Chúng ta không thể liên kết cùng nhau nếu vẫn còn tiếp tục giữ những thiên kiến riêng rẽ của cá nhân. Bởi vì: “Bao lâu bạn vẫn còn là một người Tây Tây Lan và tôi vẫn là người Hindu, thì nói về chuyện hợp nhất con người là một điều vô lý” [34, tr.94]. Chính sự phân ly đã tạo điều kiện để chủ nghĩa ái quốc bị lợi dụng một cách khôn khéo. Mỗi cá nhân sẽ tham dự vào tiến trình này bởi khao khát uy quyền, làm giàu… luôn thường trực. Giáo dục góp phần gia tăng sự kỳ thị chủng tộc thông qua việc ca ngợi những anh hùng quốc gia và tiêm nhiễm vào đầu những đứa trẻ rằng đất nước và cách sinh sống của chúng ta tốt đẹp và văn minh hơn các xứ sở khác. Krishnamurti nhận định: “Tất cả những điều này thật ngu ngốc và không tự nhiên. Chắc chắn, những con người thì quan trọng hơn là những ranh giới quốc gia hay thuộc về ý thức hệ” [34, tr.86].

Thứ ba, cũng có rất nhiều cuộc chiến tranh gây ra bởi sự khác biệt về tôn giáo. Trong nhiều tác phẩm của mình, Krishnamurti kịch liệt phê phán tôn

những nghi thức, trở thành những cơ quan sừng sỏ, buôn thần bán thánh, và không mang một ý nghĩa tôn giáo nào cả” [39, tr.163]. Điều quan trọng hơn nữa mà ông chỉ ra là các tôn giáo có tổ chức đã lợi dụng lòng tin của tín đồ để gây ra các cuộc “thánh chiến”: “Rõ ràng, một trong những lý do của sự hỗn loạn khủng khiếp và có sức tàn phá thế giới này là sự chia cắt giữa các tôn giáo: Bạn là tín đồ Ấn giáo và tôi là Hồi giáo, bạn thuộc tín ngưỡng Cơ đốc giáo - Công giáo, Tin lành, Tân giáo - rất nhiều phân cách ở đây” [39, tr.162 - 163]. Các cuộc chiến tranh dưới danh nghĩa tôn giáo không phải mới diễn ra. Đó là tính trạng của nhân loại trong hàng ngàn năm và trong xã hội hiện đại, điều đó vẫn được tiếp tục.

Như vậy, Krishnamurti đã nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến tranh giữa các quốc gia. Các cuộc chiến thảm khốc thường được gây ra bởi sự tham lam quyền lực, tiền bạc, sự chia rẽ về chủng tộc, sự khác biệt tôn giáo... Phân tích của Krishnamurti xuất phát từ chính hiện thực: thế kỷ mà ông sống xảy ra hàng loạt các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia và ở chính quê hương ông cũng có những cuộc chiến vì sắc tộc, tôn giáo. Những cuộc chiến này không hề giải quyết được mâu thuẫn mà ngược lại còn làm cho các xung đột gia tăng, đẩy con người đến chỗ hủy diệt chính mình và hủy diệt toàn nhân loại. Những nguyên nhân của chiến tranh được chỉ ra ở trên đều có nguyên nhân căn bản từ chính bản thân con người và cách chúng ta giáo dục đứa trẻ. Do vậy, việc xóa bỏ chiến tranh là việc làm cần thiết và trách nhiệm đó thuộc về giáo dục và mỗi cá nhân.

Krishnamurti nhấn mạnh: “Để chuyển hóa thế giới, cần phải cải tạo bên trong bản thân chúng ta” [34, tr.63]. Theo quan điểm của ông, chừng nào con người còn hận thù, bạo lực, tham lam… thì không có một quy định, một chính phủ hay hệ thống chính trị nào có thể tạo ra một xã hội hòa bình. Biện pháp mà mọi người hay áp dụng để xây dựng xã hội mới là tiến hành nhiều cuộc

cải cách. Nhưng cải cách chỉ là biểu hiện bề ngoài, là sự thay thế chế độ này bằng chế độ khác và sẽ nảy sinh những rối loạn mới. Điều quan trọng là phải tạo ra cuộc cách mạng nội tâm và sự thay đổi một cách cơ bản từ bên trong con người thay vì tiến hành những cải cách xã hội.

Chức năng của giáo dục là giúp con người xây dựng một xã hội tốt lành trong đó mọi người có thể chung sống trong hòa bình, an toàn và không bạo lực. Theo Krishnamurti, sở dĩ chúng ta trở thành những con người tham lam, tàn bạo, độc đoán và mưu đồ là vì chúng ta được nhào nặn ngay từ khi còn nhỏ bởi hệ thống giáo dục nhấn mạnh quá nhiều vào việc trang bị kiến thức và kỹ thuật. Những nền văn hóa khác nhau đã nhấn mạnh vào sự khác biệt của mỗi con người mà chúng ta gọi là chủ nghĩa cá nhân mà không thấy rằng mỗi con người chính là sự thu nhỏ của toàn thể nhân loại. Do vậy, con người phải chịu trách nhiệm cho toàn thể nhân loại chứ không phải chỉ cho chính bản thân mình như một thực thể riêng biệt, độc lập: “Như chúng ta đã nói, thế giới và chúng ta không phải hai thực thể tách rời, thế giới chính là chúng ta và chúng ta là thế giới” [35, tr.210]. Giáo dục không chỉ giúp học sinh nhận thức được các nguyên nhân dẫn đến chiến tranh mà còn tạo ra sự gắn kết giữa con người với thế giới, giữa con người với con người. Điều này phải được dạy dỗ ngay từ khi những đứa trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường. Quan điểm này của Krishnamurti rất gần gũi với quan niệm của John Dewey khi ông cho rằng:

Dạy những điều khủng khiếp của chiến tranh và ngăn ngừa tất cả những gì có thể kích động sự ghen tị và hận thù giữa các quốc gia, là chưa đủ. Phải để cao bất cứ điều gì gắn kết con người với nhau trong những theo đuổi và thành quả có tính hợp tác của con người, độc lập với những giới hạn địa lý [8, tr.125].

Trong những ngôi trường, việc cần thiết là phải chỉ cho học sinh thấy trách nhiệm đối với thiên nhiên, với trái đất và với người khác. Điều này phải được xem là một phần của nền giáo dục chứ không nên chỉ nhấn mạnh vào những môn học về văn hóa mặc dù chúng cũng cần thiết.

Là nhân chứng chứng kiến hai cuộc chiến tranh thế giới khốc liệt, đồng thời sống trong xã hội bị xâm chiếm bởi những người ngoại quốc, hơn ai hết, Krishnamurti hiểu được những nỗi thống khổ mà chiến tranh mang đến cho con người. Từ đó, ông nhận ra: “Chính trị, tôn giáo và giáo dục tương quan với nhau một cách hoàn toàn mật thiết” [43, tr.86]. Chính giáo dục phải đảm bảo việc tạo ra một thế hệ mới không bị chi phối bởi sự tham lam, ích kỷ hay trở thành công cụ cho người khác thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối. Trong một thế giới đầy các cuộc chiến tranh, huỷ hoại và khốn khổ, chúng ta cần phải xây dựng một trật tự xã hội mới và tạo ra một lối sống khác. Krishnamurti kết luận: “Trách nhiệm xây dựng một xã hội hoà bình và an lạc chính yếu nằm ở nơi nhà giáo dục” [34, tr.119].

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng giáo dục của jiddu krishnamurti và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 81 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)