2.2. Tiền đề, điều kiện văn hóa và tư tưởng
2.2.4. Các mô hình giáo dục và trường Đại học Berkeley
Việc thành lập các trường học để hiện thực hóa tư tưởng giáo dục không phải là một việc làm mới mẻ, mong muốn thành lập các ngôi trường của Krishnamurti được nhen nhóm trong chính truyền thống giáo dục của Ấn Độ, từ những ngôi trường của các nhà tư tưởng lớn tại Ấn Độ và trên thế giới.
Ở Ấn Độ, từ xa xưa đã tồn tại hệ thống giáo dục “Gurukul” hay “Gurukula”. Theo tiếng Sankrit thì “Guru” nghĩa là thầy giáo, còn “kul” nghĩa là trường học hoặc đất đai. Hệ thống giáo dục Gurukul là hệ thống giáo dục của Ấn Độ dựa trên kinh Veda. Theo kinh điển này, giáo dục là nghĩa vụ và bổn phận của mọi người dân. Con người được coi như phạm phải tội ác nếu như không để những đứa trẻ của họ được giáo dục. Do vậy, các trường được mở ra không chỉ thu nhận con em các đẳng cấp cao mà còn thu nhận trẻ em từ các đẳng cấp thấp hơn. Giáo dục thời xa xưa thường được giao cho các tu sĩ. Hệ thống giáo dục này được Will Durant mô tả như sau:
Trẻ em từ năm tới tám tuổi tới học trường làng, học từ tháng chín tới tháng hai. Bất kỳ môn gì cũng thấm nhuần giáo lý; nhiều khi người ta chỉ cho học sinh học thuộc lòng các bài học thuộc lòng đều lấy trong các kinh Veda; tư cách con người quan trọng hơn là trí tuệ và giáo dục chú trọng nhất tới kỷ luật.(…) Tám tuổi, người ta giao trẻ cho một guru, một giáo sư riêng tức là sư phó; trẻ sống với guru nếu có thể được cho tới hồi hai mươi tuổi, có bổn phận giúp đỡ thầy trong mọi việc lặt vặt, phải tiết dục, từ tốn, giữ cho mình sạch sẽ, cữ ăn thịt [11, tr.303].
Đặc điểm độc đáo của hệ thống giáo dục Gurukul cổ đại là không những đào tạo con người theo cách thức dạy học trong sách vở mà còn dạy những kiến thức từ đời sống thực tế hằng ngày. Đứa trẻ từ khi lên bảy tuổi bắt đầu rời khỏi gia đình để đến sống cùng Guru và Gurupatni (vợ của Guru).
Chúng sẽ học kiến thức từ Guru, từ đó điều chỉnh lối sống của mình, thực hiện các công việc để giúp đỡ Guru và bạn bè học cùng. Giáo dục không còn là gánh nặng kinh tế của mỗi gia đình. Sự thiết lập Gurukul từ xa xưa cho đến ngày nay đều không thu học phí của học sinh. Những gia đình nghèo không phải lo gánh nặng tài chính nếu muốn con được đi học. Việc đi học hoàn toàn trở thành bổn phận và trách nhiệm của xã hội. Những đứa trẻ đó đi tìm kiếm sự bố thí hàng ngày từ các gia đình trong địa phương và chia sẻ những đồ bố thí cho các Guru. Như thế các Guru có thể kiểm soát được kế sinh nhai của họ. Đây là một cách xin bố thí không phải là hèn kém mà rất phù hợp với xã hội. Sự thật là xã hội rất tôn trọng những đứa trẻ - người đi xin bố thí để phục vụ cho việc học.
Với sự đóng góp của công chúng, Gurukul trở thành một trong những hình thức sớm nhất của các trung tâm hay trường công lập. Sau này, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống giáo dục Phật giáo và đạo Jaina, hệ thống giáo dục Gurukul được phục hồi và phát triển. Cả hai hệ thống giáo dục này đều lấy giáo dục Gurukul làm cốt lõi, chỉ khác đôi chút về kiến thức, hệ tư tưởng. Hệ thống Gurukul nguyên thủy lấy Kinh Veda làm gốc, còn hai tôn
giáo đã nói lấy hệ tư tưởng là các giáo lý của tôn giáo mình làm gốc. Có thể nói rằng hai hệ thống giáo dục này cũng chính là Gurukul do các điểm giống nhau của các hệ thống:
- Mục đích giáo dục của các hệ thống là giống nhau, nghĩa là để cứu vớt linh hồn của mình.
- Các hệ thống giáo dục dạy học, truyền đạt kiến thức cho học sinh đều ở trong môi trường tự nhiên (đi ở ẩn) tránh xa những nơi ồn ào của thành thị hoặc cuộc sống vùng quê.
- Trong hệ thống giáo dục của đạo Phật và Gurukul thì học sinh hàng ngày đều phải đi xin bố thí.
- Đặc biệt trong các hệ thống giáo dục này, học sinh được răn dạy kỹ là nói không với bạo lực.
- Học sinh của các hệ thống giáo dục trên đều theo các điều luật quy chuẩn đạo đức.
Ngoài ra, trong thế kỷ XVIII một vài Gurukul mới được thành lập. Gần đây là Ananda Marya Gurukul, Swami Vivekananda Narayan Gurukul, Bhaktivedanta Gurukula được thành lập vào năm 1977. Các trường trau dồi kiến thức, lối sống và văn hóa Veda cho học sinh. Tại Mayapur (Tây Bengal, Ấn Độ), ISKCON1
- một dự án về hệ thống Gurukul, đã đi vào hoạt động từ những năm 1970 với mục đích làm trẻ hóa lại hệ thống Gurukul cổ đại, cung cấp cho học sinh một hệ thống giáo dục truyền thống, đầy giá trị.
Với mong muốn gây dựng, phục hồi lại hệ thống Gurukul, Shastriji Maharaj Dharamjivan Dasji Swami (1824 - 1883) được coi là người tiên phong của hệ thống Gurukul hiện đại. Ông cùng với các trí thức đương thời tham gia cải cách giáo dục, phản đối hệ thống giáo dục áp đặt của Anh, chủ trương gây dựng lại hệ thống giáo dục Gurukul. Ông đã mường tượng những giáo viên trên toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ lại nương náu nhờ những rừng cây, nơi mà học sinh có thể được đào tạo về các mặt kiến thức cổ trong kinh Veda, cũng như ý chí, tư tưởng. Một học giả nữa là Bala Gangadhar Tilak (1856 - 1920); ông cũng là người đã phản đối quyết liệt hệ thống giáo dục dưới sự cai trị của thực dân Anh.
Nhân vật có đóng góp quan trọng trong việc hình thành hệ thống Gurukul hiện đại chính là Rabindranath Tagore (1861 - 1941) tại Jorasanko (Tagore House) ở Calcutta, Tây Bengal. Không hài lòng với hệ thống giáo dục thuộc địa bị áp đặt dưới sự cai trị của thực dân Anh ở Ấn Độ, Tagore thấy được sự cần thiết của hệ thống giáo dục quốc gia vì nó sẽ khuyến khích sáng
tạo, tự do, niềm vui của học sinh từ di sản văn hóa Ấn Độ, làm cho hệ thống giáo dục này phục vụ các tầng lớp xã hội. Theo ông, tất cả các quá trình giáo dục phải lấy truyền thống văn hóa làm cơ sở. Ông nhấn mạnh rằng các môn học phải được giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ. Khái niệm trường học của Tagore dựa trên hệ thống Gurukul, ông rất ngưỡng mộ các Guru - Shishya trong Ashram (lều ẩn dật) vì nhờ vậy, học sinh có thể toàn tâm toàn ý nâng cao kiến thức, thể lực và ý chí. Ông thành lập Trường Ashram năm 1901 tại Santiniketan trên cơ sở trường học khu rừng cổ xưa của Ấn Độ dựa trên nền tảng kế thừa từ người cha của mình là Debendranath Tagore2. Phương ngữ địa phương được ưu tiên hơn tiếng Anh vì ông cảm thấy rằng nó sẽ dễ dàng hơn cho trẻ em để đồng hóa kiến thức. Với tài năng, cũng như những đóng góp to lớn cho hệ thống giáo dục Gurukul, ông đã làm hệ thống Gurukul dần hồi phục và phát triển.
Bên cạnh mô hình giáo dục truyền thống của Ấn Độ, Krishnamurti cũng có cơ hội đi đến nhiều nước ở phương Tây và quan sát mô hình giáo dục được mở ra dưới ảnh hưởng của cá nhân. Ở Mỹ, John Dewey khi đưa ra quan niệm giáo dục của mình cũng đồng thời thành lập Trường học Thực nghiệm thuộc đại học Chicago. Ngôi trường này còn được biết đến với tên “trường học Dewey” - nơi những giả thuyết được đưa vào thực nghiệm. Giống như Dewey, Montessori khi đưa ra phương pháp giáo dục của mình đã mở ra các “Ngôi nhà trẻ thơ” tại rất nhiều nơi ở nước Ý. Tại đây, trẻ em được phát triển cả về thể chất và tinh thần mà vẫn chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Mọi vật dụng trong phòng học và công cụ giảng dạy đều được thiết kế phù hợp với đứa trẻ ở những giai đoạn phát triển khác nhau. Nhiều năm tháng sống ở Ấn Độ và khi có điều kiện đi khắp châu Âu và Mỹ, những ngôi trường được
2Debendranath Tagore là cha của Rabindranath Tagore, người đã thành lập trường Shantiniketan ban đầu nó chỉ như là một nơi để dạy thiền nhưng sau này thì Rabindranath Tagore đã thành lập Ashram và đến năm 1921 nó được mở rộng thành trường đại học Visva Bharati.
thành lập với danh nghĩa cá nhân có một sức thu hút mạnh mẽ đối với Krishnamurti. Khi đưa ra quan niệm giáo dục, ông luôn mong ước có những ngôi trường để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Quá trình ôn tập để thi vào các trường đại học ở phương Tây (trường Oxford, London University) cũng cung cấp cho Krishnamurti cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về giáo dục và có cơ hội so sánh hai nền giáo dục: phương Đông và phương Tây. Tuy không tham gia các khóa học bài bản theo chương trình giáo dục đại học tại các trường nhưng Krishnamurti lại được kèm cặp bởi các thầy giáo đến từ các trường đại học hàng đầu tại châu Âu. Đây là sự đầu tư và chuẩn bị của Hội Thông thiên học để ông có thể đảm nhận trách nhiệm trên cương vị “Bậc Thầy Thế giới”. Những lúc rảnh rỗi, Krishnamurti thường đi thăm rất nhiều trường đại học lớn ở châu Âu và Mỹ. Đặc biệt lần đến thăm Đại học Berkeley tại Bang California đã để lại trong ông ấn tượng sâu sắc. Đây là một trường học lớn, luôn nằm trong số các trường đại học hàng đầu thế giới; có những đóng góp quan trọng trong khoa học tự nhiên và các hoạt động xã hội. Sinh viên và giảng viên của trường đạt được nhiều thành tựu không chỉ trong nghiên cứu khoa học mà cả trong lĩnh vực thể thao [xem 120]. Chính mô hình đào tạo của trường đã thu hút và làm nảy sinh trong ông ý tưởng về việc xây dựng các ngôi trường như thế tại Ấn Độ cũng như những nơi khác trên thế giới. Việc kết hợp giữa học tập, trau dồi tri thức với các hoạt động ngoại khoá khác luôn được Krishnamurti coi trọng. Mong ước ban đầu của ông là lập các trường đại học theo mô hình trường đại học Berkeley ở Ấn Độ. Sau đó vì một vài lý do, ông chuyển hướng sang xây dựng các trường tiểu học, phổ thông và hiện nay, các trường do Krishnamurti sáng lập vẫn duy trì hoạt động.
Có thể nói, triết lý giáo dục của Krishnamurti đã tích hợp những yếu tố tích cực của nền giáo dục truyền thống phương Đông và phương Tây trong một cái
nhìn tổng thể và hiện đại. Những tư tưởng truyền thống của phương Đông, nhất là Ấn Độ thể hiện rõ nét trong quan niệm về mục đích, ý nghĩa giáo dục của ông. Mô hình giáo dục truyền thống cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn vị trí đặt trường của Krishnamurti. Ông thường tìm địa điểm rất kỹ càng, an tịnh, tránh nơi thành thị xô bồ. Trong trường học của Krishnamurti, học sinh thường ăn chay, sống hòa mình với thiên nhiên. Bên cạnh đó, những tư tưởng giáo dục hiện đại của phương Tây được ông tiếp thu thông qua những nguyên tắc tiến hành giáo dục như việc coi trọng tự do của cá nhân trong tiến trình học hỏi, trách nhiệm và sự bình đẳng giữa thầy giáo với học sinh trong quá trình học tập...