2.2. Tiền đề, điều kiện văn hóa và tư tưởng
2.2.1. Văn hóa, tôn giáo truyền thống của Ấn Độ
Sinh ra trong gia đình theo đạo Hindu và lớn lên ở Ấn Độ - đất nước với lịch sử phát triển lâu dài và nền văn hóa rực rỡ, tư tưởng của Krishnamurti là sự tiếp nối và phát triển triết lý truyền thống sâu sắc về nhân sinh. Từ lúc mới sinh ra, tên của ông đã được đặt theo văn hóa truyền thống Ấn Độ, đó là tên của Krishna - hóa thân thứ tám của thần Sáng tạo Vishnu. Lúc còn nhỏ, Krishnamurti được nuôi dưỡng bằng những bài Thánh ca truyền thống của Ấn Độ. Khi đọc kinh Veda, tác phẩm cổ nhất của nền văn học tôn giáo Ấn Độ, có thể nhận thấy người Ấn Độ cổ đại luôn nuôi dưỡng một niềm vui sống dung dị. Những lời tụng niệm thể hiện tinh thần sống nhân hậu, hoàn toàn không thù hận, hướng tới sự hoàn thiện về tâm hồn. Con người phải chứng minh sự
hoàn thiện ấy bằng cách kiềm chế giết chóc và không làm hại bất cứ sinh vật sống nào. Bên cạnh đó, những bài kinh khuyên con người nên tiết chế mọi hành động không xuất phát từ tình yêu thương và sự cảm thông. Krishnamurti cũng thường xuyên được nghe hai bộ sử thi vĩ đại của người Ấn Độ là Mahabharata và Ramayana. Những dòng thơ trữ tình đẹp đẽ ca ngợi vẻ đẹp của tự nhiên, những câu chuyện lý thú đầy chất nhân văn, đặc biệt là thái độ từ bi đối với người khác, làm điều tốt vì hạnh phúc toàn thể nhân loại đã ăn sâu vào suy nghĩ của ông. Tuy sau này không được tiếp tục sống trong nguồn suối văn hoá Ấn Độ nhưng lúc nào có cơ hội ông đều ngâm nga một số đoạn trích trong các trường ca trên.
Ấn Độ cũng là xứ sở của các tôn giáo, trong đó có những tôn giáo lớn như Phật giáo, đạo Hindu… Nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp - Will Durant nhận định Ấn Độ là “thiên đường của thần linh”. Ông viết:
Không có một xứ nào mà tôn giáo có thế lực và đóng một vai trò quan trọng bằng ở Ấn Độ. Người Ấn Độ sở dĩ dễ chấp nhận sự thống trị của ngoại nhân một phần vì họ không biết những kẻ thống trị họ thuộc giống người nào; họ cho tôn giáo mới là cốt yếu, chứ không phải chính trị; linh hồn mới là chính; chứ không phải thể xác; các kiếp sau mới là vô tận chứ kiếp này chỉ là phù du! [11, tr.208].
Sống trong môi trường tâm linh phong phú, độc đáo, tư tưởng của Krishnamurti cũng mang hơi hướng của những triết lý tôn giáo sâu xa. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định tư tưởng của Krishnamurti chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo. Cao tăng Walpola Rahula - học giả Phật học lỗi lạc nhận xét:
Đối với những người am hiểu khá thấu đáo về Phật pháp, thì giáo pháp của ông là hoàn toàn quen thuộc, không có điều gì mới, khác lạ. Lời Đức Phật dạy 2500 năm trước, giờ đây, được ông rao giảng và trình bày với một phong cách, ngôn từ mới lạ và độc đáo [39, tr.6].
Đạo Phật ra đời nhằm chống lại chế độ đẳng cấp, tình trạng độc quyền về tri thức của giới tăng lữ, quý tộc. Với cốt tủy là tình yêu thương, từ bi với tất cả mọi người, Phật giáo đã mang đến một nguồn suối mát lành, một tia hy vọng cho những người dân khốn khổ. Phật giáo lấy con người làm trung tâm, phân tích sâu sắc các vấn đề liên quan đến bản chất con người để tìm ra con đường tự giải thoát. Học giả Walpola Rahula cho rằng sự tương đồng của Phật giáo và triết lý của Krishnamurti tập trung trong một số nội dung: không chấp nhận vai trò của Đấng Tạo hóa; cho rằng cuộc sống con người là đau khổ, lo âu, hận thù; tự do là sự giải thoát khỏi mọi ràng buộc; đặc biệt con người không nên phụ thuộc vào thẩm quyền của bất kỳ ai hay giáo pháp nào; nhấn mạnh vào sự tỉnh thức và suy ngẫm của cá nhân… Trong quan niệm giáo dục, Krishnamurti đề cao vai trò của tình yêu thương, sự thức tỉnh từ mỗi con người, mong muốn hình thành một thế hệ mới không chịu sự quy định bởi khuôn mẫu hay hệ tư tưởng hẹp hòi, bảo thủ.
Bên cạnh đó, tư tưởng khoan dung và hòa giải của văn hóa truyền thống Ấn Độ cũng ảnh hưởng sâu sắc tới Krishnamurti. Cội nguồn của tư tưởng này có từ rất lâu đời, xuất phát từ tư tưởng Ahimsa (không sát sinh, không làm
thương tổn những sinh vật khác của Phật giáo), tư tưởng bất bạo động của đạo Jaina. Tư tưởng đó được tiếp nối liên tục trong dòng chảy của văn hóa Ấn Độ, đến các nhân vật lỗi lạc thời hiện đại như Rabindranath Tagore (1861 - 1941), M.Gandhi (1869 - 1948). Ở Krishnamurti, tư tưởng này được thể hiện qua mục đích giáo dục hướng đến một xã hội hòa bình, không có sự phân biệt giữa con người với con người mà biểu hiện của nó là sự khác biệt về văn hóa, truyền thống, tôn giáo.
Có thể nói, tư tưởng của Krishnamurti là sự kết tinh và duy trì dòng chảy văn hóa truyền thống Ấn Độ với đặc điểm nổi bật là tình yêu thương, thái độ tôn trọng sự sống và thiên nhiên. Đối với ông, cuộc sống là một tiến trình diễn ra
liên tục mà con người là một thành phần quan trọng, không thể tách rời tiến trình đó. Trong quá trình đó, con người không sống thụ động mà cần khám phá vẻ đẹp của từng phút giây trôi qua, thấu hiểu những điều tốt đẹp:
Cuộc sống là vẻ đẹp, đau khổ, niềm vui và sự rối loạn; nó là cây cỏ, chim chóc và ánh sáng của vầng trăng trên mặt nước; nó là việc làm và hy vọng; nó là cái chết, là sự tìm kiếm bất tử, là niềm tin vào cái tối thượng; nó là thiện tâm, ghét và ghen; nó là tham lam và cao thượng; là tình yêu và sự thiếu vắng yêu thương; nó là óc sáng tạo và khả năng khai thác máy móc; nó là sự ngất ngây xuất thần không lường được; nó là tâm trí; người tham phiền và sự tham phiền [43, tr.186].
Với triết lý nhân sinh sâu sắc, Krishnamurti mong muốn con người hiểu biết cuộc sống trong tính chỉnh thể chứ không phân tách nó thành từng bộ phận rời rạc như cách mà giáo dục đang làm thông qua các môn khoa học chuyên biệt. Triết lý giáo dục của Krishnamurti mang nặng tính tâm linh khi hướng đến sự hoàn thiện con người từ bên trong, bắt đầu bằng sự hiểu biết của con người về chính bản thân mình.