Giáo dục giúp con người hiểu bản chất đích thực của cuộc sống

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng giáo dục của jiddu krishnamurti và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 75 - 81)

Chương 3 TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA JIDDU KRISHNAMURTI

3.1. Mục đích của giáo dục

3.1.1. Giáo dục giúp con người hiểu bản chất đích thực của cuộc sống

Khi tiến hành quá trình giáo dục, việc quan trọng trước hết là xác định mục đích và ý nghĩa của giáo dục. Trong nhiều tác phẩm bàn về giáo dục, Krishnamurti luôn nhấn mạnh mục đích của giáo dục là giúp con người hiểu biết bản chất đích thực của cuộc sống, từ đó nhận ra giá trị của nó. Quan niệm này xuất phát từ chính thực tiễn, khi ông chứng kiến những thành tựu và cả những mặt trái của khoa học - kỹ thuật dẫn đến việc con người phân chia cuộc sống thành nhiều mảnh nhỏ khác nhau mà không nhận thấy tính tổng thể của nó. Không chỉ Krishnamurti, nhiều nhà giáo dục đương thời cũng nhận thấy khiếm khuyết này. John Dewey trong “Dân chủ và giáo dục” viết:

Hiện nay, việc huấn luyện trí tuệ ở nhà trường phổ thông đang gặp trở ngại chính như sau:sự tách rời nội dung của môn học ra khỏi bối

cảnh xã hội. Khi bị tách rời như vậy, văn học, nghệ thuật, tôn giáo trở nên bị thu hẹp lại thành những vấn đề chuyên môn mà những người ủng hộ giáo dục phổ thông phản đối mạnh mẽ [8, tr.92]. Hạn chế lớn của nền giáo dục hiện nay quá nhấn mạnh đến việc truyền dạy kiến thức để học sinh có việc làm mà không quan tâm đến sự phát triển tổng thể của con người. Điều này theo Krishnamurti là sai lầm và cần phải được thay đổi. Tiến trình thay đổi phải được bắt đầu bằng sự hiểu biết về cuộc sống và những điều mà giáo dục đang làm.

Trước hết, cuộc sống được hiểu là gì? Theo Krishnamurti, cuộc sống là một tiến trình: “trải dài từ giây phút bạn sanh ra cho đến thời điểm bạn chết đi, và có lẽ còn qua khỏi đó nữa. Cuộc sống là một toàn thể bao la, phức tạp; nó giống như một ngôi nhà mà trong đó mọi việc đang xảy ra cùng một lúc” [43, tr.193]. Cuộc sống của con người thì vô cùng phong phú, đa dạng. Ngoài những cảm xúc, tâm tư thuộc về cá nhân thì cuộc sống còn là vô vàn các mối quan hệ:

Không ai có thể sống mà không có mối quan hệ. Bạn có thể sống ẩn dật nơi vùng núi, bạn có thể trở thành một nhà sư, bạn có thể một mình thơ thẩn trên sa mạc, nhưng bạn vẫn có mối quan hệ với mọi đối tượng quanh mình. Bạn không thể trốn chạy sự thật hiển nhiên đó. Bạn không thể tồn tại một mình [35, tr.10].

Với một cuộc sống đầy phức tạp, đa dạng và phong phú như vậy, giáo dục đã làm gì để đứa trẻ thích nghi? Krishnamurti cho rằng, để giải quyết vấn đề sinh tồn: “Chúng ta phân chia đời sống thành nhiều khu vực, thế nên giáo dục có rất ít ý nghĩa, trừ phi trong việc học một nghề hay một kỹ thuật đặc biệt nào đó” [34, tr.8]. Sự bất lực của giáo dục là ở chỗ cố gắng tách cuộc sống thành nhiều khu vực riêng biệt nhưng lại thiếu hiểu biết trong một tổng thể. Trong

một lần đối thoại với sinh viên, Krishnamurti rất ngạc nhiên với quá trình giáo dục đang được thực hiện:

Loại giáo dục nào mà các bạn hiện giờ đang có? “Ồ, chúng tôi đang học ở cao đẳng đại học, và chúng tôi được dạy những điều thông thường cần thiết cho một nghề nghiệp định sẵn”, cậu trả lời. Tôi sắp trở thành một kỹ sư, các bạn tôi đây đang học những ngành khác nhau: vật lý, văn chương và kinh tế. Chúng tôi đang theo học những khoá học bắt buộc và đọc những quyển sách đã được đề sẵn; khi có thì giờ, chúng tôi đọc một hai quyển tiểu thuyết; nhưng ngoài những giờ giải trí, hầu hết thời giờ chúng tôi đều lo học hành cả [43, tr.191-192]. Không chỉ Krishnamurti mà các sinh viên cũng cho rằng giáo dục như vậy là chưa đủ. Đến trường để trau dồi kiến thức, tìm kiếm một công việc là cần thiết nhưng cuộc sống không chỉ dừng lại ở đó. Học sinh còn có thắc mắc về giới tính, những tham vọng cá nhân, những trăn trở về lòng yêu nước, chiến tranh, tình yêu, sự chết, Thượng đế, tương giao giữa con người với con người… Đáng tiếc, hàng loạt những vấn đề trên lại không được dạy trong nhà trường. Học sinh chỉ được dạy kỹ thuật để có nghề nghiệp mà không được dạy cách tiếp cận và ứng xử với các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Theo Krishnamurti, nếu không có sự hiểu biết cuộc sống mà chỉ thuần tuý chức nghiệp thì sẽ dẫn đến thất bại, bởi vì: “Chỉ giáo dục con người thành những kỹ sư tài năng, những nhà khoa học xuất chúng, những người có khả năng thực hành, những công nhân tài ba, sẽ không bao giờ mang những kẻ áp bức và những kẻ bị áp bức đến cùng nhau” [34, tr.88 - 89].

Không phải ngẫu nhiên mà nền giáo dục hiện tại mắc phải khuyết tật. Krishnamurti chỉ ra những nguyên nhân căn bản khiến giáo dục trở nên mất cân bằng trong việc dạy dỗ đứa trẻ:

Như cái tổ chức xã hội hiện nay, chúng ta gửi con em chúng ta đến trường học để học một vài môn kỹ thuật mà nhờ đó sau cùng chúng có thể kiếm sống được. Trước hết chúng ta mong muốn cho đứa bé là một người chuyên môn đặc biệt, hy vọng rằng như vậy đem đến cho nó một địa vị kinh tế đảm bảo [34, tr.14].

Cha mẹ học sinh gửi con em mình đến trường trước hết là hy vọng chúng có được một công việc. Để đáp ứng yêu cầu đó, nhà trường phải dành nhiều thời gian cho việc nhồi nhét kiến thức với mục đích giúp đứa trẻ tìm kiếm công việc sau này. Krishnamurti cho rằng một nền giáo dục quá nhấn mạnh đến kỹ thuật, coi kỹ thuật là cứu cánh duy nhất cho sự tồn tại của con người thì không thể mang lại cho con người sự hiểu biết toàn vẹn về cuộc sống:

Nền giáo dục hiện thời đã hoàn toàn thất bại vì nó quá nhấn mạnh vào kỹ thuật. Trong việc quá nhấn mạnh vào kỹ thuật chúng ta hủy diệt con người. Trau dồi tài năng và hiệu quả mà không hiểu biết cuộc sống, không có một tri giác bao quát những thể cách của tư tưởng và khát vọng, sẽ chỉ làm cho chúng ta tăng thêm sự tàn nhẫn và vô tình, mà đó là điều đã đưa đến những cuộc chiến tranh và làm nguy hiểm cho sự an toàn thể xác của chúng ta [34, tr.17].

Trong thực tế, nền giáo dục hiện tại đào tạo ra chuyên viên đặc biệt giỏi ở một lĩnh vực nào đó nhưng lại thiếu sự hiểu biết toàn diện về cuộc sống. Chính sự coi trọng kỹ thuật quá mức như vậy đã huỷ hoại con người, bởi vì: “Chỉ sống trên một bình diện, không cần lưu tâm đến toàn thể quá trình cuộc sống là mời gọi thống khổ và huỷ hoại” [34, tr.17]. Thậm chí, Krishnamurti còn chỉ ra: “Con người mà y biết làm thế nào chẻ một hạt nhân nguyên tử nhưng trong tâm hồn y không có tình yêu sẽ trở nên là một quái vật” [34, tr.18].

Thứ hai, nhà trường lựa chọn cách giáo dục theo những mô hình có sẵn

cá nhân rõ ràng là những thực thể khác nhau, độc lập và toàn vẹn nhưng giáo dục lại sợ nhấn mạnh vào sự khác biệt vì điều đó sẽ gây nhiều rắc rối và mâu thuẫn. Do vậy, giáo dục cố gắng bắt ép học sinh ghi nhớ những kiến thức đã được chuẩn bị và kiểm duyệt từ trước. Tất nhiên, để tồn tại được con người phải biết đọc, biết viết, thành kỹ sư hay có một nghề nghiệp nào đó, nhưng điều này liệu có quá áp đặt không khi những đứa trẻ khác nhau được giáo dục như nhau trong cùng một chương trình, một yêu cầu? Những đứa trẻ bị nhồi nhét một lượng kiến thức khổng lồ không khác gì cỗ máy ghi nhớ số liệu và dữ kiện. Krishnamurti chỉ ra: “Bất hạnh thay, hệ thống giáo dục hiện tại làm cho chúng ta quá khúm núm, máy móc và cực độ vô tâm, dù nó có đánh thức trí năng của chúng ta đi nữa, một cách tinh thần nó lưu lại cho chúng ta sự bất toàn, vô hiệu và không có tinh thần sáng tạo” [34, tr.12 -13].

Thứ ba, “động lực khác trong việc trau dồi kỹ thuật là nó mang đến cho

chúng ta một cảm giác an toàn không chỉ về kinh tế, nhưng cũng về tâm lý nữa” [34, tr.19]. Mọi người đều lầm tưởng khi làm chủ được kỹ thuật thì sẽ làm chủ được cuộc sống nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Với việc lạm dụng kỹ thuật, Krishnamurti đã chỉ ra hiện thực: “Ở khắp thế giới, các kỹ sư là những cái máy vẽ cuồng loạn mà không cần đến những con người điều khiển. Trong cuộc sống hầu như hoàn toàn được điều khiển bởi các máy móc thì con người trở thành cái gì?” [34, tr.20].

Từ thực trạng nền giáo dục còn khiếm khuyết, Krishnamurti đề xuất giải pháp nhằm đạt được mục tiêu thấu hiểu cuộc sống toàn vẹn:

Trước hết, Krishnamurti khẳng định: “Để phát sinh nền giáo dục thích đáng, hiển nhiên chúng ta phải hiểu biết ý nghĩa cuộc sống như một toàn thể, và do đấy, chúng ta phải suy tưởng, không phải một cách cứng nhắc, giáo điều, mà là một cách trực tiếp và thực sự” [34, tr.11]. Điều cần thiết trong quá trình giáo dục là tạo cho con người một thế giới quan toàn diện, một sự hiểu biết đầy

đủ về cuộc sống để từ đó xác định nhân sinh quan đúng đắn. Chính vì vậy, ông nhấn mạnh: “Chỉ khi nào chúng ta bắt đầu hiểu biết ý nghĩa sâu xa của cuộc sống con người thì khi ấy mới có thể có giáo dục thực sự” [34, tr.105]. Theo Krishnamurti, ý nghĩa cuộc sống dường như có giá trị như nhau ở mọi quốc gia, dân tộc, thời đại.Trong cuộc sống, hầu như tất cả mọi người đều phải chịu đựng đau khổ, thậm chí có đôi lúc rơi vào sự cô độc, tuyệt vọng. Nhà trường không nên trốn tránh những vấn đề đó mà cần giúp học sinh có cách nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ về cuộc sống thông qua chương trình giáo dục. Nội dung giáo dục không bỏ qua kỹ thuật nhưng cũng không coi đó là mục tiêu quan trọng nhất mà cần có sự kết hợp hài hoà giữa việc cung cấp kiến thức, đào tạo nghề nghiệp với việc giúp học sinh cái nhìn tổng thể về cuộc sống. Krishnamurti đề xuất một nền giáo dục với nhân sinh quan toàn diện giúp học sinh khám phá ra những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, phá vỡ rào cản giữa các quốc gia, dân tộc.

Bên cạnh đó, để hiểu cuộc sống trong tính tổng thể, mỗi cá nhân cũng cần có sự học hỏi, nỗ lực hoàn thiện nhân sinh quan của bản thân. Giáo dục chỉ trang bị cho con người những hiểu biết và định hướng ban đầu, trong khi đó cuộc sống lại là thực tế sống động, luôn luôn thay đổi. Những gì được dạy trong trường sẽ sớm trở nên lạc hậu nếu mỗi cá nhân không tự học hỏi để trau dồi hiểu biết. Trước khi kịp nhìn nhận đầy đủ về cuộc sống, con người đã đối mặt với gia đình, công việc và hàng loạt những lo lắng thường ngày. Do vậy: “Ta phải học về cuộc sống từ thuở bé trở đi, chứ không phải ở giây phút cuối cùng; khi ta gần như đã lớn rồi, thì hầu như quá trễ” [43, tr.193]. Nhiệm vụ hiểu biết cuộc sống không chỉ là trách nhiệm của các nhà giáo dục mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân khi đối diện với cuộc sống.

Quan điểm giáo dục với mục đích giúp con người hiểu biết cuộc sống, hiểu biết về chính bản thân và đồng loại không còn xa lạ. Điều này từng được

nhắc tới trong quan niệm của các nhà giáo dục được coi là đã đặt nền móng cho giáo dục toàn diện như Jean-Jacques Rousseau, Johann Heinrich Pestalozzi, Friedrich Wilhelm August Fröbel… Krishnamurti bắt đầu quan điểm giáo dục của mình bằng việc nhận thấy khiếm khuyết của giáo dục đương thời là chỉ nhấn mạnh vào phát triển trí tuệ mà bỏ qua các khía cạnh khác của cuộc sống. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức trong xã hội hiện đại. Bài học mà ông rút ra từ thực trạng xã hội là không được tuyệt đối hóa vai trò của khoa học - kỹ thuật mà cần tập trung nuôi dưỡng tâm hồn, đạo đức cho con người, nhất là thế hệ trẻ. Cuộc sống của con người bao gồm nhiều khía cạnh, trong đó có bốn mặt cơ bản là thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm linh. Ông kiến nghị một nền giáo dục phát triển toàn diện tất cả các mặt kể trên; trong đó chú trọng vào sự phát triển cảm xúc của đứa trẻ để nó có thể cảm nhận cuộc sống trong tính toàn thể chứ không phải định hình đứa trẻ theo một khuôn mẫu hay một mục tiêu có sẵn.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng giáo dục của jiddu krishnamurti và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 75 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)