Nghĩa của tư tưởng đạo đức Arixtốt đối với việc hoàn thiện hành

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 127 - 149)

Chương 3 : TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC CỦA ARIXTỐT

4.2. Sự bổ khuyết của tư tưởng đạo đức Arixtốt đối với việc hoàn thiện đạo

4.2.2. nghĩa của tư tưởng đạo đức Arixtốt đối với việc hoàn thiện hành

hành vi đạo đức con người Việt Nam hiện nay

Triết học theo quan niệm của Hy Lạp cổ đại, là tình yêu sự thông thái. Hay nói cách khác, đó là tình yêu tài nghệ, là khát vọng chấn chỉnh thế giới, trong đó không thể bỏ qua đó là sức mạnh của nghệ thuật ngôn từ. Xét đến cùng, đây là việc đem lại cho văn bản đặc điểm cải biến thế giới hiện thực một cách có thẩm mỹ xuất phát từ nghệ thuật bố cục, yêu cầu về tính cân đối, tính thuyết phục và giá trị của các luận cứ. Con người cần phải né tránh việc cố ý hay vô tình đóng vai trò mâu thuẫn với bản chất uyển chuyển của vũ trụ. Chính vì vậy mà triết học Hy Lạp cổ đại đồng thời cũng là ngôn ngữ học hay nói chính xác hơn, là một thành tố của văn hóa ngôn ngữ, là chất liệu cho tư duy có lý tính để đi đến những lời nói đẹp và hành động đẹp. Ý nghĩa quan trọng mà phạm trù độ trong thế giới quan Hy Lạp cổ cũng gắn liền với điều đó. Ngay cả sự thiếu vắng ở người Hy Lạp thiên hướng mô tả cái kỳ quái và cái biến dạng thường bắt gặp trong hình tượng nghệ thuật của các dân tộc man rợ là một thực tế đặc biệt - nó quy định đặc thù của thời cổ đại. Học thuyết Arixtốt kết thúc tư tưởng về độ, nó quan tâm tới việc lựa chọn cái thiện đáng tin cậy nhất và cái ác nhỏ nhất. Ông đặc biệt quan tâm tới độ trong học thuyết đạo đức của mình, trong đó đức hạnh là một loại tính ôn hòa, là cái kiềm chế con người tránh khỏi sai lầm mà dục vọng đưa đến.

Nhưng ôn hòa mà người Hy Lạp nuôi dưỡng không phải là tính tầm thường, mà là giá trị chứng tỏ sức mạnh của lý tính, những xung lượng, những dục vọng, những cảm xúc luôn hướng tới sự thái quá, luôn quá độ, do vậy luôn luôn nguy hiểm. Lý tính cần trong việc vô hiệu hóa, hạn chế những khát vọng tự phát. Chúng ta cũng bắt gặp nhiệm vụ như vậy ở Platôn trong câu chuyện thần thoại về cỗ xe có cánh. Người xà ích điều khiển cỗ xe thực ra là tượng trưng cho lý tính. Anh ta làm công việc kìm chế bước nhảy ngang bướng của con ngựa tượng trưng cho các bộ phận dục vọng và tức giận của

tâm hồn. Để tâm hồn hướng lên cái cao thượng, lên thế giới lý tưởng, cần phải học được cách điều khiển các dục vọng, vì con ngựa - biểu hiện cho bản tính của chúng ta - luôn có thiên hướng kéo xuống phía dưới. Platôn không đặt ra mục đích giành chiến thắng tuyệt đối trước dục vọng. Cũng giống như Arixtốt, ông coi điều đó là không thể. Nhưng biết cách kìm hãm dục vọng trong một khuôn khổ là điều bắt buộc với người có đức hạnh.

Người Hy Lạp luôn ý thức được độ như một giá trị. Họ coi ý thức như vậy là sự khác biệt cơ bản của thời văn minh so với thời man rợ. Họ đã đặt cơ sở cho khái niệm về văn minh sau khi phân biệt người cố gắng điều tiết dục vọng với người không biết độ.

Từ những đặc điểm đó, Hy Lạp cổ đã đem lại một mô hình văn minh nói chung. Tuy vậy, mô hình của Hy Lạp là mô hình tĩnh, nó hướng vào việc tự vệ chứ không phải vào sự tự phát triển. Do đó, nó không có khả năng sống sót trước những biến đổi, dẫn đến sự tiêu vong của nó. Thế nhưng, tính chất tĩnh lại khiến cho chúng ta có thể đưa nó vào thành phần của bất kỳ nền văn minh nào trên cơ sở sự dung hợp.

Thời Cổ đại có được thành tựu cao nhất về tư duy chủ yếu là nhờ sự nghiệp sáng tạo của Platôn và Arixtốt dựa trên những thành tựu tư duy trước đó của Hy Lạp. Trong học thuyết ý niệm của mình, Platôn biểu thị một sự định hướng đặc biệt của tinh thần Hy Lạp - tinh thần đánh giá rất cao tính hài hòa, tính có trật tự, độ. Ông đã giới hạn cái bất định và vô định hình lại. Điều này thể hiện thái độ đối với thế giới như một tác phẩm nghệ thuật do nghệ nhân hoàn thành, trong đó mọi thứ đều có tỷ lệ hài hòa và tương xứng theo ý niệm. Khi hoàn thiện mình trong hoạt động nhận thức lý luận, con người có khả năng đạt tới hạnh phúc tối cao. Prôtago nói “Con người là thước đo của vạn vật”. Arixtốt không bác bỏ tư tưởng này nhưng cũng không dừng lại ở đó. Tuân thủ truyền thống tư duy Hy Lạp cổ đại, Arixtốt không đưa con người ra khỏi trật tự tự nhiên của thế giới mà sự hiện diện trí tuệ là cái duy nhất và

phân biệt con người với những thực thể khác. Ông cho rằng, đạo đức học nghiên cứu mục đích sống mà mọi người đều tán thành. Mục đích tối hậu này, hay phúc lợi tối cao là hạnh phúc. Arixtốt xác định ba quan niệm phổ biến nhất về hạnh phúc, đồng thời cũng đưa ra nhận xét của mình về mỗi quan niệm ấy. Thứ nhất, đối với nhiều người thì hạnh phúc là sự thỏa mãn và sự hưởng thụ cảm tính. Nhưng sống chỉ nhằm để thỏa mãn, theo Arixtốt, là cuộc sống nô lệ, chỉ là động vật. Thứ hai, nhiều người hiểu hạnh phúc là sự tôn kính và vinh quang. Tuy nhiên, sự tôn kính và vinh quang thực chất là cái ở bên ngoài, phụ thuộc vào người đem lại chúng. Thứ ba, đối với một số người thì hạnh phúc là việc tăng của cải. Nhưng mục đích này là vô căn cứ vì của cải chỉ là phương tiện cho một cái gì đó, còn tự thân nó không có ý nghĩa gì. Bác bỏ mục đích nêu trên như mục đích tối cao, Arixtốt đồng thời cũng đánh giá chúng từ lập trường hiện thực, thừa nhận chúng là hữu ích và cần thiết. Mặc dù, sự hiện diện tự thân chúng vẫn chưa đem lại hạnh phúc nhưng thiếu chúng thì bản thân việc đặt vấn đề về hạnh phúc tối cao là đáng nghi ngờ. Đức hạnh tối cao là sự công bằng. Arixtốt gắn liền sự công bằng với độ hợp lý. Tâm hồn con người chủ yếu là lý tính nhưng không chỉ có mình nó. Bộ phận thực vật của tâm hồn hoàn toàn không có ảnh hưởng đến lý tính. Còn đối với bộ phận cảm tính - vận động thì nó tác động đến lý tính theo các hướng khác nhau vì nó sinh ra nguyện vọng hay khát vọng. Các khát vọng có thiên hướng về các sự thái quá. Do vậy, các phẩm chất đạo đức thể hiện ở chỗ tìm ra độ chính xác, con đường ở giữa các thái cực. Con đường của sự thật và chính nghĩa là con đường ở giữa. Nhưng để tìm được trung điểm trong mọi vấn đề thì cần phải có một năng lực cho điều đó. Đó chính là đức hạnh tối cao, đức hạnh như là đức hạnh hay là năng lực có đức hạnh.

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, hợp thành văn hóa tinh thần của loài người, nó phản ánh biến đổi, phát triển và hoàn thiện của tồn tại xã hội. Đến

lượt nó, khi đã hình thành thì hệ thống đạo đức sẽ tồn tại như là một hệ thống tương đối độc lập, có quy luật phát triển và hoàn thiện riêng trên cơ sở tất yếu kinh tế.

Về đặc trưng, đạo đức phân biệt với các hình thái ý thức khác trong xã hội ở chỗ, nó là phương thức thấu hiểu, chiếm lĩnh thế giới mang tính tinh thần - thực tiễn nhằm điều chỉnh, tạo nên mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng bằng những đòi hỏi từ tối thiểu đến tối đa dựa trên sự kiểm duyệt của dư luận xã hội và lương tâm. Từ trong đời sống đạo đức vô cùng phong phú, trong sự giao tiếp giữa người với người, xúc cảm đạo đức được hình thành và củng cố thành những tình cảm có tính bền vững, gia nhập vào cấu trúc nhân cách của chủ thể của nó.

Bằng việc đề cao và phân tích về cội nguồn của tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, Arixtốt đã hướng con người trở về với khởi nguyên thuần khiết nhất của tình cảm để từ đó hình thành nên nhân cách đạo đức của mỗi cá nhân, đó chính là gia đình. Nhà triết học đã thấy được, đối với con cái, cha mẹ thương quý như là một phần của chính bản thân mình, con cái yêu thương cha mẹ bởi tấm thân hiện hữu mà cha mẹ dành cho, bởi sự sống, sự nuôi nấng và sự giáo dục. Sự tinh tế của nhà triết học ở chỗ, mặc dù mối tình cảm thiêng liêng này khởi phát từ sự liên kết tự nhiên của huyết thống nhưng để con cái có thể yêu thương cha mẹ một cách trọn vẹn, đong đầy như những gì họ được hưởng thì đòi hỏi thời gian, sự nhận thức và trải nghiệm. Điều này đòi hỏi một sự kiên trì và bản thân cha mẹ cũng cần phải là người nhận thức đúng đắn về quá trình giáo dục, ươm dưỡng của mình. Như vậy, sự hình thành đạo đức ở con người là cả một quá trình tích lũy, bồi đắp mà cái nôi đầu tiên chính là gia đình – mà chúng ta vẫn thường nói một cách hình ảnh đó là tế bào của xã hội. Gia đình với những mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa các thành viên có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn con người, hình thành nhân cách cũng như định hướng hành vi và quan niệm đạo đức cho mỗi cá nhân. Đặc biệt với xu thế của xã hội hiện đại, quy mô gia đình thu hẹp lại, gia đình hạt nhân tăng lên,

các cá nhân ngày càng có xu thế khẳng định mình ngoài xã hội và chịu nhiều áp lực từ đó khiến cho mối liên kết giữa cách thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, đôi khi chỉ đơn thuần dựa trên bổn phận, nghĩa vụ hơn là tình thương huyết thống thiêng liêng. Thậm chí là sự gia tăng của các cuộc hôn nhân đổ vỡ đưa đến việc hình thành những gia đình khiếm khuyết, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, tình cảm của con cái. Vai trò của giáo dục đạo đức trong gia đình có những ưu thế riêng so với giáo dục của nhà trường và xã hội, bởi nó xuất phát từ tình cảm và thông qua tình cảm, là sự kết hợp của một tập thể đa dạng về trình độ, kinh nghiệm, tính cách, giới tính, nghề nghiệp, tuổi tác. Do đó, nó mang tính phối hợp. Để đảm bảo cho giáo dục gia đình có thể phát huy được vai trò của mình, cần chú trọng cải thiện trước tiên các điều kiện sinh hoạt vật chất; xây dựng và củng cố các thiết chế nhằm bảo vệ tính ổn định bền vững của gia đình trong đó có Luật hôn nhân và gia đình. Bởi, gia đình là một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống được nảy sinh từ quan hệ hôn nhân đó. Với ba chức năng cơ bản của gia đình là: tái sản xuất con người (sinh đẻ), kinh tế (sản xuất, tiêu dùng, tổ chức đời sống) và giáo dục (nuôi dạy con cái) thì gia đình hạnh phúc sẽ là những tế bào khỏe mạnh để có một cơ thể xã hội khỏe mạnh. Đây là một bài học có giá trị mang tính cơ bản, phổ dụng cho bất cứ một chế độ xã hội nào, ở bất kì thời điểm lịch sử nào. Cũng giống như ở phương Đông, bài học “tề gia” bao giờ cũng được đặt lên đầu tiên rồi mới đến khát vọng “trị quốc, bình thiên hạ”. Khi con người nhận thức được điều này một cách đúng đắn, thì có lẽ mọi khó khăn đối với mỗi công dân khi bước ra môi trường rộng lớn ngoài xã hội sẽ không còn là thử thách. Con người sẵn mang trong lòng tình yêu thương và được yêu thương sẽ luôn biết yêu thương, chia sẻ và lan tỏa tình yêu thương đó. Tình yêu thương ở đây chính là đến từ tình yêu thương đầy đủ mà cha mẹ đã dành cho con cái của họ, tình yêu thương hoàn toàn thuần khiết chứ không phải những biến thể của nó như sự

tham vọng, sự mưu cầu, sự cầu hãnh buộc con cái phải trở thành một công cụ thực hiện ước mơ của cha mẹ mình. Đó không phải là tình yêu thương mà chỉ là nhân danh tình yêu thương. Và khi nhân danh tình yêu thương thì nó hoàn toàn là một sự khúc xạ méo mó vào nhân cách của người được thụ hưởng. Cuộc đời, cá tính và chính tâm hồn của con cái sẽ bị chiếm đoạt, khiến chúng không những không đáp đền công ơn của cha mẹ mà trái lại cả xã hội, đến một thời điểm nào đó sẽ phải hứng chịu một cú sốc rất lớn bởi sự bùng phát của những con người hoàn toàn bị cầm tù về mặt tinh thần này.

Do đó, khi bàn về nguyên tắc tổng quát của giáo dục, Arixtốt đã đề cao một nền giáo dục phải toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Trong tác phẩm của mình, Arixtốt đã định hình mô hình chính trị khả thi cho các quốc gia mà ông gọi là polity để tạo một môi trường tốt nhất cho các công dân và để mỗi công dân sống trong xã hội đó thực hiện đức hạnh của mình. Một môi trường xã hội lành mạnh là cơ sở đầu tiên mà trong đó, ý thức đạo đức của con người văn minh được hình thành và hoàn thiện. Đó là một môi trường đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững giữa kinh tế, chính trị, văn hóa và đạo đức. Con người sống và làm việc theo pháp luật, vì mục tiêu hạnh phúc của chính mình và cộng đồng.

Trong quan điểm của mình, Arixtốt đã xác định một cách đúng đắn vị trí của con người trong vũ trụ để từ đó nêu lên vị trí của những quy phạm đạo đức trong xã hội. Do đó, con người không thể không tuân thủ những quy phạm đạo đức của xã hội. W. Đuran cũng khen ngợi ý này của Arixtốt: “nhờ lời nói loài người hợp thành xã hội, nhờ xã hội con người phát triển trí thông minh, nhờ trí thông minh con người sống trong trật tự, nhờ trật tự con người đi đến văn minh. Chính trong xã hội con người mới có những cơ hội để phát triển. Chỉ những thú vật hoặc những thiên thần mới sống ngoài xã hội” [20, tr.103].

Arixtốt cho rằng đạo đức không phải là cái tự nhiên. Ông chia ra hai loại đạo đức là đạo đức thuộc về tâm trí và đạo đức thuộc về hành vi. Theo ông, đạo đức thuộc về tâm trí là cái cần được giáo dục. Như vậy nó không phải sản phẩm tự nhiên vì nó cũng xuất phát từ thói quen. Thế nhưng không phải cứ thói quen là đạo đức. Bởi vì có những cái hợp lý không bao giờ trở thành thói quen được. Ví như ta quăng cục đá lên trời đến hàng vạn lần thì bao giờ nó cũng rơi xuống chứ không bay lên được. Cho nên những đức tính tốt đẹp của chúng ta sở dĩ có được là do thích ứng với tự nhiên và do thói quen mà chúng ta đưa nó đến chỗ hoàn thiện. Trong đó, giáo dục là quá trình đào tạo một con người một cách có mục đích, nhằm chuẩn bị con người tham gia đời sống xã hội, bằng cách tổ chức việc truyền thụ và lĩnh hội những kinh nghiệm lịch sử - xã hội của loài người, và giáo dục đạo đức góp phần to lớn trong việc chuyển các giá trị đạo đức từ tự phát sang tự giác, từ bị động sang chủ động. Bởi, những yếu tố định hướng và điều chỉnh hành vi của cá nhân trong việc thực hành đạo đức bao giờ cũng được hình thành và vận hành trên cơ sở của tri thức. Tri thức càng sâu sắc thì niềm tin và lý tưởng càng bền vững, cá nhân càng nắm bắt được đầy đủ những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức, do đó, càng tự do trong lựa chọn hành vi, trong sáng tạo đạo đức, tình cảm đạo đức càng trở nên mạnh mẽ và ổn định, củng cố trở thành nhân cách.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 127 - 149)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)