Chương 3 : TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC CỦA ARIXTỐT
3.4. Tư tưởng của Arixtốt về giáo dục đạo đức cho công dân và đội ngũ
ngũ cầm quyền
Arixtốt luôn được hậu thế đánh giá là đã có công tổng kết những giá trị tinh hoa của nền học thuật Hy Lạp cổ đại. Sức sống nội tại các tác phẩm của ông đã và đang trở thành nền móng của rất nhiều những trường phái khoa học sau này từ: triết học, đạo đức học, chính trị học cho đến sinh học, thiên văn học, toán học,... Thời đại của chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu và ngưỡng vọng ông bởi những tư tưởng vượt thời gian, trong đó không thể không kể đến những tư tưởng, quan điểm của ông về giáo dục đạo đức như một nền tảng của tồn tại người.
Trong tác phẩm Chính trị luận được viết năm 350 TCN, gồm 8 quyển và 13 chương, Arixtốt đã tiến hành phân tích một cách tổng quát xem đâu là mô hình chính trị khả thi cho đa số các quốc gia. Ông đưa ra khái niệm về mô hình hỗn hợp giữa chế độ quả đầu và chế độ dân chủ mà ông gọi là polity và cách thức tổ chức chế độ nhà nước theo kiểu này.
Trong cộng đồng chính trị hay nhà nước ấy, tiêu chuẩn để xác định tư cách của công dân, theo Arixtốt, là quyền tham gia chính sự và giữ chức vụ trong chính quyền. Ông so sánh người dân trong một nước với những người thủy thủ trên một con tàu, mỗi người có một nhiệm vụ riêng biệt phải thi hành; người thì lo việc lái tàu, người lo việc chèo chống,... Mỗi người đều phải làm "tốt" phần việc của mình. Tuy nhiên, tất cả đều có một nhiệm vụ chung là giữ cho con tàu được an toàn, đi tới đích đã định. Công dân cũng vậy, mục tiêu tối hậu là giữ cho sự an toàn của chế độ, và đó là đức hạnh chung của mọi công dân. Ông nói rõ, công dân dù giữ chức vụ lãnh đạo hay chỉ là dân thường, cũng cần phải có kiến thức và kĩ năng để biết lãnh đạo cũng như biết tuân thủ, đây là một trong số những tư tưởng ông tiếp nối từ các bậc tiền bối Xôcrát và Platôn về tri thức với tư cách là đức hạnh và sự tuân thủ với tư cách là nguồn gốc của tính thống nhất trong cuộc sống của con người nói chung, và đối với sự tồn vong của mỗi chế độ nhà nước nói riêng.
Sự phân tích những tư tưởng đạo đức của Arixtốt trong Chính trị luận
cho thấy, ông trình bày nó từ gốc của việc xây dựng đạo đức cho công dân, bắt đầu từ giáo dục pháp luật và vai trò của nhà nước, của cộng đồng chính trị trong việc bồi đắp, gìn giữ đạo đức ấy. Bởi vì, "đời sống tốt nhất cho cá nhân cũng là đời sống tốt nhất cho quốc gia và nhân loại nói chung"[7, tr.362].
Đạo đức theo người Hy Lạp vừa là tinh thần, vừa là khoa học, là sự hoàn bị tối cao trong mọi ngành kiến thức, vừa là trí năng để hiểu biết cái gì là bản nhiên quý báu nhất. Và đạo đức ấy, theo Arixtốt cần có sự dẫn dắt của lý trí. Nó xuất phát từ quan niệm của ông cho rằng tâm hồn có một phần vô lý trí
và một phần hữu lý trí mà chính phần vô lý trí hình như ít nhiều cũng có ở tất cả động vật và cây cối, còn phần hữu lý trí chỉ con người mới có. Chính lý trí khuyên bảo con người theo hạnh kiểm nào tốt hơn cả, cho nên người tiết độ thường tuân theo lý trí vì ở họ tất cả các hành động đều hòa hợp với lý trí. Có một năng lực khác của tâm hồn hình như không có lý trí, mà vẫn tham dự vào lý trí một cách (phần) nào đó. Phần khác ấy của tâm hồn tham dự vào lý trí, phần trí tuệ có lý trí cũng có tính cách kép, gồm một phần tự nó toàn quyền, một phần tuân theo tiếng gọi của lý trí như một người cha. Sự phân biệt ấy giúp chúng ta ấn định các thứ đức hạnh, trong đó, chúng ta gọi những đức hạnh này là đức hạnh trí tuệ, những đức hạnh khác là đức hạnh luân lý.
Bàn về các nguyên tắc tổng quát của giáo dục, nền giáo dục quốc gia, theo Arixtốt, phải là một nền giáo dục toàn diện về thể chất cũng như tinh thần. Bởi, giáo dục ảnh hưởng đến tư cách công dân và muốn xây dựng đạo đức công dân thì phải bắt đầu từ xây dựng đạo đức cá nhân vì cả hai loại đạo đức này cơ bản giống nhau. Như vậy, giáo dục là nhiệm vụ của quốc gia và nhà nước phải xây dựng một hệ thống giáo dục đồng nhất cho mọi công dân, "giáo dục nên được đặt trên ba nguyên tắc: trung dung, những điều có thể xảy ra và những điều sẽ xảy ra" [7, tr.435].
Arixtốt đề nghị bốn môn học cho chương trình giáo dục: đọc - viết, thể dục, âm nhạc và hội họa. Âm nhạc, theo Arixtốt là một môn học quan trọng, không phải chỉ là môn học để giải trí, mà là môn học để sử dụng thì giờ nhàn rỗi một cách đúng đắn. Hơn thế nữa, bản chất của âm nhạc là sự hòa hợp âm thanh, do đó sẽ khiến cho tâm hồn dễ dàng đạt được bằng sự cân bằng giữa tình cảm và lý trí.
Trong bốn môn học này, môn đọc, viết và vẽ được xem là hữu ích cho mục đích của cuộc sống trên nhiều phương diện. Thể dục được xem là môn học rèn luyện lòng can đảm. Còn âm nhạc - môn học mà cho đến nay, vẫn có người hoài nghi xem có phải là môn học cần thiết hay không, thậm chí, có
người coi học tập âm nhạc chỉ để giải trí. Nhưng theo Arixtốt, ngay từ đầu âm nhạc đã cần được đưa vào giáo dục, khi thiên nhiên đòi hỏi con người không những phải làm việc giỏi, mà còn phải biết dùng thì giờ dành cho thư nhàn một cách đúng đắn, bởi nguyên tắc đầu tiên của mọi hành động là thư nhàn mà cái hữu dụng của âm nhạc là sự hân hưởng của tâm trí trong lúc thư nhàn đó. Rằng, âm nhạc có khả năng tạo thành cá tính khi mà dường như trong mỗi người chúng ta đã có sẵn một mối đồng cảm với những thể điệu và tiết điệu của âm nhạc, đến nỗi có những nhà thông thái đã cho rằng, tâm hồn con người là máy chỉnh âm, hay có khả năng chỉnh âm. Đồng tình với những người này, Arixtốt lập luận rằng, vì mục đích tối hậu của cuộc đời cá nhân và của nhà nước giống nhau, cho nên, những người có mục đích cuộc sống tốt đẹp nhất cũng phải giống nhau. Cũng thế, ta thấy hiển nhiên là đối với cả cá nhân và nhà nước, cần phải có đức tính thư nhàn, vì sau thời chiến là thời bình, và sau thời giờ làm việc là lúc nghỉ ngơi. Nhưng, sự thư nhàn và sự rèn luyện tâm trí có thể được phát huy, không những qua đức tính được thực tập lúc nhàn rỗi, mà còn qua những đức tính hữu ích trong công việc.
Vậy làm sao để có được một đời sống thư nhàn? Trong Chính trị luận, Arixtốt cho rằng muốn có cuộc sống thư nhàn, trước hết, con người cần có những nhu yếu phẩm để phục vụ những điều kiện cơ bản của cuộc sống. Vào thời ông, người cổ Hy Lạp cho là có bốn đức tính chủ đạo: nghị lực, sự tiết độ, công bình, và sự khôn ngoan. Cho nên ông quy lòng can đảm và sức chịu đựng về đức tính cần có trong công việc bởi chỉ có con người can đảm mới dám đối đầu với hiểm nguy vì lý tưởng, trong khi loài dã thú đối đầu với hiểm nguy vì bản năng sinh tồn. Suy tư triết lý (sự khôn ngoan), theo Arixtốt là đức tính cần có trong lúc thư nhàn; còn sự tiết độ và công bình cần có trong cả hai trường hợp, và còn cần hơn nữa nhất là trong thời bình và khi nhàn rỗi, vì trong chiến tranh, người ta cần phải công chính và tiết độ, còn khi hòa bình, được hưởng chiến lợi phẩm và thư nhàn, người ta dễ sinh thói hư tật xấu. Với
những người tài giỏi và có sẵn hầu hết mọi tài sản trên đời, thì chính họ, cần phải có sự tiết độ và công bình hơn ai hết. Như vậy, trong quan niệm của Arixtốt thư nhàn không phải là không hoạt động gì, mà chính nó là một hoạt động nhiều ý nghĩa cao cả nhất, đó là suy tư. Thư nhàn cũng không đồng nghĩa với những hoạt động "giải trí". Nó là sự rèn luyện tâm trí.
Arixtốt cũng cho rằng, để đạt được tình trạng tốt, con người cần có ba điều kiện là thể chất tốt (do bẩm sinh), những thói quen tốt, và lý tính. Từ đó, ông cũng xác định những điều kiện nào là cần thiết để trở thành công dân tốt. Theo ông, việc rèn luyện nên các công dân tốt cần bắt đầu ngay từ quá trình mang thai và cả khi con người còn nhỏ tuổi. Chính vì vậy, cần phải quan tâm đến độ tuổi kết hôn, sức khỏe và thể trạng của người đàn ông và phụ nữ để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Arixtốt đề cao tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái là cội nguồn phái sinh ra những tình cảm yêu thương khác. Cha mẹ quý con cái như là một phần của chính thân mình; con cái yêu quý cha mẹ, với tư cách họ được hưởng thụ nhờ cha mẹ tấm thân hiện hữu của họ. Thế nhưng, mối liên lạc giữa người cho sự sống và kẻ nhận sự sống mật thiết hơn giữa kẻ nhận sự sống và người sinh ra mình. Bởi, phải kể đến thời gian của tình yêu: chúng ta yêu ngay con cái mà chúng ta sinh ra, còn con cái, để có thể yêu cha mẹ, cần tới một độ tuổi nhất định khi đã đầy đủ về trí khôn và tình cảm. Do đó, người ta thấy rõ tại sao tình mẹ đối với con mãnh liệt hơn tình con đối với mẹ. Tình thân yêu của con cái đối với cha mẹ - cũng như của người đối với các vị thần linh - đều căn cứ, vào sự nhìn nhận lòng tốt và tính cách cao quý của cha mẹ đối với con cái và của các vị thần linh đối với người; chính nhờ cha mẹ mà người ta được hưởng những ân huệ lớn lao nhất, sự sống, sự nuôi nấng và sự giáo dục. Ông nói: "Phụ nữ khi có thai, phải cẩn thận và chăm sóc sức khỏe của mình như tập thể dục và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Tâm trí của những bà mẹ không nên bận tâm suy nghĩ nhiều quá, vì con cái sẽ có bản chất giống mẹ như trái cây mọc lên từ lòng đất” [7, tr.404].
Và, cũng chính vì lẽ đó mà nhà lập pháp nên đặt mối quan tâm hàng đầu vào việc giáo dục cho lớp trẻ, bởi vì bỏ bê việc giáo dục này sẽ gây ra nguy hại cho cơ cấu chính trị và hiến pháp của một nước. Bởi vì, hiến pháp theo Arixtốt không chỉ có nghĩa là văn bản kiến tạo cơ cấu chính trị, mà còn là cách sống của một chế độ mà ở đó người công dân phải được giáo dục cho phù hợp với mô hình chính quyền mà họ sinh sống. Mỗi chính quyền đều có một đặc tính, qua đó, chính quyền được tạo ra và duy trì.
Trong việc rèn luyện trẻ em, theo Arixtốt, thứ nhất là nên bắt đầu bằng việc tập cho chúng những thói quen tốt hay tập cho chúng suy nghĩ và vận dụng lý trí trước. Hai cách thức rèn luyện này phải hài hòa với nhau, không những ở chỗ phương pháp nào cần dạy trước, mà cả hai phương pháp phải nhắm đến cùng mục đích cao nhất; nếu không, những nguyên lý của lý tính có thể bị áp dụng sai lầm, không đạt được lý tưởng cao nhất của cuộc sống. Cha mẹ sinh con ra sau đó còn phải dạy dỗ (tập thành thói quen), rồi sau đó nữa, dần dạy chúng suy nghĩ. Đối với mỗi con người, lý trí và tâm trí là những mục đích tối hậu mà họ nhắm tới, do vậy việc rèn luyện thói quen tốt và thái độ lễ phép phải được bắt đầu từ lúc mới sinh.
Thứ hai là, vì tinh thần và thể xác là hai thực thể, và tinh thần cũng có
hai phần là lý tính và phi lý tính, tương ứng với hai tình trạng - lý trí và bản năng. Theo thứ tự, cơ thể của con người có trước tinh thần, cho nên phần phi lý tính hiện hữu trước phần lý tính. Bằng chứng là những hành vi có tính chất bản năng như giận dữ, ham muốn đều thể hiện rất rõ đối với trẻ em từ lúc mới sinh, còn sự hiểu biết và phân biệt phải trái chỉ phát triển khi chúng lớn lên. Do vậy, việc rèn luyện thể chất phải đi trước việc rèn luyện để kiềm chế những hành vi bản năng, nhằm phát triển lý trí. Và, việc huấn luyện thể chất, nói chung, phải nhằm hướng đến sự phát triển tâm trí.
Như vậy là sau khi trẻ em được sinh ra, cách nuôi trẻ có ảnh hưởng lớn đến sức mạnh thể chất của chúng. Từ những thí dụ trong thế giới loài vật và
từ những nước muốn xây dựng tập quán quân sự cho dân chúng của họ, ta thấy những thức ăn nào có nhiều sữa là những thức ăn thích hợp nhất cho con người, và càng ít rượu chừng nào thì càng tốt chừng đó, nếu muốn giữ gìn sức khỏe. Tức là, con người nên được rèn luyện càng sớm càng tốt để chịu đựng những khó khăn mà cơ thể phải có khả năng đối phó, và tiến trình này nên được thực hiện tiệm tiến bởi "nghệ thuật và giáo dục bổ túc những gì mà thiên nhiên khiếm khuyết” [7, tr.409].
Thứ ba là, trẻ em nên được dạy những điều hữu ích, thí dụ như học đọc
và viết, không những vì hai môn này có ích, mà con bởi vì qua đó, chúng mới có thể tiếp thu thêm nhiều loại kiến thức khác. Tương tự như vậy, trẻ em nên được học về hội họa, không phải chỉ để tránh bị sai lầm hay bị lừa gạt khi mua bán đồ vật, mà thực ra là để cho chúng tập được khả năng quan sát, và đánh giá được cái đẹp về hình thể.
Thứ tư là, trong việc giáo dục trẻ em, thực hành phải được dạy trước
khi dạy lý thuyết, và thể dục được dạy trước trí dục. Cho nên, trẻ em nên được giao cho những huấn luyện viên thể dục để tập luyện cho chúng có thân thể dẻo dai, và sau đó là những võ sư dạy chúng võ thuật - môn võ thuật phổ thông của Hy Lạp thời đó.
Đặc biệt Arixtốt đề cao nền giáo dục công lập có tính đồng nhất. Ông khẳng định, việc rèn luyện bất kì một năng khiếu hay nghệ thuật nào cũng đòi hỏi phải qua một giai đoạn tập dượt thành thói quen, việc giáo huấn đức hạnh cũng phải như vậy. Và, do cả nước chỉ có một mục đích tối hậu, bởi thế, chỉ nên có một sự giáo dục thuần nhất cho tất cả mọi người, và nền giáo dục này phải là nền giáo dục công lập do nhà nước ấn định, chứ không để việc dạy học do tư nhân lo liệu, muốn dạy môn gì tùy thích.
Từ tất cả những sự phân tích đó, Arixtốt khẳng định: "Sự dốt nát đưa đến sai lầm và sự bất lương sẽ đưa đến tội phạm” [7, tr.178]. Rằng, "cái học mà chỉ nhắm đến cái lợi thì sẽ không giúp cho người ta trở nên tự do và thăng
hoa được” [7, tr.418]. Đây chính là sự tổng kết, khát quát lên một tầm cao quan niệm của thời cổ Hy Lạp, là người tự do nên theo đuổi những môn học làm thanh cao con người, học vì học thuật chứ không phải để kiếm sống. Ngay cả người nghệ sĩ cũng vậy, nên chỉ có mức độ tài tử mà thôi. Một họa sĩ hay nhạc sĩ chẳng hạn, nếu chỉ luyện tập tay nghề cho hoàn hảo thì sẽ bị coi là thợ vẽ hay thợ đàn.
Về vai trò của đạo đức công dân với sự tồn tại của bản thân chính quyền, Arixtốt khẳng định: "Những ai quan tâm đến một chính quyền tốt phải quan tâm luôn đến cả những thói hư, nết tốt của dân trong nước” [7, tr.170].