Những khiếm khuyết của đạo đức con người Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 114 - 117)

Chương 3 : TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC CỦA ARIXTỐT

4.1. Mục tiêu phát triển con người và thực trạng đạo đức con người Việt

4.1.2. Những khiếm khuyết của đạo đức con người Việt Nam hiện nay

Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta thực chất là nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện mục tiêu đó, trước hết kinh tế phải phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Chỉ như vậy mới có khả năng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng,... Mục tiêu đó thể hiện sự phát triển vì con người, mọi người đều được hưởng thành quả của phát triển. Qua hơn 30 năm đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta đã có nhiều thay đổi, song tàn dư lạc hậu, tâm lý, lối sống tiểu nông, sản xuất nhỏ, tư duy, phong cách - cơ chế cũ; những thói hư, tật xấu và những mặt hạn chế của người Việt Nam vẫn đang tồn tại dai dẳng, trở thành lực cản quá trình sáng tạo văn hóa, xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Bên cạnh việc tiếp nhận các tác động tích cực phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, chúng ta phải đối mặt với các tác động tiêu cực của nó. Đó là, giá trị vật chất, lợi ích và tự do cá nhân được đề cao; một mặt là động lực thúc đẩy sự năng động, sáng tạo; mặt khác, kích thích chủ nghĩa cá nhân, ham muốn vật chất, lối sống thực dụng. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng là một bước chuyển trong quan điểm và nhận thức khi thực hiện nguyên tắc phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội thay cho nguyên tắc phân phối theo lao động, phân phối bình quân đã đảm bảo được phần nào tính

công bằng xã hội. Không những thế nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh ở trình độ cao đòi hỏi mỗi cá nhân, doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm với sự tồn tại không chỉ của mình mà còn vì lợi ích của khách hàng và môi trường phát triển chung. Tức là chúng ta không chỉ nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế bằng bất cứ giá nào mà cần gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các chính sách có liên quan đến công bằng và tiến bộ xã hội. Nó mang tính đặc trưng của triết lý phát triển có tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, vẫn có những người giàu lên nhanh chóng nhờ cả kinh doanh hợp pháp lẫn bất hợp pháp, đặc biệt là tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” làm hạn chế kết quả đầu tư phát triển, gây bức xúc trong nhân dân. Và những thất thoát này nếu tính bằng con số, có lẽ không chỉ là bằng chứng của việc gây ra hạn chế kết quả đầu tư phát triển mà còn khiến cho việc đầu tư phát triển vừa không đi được vào chiều sâu, chất lượng cũng như mở rộng nó để làm thay đổi bộ mặt của xã hội. Những thực phẩm bẩn len lỏi vào trong trường học, xí nghiệp; tệ hàng giả, hàng nhái, buôn lậu; những trạm thu phí BOT, những dự án treo, những công trình công cộng chất lượng thấp, chậm tiến độ hoặc không đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế của cộng đồng; những tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng tiền đóng thuế của người dân; những quan chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dung túng, trục lợi,... Tất cả những nhức nhối đó không chỉ dừng lại ở góc độ kinh tế hay pháp lý nhưng nguyên nhân sâu xa của các tệ nạn đó lại xuất phát từ khía cạnh đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của những người cầm quyền. Nếu như bản thân mỗi cá nhân không điều chỉnh được lòng tham, ích kỉ, hẹp hòi, không tự vấn được lương tâm, trách nhiệm của mình thì khi đứng đầu một tập thể và được trao quyền, cá nhân và những kẻ cơ hội cùng hội cùng thuyền sẽ chỉ là những tế bào ung thư trên cơ thể xã hội đang muốn hướng tới văn minh mà thôi. Lý giải nguyên nhân của tình trạng làm ăn bất chính và quốc nạn tham nhũng thì bên cạnh nguyên do từ phía đặc trưng của nền kinh tế thị

trường, sự quản lý của nhà nước, sự bất công mang tính tự nhiên, hệ thống pháp luật chưa phù hợp và việc thực thi pháp luật còn thiếu tính nghiêm minh thì có lẽ nguyên nhân sâu xa chính là nhận thức và việc kiểm soát tự giác hành vi đạo đức của mỗi cá nhân khi đứng trước những mối lợi. Nó xuất phát từ giáo dục nhân tâm từ khi còn tấm bé và việc xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội có tính nhân văn sâu sắc. Trong tình huống đó, đạo đức và không gì khác ngoài đạo đức – tiếng nói của lương tri chính là liều thuốc thanh lọc để con người vươn lên vượt qua những tội lỗi sân si, tư lợi và thiết chế luật pháp cùng với phản biện xã hội chính là những cuộc xạ trị tuy đau đớn và mang tính cưỡng chế nhưng nó góp phần triệt tiêu những tế bào ác tính đó, đưa lại sức sống mới cho cơ thể xã hội.

Đồng thời, trước đây, khi sự phát triển còn ở trình độ thấp, các điều kiện và môi trường cho giao lưu và thực hiện tiếp biến văn hóa còn bị hạn chế, tri thức khoa học và thông tin có hạn, có thể tồn tại những dân tộc có văn hóa nhưng chưa đạt đến trình độ văn minh. Còn ngày nay, sự tách rời văn hóa với văn minh trong phát triển sẽ là điều không thể. Trong khung cảnh thế giới hiện đại ngày nay, với sự bùng nổ thông tin toàn cầu, với những bước tiến như vũ bão của khoa học – kỹ thuật và công nghệ, của sự thay đổi thường xuyên phương thức, phương tiện sinh hoạt, mức sống, điều kiện sống, sẽ khó có thể hình dung một dân tộc, một xã hội được gọi là có văn hóa mà vẫn ở bên ngoài những thước đo văn minh. Trải qua thập kỷ phát triển văn hóa, chúng ta thấy văn hóa hòa bình và văn hóa khoan dung đã và đang thực sự là những giá trị văn hóa nhân loại hướng vào để đạt tới sự đồng thuận, hợp tác nhằm mục tiêu vì một thế giới văn minh, tiến bộ. Sự du nhập nhiều nguồn, nhiều kênh, các sản phẩm văn hóa đủ loại, trong đó có cả những sản phẩm độc hại do việc tiếp thu, quảng bá có nơi còn thiếu chọn lọc, chưa được thẩm định một cách khoa học gây ảnh hưởng không nhỏ tới một bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ, dẫn đến tình trạng lệch chuẩn và đảo lộn hệ giá trị văn

hóa. Trình độ dân trí thấp, môi trường xã hội có nhiều bất ổn khiến cho một bộ phận dân chúng bị dẫn dụ vào những hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính. Sự suy đồi đạo đức diễn ra cả ở những nơi linh thiêng, cả trong y đức, trong giáo dục, trong gia đình và ngoài xã hội. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2019, cả xã hội đã chứng kiến hàng loạt các vụ thảm án ở Điện Biên, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc,... hàng loạt các vụ tai nạn thảm khốc ở Bình Dương, Hải Dương,... do đạo đức hành nghề của người điều khiển phương tiện giao thông trong khi những bức xúc năm cũ về vụ chạy thận tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, về gian lận trong kì thi THPT quốc gia; về hiệu trưởng trường dân tộc nội trú tại Phú Thọ xâm hại tình dục hàng loạt nam sinh trong một thời gian dài, về 231 cái tát của cô giáo ở Quảng Bình chưa lắng xuống thì dư luận lại dậy sóng với việc cô giáo ở Bình Thuận có quan hệ bất chính với học trò, và các vụ án tranh chấp, kiện tụng cả trong lĩnh vực văn hóa lẫn gia đình,... Điều này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp, tha hóa trong đạo đức của con người, trên con đường tiến tới văn minh lại có những kẻ hành xử như những loài man rợ, thậm chí, mức độ man rợ còn tăng lên gấp nhiều lần khi những tội ác đó được gây ra bởi chính con người thuộc những tầng lớp vốn được xã hội trọng vọng cả về trình độ và nhân cách.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 114 - 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)