Tiểu sử của Arixtốt

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 62 - 64)

2.3. Cuộc đời và sự nghiệp của Arixtốt

2.3.1 Tiểu sử của Arixtốt

Arixtốt sinh năm 384 TCN trong một gia đình có cha là thầy thuốc của hoàng gia ở một thị trấn nhỏ có tên là Staghi - một thị trấn nhỏ phía đông thành phố Xalônia, nằm ở phía bắc biển Êgiê, sát biên giới vương quốc Maxêđônia, cách Athen - trung tâm văn hóa, chính trị của Hy Lạp thời bấy giờ 200 dặm. Thuở nhỏ, ông đã được trải nghiệm và tiếp thu nhiều kiến thức phong phú khi phụ việc giúp cha mình, nhất là những trải nghiệm về thiên nhiên và sinh vật qua quan sát cũng như qua các tài liệu y học của cha. Tuy vậy, ông lại sớm mồ côi cha mẹ ở tuổi 15. Nhận thấy Arixtốt có tố chất và niềm say mê nghiên cứu khoa học, cha đỡ đầu của ông là Prôksen đã đưa ông đến Athen để học tập.

Năm lên 17 tuổi, ông đến Athen và trở thành thính giả tại Hàn lâm viện của Platôn. Arixtốt theo học tại Hàn lâm viện dưới sự hướng dẫn của Platôn trong suốt 10 năm và nghiên cứu đủ mọi ngành học thuật: toán học, văn học, sinh vật học, triết học. Ở đây, ông không chỉ là học trò mà còn là trợ giáo cho người thầy của mình. Arixtốt đặc biệt chú ý đến siêu hình học (metaphysics) - môn học nghiên cứu về "ý tưởng", những gì ở bên ngoài và bên kia thực tại, không phụ thuộc vào giác quan, cùng thiên văn học và chính trị học.

Đến năm 347 TCN, người thầy của ông là Platôn qua đời, ông rời Athen đến Troy - một thị quốc nằm ở phía đông bắc núi Iđa, nơi có hai người bạn đồng môn của ông là Êratút và Côricút. Phía nam núi Iđa là thị quốc Atanêớt do nhà độc tài Hêmiát cai trị. Hai người bạn đồng môn của Arixtốt cố vấn cho Hêmiát rằng muốn cai trị lâu dài thì phải khoan dung và nhân hậu hơn là độc tài sắt máu. Cùng với Arixtốt và Xênôcrát, họ thành lập một học viện thu hút được sự tham dự của học trò từ các miền lân cận. Arixtốt trở thành bạn thân của Hêmiát và được nhà vua gả cháu gái cho làm vợ. Do đó, chính trong thời gian tại triều đình của Hêmiát, Arixtốt có dịp quan sát tận mắt chế độ quân chủ.

Một sự kiện có tính chất bước ngoặt trong sự nghiệp của Arixtốt là vào 4 năm sau, ông đến đảo Létbót, từ Létbót Arixtốt được vua Philíp đệ nhị - vua xứ Maxêđônia vời đến Penla - thủ đô của vương quốc để dạy học cho hoàng tử Alếcxăngđơ trong 6 năm. Alếcxăngđơ kính trọng Arixtốt ngang với cha mình bởi hoàng tử cho rằng, ngài chịu ơn cha mình bởi cuộc đời thì ngài cũng chịu ơn Arixtốt – là người đã đem lại giá trị cho cuộc đời đó.

Năm 334 TCN sau khi quay về quê hương 6 năm (năm 340 TCN) ông trở lại Athen. Đây là thời kỳ hưng thịnh trong sự nghiệp của Arixtốt, bởi trong giai đoạn này, ông đã cho ra đời hầu hết các tác phẩm lớn của mình. Ông đã thoát ly khỏi Hàn lâm viện bởi những quan điểm riêng và sáng lập trường Lykei bên cạnh đền thờ Apôlông. Công việc của Arixtốt với các học trò trong

trường diễn ra trong suốt 10 năm, cho đến khi học trò của ông là Alếcxăngđơ băng hà vào khoảng năm 323 TCN. Do những xung đột chính trị, ông trở về Ơbê và tạ thế tại đây không lâu sau đó. Theo tư liệu để lại ông có một vợ và một con gái. Nền triết học rực rỡ của Hy Lạp đã tắt cùng với cái chết của nhà triết học vĩ đại này.

Sau khi Arixtốt qua đời, có hai sự kiện chứng tỏ ảnh hưởng của ông đến nền chính trị Athen, đó là: bản Hiến pháp của Athen do Antipatơ soạn năm 321 phản ánh tư tưởng của ông và Đêmêtriớt - học trò của ông lên cai trị Athen và biến những gì Arixtốt đã dạy tại Lykei thành luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 62 - 64)