Tư tưởng đạo đức của Xôcrát (46 9 399 TCN)

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 52 - 58)

2.2. Tiền đề lý luận cho sự hình thành và phát triển tư tưởng đạo đức của

2.2.1. Tư tưởng đạo đức của Xôcrát (46 9 399 TCN)

Chủ đề tìm kiếm cuộc sống thoả đáng là chủ đề chủ đạo trong nhân cách và tư duy của Xôcrát. Ông đã khuấy động ý thức của người Athen, bắt họ phải suy ngẫm về tồn tại của mình: xác định thiện và ác là gì, con người cần đi theo con đường nào.

Khi đề cập đến vấn đề bản tính con người, Xôcrát đã nhận thấy rằng, con người là thực thể thường xuyên tìm kiếm, kiểm tra, thử nghiệm bản thân mình và điều kiện sinh tồn của mình. Chính tâm thế, định hướng có phê phán

và sự thể nghiệm đối với cuộc sống là cái quy định giá trị của cuộc sống mà theo ông, thiếu sự thể nghiệm này thì cuộc sống không còn là cuộc sống dành cho con người, trong đó, người thông thái là người học được cách xác định hợp lý độ và tuân thủ nó để có thể có được tự do. Nếu “người ta quen cho rằng anh hùng là người chiến thắng kẻ thù bên ngoài thì bây giờ anh hùng là nhà thông thái - người chiến thắng kẻ thù bên trong” [48; tr.97 – 98].

Theo Xôcrát, để đạt tới cái phúc thì cần phải có những phẩm chất cụ thể là những đức hạnh, cho nên học thuyết về đức hạnh là bộ phận cơ bản của tư tưởng đạo đức Xôcrát. Ông thừa nhận ba đức hạnh cơ bản: tính kiềm chế (tự chủ), lòng dũng cảm và sự công bằng. Ba đức hạnh này cộng lại thành sự thông thái. Sự thông thái là đức hạnh nói chung và thể hiện khả năng phân biệt giữa cái tốt và cái xấu, cái hữu ích và cái bất dụng, trong đó, tính tự chủ là cơ sở cho mọi đức hạnh khác. Thiếu nó thì người ta không thể sống và làm việc. Lòng dũng cảm là sự biết cách cần khắc phục những mối nguy hiểm một cách khéo léo và mạnh bạo như thế nào. Việc tuân thủ luật pháp thành văn - cơ sở cho sự thịnh vượng của nhà nước - và sự công bằng là tri thức giúp con người biết tuân thủ luật pháp đó.

Trong quan niệm của Xôcrát, cái phúc là khái niệm xác định mục đích của cuộc đời con người và giá trị của nó. Theo Xôcrát, cái phúc bao gồm sáu bộ phận cấu thành cơ bản, đó là: thứ nhất, sức khoẻ, vì sức khoẻ tốt là điều kiện cần thiết cho cuộc sống có đạo đức, cho tâm hồn khoẻ mạnh; thứ hai,

tinh thần, trí lực của tâm hồn lành mạnh; thứ ba, nghệ thuật và khoa học

chúng rất hữu ích cho cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc; thứ tư, tình hữu nghị

cũng là một cái phúc quý giá và hữu ích, nó chỉ tồn tại giữa những người tốt, xuất hiện từ thái độ khâm phục đức hạnh của người khác, là cái làm xuất hiện lòng hảo tâm và sự ràng buộc mọi người với nhau thông qua việc thiện. Cơ sở của tình bạn là sự trung thực, do vậy, trung thực là con đường ngắn nhất và đáng tin cậy nhất; thứ năm, hoà thuận giữa cha mẹ, con cái và anh em vì thần

linh tạo ra cho họ sự tương trợ; thứ sáu, cộng đồng công dân hay nhà nước vì nếu được tổ chức tốt thì nó sẽ đảm bảo cho mọi công dân những lợi ích to lớn.

Cái phúc (chân lý, đạo đức) thực sự do con người phát hiện ra. Nhưng chỉ có

lý tính mới làm cho ông thấy cái phúc là gì, cái hoạ là gì. Theo Xôcrát, phát triển năng lực tư duy không phải làm cho bản thân tư duy trở nên tinh tế, mà vì tính hợp lý là cơ sở của đạo đức. Con người càng tư duy hợp lý hơn thì họ càng đạo đức hơn.

Cái thiện, trong quan niệm của Xôcrát chính là đối tượng của triết học

phổ quát. Cái thiện ấy chính là cái thiện phổ quát – khái niệm dùng để giảng nghĩa hành vi của con người trong hoạt động sống của mình. Con người chỉ có thể trở thành thiện khi lý tính chiến thắng dục vọng. Chính từ luận điểm này mà các nhà nghiên cứu cho rằng Xôcrát là người khởi đầu cho đạo đức học duy lý.

Trong các suy tư của mình, Xôcrát xuất phát từ việc coi phúc lợi (điều tốt) là sự thỏa mãn, hài lòng, còn cái ác là khổ đau. Điều hiển nhiên là mỗi người đều hướng đến tiện lợi và hạnh phúc, cố tránh tất cả những cái xấu xa đối với mình. Theo Xôcrát, chỉ có tri thức về con đường đáng tin cậy dẫn đến hạnh phúc mới khiến cho con người không bị chệch hướng. Hay nói cách khác, đường đến hạnh phúc (mà nó đồng nhất với cái thiện, cái đức) là tri thức. Xôcrát đặc biệt đề cao vai trò của tri thức trong hoạt động của con người, ông coi tri thức là nền tảng của đức hạnh. Theo ông, tri thức bảo đảm cho việc lựa chọn cái thiện và né tránh cái ác. Vai trò điều tiết của tri thức là vô điều kiện và tuyệt đối. Ông kết luận, mọi hành vi vô đạo đức, mọi cái ác đều là kết quả của sự dốt nát, kém hiểu biết. Và ngược lại, sự thiếu tri thức là sản phẩm của tình trạng tâm hồn hỗn loạn, của việc lý tính không có khả năng khắc phục những dục vọng. Do đó, con đường đi tới tri thức cũng là con đường hoàn thiện nhân cách của con người, con đường hướng con người tới cái thiện và hạnh phúc.

Với Xôcrát, hạnh phúc đích thực của con người là thỏa mãn những nhu cầu tinh thần, mà bản chất của nó là sự yên tĩnh, thanh thản trong tâm hồn, tránh mọi xúc động lo âu, suy nghĩ trăn trở của cuộc đời. Do vậy, nguyên nhân của hạnh phúc hay bất hạnh đều nằm trong tâm hồn con người.

Bàn về đạo đức học cá nhân của Xôcrát, chúng ta không thể không nói tới quan niệm của ông về trách nhiệm cánhân mà thang bậc đạo đức tối cao là tiếng nói của lương tâm. Cái chết của Xôcrát, hay nói chính xác hơn, việc ông tự nguyện chấp nhận cái chết là minh chứng rõ nhất cho quan niệm của ông về trách nhiệm cá nhân, mặc dù, việc cứu thoát mạng sống của mình là không khó đối với Xôcrát. Đứng trước lựa chọn đó, toàn bộ phẩm chất của lý tính trong nhà triết học được xác định bằng thái độ sẵn sàng tìm kiếm chân lý và năng lực đi đến cùng trong cuộc tìm kiếm ấy. Điều này thể hiện trách nhiệm cá nhân nhà triết học đối với chính tư duy của mình.

Theo Xôcrát, để nhận thức về cái thiện cần dựa trên nhận thức về đạo đức học cá nhân và nhận thức về công bằng xã hội với tư cách một chỉnh thể thống nhất. Với tư cách đạo đức học cộng đồng, công bằng xã hội dựa trên quan niệm về luật pháp như là cái biểu thị cái thiện, như là cơ sở để tổ chức cuộc sống của nhà nước – thành bang. Cái thiện trong trường hợp này là sự chấp hành luật pháp của nhà nước mình, là thực hiện các nghĩa vụ của mỗi công dân. Con đường này cho chúng ta thấy rõ quan điểm đạo đức học cộng đồng xây dựng trên nền tảng đạo đức học cá nhân của Xôcrát.

Toàn bộ tư tưởng đạo đức Xôcrát thấm nhuần tư tưởng bài trừ bạo lực và sự vô dụng của việc sử dụng nó vào mục đích giáo dục tâm hồn. Vì theo ông, người nào bị cưỡng chế bằng sức mạnh thì người đó sẽ có lòng căm thù như họ đã bị tước mất một cái gì đó, còn người nào được sự thuyết phục tác động thì lòng yêu thương dường như giúp đỡ họ một cái gì đó. Do vậy, những người có học thức không mấy khi dùng bạo lực, bởi, những hành động như vậy chỉ vốn có ở những người có sức mạnh mà thiếu trí khôn. Luận điểm bài

trừ bạo lực chứng tỏ Xôcrát không những có quan điểm rõ ràng về đặc thù của con người, mà còn thể hiện nhận thức của ông về sự cần thiết phải có cách tiếp cận đặc biệt đối với con người như một thực thể có bản chất xã hội, cộng đồng. Ông coi việc thấu hiểu con người như một phần của quá trình quan hệ, giao tiếp giữa người với người. Nhận thức con người là một thành tố của sự giao tiếp cho nên cần phải xây dựng phương pháp đảm bảo những điều kiện cần thiết cho sự giao tiếp đó. Trong giao tiếp, con người không những có khả năng nhìn nhận mình thông qua người khác với tư cách như một chiếc gương đặc biệt mà còn phát hiện ra, hình thành, đào sâu và chỉnh lý suy nghĩ của mình. Đó là cơ sở cho sự ra đời phương pháp đối thoại nổi tiếng như một phần của thuật biện chứng Xôcrát.

Khái niệm tiếp theo trong quan điểm đạo đức học cộng đồng của Xôcrát là nghĩa vụ. Nghĩa vụ là luật mà con người có lý tính cần phải tuân theo trong cuộc sống. Hiểu luật có nghĩa là hiểu mối liên hệ của nó với cái phúc và các đức hạnh. Theo Xôcrát, điểm căn bản của luật là ở chỗ làm sao tránh được điều xấu xa và hướng tới điều tốt đẹp. Để làm được điều đó thì cần phải hạn chế nhu cầu và khoái cảm. Cần phải thực hiện nghĩa vụ còn bởi, nếu muốn thần linh nhân từ với bản thân thì hãy tôn thờ thần linh; muốn được bạn bè yêu quý thì hãy làm việc tốt cho bạn bè; muốn có danh dự cho thành phố thì hãy làm lợi cho thành phố.

Việc tổ chức đời sống nhà nước có đạo đức không thể thiếu luật pháp giống như không thể có luật pháp ở bên ngoài nhà nước – thành bang. Luật pháp, theo Xôcrát, chính là bản thân nền tảng của nhà nước. Giống như phái nguỵ biện, Xôcrát cũng phân biệt luật pháp tự nhiên và luật pháp thực tại nhưng không đặt chúng đối lập với nhau.

Xôcrát là người ủng hộ nhiệt thành chế độ nhà nước – thành bang mà theo ông, nếu thiếu sự tuân thủ luật pháp thì nhà nước không thể trụ vững, gia đình không thể được cai quản tốt. Hơn nữa, ông hiểu sự đồng thuận là việc

các thành viên của nhà nước – thành bang trung thành và tuân thủ luật pháp, chứ không phải là sự nhất thể hoá thị hiếu, ý kiến và quan điểm của mọi người.

“Việc kêu gọi phục tùng pháp luật của Xôcrát không có nghĩa là mọi quy định và mệnh lệnh của nhà cầm quyền là luật pháp cần được tuân thủ mà ông muốn đề cập tới sự trung hợp giữa cái hợp pháp và cái chính nghĩa. Tuy vậy, việc ông ca ngợi tính hợp pháp và tính hợp lý của chế độ nhà nước – thành bang thực ra ngầm chỉ một trạng thái lý tưởng, chứ không phải trạng thái hiện có” [48; tr. 118].

Về nguyên tắc thì Xôcrát ủng hộ sự cầm quyền của những người có tri thức, chứ không phải là sự thống trị của tầng lớp quý tộc thị tộc trước kia hay của những kẻ giàu có mới phất. Ông cho rằng, Tổ quốc và Luật pháp đứng trên và quý hơn Cha và Mẹ; chính chúng là cha mẹ tối cao, là thầy giáo và người chỉ huy đối với công dân. Cho nên, công dân chỉ có sự lựa chọn hoặc là sử dụng sự thuyết phục hay các phương tiện hợp pháp và phi bạo lực khác để ngăn chặn những quyết định bất công của các cơ quan hợp pháp và các nhà chức trách, hoặc là thực hiện chúng. Tinh thần phục tùng pháp luật như vậy đã được Xôcrát chứng tỏ rất rõ qua toàn bộ cuộc đời và cái chết của ông. Nó bắt nguồn từ quan niệm truyền thống của người Hy Lạp về vai trò của luật pháp đối với cuộc sống đúng mực và chính nghĩa trong nhà nước – thành bang. Người Hy Lạp coi việc tôn trọng pháp luật là phẩm chất chủ yếu vốn có của họ, là cái phân biệt họ với các dân tộc man rợ.

“Theo Xôcrát, giống như các phẩm chất khác của con người, đức hạnh cũng phải được giáo dục và phát triển bằng con đường nghiên cứu và áp dụng. Những người chuẩn bị cho hoạt động chính trị và cầm quyền cần phải học cách kiềm chế dục vọng và đạt tới những tri thức cần thiết cho lợi ích của nhà nước – thành bang và công dân của nó. (...) Và chỉ tuỳ theo những đóng góp của mình cho nhà nước thì một chính khách mới được nhà nước tôn trọng

và những ai sử dụng quyền lực vì mục đích tư lợi thì đáng bị trừng phạt nghiêm khắc” [48; tr 122].

Theo Xôcrát, quản lý công việc nhà nước – thành bang dựa trên tri thức là con đường duy nhất tin cậy dẫn đến phúc lợi chung. Bản thân Xôcrát không hề trực tiếp tham gia vào hoạt động nhà nước, nhưng ông vẫn rất quan tâm tới mọi công việc của nhà nước – thành bang và cố gắng hoàn thành chúng. Việc giáo dục thính giả của mình, đặc biệt là thanh niên, theo tinh thần đức hạnh chính trị là mục đích đàm thoại chủ yếu của Xôcrát, của mọi nỗ lực khai sáng triết học của ông.

Tóm lại, tư tưởng đạo đức Xôcrát là kết quả phát triển độc đáo tư tưởng chính trị Hy Lạp cổ đại trước đó và đồng thời đã trở thành xuất phát điểm cho sự phát triển tiếp theo của nó đến các đỉnh cao như triết học chính trị Platôn và khoa học chính trị Arixtốt.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 52 - 58)