Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 36 - 40)

2.1. Bối cảnh ra đời tư tưởng đạo đức của Arixtốt

2.1.1. Điều kiện kinh tế xã hội

Bờ biển Địa Trung Hải và các quốc gia bao quanh nó là không gian tồn tại của nền văn minh Cổ đại. Hy Lạp cổ đại nằm ở đông bắc Địa Trung Hải ngoài bán đảo Hy Lạp hiện nay còn bao gồm các đảo trong vùng biển Êgiê, Maxêđô, Thêbơ, bán đảo Italy và vùng Tiểu Á. Trong đó, bán đảo Hy Lạp là trung tâm sinh hoạt của người Hy Lạp cổ đại, mang ý nghĩa quyết định đối với lịch sử Hy Lạp cổ đại. Hy Lạp có những đồng bằng màu mỡ như: Tétxali, Áttích, Bêôxi, bán đảo Pêlôpônedơ thuận tiện cho việc trồng trọt lúa mì, nho, ôliu. Và cũng chính Địa Trung Hải đã khiến cho giao thông đường biển thuận tiện từ Hy Lạp tới Tiểu Á, Bắc Phi. Nhờ những điều kiện tự nhiên đó, Hy Lạp đã rất phát triển thủ công nghiệp và thương nghiệp; sản xuất và xuất khẩu đồ gốm, vải vóc, rượu vang làm từ nho, dầu ôliu.

Thủy tổ của người Hy Lạp là người du mục từ sông Đanuýp di cư về phương nam đi tìm những đồng cỏ xanh tốt. Họ có tên gọi là Hêlen, người Trung Hoa sau này phiên âm thành Hy Lạp. Thời cổ, Hy Lạp gồm nhiều thành phố được tổ chức như những quốc gia gọi là thị quốc, trong đó nổi tiếng nhất có Athen, Thibơ và Xờpácta. Dân Athen sống xa hoa, ưa thích các hoạt động trao đổi, Athen được coi là nơi có chế độ dân chủ đầu tiên, nơi mà mọi người đều được tham gia chính sự và cũng nhờ tính chất tự do tư tưởng mà Athen trở thành một môi trường thuận lợi cho các triết gia như Xôcrát và sau đó, học trò ông là Platôn và sau nữa là Arixtốt đã phát triển học thuật của mình. Từ đó, Athen trở thành trung tâm tư tưởng và học thuật của bán đảo Hy Lạp và được mệnh danh là cái nôi văn hóa và văn minh phương Tây.

Vào thế kỷ VI TCN, công xã nguyên thủy tan rã, Hy Lạp bước vào xã hội có giai cấp và nhà nước. Trong đó, chủ nô là giai cấp áp bức, bóc lột và thống trị. Chính trong giai cấp chủ nô Hy Lạp cũng có những tầng lớp tương ứng: tầng lớp chủ nô nông nghiệp xuất thân từ các quan chức của xã hội nguyên thủy nên gọi là quý tộc thị tộc; tầng lớp chủ nô công, thương, ngân hàng do sản xuất buôn bán mà giàu có nên được gọi là quý tộc mới. Chủ nô nông nghiệp có xu hướng thiết lập nhà nước quân chủ, còn chủ nô công thương có xu hướng thiết lập nhà nước cộng hòa. Chính do đặc điểm này mà ở Hy Lạp đã diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp để thiết lập nên thiết chế chính trị.

Giai cấp bình dân ở Hy Lạp khi đó là nông dân và thị dân. Họ có tài sản riêng song nghèo khổ và bị nhà nước chủ nô áp bức, bóc lột. Xu hướng chính trị của họ là muốn thiết lập nền cộng hòa để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong cuộc đấu tranh để lựa chọn thiết chế chính trị, giai cấp bình dân và tầng lớp trí thức của họ là đồng minh của quý tộc mới và họ đã tạo nên một vai trò rất quan trọng trên vũ đài chính trị Hy Lạp. Tầng lớp nô lệ chiếm đông đảo trong xã hội. Họ bị chủ nô áp bức, bóc lột rất tàn khốc, không được quyền làm người, họ bị coi là tài sản biết nói của chủ nô.

Trên toàn Hy Lạp khi đó hình thành nhiều nhà nước được gọi là thành bang, trong đó, thành bang Athen đã thiết lập nên nhà nước cộng hòa dân chủ chủ nô. Tuy vậy, sự bất bình đẳng về kinh tế đã khiến cho những công dân nghèo, đặc biệt là phụ nữ và nô lệ không có điều kiện để thực hiện quyền dân chủ, quyền giữ các chức vụ, quyền giám sát các viên chức cao cấp và các cơ quan nhà nước, quyền tham gia Đại hội công dân.

Từ thế kỷ VII TCN, nhiều chuyển biến quan trọng đã diễn ra ở trong đời sống của Hy Lạp. Cùng với việc trồng lúa mì thì việc trồng nho và ôliu ngày càng được mở rộng và đã thực sự là những nông sản làm cho Hy Lạp nổi tiếng khắp thế giới. Các nghề thủ công nghiệp bắt đầu phát triển, các đô thị được hình thành nhiều hơn. Cùng với nghành thương mại mà các khu vực

biệt lập trước kia đã thông thương với nhau, chấm dứt tình trạng tự cung tự cấp kéo dài nhiều thế kỷ. Các ngành nghệ thuật được phục hồi, các công cụ lao động mới làm bằng sắt xuất hiện. Chữ Hy Lạp mới ra đời dựa trên bảng chữ cái được tiếp thu và cải biến từ bảng chữ của người Phinikya. Chính bảng chữ cái được xây dựng cách đây gần 3 nghìn năm đã trở thành cơ sở cho chữ viết Hy Lạp, chữ Slavơ hiện đại và chữ Latinh.

Cùng với đó, nhờ tiến bộ của ngành đóng tàu, dưới sức ép dân số, công cuộc di dân và thuộc địa hóa vĩ đại đã đưa nền văn minh Hy Lạp vươn ra xa khỏi biên giới lãnh thổ. Một số vùng bị người Hy Lạp xâm chiếm đã bắt đầu đóng một vai trò quan trọng đối với số phận của Hy Lạp không kém các lãnh thổ bản địa. Các thành phố mới đã được giải phóng khỏi áp lực của các truyền thống thị tộc lỗi thời tạo điều kiện cho các thể chế xã hội mới dễ dàng hình thành. Và do không có tầng lớp quý tộc thị tộc hùng mạnh, tập trung quyền lực cản trở, những cải cách của nhà nước - thành bang ở các thuộc địa đã diễn ra nhanh hơn và thành công hơn so với ở quốc mẫu.

Nhận xét về thời kỳ này, T.Z. Lavine trong cuốn sách Từ Xôcrát đến

Sáctơ: Sự đi tìm triết học đã viết: "Thời hoàng kim của Athens, thời kỳ của

Pericles, từ năm 445 đến năm 431 TCN, đã trở thành biểu tượng cho sự hoàn thiện cuộc sống văn minh của con người. Có thể nói rằng, thế giới phương Tây đã có một tình yêu lâu dài đối với Athens thời hoàng kim. Chúng ta cảm thấy gần gũi với Athens như là lý tưởng và kiểu mẫu của chúng ta hơn bất cứ thành phố nào khác trong toàn bộ lịch sử nhân loại... Athens là lý tưởng của chúng ta vì đó là nền dân chủ đầu tiên, và vì đó là thành phố dành tất cả cho sự hoàn thiện của con người về đầu óc và thân thể, cho triết học, nghệ thuật và khoa học, và cho việc giáo dục nghệ thuật sống" [Trích theo 52, tr.76]. Như vậy, có thể thấy rằng, chính Athen - thành bang có tên gọi với ý nghĩa về khát vọng tri thức và hòa bình – cùng với lịch sử xã hội hào hùng và nền dân chủ đầu tiên, đã trở thành kiểu

mẫu và biểu tượng cho sự hoàn thiện cuộc sống mà con người văn minh luôn mong muốn trở thành một phần trong đó.

Một trong những dấu ấn mà Hy Lạp cổ đại đã ghi vào lịch sử đó là việc nơi đây là nơi khởi sinh một nếp sống hoàn toàn mới, và trở thành cơ sở của nền văn minh mới - văn minh Cổ đại. Chế độ xã hội này khác căn bản so với các xã hội tồn tại trước nó, cũng như so với các xã hội đương thời với nó, được gọi là nhà nước - thành bang (polis). Trong suốt ba thế kỷ (từ thế kỷ VII - VI TCN) những hình thức và những thể chế sinh hoạt cơ bản của nhà nước - thành bang được hình thành và tạo dựng với đặc điểm cơ bản của nó là sự đảm bảo những điều kiện cho tự do con người ở một chừng mực lớn hơn bất kỳ chế độ xã hội nào khác. Chính quyền tự do được trao cho cá nhân đó đã biến thành nền tảng và động lực của toàn bộ tồn tại xã hội, là cơ sở cho mọi thành tựu tinh thần của con người ở thời kỳ này.

Bản chất của polis thể hiện ở chỗ nó là hình thức lịch sử đầu tiên của xã hội công dân, là cộng đồng những công dân tự do và bình quyền. Khác với

polis, xã hội phương Đông không biết đến công dân. Địa vị trong xã hội

phương Đông được quy định bởi tính chất cao quý của con người, bởi quan hệ của người đó với tầng lớp cầm quyền mà trước hết là bởi quan hệ với nhà vua – người đứng đầu nhà nước. Trong khi đó, quyền lực nhà nước trong polis

dựa trên pháp luật và sự phục tùng pháp luật. Trong đó, việc soạn thảo các bộ luật thành văn là bước đi đầu tiên nhằm hạn chế quyền lực của giới quý tộc. Các bộ luật này thường phản ánh các chuẩn tắc pháp lý tồn tại trong xã hội. Chính việc các bộ luật được ghi nhận bằng văn bản và được thông qua nhờ trưng cầu dân ý đã tước mất của tầng lớp quý tộc khả năng sử dụng pháp luật theo chủ ý của mình. Trước kia, luật pháp được những người cầm quyền lý giải một cách chủ quan và có lợi cho họ. Quyền của kẻ mạnh và giàu có thực sự thống trị còn thành viên công xã là kẻ bất lực, thì đến đây, nhờ luật thành văn mà lần đầu tiên đã xuất hiện những chuẩn tắc không hoàn toàn lệ thuộc

vào những kẻ quyền quý, tức là bất kỳ người nào cũng phải tuân thủ, không phân biệt địa vị. Hơn nữa, vì người đứng đầu quyền lập pháp là cộng đồng công dân, nên bản thân nhà nước phải có trách nhiệm báo cáo với cộng đồng ấy thông qua việc thực thi các luật hiện hành. Hệ thống quan viên, chức trách nhà nước trong polis được các thành viên của cộng đồng công dân lựa chọn theo con đường bỏ phiếu toàn dân đã đảm bảo tính được giám sát và được thay thế của mọi thành viên trong đó, kể cả người đứng đầu nhà nước.

Ngoài ra, quyền tư pháp trong polis cũng rất mạnh, không phụ thuộc vào quyền hành pháp. Chẳng hạn ở Athen, tòa án trở thành thể chế của nhân dân với hội đồng thẩm phán gồm 6000 thành viên. Điều này đảm bảo sự độc lập và tính dân chủ của các quyết định ở tòa án. Bản thân quá trình xử án cũng có tính chất cởi mở và dân chủ, cho phép mỗi công dân đều có quyền bảo vệ các quyền lợi chính trị và sở hữu của mình. Tất cả những điều đó là khác biệt căn bản của polis so với nhà nước phương Đông cổ mà trong đó quyền chuyên chế của vua do một nhóm quan lại khép kín thực hiện.

Toàn bộ nếp sống ở polis có nhiệm vụ đảm bảo tự do ý chí của cá nhân. Những hành vi của cá nhân trong polis chỉ duy nhất bị hạn chế bởi pháp luật. Tuy nhiên, trong polis, phụ nữ có địa vị thấp hơn đáng kể so với nam giới, địa vị của nô lệ có sự tương phản so với địa vị của công dân tự do và điều đó đã làm giảm đáng kể giá trị hình ảnh của chế độ này.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 36 - 40)