Chương 3 : TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC CỦA ARIXTỐT
3.5 Một số đánh giá về tư tưởng đạo đức của Arixtốt
Với vị trí và những đóng góp của mình trong lịch sử tư tưởng nhân loại, tư tưởng đạo đức Arixtốt đã hóa mình và hiện thân vào tư duy và sự sáng tạo của không ít các nhà tư tưởng, các nhà triết học qua nhiều thời kỳ. Mọi sự đánh giá đối
với di sản của bất cứ thời đại nào trong quá khứ từ cái nhìn của hiện tại đều đòi hỏi một sự quy chiếu khách quan, trong đó không thể thiếu tính quy định cụ thể của hiện thực.
3.5.1 Giá trị của tư tưởng đạo đức Arixtốt
Trải qua thăng trầm của thời gian và lịch sử, chúng ta đều không thể phủ nhận được rằng, tư tưởng đạo đức của Arixtốt vẫn hàm chứa và khơi gợi những giá trị chân chính có tính nhân loại phổ quát, những giá trị không tách rời sự tồn vong của con người trong môi trường xã hội và rộng ra là môi trường sống của mình.
Thứ nhất, tư tưởng đạo đức của Arixtốt được xây dựng trên nền tảng lôgíc
chặt chẽ mà ông chính là người tạo dựng. Các phẩm hạnh đạo đức đều được ông triển khai, phân tích một cách hệ thống trên cơ sở tiền đề ban đầu thể hiện sự vận động của một tư duy sắc sảo, có tính đồng nhất và phù hợp với quá trình nhận thức. Không những thế, các phân tích, suy luận, tổng hợp đều đi cùng những minh chứng thực hành nhằm đảm bảo tính thuyết phục và xa hơn nữa là đưa những phẩm hạnh đó có đủ tầm để trở thành những phạm trù có tính quy luật phổ quát.
Thứ hai, tư tưởng đạo đức của Arixtốt đứng trên lập trường đạo đức học
mục đích. Những biện giải của ông xuất phát từ việc xác định mục đích của cuộc đời con người và sau đó mới xác định con đường để đạt tới mục đích đó. Cái thiện chính là mục đích tối cao và phương pháp giáo dục đạo đức trên cả phương diện nhận thức và hành vi chính là con đường để con người trở nên toàn thiện.
Thứ ba, tư tưởng đạo đức của Arixtốt có tính duy lý. Đó là sự tiếp nối
truyền thống của nền triết học Hy Lạp và sau này trở thành truyền thống của toàn bộ nền học thuật phương Tây. Mặc dù duy lý nhưng tính vượt thời gian của tư tưởng đạo đức Arixtốt, đồng thời cũng là điểm gặp gỡ với tư tưởng phương Đông đó là sự trung bình đúng mực (“trung điểm vàng”) để duy lý khoa học nhưng không cực đoan. Tư tưởng đạo đức của Arixtốt về sự trung bình đúng mực là một biểu hiện của tính người trong đạo đức. Đạo đức không chỉ là những khái niệm, những chuẩn mực mà còn là sự chừng mực để tồn tại một cách hợp lý.
Thứ tư, mối quan hệ giữa đạo đức với chính trị và cùng với chính trị là luật pháp là một tư tưởng có tính vượt thời gian của Arixtốt. Nó đảm bảo tính liên kết, sự tương hỗ giữa các hình thái ý thức xã hội, giữa các thiết chế xã hội trong việc đảm bảo và duy trì sự vận hành của một hệ thống xã hội. Đặc biệt, nền chính trị hoàn bị và sự hoàn thiện của luật pháp là một trong những biểu hiện của sự phát triển văn minh của xã hội có tác động tích cực tới sự hoàn thiện đạo đức cho con người.
Thứ năm, tư tưởng đạo đức của Arixtốt có tính thực tiễn và nhân văn sâu
sắc. Cả Xôcrát lẫn Platôn đều đánh đồng đạo đức học với các khoa học lý thuyết. Còn với Arixtốt, đạo đức học là khoa học thực tiễn. Quan niệm này đang được hồi sinh mạnh mẽ trong những năm gần đây ở nhiều nhà nghiên cứu đạo đức học. Arixtốt đã lấy con người và hoạt động của con người làm trung tâm cho hệ thống lý luận của mình. Xuyên suốt tư tưởng đạo đức của ông là khát khao vì con người, hướng tới con người và mong muốn làm cho con người có được một cuộc sống hạnh phúc, công bằng.
Thứ sáu, khác với Platôn hướng con người đến thế giới lý tưởng thì trong
tư tưởng đạo đức của mình, Arixtốt bám sát vào thực tiễn, vào những phong tục tập quán, kinh nghiệm sống thường nhật của con người, từ đó, khái quát thành những quan niệm, phương châm xử thế. Arixtốt cho rằng, con người muốn trở nên hoàn thiện và đạo đức thì cần ba yếu tố: tư chất, tập quán, lý trí. Con người, theo ông, ngay từ khi sinh ra đã có tư chất, khuynh hướng phát triển về thể chất và tinh thần. Song có nhiều phẩm chất vốn có ở con người bị các tập quán mà người ta tiếp thu, hấp thụ từ giáo dục trong gia đình và xã hội đã làm biến đổi chúng, thậm chí còn làm chúng mất hẳn. Thậm chí, dưới tác động của tập quán, một số phẩm chất thuộc về tư chất đã quay hướng ngược lại với cái thiện hay trở thành cái xấu. Ngoài tư chất và tập quán, con người còn sống bằng lý trí. Khi tư chất của con người được lý trí thuyết phục thông qua con đường giáo dục, thì nó sẽ hoàn thiện hơn cái năng khiếu bẩm sinh vốn có ở con người.
3.5.2 Hạn chế của tư tưởng đạo đức Arixtốt
Thứ nhất, hạn chế mang tính thời đại đó là sự bảo vệ đối với giai cấp chủ
nô và sự vắng mặt của những thân phận nô lệ trong tư tưởng đạo đức của Arixtốt. Nô lệ, theo Arixtốt, là một công cụ có có hồn, chỉ có giá trị ở sức mạnh cơ thể, có thể được đem bán như một món hàng. Định nghĩa mà ông đưa ra về người nô lệ đã nói rõ bản chất giai cấp của những quan niệm chính trị xã hội của ông: “Người nào mà do bản chất, không thuộc về bản thân mình mà thuộc về người khác nhưng vẫn là người, thì người ấy vốn bản chất là nô lệ. Vậy thì một người là thuộc quyền sở hữu của người khác trong trường hợp nếu hắn trở thành một tài sản trong khi hắn vẫn là người…” [trích theo 83, 220].
Thứ hai, quan niệm đạo đức của Arixtốt cuối cùng cũng gắn liền với quan
điểm chính trị. Ông không ngần ngại tuyên bố rằng đạo đức cao nhất là hết mình ủng hộ cho chế độ đương thời. Những gì phá hoại chế độ đương thời mặc nhiên là vô đạo đức.
Thứ ba, tư tưởng đạo đức của Arixtốt dù mang nhiều giá trị khoa học,
nhưng mới chỉ dừng lại ở đạo đức cá nhân. Phần lớn tư tưởng của ông còn giới hạn trong phạm vi lý trí bên trong con người. Nó chưa đặt ra vấn đề là xây dựng một cơ sở xã hội để tạo ra hạnh phúc hay tự do cho tất cả mọi người.
Tiểu kết chương 3
Thông qua những tư tưởng đạo đức của mình, Arixtốt đã cung cấp cho người đọc hiện đại những hiểu biết có giá trị về các hành vi đạo đức cũng như các nhu cầu có tính nhân bản của con người trong đời sống của họ. Trong hai tác phẩm gần gũi nhất và còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn đối với chúng ta là Đạo đức học Nicomaque và Chính trị luận, Arixtốt từ việc phân tích về cái thiện, về tính công bằng, về sự trung bình đúng mực, về giáo dục đạo đức cho công dân và đội ngũ cầm quyền đã thể hiện xuyên suốt tính suy lý và quan điểm đạo đức học phẩm hạnh đặc sắc của ông. Đồng thời, qua lập luận của Arixtốt, chúng ta thấy rằng, không có bất kỳ một tiêu chuẩn quy phạm
đạo đức tuyệt đối nào được áp dụng cho tất cả các hành vi cũng như lý thuyết đạo đức, mà bất kỳ lý thuyết đạo đức nào cũng phải dựa một phần vào sự hiểu biết về mặt tâm lý và căn cứ vào bản chất con người cũng như đời sống thực tế hàng ngày của họ. Trong Đạo đức học của Nicomaque, Arixtốt không muốn đặt ra bất kỳ một quy tắc đạo đức nào đối với các tầng lớp cư dân thành thị, cho trẻ con, nô lệ, người lao động. Ông hoàn toàn đối thoại với những người có tự do, có suy nghĩ, nghĩa là ông thảo luận với những người đã biến sự thực hành đức hạnh thành một thói quen ý thức, với một lý trí hoạt động.
Trong chương 3, phần thứ nhất và phần thứ hai, chúng tôi đã trình bày tư tưởng đạo đức của Arixtốt về cái thiện và tính công bằng. Phần thứ ba và phần thứ tư, luận án tập trung phân tích tư tưởng của Arixtốt về sự trung bình đúng mực được hình thành trên nền tảng tinh thần và tư duy triết học về độ
của Hy Lạp thời kỳ cổ điển cùng với nếp sống polis định hướng về con người
trong tư tưởng của ông và tư tưởng của Arixtốt về giáo dục đạo đức. Cuối cùng là một số đánh giá trên hai khía cạnh giá trị và hạn chế của tư tưởng đạo đức Arixtốt. Toàn bộ sự chọn lọc trình bày đó tuân theo một lôgíc về mặt ý tưởng đó là những tư tưởng đạo đức của Arixtốt vẫn còn giá trị đối với chúng ta để hoàn thiện đạo đức cho con người Việt Nam hiện nay mà ở chương 4 chúng tôi tiếp tục làm sáng tỏ.
Chương 4
Ý NGHĨA CỦA TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC ARIXTỐT ĐỐI VỚI VIỆC