Tư tưởng của Arixtốt về tính công bằng

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 81 - 85)

Chương 3 : TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC CỦA ARIXTỐT

3.2. Tư tưởng của Arixtốt về tính công bằng

Chữ tính (tính công bằng) có nghĩa tổng quát là tính nết hay tính chất. Tính công bằng của một người được cụ thể hóa bằng những hành vi công bằng. Những hành vi ấy có một tính chất có thể gọi là tính công bằng hay công bình tính hay sự công bằng.

Theo Arixtốt, danh từ công bằng được sử dụng với nhiều ý nghĩa khác nhau và tương tự như vậy với danh từ mang tính đối lập với nó, đó là bất công. Đây là một khái niệm nằm ở ranh giới giữa đạo đức và pháp luật. Công bằng là một thói quen đặc biệt, là thái độ sẵn sàng đón nhận làm cho con người có khả năng thực hiện được những hành động đúng đắn, và làm cho họ hành động đúng đắn và ước muốn những gì đúng đắn. Người công bằng là người có thể tạo tác hay bảo vệ, tất cả hay một phần, hạnh phúc của đoàn thể chính trị. Tính công bằng hiểu như vậy là một đức hạnh đầy đủ, không phải đối với bản thân mình, mà đối với người khác. Tính công bằng chứa đựng tất cả những đức hạnh khác. Nó là một đức hạnh tuyệt đối đầy đủ, bởi vì thực hành nó là thực hành một đức hạnh trọn vẹn.

Mặc dù vậy, công bằng có một tinh hoa khác với đức hạnh, bởi công bằng đề cập đến quan hệ của con người với chính mình và với người khác gắn liền với thực thi luật pháp, còn đức hạnh “trong trình hạn nó là một năng hướng thủ đắc, nó là đức hạnh nói một cách tuyệt đối” [6, tr.171]. Tính công bằng của một người được cụ thể hóa bằng những hành vi công bằng và được thể hiện ở một số khía cạnh, đó là:

Thứ nhất là, công bằng về lợi ích, tức là sự công bằng ở giá trị mà mỗi

người phù hợp được nhận. Công bằng về lợi ích được thực hiện nhằm đảm bảo lợi ích của bản thân mỗi cá nhân để từ đó giúp duy trì tính trật tự, ổn định

của toàn thể cộng đồng. Người ta thấy được sự hiện diện của công bằng khi: “một người lợi khi thấy được nhiều phần hơn về mình, rằng người ấy thiệt khi có ít hơn trước... nghĩa là “điều công bằng ở cách ngang nhau mối lợi và sự thiệt, trong phạm vi những giao dịch không hữu ý, thành ra mỗi người trước có bao nhiêu sau có bấy nhiêu” [6, tr.183]. Sự công bằng có thể là sự trung bình đúng mực, giữa mực tối đa và mực tối thiểu. Như khi, chẳng hạn, người ta ta trả công cho một người một cách công bằng. Nó có thể là sự bình đẳng, như khi hai người ngang nhau được đối xử ngang nhau. Nó có thể là sự phân phối đúng đắn trong trường hợp thông thường: như khi ta chia phần một cách đứng đắn cho những người thuộc về một hạng nào (hạng người tự do, nô lệ, giàu có, dòng dõi, đức hạnh,...). Điều công bằng là một tỉ lệ mà theo Arixtốt, tỉ lệ và hai tỷ số bằng nhau gồm ít nhất là bốn số hạng, ở đó, người phạm lỗi bất công tự gán cho mình nhiều hơn phần về mình, người bị điều bất công nhận ít hơn về phần mình.

Thứ hai là, công bằng trong trao đổi. Khi phân tích trường hợp cụ thể

giữa một kiến trúc sư A với sản phẩm của anh ta là một cái nhà C và một người thợ giày B với sản phẩm của anh ta là một chiếc giày D, Arixtốt đặt ra câu hỏi: vậy làm cách nào để có thể tiến hành trao đổi? Hay nói cách khác là “làm cho hai sản phẩm ấy bằng nhau” [6, tr.185]? Tức là, trao đổi sản phẩm làm sao cho cả người kiến trúc sư và người thợ giày đều vừa lòng theo tỉ lệ trao đổi thống nhất trên cơ sở việc tìm hiểu công việc của nhau. Điều công bằng ở chỗ ngang nhau mối lợi và sự thiệt. Do đó, tiền ra đời là một thứ trung gian dùng để đánh giá mọi vật và quy mọi vật về một đơn vị đo lường chung. Vì, nếu không có sự đổi chác, thì không thể có đời sống xã hội, nếu không có sự bình đẳng thì cũng không có sự đổi chác; nếu không có đơn vị đo lường chung thì không có sự bình đẳng. “Tiền đo tất cả, giá trị giá trị cao của vật này và giá trị thấp của vật kia” [6, tr.186]. Tư tưởng trên đây của Arixtốt

không chỉ có giá trị trong lĩnh vực đạo đức mà còn là nền tảng để sau này các nhà kinh tế chính trị học cận – hiện đại xây dựng các lý luận về giá trị.

Thứ ba là, công bằng tại thân và công bằng trong xã hội. Trong đó,

điều kiện để duy trì chính là phế bỏ sự thái quá và bất cập trong các mối quan hệ xã hội, giữa cá nhân này với cá nhân khác, sao cho giữa mối lợi và sự thiệt có những điều thỏa đáng. Đặc biệt, ông đề cao lương tri và nhân phẩm của người làm luật lên hàng đầu với ý nghĩa người công bằng luôn là người tuân thủ luật pháp, bởi một người có thể sử dụng quyền hành để đảm bảo lợi cho mình và trở nên một nhà chuyên chế. Và khi sự phân tranh xảy ra giữa một số người họ phải nhờ đến thẩm phán xét xử. Ở vị thẩm phán, người ta tìm một người thứ ba vô tư như là các vị trọng tài hay những người điều đình để có thể được xét xử một cách công bằng.

Theo quan niệm của Arixtốt, sự công bằng chỉ có khi mọi người đều bị ràng buộc bởi pháp luật. Sự bất công là ở chỗ tự cấp cho mình quá nhiều những mối lợi cho riêng mình mà quên đi lợi ích của cộng đồng. Cho nên chúng ta không nên giao quyền hành cho một người. Thực vậy, một người có thể sử dụng quyền hành để làm lợi cho mình và trở nên một nhà chuyên chế. Còn khi người ấy không tự cấp cho mình phần hơn về mối lợi và đi đến chỗ chịu thiệt thòi vì người khác, người đó đáng được tặng cho một phần thưởng gồm có vinh dự và huy chương.

Vậy, tính công bằng khác đức hạnh ở chỗ nào? Trong trình hạn liên quan đến tha nhân, nó là tính công bằng, trong trình hạn là một điều kiện đạt được, nó là đức hạnh. Cho nên, người hành động theo các phạm trù của điều ác cố nhiên làm một điều bất công. Điều bất công là điều gì bất hợp pháp và bất bình đẳng; điều công bằng là điều gì quy định bởi pháp luật và hợp với bình đẳng. Pháp luật ra lệnh sống theo tất cả những đức hạnh và cấm không được sa ngã vào tính xấu. Arixtốt đặt công bằng trong thế đối sánh với bất công để thấy được sắc diện của hai phạm trù này. Trong đó, “người nào có

tính công bằng có thể phát lộ đức hạnh của mình đối với cả tha nhân, chứ không phải chỉ đối với riêng mình” [6, tr.170], còn “kẻ bất công muốn có nhiều hơn cái phần được có, và còn làm hại tha nhân. Cho nên cố nhiên người công bằng sẽ là người theo đúng pháp luật và lẽ bình đẳng. Người công bằng khiến chúng ta theo đúng pháp luật và lẽ bình đẳng,[...] kẻ bất công lôi cuốn chúng ta trong sự bất hợp pháp và bất bình đẳng” [6, tr.168]. Sở dĩ những người theo đúng pháp luật là người công bằng bởi lẽ “cái gì do người lập pháp ấn định là hợp pháp... ấn định mọi quy tắc đều công bằng” [6, tr.169]. Kẻ bất công là người muốn có nhiều hơn cái phần có quyền được có, và còn làm hại người khác. Cho nên, người công bằng sẽ là người theo đúng pháp luật và lẽ bình đẳng. Kẻ bất công luôn có những hành vi bất hợp pháp và có những nét của thói tham lam.

Hành vi bất công hay công bằng còn được định nghĩa do sự hữu ý hay vô ý. Khi hành vi vô ý, người ta hành động một cách không bất công cũng chẳng công bằng. Hành vi bất công mà hữu ý, nó gây ra lời khiển trách, đồng thời nó trở nên một việc ác. Mà hữu ý tức là một hành vi được thực hiện một cách ý thức, nghĩa là phải biết đối tượng, phương tiện và mục đích của hành vi; còn hành vi nào chúng ta làm một cách ý thức hay vô ý thức nhưng không tùy thuộc chúng ta hay vũ lực bắt buộc phải làm đều vô ý. Tức là: “người ta chỉ hành động một cách bất công hay công bằng, khi hành vi hữu ý, khi hành vi vô ý, người ta hành động một cách bất công cũng chẳng công bằng, nhưng tùy theo từng trường hợp, khiến hành vi có tính cách công bằng hay bất công” [6, tr.195]. Tức là, nếu chúng ta hành động một cách ý thức, nhưng không suy nghĩ trước sẽ dẫn đến những hành vi bất công. Tuy nhiên, chúng ta không phải vì thế mà là bất công, ác nghiệt, bởi vì nó không bắt nguồn từ thói gian ác của người hành động. “Trái lại, nếu sự lựa chọn ấy cố ý, tác giả của hành vi thật là bất công và gian ác” [6, tr.197].

Tuy nhiên, do tồn tại xã hội là chế độ chiếm hữu nô lệ quy định nên trong quan niệm về tính công bằng, Arixtốt cho rằng: “người ta không phạm

lỗi bất công đối với cái gì thuộc quyền tuyệt đối của mình, như trong trường hợp nô lệ, như vật sở hữu của mình” [6, tr.192], do đó thân phận người nô lệ hoàn toàn không được đề cập tới và không được hưởng công bằng và bình đẳng trong xã hội bấy giờ.

Tóm lại, theo Arixtốt, công bằng tùy thuộc cách chúng ta thực hành và phân phối sự công bằng và điều ấy khó hơn là biết cái gì ích lợi cho sức khỏe của chúng ta.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 81 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)