Tư tưởng đạo đức của Platôn (42 7 347 TCN)

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 58 - 62)

2.2. Tiền đề lý luận cho sự hình thành và phát triển tư tưởng đạo đức của

2.2.2. Tư tưởng đạo đức của Platôn (42 7 347 TCN)

Đối với Arixtốt, Platôn là một người thầy vĩ đại dù sau này tư tưởng ông có phần tương phản với thầy trên bình diện triết học. Arixtốt đã viết ai điếu cho thầy như sau: "Ông là một người mà kẻ xấu cũng không được quyền ca tụng, người duy nhất và có lẽ là người đầu tiên đã chứng tỏ một cách rõ rệt bằng chính cuộc đời mình, là để được hạnh phúc chính là làm một người tốt" [7, tr.11].

Quan tâm đến cải cách xã hội và khát vọng xây dựng nền nếp hoàn hảo nhất của tồn tại người là động lực chủ yếu cho mọi nỗ lực trong cuộc đời Platôn. Cũng chính vì lẽ đó mà bộ phận quan trọng nhất của triết học Platôn là học thuyết về con người, tức về xã hội - các cách thức tổ chức cuộc sống tốt nhất của con người.

Quan niệm về chế độ xã hội được Platôn gắn liền trực tiếp với cấu trúc và tâm thần con người. “Theo thế giới quan Cổ đại mà Platôn cũng tuân thủ, tâm thần có ba bộ phận cơ bản: Thứ nhất, là bộ phận mong muốn (hay dục

vọng): trải nghiệm những ấn tượng, những tình cảm và những ham muốn. Thứ hai, đó là bộ phận ý chí, khát vọng, mơ ước. Thứ ba, đó là bộ phận lý tính. Chúng ta dễ dàng nhận thấy quan niệm này về tâm thần bao hàm các hình thức quen thuộc của đời sống tinh thần: cảm tính, ý chí và ý thức” [49; tr. 71].

Mỗi một bộ phận của tâm thần đều phù hợp với đức hạnh của mình. Đối với tâm thần cảm tính thì đó là sự ôn hòa (kiềm chế, tự chủ, sự khôn ngoan). Đối với tâm thần có ý chí - lòng dũng cảm (kiên định, kiên cường, táo bạo). Đối với tâm thần có lý tính - sự thông thái.

“Những biểu hiện của các hình thức tâm thần ấy trong xã hội là ba tầng lớp xã hội cơ bản, hay ba loại công dân. Đó là tầng lớp những người lao động: nông dân, thương gia, thợ thủ công, tức những người đáp ứng nhu cầu vật chất và thể chất của con người. Tầng lớp này phù hợp với bộ phận cảm tính của tâm thần, vì họ có quan hệ với những vật thể vật chất và những công việc chân tay. Do vậy, tầng lớp này cần đến đức hạnh ôn hòa hay kiềm chế. Một bộ phận công dân khác - chiến binh, nhiệm vụ của họ là bảo vệ nhà nước khỏi kẻ thù và duy trì trật tự trong nhà nước. Họ biểu hiện bộ phận ý chí của tâm thần, đức hạnh phù hợp với họ là lòng dũng cảm. Cuối cùng, tầng lớp thứ ba là những người sở hữu "nghệ thuật làm vua", tức năng lực quản lý và giáo dục con người, hướng họ đến với cái phúc. Platôn gọi những người này là các nhà triết học. Họ phù hợp với bộ phận lý tính của tâm thần; đức hạnh phù hợp với sứ mệnh và vai trò của họ trong nhà nước là sự thông thái” [49; tr.71]

Ngoài ba đức hạnh riêng biệt nêu trên ứng với tổ chức đời sống nhà nước với các tầng lớp công dân tương ứng, Platôn còn tách biệt đức hạnh thứ tư, chung đối với tất cả các tầng lớp, đó là chính nghĩa. Mục đích của nó trước hết là ở chỗ duy trì và không vi phạm nếp sống xã hội chung được thể hiện trong hệ thống ba đức hạnh riêng biệt. Chính nghĩa đòi hỏi mỗi người và mỗi bộ phận công dân đều phải dừng lại ở trong khuôn khổ nghề nghiệp của mình và phục tùng đức hạnh phù hợp với lối sống và vai trò của mình trong xã hội.

Có thể nói rằng chính nghĩa trở thành cơ sở cho sự thống nhất và toàn vẹn của đời sống xã hội và với tư cách như vậy nó thể hiện tinh thần của nhà nước tồn tại như một phúc lợi xã hội cơ bản.

Trong ba bộ phận của linh hồn, lý tính đóng vai trò chủ đạo. Tâm hồn là “lý tính đang hình thành”. Ông muốn nói rằng trong quá trình phát triển của linh hồn, lý tính ngày càng có quyền lực và năng lực chế ngự dục vọng lớn hơn. Linh hồn trẻ thơ có ít lý tính hơn linh hồn người lớn. Platôn xem quan hệ giữa linh hồn và thể xác là quan hệ mâu thuẫn. Thể xác là nơi cư trú của linh hồn. Nhờ linh hồn mà thể xác sống, do vậy thể xác phải phục tùng linh hồn. Tuy nhiên, đối với linh hồn thì thể xác không phải là nơi cư trú tốt nhất mà thực ra là nơi giam giữ linh hồn và linh hồn luôn cố gắng thoát ra khỏi đó. Dĩ nhiên, từ đây không thể suy ra cái chết là hạnh phúc. Ông cho rằng, sống là ngọt ngào nhưng con người thật sự dũng cảm không hợp với sự quan tâm như vậy, nó không cần phải suy nghĩ làm sao để sống lâu hơn, không cần phải bám lấy sự sống, mà cần phải tìm thấy phương thức trải qua những ngày tháng trước mắt một cách xứng đáng nhất. Cuộc sống xứng đáng là sự chăm sóc linh hồn mà Platôn coi là bổn phận của đạo đức tối cao. Theo ông, thể xác là nguồn gốc của mọi cái ác, vì nó là cội nguồn của các dục vọng sinh ra từ sự thù địch, sự bất đồng, sự dốt nát cho tới sự điên rồ các bệnh tâm hồn. Do vậy, quan tâm tới tâm hồn có nghĩa là sự tẩy rửa nó nhờ đoạn tuyệt với cái cảm tính và hợp nhất với thế giới ý niệm siêu cảm tính, từ thế giới hư ảo tưởng sang thế giới đích thực. Thông qua lý tính con người đi vào thế giới ý niệm tức là vào lãnh địa của cái thiện tối cao.

Theo Platôn, thiện hay ác đã có sẵn từ ý niệm rồi. Thế giới ý niệm tồn tại biệt lập với thế giới sự vật cảm tính. Thế giới ý niệm là một hệ thống có cấu trúc phân cấp, trong đó ý niệm bậc thấp hơn phục tùng ý niệm bậc cao hơn, cho đến đỉnh cao nhất, tại đây ý niệm như là nguyên tắc của sự thống nhất, hay cái thống nhất. Cái thiện là chức năng của cái thống nhất. Cái thống

nhất là nguyên tắc của tồn tại. Điều này ẩn chứa một luận điểm sâu xa rằng: tồn tại tự nó là cái thiện. Cái thiện, trong quan niệm của Platôn, thuộc về con người với tính cách là bản tính vốn có của con người và con người nhờ vậy được hạnh phúc và sung sướng. Platôn ví cái thiện như mặt trời soi sáng mọi vật trong thế giới vật thể, là cơ sở cho sự sống và mọi sự sinh sôi nảy nở, còn ý niệm cái thiện là cơ sở tối hậu của mọi vật trong thế giới vô hình, là bản chất, nhờ đó, mọi vật được hiện hữu và được nhận thức. Chỉ thông qua ý niệm về cái thiện, mọi vật mới là bản thân chúng. Bản thân cái thiện như vậy không còn là hữu thể, mà thuộc về thế giới bên kia của hữu thể, là sinh khí và phẩm giá của mọi vật. Ý niệm cao nhất hay ý niệm về cái thiện - điều lợi, hạnh phúc là nguồn gốc của chân lý và cái đẹp. Đối với con người, sống hạnh phúc là cái thiện và là điều lợi. Con người đạt tới thiện nhờ hạnh phúc và tình yêu. Tư tưởng này xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống của Platôn.

Trong học thuyết đạo đức của mình, Arixtốt luôn đặt quan niệm của mình đối lập với quan niệm của Platôn. Nếu như Platôn cho rằng thân thể là “cái bóng” của linh hồn, còn các mong muốn cảm tính chỉ là một chuỗi các ước muốn mà chúng thổi qua linh hồn và nuôi nó, lí trí con người thống trị tình cảm con người, tự do con người bị gán vào tự do của ý niệm, tách khỏi con người. Trái lại, Arixtốt khẳng định, thể xác và linh hồn là một. Cho nên các hành vi của con người là tự do. Do đó, con người phải lựa chọn cái ác hay cái thiện và mỗi người đều phải có trách nhiệm với hành vi của mình ở bất cứ trạng thái nào.

Arixtốt tuyên bố rằng “các ý niệm” của Platôn tạo nên một đạo đức thần bí, cao siêu. Ông phản bác lại quan niệm của Platôn cho rằng: “bản thân ý niệm tự nó là cái thiện”. Theo ông, cái thiện và tồn tại khó có cùng một mẫu số chung. Chỗ nào mà người ta hướng tới cái thiện, bao giờ người ta cũng phải lấy từng trường hợp cụ thể chứ không phải là một trường hợp mà suy ra tất cả cái thiện được.

Tuy trong đạo đức học có sự đối lập nhau về quan niệm, song cả Arixtốt và Platôn đều xem lợi ích cao cả nhất không phải là ở trong các lạc thú cảm giác và trong các lợi ích vật chất, mà là ở trong trạng thái tâm hồn, xuất hiện, phát sinh từ cảm giác, tình cảm của một nghĩa vụ được thực hiện.

Có thể thấy rằng, bằng triết lý của mình, Xôcrát trở thành biểu tượng vạch trần thế giới bằng tinh thần biết tư duy, Platôn - biểu tượng cho việc cải tạo tồn tại thế tục bằng sức mạnh của chân lý như tài sản của trí tuệ. Học trò của ông, Arixtốt, đã xây dựng học thuyết của mình và trở thành biểu tượng cho tính hài hòa của đời sống tinh thần với tồn tại thế tục. Mặc dù quan niệm đạo đức của Xôcrát, Platôn và Arixtốt có sự khác nhau một cách tương đối, nhưng những tư tưởng đạo đức đó đều nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp chủ nô thống trị. Các ông đều cho rằng, chỉ có giai cấp chủ nô mới có đạo đức, nô lệ chỉ là công cụ lao động nên không có đạo đức, nghĩa vụ của nô lệ là phục tùng sự sai khiến của chủ nô. Các ông đều cho rằng chế độ nô lệ là dĩ nhiên, là tất yếu và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 58 - 62)