Văn hóa, nghệ thuật và khoa học

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 40 - 51)

2.1. Bối cảnh ra đời tư tưởng đạo đức của Arixtốt

2.1.2. Văn hóa, nghệ thuật và khoa học

* Sự thông thái

Sự thông thái tất nhiên không phải là tài sản thuần túy của văn hóa Hy Lạp, và bản thân nhân vật nhà thông thái cũng hoàn toàn không phải là hiện tượng thuần túy Hy Lạp. Mà trước đó, lịch sử đã ghi nhận sự thông thái của phương Đông cổ với các đại biểu là các nhà thông thái Ai Cập và Babilon, là các nhà tiên tri trong Cựu ước, là các nhân vật sáng tạo ra thế giới và cải cách tôn giáo. Song, sự thông thái Cổ đại Hy Lạp có tính chất và phương thức sinh

hoạt hoàn toàn khác với sự thông thái phương Đông. Sự khác biệt cơ bản là ở chỗ, sự thông thái phương Đông là sự thông thái bí truyền, tức chỉ đạt tới được đối với những thánh nhân, còn sự thông thái Hy Lạp là hoàn toàn khác. Nó tồn tại với vai trò là sự răn dạy con người trong các công việc đời thường, giúp họ phân biệt giữa thiện và ác, để đi theo cái thiện và từ bỏ cái ác. Xét về bản chất, sự thông thái Hy Lạp mang tính công truyền, tức cởi mở và hướng tới những người có ý thức nhận thức về nó.

Sự thông thái của người Hy Lạp gắn liền với cá nhân cụ thể, hơn nữa là của cá nhân đương thời, chứ không phải của cá nhân sống trong quá khứ xa xôi - đây lại là một sự khác biệt nữa của nó so với sự thông thái phương Đông - sự thông thái vô danh, trở nên thiêng liêng hoàn toàn nhờ quyền uy của thần linh, thời gian và truyền thống.

Sự thông thái Hy Lạp là sự thông thái về cuộc đời con người. Nhà thông thái quan tâm đến những bước thăng trầm trong số phận của con người, hướng nhãn quan của mình vào những vấn đề sống còn của con người, cố gắng hoàn thiện phẩm chất đạo đức của họ. Do vậy, đối tượng chủ yếu của tư duy ở đây là đạo đức, hành vi, sở thích và khát vọng của con người mà trước hết, nó thể hiện trong cuộc sống và hành vi của chính nhà thông thái.

* Phép ngụy biện và nghệ thuật tư duy

Theo quan niệm Cổ đại, vũ trụ là một trật tự toàn vẹn thống nhất, có quan hệ sâu xa nhất với con người. Mối liên hệ qua lại giữa tồn tại vũ trụ và tồn tại người đã cấu thành thực chất của vũ trụ Cổ đại. Trật tự vũ trụ toàn vẹn thống nhất mô phỏng hình ảnh của số phận con người. Vì vậy, với một nghĩa nào đó, số phận con người được đồng nhất với số phận vũ trụ nói chung. Phép ngụy biện đã khám phá ra một dạng mới của tồn tại, đó là thế giới người, tồn tại người. Các nhà ngụy biện đã biến con người cụ thể và độc đáo thành xuất phát điểm cho mọi phán đoán về thế giới.

Không chỉ đưa con người cụ thể thành xuất phát điểm cho mọi phán đoán về thế giới, phép ngụy biện - nghệ thuật giáo dục đạo đức – còn ra đời, tồn tại, để duy trì và củng cố tình đoàn kết giữa người với người. Hay nói cách khác, phép ngụy biện cho phép con người tìm thấy phương tiện biểu thị và luận chứng cho lợi ích của mình, hướng con người đến sự đồng thuận, giải quyết các mâu thuẫn và ngăn chặn xung đột giữa họ. Phái ngụy biện đã biến giáo dục và đào tạo thành một nhiệm vụ độc lập, đòi hỏi những nỗ lực đặc biệt. Nó chỉ ra rằng, dòng chảy tự nhiên của bản thân cuộc sống là chưa đủ để hình thành trí tuệ và đạo đức của con người. Mỗi người đều cần phải nỗ lực với mục đích rõ ràng để hình thành nhân cách, các phẩm chất đạo đức và trí tuệ của mình.

Không thể phủ nhận rằng, phái ngụy biện có ảnh hưởng không nhỏ và mang tính quyết định trên nhiều phương diện đến toàn bộ tư tưởng cổ điển ở thời Cổ đại. Trên thực tế, Xôcrát đã tái hiện tất cả các định hướng cơ bản của phép ngụy biện trong tư duy của mình. Các trường phái Xôcrát đã hoạt động hoàn toàn theo tinh thần của phép ngụy biện. Đây đồng thời cũng chính là hình thức trình bày cơ bản trong các tác phẩm của Platôn và Arixtốt. Và điều đặc biệt quan trọng, đó là phái ngụy biện đã hình thành một sự khu biệt mang tính then chốt giữa hai loại tồn tại: tồn tại tự nhiên và tồn tại người. Theo các nhà ngụy biện, tự nhiên là tồn tại đích thực và đáng tin cậy nhất. Tự nhiên là cái tồn tại tự thân nó bởi nó mang trong mình những đặc điểm bẩm sinh của bản thân sự vật. Đứng đối lập với tự nhiên là thế giới những quy định của con người - những chuẩn tắc, những tập quán, luật pháp. Chúng mang tính tương đối, vì chúng thực chất không phải cái gì khác hơn là thỏa thuận giữa con người với nhau. Do vậy, con người tuân thủ luật pháp, tôn trọng chúng khi có sự hiện diện của những nhân chứng, còn khi ở lại một mình, không có nhân chứng, con người sẽ phục tùng các mệnh lệnh của tự nhiên. Cho nên, các quy định của luật pháp mang tính nhân tạo, những mệnh lệnh của tự nhiên mang

tính tất yếu. Sự khu biệt này trở thành cơ sở để xem xét vấn đề trọng tâm bậc nhất đối với thời cổ điển Hy Lạp là vấn đề đạo đức và công bằng xã hội. Chính nó đã tác động đến thuyết không tưởng về nhà nước của Platôn mà trong đó, nguyên tắc xác lập của con người chiếm ưu thế, cũng như đến học thuyết về nhà nước của Arixtốt, trong đó sự phù hợp với bản tính, với những đặc điểm bẩm sinh và những nhu cầu của con người được đặt lên hàng đầu.

Trong xã hội Hy Lạp cổ đại, công dân đáng tôn kính là người biết nói hay, biết lắng nghe và biết đáp lại, biết duy trì cuộc đàm thoại thoải mái với bạn bè và thể hiện mình qua phát biểu công khai, có khả năng bảo vệ quan điểm của mình trước người cùng đối thoại với những luận cứ xác đáng. Và, tùy thuộc vào yêu cầu của tình huống, biết nói ngắn gọn hay nói dài dòng, nhanh hay chậm, mỉa mai hay nghiêm túc, có cảm xúc hay lạnh nhạt. Nhưng, bao giờ cũng phải nói sao cho đạt tới mục đích đặt ra và đi đến kết cục mong muốn của cuộc đàm thoại, của cuộc luận chiến hay thảo luận. Chính vì vậy, vào thế kỷ V TCN đã xuất hiện tu từ học - nghệ thuật nói đẹp. Các thầy giáo thu học phí để dạy các quy tắc tranh luận cho những người có nhu cầu. Đặc biệt là trong đời sống của nhà nước - thành bang, ngôn ngữ có một ý nghĩa quan trọng. Những công việc đa dạng của đời sống riêng tư và đời sống nhà nước được giải quyết chính trong sự giao tiếp, tranh luận tại hội nghị nhân dân, phiên họp của tòa án,... Kỹ năng nói và thuyết phục, trình bày và bảo vệ ý kiến hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống. Thành công của mọi công việc lớn nhỏ, cuộc sống sung túc, uy tín, thậm chí số phận của mỗi người đều phụ thuộc vào khả năng họ biết cách trình bày tư tưởng của mình. Khả năng nói không tách rời khỏi khả năng tư duy. Việc biểu thị lời nói do định hướng lôgíc nội tại của tư duy quyết định. Do vậy, các thầy dạy tu từ học khi đó cũng đồng thời là các thầy dạy sự thông thái. Nói, suy luận, tư duy, hiểu biết biến thành một quá trình và khả năng thống nhất, thiếu nó thì không thể hình dung được cuộc sống nền nếp của con người.

* Các khoa học và nghệ thuật

Những tác phẩm nghệ thuật, văn học và khoa học thiên tài đã tạo thành vinh quang của văn hóa Cổ đại và là biểu hiện rõ nhất đời sống tinh thần tự do của người Hy Lạp.

Chữ viết là thành tựu đầu tiên trong sáng tạo văn hóa của người Hy Lạp. Nó đáp ứng nhu cầu giao tiếp và nhu cầu cai trị của nhà nước. Chữ viết cũng chính là nguồn chất liệu góp phần lưu giữ nền văn học nghệ thuật Hy Lạp phong phú, nhiều thể loại, có giá trị cao mà cho đến nay nhân loại vẫn không ngừng ngưỡng vọng và yêu mến.

Trước khi triết học Hy Lạp ra đời, tín ngưỡng của cộng đồng về những vấn đề lớn của thế giới và cuộc đời, về những vị thần, những nhân vật dẫn dắt cộng đồng đó cách suy nghĩ và cách làm việc, đó là thần thoại. Thần thoại Hy Lạp phản ánh lối tư duy lý tính của con người trước các hiện tượng kỳ bí của tự nhiên, chứa đựng những quan niệm về lịch sử và triết học. Thần thoại, tiếng Hy Lạp cổ là Mithôlôghia, trong đó, Mithô có nghĩa là lời nói của thơ ca, còn lôgos là lời nói của lý trí và chân lý, lời nói thông minh về bản chất sự vật. Với lôgos, đất nước Hy Lạp bước vào thời kỳ triết học. Thần thoại sống và tồn tại bằng hình thức truyền miệng, trong đó con người tin sùng vào các vị thần. Tính duy lý và tính triết lý của nó đã bàn luận những vấn đề mà sau này chính là những vấn đề triết học.

Thần thoại Hy Lạp thể hiện sự sáng tạo phi thường của người dân về

thế giới thần thánh nhưng rất gần gũi với cuộc sống hiện thực, ca ngợi sức mạnh siêu nhiên của các anh hùng, dũng sĩ chiến đấu tiêu diệt những quái vật hung ác, mang lại bình yên, hạnh phúc cho con người. Ngay tên gọi của thủ đô Athen cũng bắt nguồn từ tên gọi của vị thần bảo trợ cho thành bang là Athena. Cũng giống như Arếc trong thần thoại Hy Lạp, Athena cũng có chức trách như một chiến thần, nhưng khác với Arếc - chiến đấu hàng trăm trận vẫn không thỏa mãn, không ngửi thấy mùi tanh của máu là tâm hồn bất yên thì

Athena thường dùng trí thông minh của mình giúp người dân Hy Lạp giành lấy thắng lợi, bởi bà rất yêu hòa bình nên thành Athen còn có tên gọi là "ngôi thành của niềm khát vọng hòa bình". Chính điều này cũng đã thể hiện niềm ước vọng và vẻ đẹp tâm hồn của con người nơi đây.

Không chỉ vậy, Thần thoại Hy Lạp phản ánh trong đó lối tư duy lý tính của con người trước các hiện tượng kì bí của tự nhiên, chứa đựng quan niệm về lịch sử và triết học. Ở Thần thoại Hy Lạp thế giới của thần cũng chính là thế giới của loài người, cuộc sống của các thần cũng phản ánh những quy luật đạo đức tất yếu của chính con người. Đó là từ việc giết cha của thần Crônốt nham hiểm đã sinh ra một thế hệ đàn con mới là thần Báo thù (Êrinyết) và tội ác tày trời này đã bị trừng phạt một cách khủng khiếp bởi sự tức giận của thần Bóng đêm Níc, bà đã đẻ ra một bầy thần hung tợn: đó là thần Chết, nữ thần Bất hòa Êrít, Atê - nữ thần Dối trá, Ke - nữ thần Tàn sát, Hypốt - thần Ngủ cùng với đoàn bóng ma tăm tối của thần. Các vị thần này chuyên đi gieo rắc nỗi kinh hoàng, sự tan vỡ, dối trá, gieo rắc sự tranh chấp và bất hạnh cho cái thế giới mà trong đó Crônốt đã chiếm đoạt ngai vàng của cha mình bằng hành động phi nghĩa. Như vậy, có thể thấy rằng, thông qua thần thoại, người Hy Lạp xưa đã gửi gắm trong đó sự suy lý của mình. Đó là thế giới được hình thành nhưng nó còn phải trải qua những cuộc tranh giành quyết liệt mới có thể đi đến một trật tự có luật lệ để cho muôn loài được sống trong cảnh bình yên, hay nói cách khác, nguồn gốc của sự phát triển nằm trong sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập và nhắc nhở con người rằng: gieo cái ác thì mầm ác sẽ chống lại kẻ đã gieo mầm ác đó, giống như việc Crônốt đã nuốt các con mình để tránh họa chúng sẽ giết mình như mình đã giết ông nội chúng nhưng không thành.

Để bảo trợ cho cuộc sống gia đình, cho sự thánh thiện và bền vững của nó, nữ thần Hêra đã ra đời và cùng với bà là nữ thần Hêxtia chuyên cai quản công việc nội trợ và bếp núc, nữ thần Đêmêtê cai quản công việc mùa màng,

nghề nông. Nêrêớt - ông già tiên tri của biển cả, không bao giờ biết nói dối và lừa lọc; thần Hải dương Ôkêanốt già nua cũng có đức tính chính trực và thanh cao như thần Dớt - chúa tể của muôn loài. Vương quốc âm u của thần Hađếc là sự cảnh tỉnh đối với con người về những việc làm tội lỗi của mình sẽ bị trả giá một cách khủng khiếp sau khi chết; phục vụ cho Hađếc có các nữ thần báo thù không khoan nhượng Êrinyết - các nữ thần này cầm những chiếc roi rắn dõi theo bước chân của những kẻ gian ác, không để cho họ yên dù chỉ một phút. Ngay cả Hêra và Dớt - hai vị thần uy nghi nhất của muôn loài trong đời sống vợ chồng cũng có lúc cãi vã vì sự trái ngược trong ý kiến. Những lúc như vậy, Hêra thường im lặng nén giận để giữ hòa khí. Đó chính là sự tiết độ được vô cùng đề cao trong ứng xử và văn hóa Hy Lạp.

Đối với người Hy Lạp, không chỉ có thần thoại, sử thi cũng là tâm điểm đời sống tinh thần của họ. Nó chứa đựng tổng số những thông tin về thế giới, truyền thuyết về các thần linh của dòng họ, giáo huấn về cuộc đời con người, về lối sống thiện và ác; kể cả cảm hứng giải phóng con người khỏi cuộc sống trói buộc để nó sống dù một phần cuộc đời không phải theo các nhu cầu thấp hèn của thể xác mà theo các quy luật của cái đẹp. Không những thế, trong

Iliát và Ôđisêy, đời sống xã hội Hy Lạp cổ đại được phản ánh vô cùng chân

thực cho chúng ta hình dung về quá trình diễn biến từ chế độ thị tộc đến sự hình thành thành bang của chế độ nô lệ. Đó là thời kỳ người Hy Lạp đã bước vào cuộc sống lao động hòa bình có khát vọng chinh phục thế giới xung quanh, thời kỳ hình thành gia đình một vợ một chồng với chế độ phụ quyền và quyền tư hữu tài sản. Trên hết cả là khát vọng sống văn minh, hữu ái của người xưa như một nguyện vọng không riêng gì của thời đại Hôme mà của nhân loại ở mọi thời đại.

Trong Ôđisêy, những gian nan, nguy hiểm được vẽ ra không phải là để làm cho người Hy Lạp khiếp sợ. Ôđisêy đã thắng mọi gian nan, nguy hiểm bằng mưu trí. Đối với người Hy Lạp, nếu như Asin là hiện thân của sức mạnh

thì Ôđisêy hiện lên không chỉ là một con người muôn vàn trí xảo mà còn chính là con người không chịu khuất phục, không biết nản lòng, là hình tượng đi tiên phong cho một sự nghiệp lớn, vượt qua thử thách hiểm nguy để đem lại hòa bình, xây dựng cuộc sống sung túc.

Trong đời sống của người Acai - tổ tiên người Hy Lạp ngày nay, chinh chiến và đi biển là hai mặt hoạt động chủ yếu, cho nên cuộc trường chinh gian khổ của Ôđisêy là hồi quang của hiện thực xã hội trong văn học. Iliát phản ánh đời sống chiến trận thì Ôđisêy là bản trường ca về sinh hoạt hàng hải. Nghĩa vợ chồng, tình cha con, lòng yêu tổ quốc, thương bạn bè hợp lại làm cho hình tượng người anh hùng trí dũng song toàn ấy càng thêm chan chứa tình người. Người vợ Pênênốp nhất mực thủy chung và đức hạnh đã khiến cho không chỉ người dương thế ngợi khen mà cả đến vong hồn ở âm ty như Agamênông cũng phải hai lần ca tụng.

Con người trong Ôđisêy biết yêu bầu trời, ngôi sao, con sông, ngọn suối, rừng cây, nội cỏ, đồng ruộng, đồi nho. Tình yêu ấy biểu hiện cách nhận thức thiên nhiên của một nhân loại đã trưởng thành. Yêu thiên nhiên tức là đã

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng đạo đức của arixtốt và ý nghĩa của nó đối với việc hoàn thiện đạo đức con người việt nam hiện nay (Trang 40 - 51)