Chƣơng 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƢƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.2. Lý thuyết áp dụng
2.2.2. Mô hình sinh thái học
Mô hình sinh thái học được đưa ra vào cuối những năm 1970 bởi,… và ban đầu được áp dụng phân tích việc lạm dụng trẻ em, sau đó là bạo lực ở thanh niên. Đến nay, mô hình sinh thái học thường được sử dụng để nghiên cứu bạo lực trong mối quan hệ thân mật và bạo lực đối với người già [WHO, 2005:5]. Mặt khác, việc áp dụng mô hình sinh thái học cũng rất đa dạng và có thể được áp dụng không chỉ trong nghiên cứu về bạo lực mà trong nhiều lĩnh vực khác, trong đó có nghiên cứu xã hội học sức khỏe.
Theo khung phân tích sinh thái học, mọi sự kiện không chỉ giới hạn ở cấp độ cá nhân riêng tư mà luôn nằm trong mối tương tác hoặc quan hệ nhân- quả với những mối quan hệ liên cá nhân và các môi trường xã hội. Mỗi cá nhân là một thành viên của xã hội, do đó không thể tránh khỏi bị tác động bởi các yếu tố của môi trường rộng lớn xung quanh, của hệ giá trị, chuẩn mực của cộng đồng mà anh/chị ta sống. Lý thuyết này giúp tìm hiểu bản chất đa chiều của một vấn đề ở nhiều cấp độ, trong tổng hòa các bối cảnh.
Nhiều nhà nghiên cứu đã dùng mô hình sinh thái học để tìm hiểu sự tác động qua lại của các yếu tố mang tính cá nhân, bối cảnh và kinh tế xã hội để gây nên bạo lực liên cá nhân. uan điểm sinh thái học tập trung vào các mạng lưới phức tạp và liên quan lẫn nhau của các hệ thống có ảnh hưởng lên hành vi của cá nhân. Mô hình sinh thái học thường được biểu thị bao gồm những vòng tròn lồng vào nhau tượng trưng cho các hệ thống vĩ mô, ngoại vi, vi mô và cá thể. Một mô hình sinh thái học truyền thống thường có dạng như sau:
Hình 2.1. Mô hình sinh thái học (WHO, 2005)
Nguồn: WHO, 2005
Trong đó:
- Hệ thống vĩ mô - chỉ một loạt những yếu tố văn hóa rộng lớn, chẳng hạn như niềm tin và tư tưởng xã hội
- Hệ thống ngoại vi - khái niệm này chỉ mạng lưới xã hội chính thức và không chính thức giúp kết nối mối quan hệ tình cảm với văn hóa rộng lớn hơn
- Hệ thống vi mô - chỉ các mối quan hệ liên cá nhân bao gồm gia đình, bạn bè, hàng xóm…
- Hệ cá thể - chỉ sự phát triển cá nhân và những gì mà sự phát triển ấy mang lại cho 3 bậc ở trên [Brownridge, 2009; Dutton, 2006]
Trong luận án, mô hình sinh thái được sử dụng như là khung phân tích đối với hành vi bạo lực vợ chồng và hệ quả sức khỏe của bạo lực vợ chồng. Với mỗi đối tượng phân tích, mô hình sinh thái sẽ tiếp cận theo các hướng khác nhau.
Mô hình sinh thái học trong phân tích bạo lực vợ chồng
Mô hình này thường được biểu thị gồm 4 vòng tròn lồng vào nhau. Vòng tròn trong cùng tượng trung cho những đặc trưng sinh học và nhân cách
của cá nhân tác động lên hành vi của họ trong các mối quan hệ. Vòng tròn thứ hai tượng trưng cho bối cảnh mà bạo lực xảy ra - trong trường hợp này là gia đình. Vòng tròn thứ ba tượng trưng cho những cấu trúc xã hội và thiết chế xã hội, cả chính thức và phi chính thức mà định hình các mối quan hệ - nơi sinh sống, nơi làm việc, mạng lưới xã hội hoặc các nhóm đồng đẳng. Vòng tròn ngoài cùng là môi trường kinh tế xã hội, bao gồm cả các chuẩn mực văn hóa.
Donald Dutton (2006) đề xuất lý thuyết sinh thái học lồng ghép - một khung phân tích có liên quan chặt chẽ đến lý thuyết hệ thống, để tìm hiểu bạo lực trong mối quan hệ tình cảm. Dutton coi cá nhân là các đơn vị phân tích để giải quyết bạo lực trong mối quan quan hệ tình cảm. Ông cho rằng môi trường và các mối quan hệ của cá nhân là những yếu tố quan trọng giúp tìm hiểu hành vi bạo lực trong các mối quan hệ thân tình. Dutton trích dẫn định nghĩa phát triển bởi Bronfenbrenner (1979) và trước đây từng được Belsky (1980) áp dụng nghiên cứu xung đột gia đình để xác định bốn cấp độ của bối cảnh hệ thống xã hội tác động lên hành vi cá nhân: Các hệ thống vĩ mô gồm ''các giá trị văn hóa và hệ thống niềm tin rộng lớn''; các hệ thống ngoại vi gồm của các nhóm và các tổ chức (như trường học, công việc, đồng nghiệp, và nhà thờ) giúp kết nối gia đình đến những môi trường lớn hơn; các hệ thống vi mô là đơn vị gia đình - bối cảnh trực tiếp bao quanh các cá nhân; và cuối cùng, các yếu tố cá thể chỉ sự phát triển cá nhân của một người, và chúng ''xác định những gì mà tiểu sử riêng của mỗi người mang vào bối cảnh xã hội ba cấp độ nói trên''.
Nếu được áp dụng vào phân tích BLVC, Mô hình sinh thái học chỉ ra đa mức ảnh hưởng và duy trì của bạo lực đối với phụ nữ khi đặt trong một hệ bối cảnh môi trường và hệ thống [Brownridge, 2009]. Dutton khẳng định rằng, các yếu tố từ tất cả bốn mức hệ thống này phù hợp với mọi kịch bản bạo lực trong mối quan hệ vợ chồng. Bạo lực trong mối quan hệ vợ chồng không chỉ giới hạn ở cấp độ cá nhân riêng tư mà luôn nằm trong mối tương tác hoặc
quan hệ nhân-quả với những mối quan hệ liên cá nhân và các môi trường xã hội. Mỗi cá nhân là một thành viên của xã hội, do đó không thể tránh khỏi bị tác động bởi các yếu tố của môi trường rộng lớn xung quanh, của hệ giá trị, chuẩn mực của cộng đồng mà anh/chị ta sống. Lý thuyết giúp tìm hiểu bản chất đa chiều của một vấn đề ở nhiều cấp độ, trong tổng hòa các bối cảnh, môi trường là lý thuyết sinh thái xã hội. Heiss (2011) đã phát triển mô hình sinh thái xã hội áp dụng để phân tích bạo lực giới và mô hình này cũng khả dụng trong phân tích bạo lực trong mối quan hệ vợ chồng. Trong mô hình này thể hiện rõ hơn chủ thể của yếu tố cá nhân là nam và nữ và môi trường phát sinh sơ cấp của BLVC là mối quan hệ giữa vợ và chồng đặt trong bối cảnh cộng đồng, xã hội.
Hình 2.2. Mô hình sinh thái xã hội áp dụng để phân tích bạo lực giới ở nhiều cấp độ xã hội
Nguồn: Heise, 2011
Tóm lại, theo các lý thuyết gia sinh thái học, để đạt được hiểu biết toàn diện về lý do nam giới bạo hành phụ nữ hoặc ngược lại, chúng ta cần hiểu những phẩm chất di truyền của các cá nhân này, hệ thống vi mô mà họ lớn lên, hệ thống vi mô mà họ đang gắn bó, những đặc điểm của khu vực sinh sống tác động lên gia đình của họ (bao gồm các hỗ trợ xã hội; dịch vụ xã hội; mối quan hệ giữa cộng đồng và hệ thống luật pháp), và xã hội mà họ sống. [Hines &Malley-Morrison, 2005]
Áp dụng lăng kính của mô hình sinh thái vào luận án, có thể phân tích các yếu tố dẫn tới BLVC ở các cấp độ: cấp độ cá nhân (việc sử dụng bia rượu), cấp độ gia đình (mâu thuẫn vợ chồng, khó khăn tài chính…), đến cấp độ văn hóa chung (là quan niệm gia trưởng ở nam giới và sự chấp nhận quan điểm gia trưởng ở nữ giới [WHO, 2004]). Trong luận án, do khách thể nghiên cứu chủ yếu là nạn nhân BLVC, tác giả sẽ phân tích định tính quan niệm gia trưởng và phân tích định lượng sự chấp nhận quan điểm gia trưởng ở phụ nữ là nạn nhân BLVC. Trên cơ sở quan điểm đối xứng giới, thay vì xác định ý thức hệ gia trưởng là nguyên nhân của BLVC, tác giả muốn tìm hiểu liệu rằng ý thức hệ gia trưởng có còn ảnh hưởng đến việc phát sinh BLVC hay không và có thể ảnh hưởng đến mức độ nào. Cũng cần lưu ý rằng, việc lý giải BLVC không phải trọng tâm phân tích của luận án nên tác giả sẽ chỉ dừng lại ở phân tích sơ bộ ảnh hưởng của định kiến giới đến tần suất và mức độ của BLVC, qua đó tác động gián tiếp đến hệ quả sức khỏe của BLVC đối với hai giới.
Mô hình sinh thái học trong phân tích sức khỏe
Nếu như những người theo quan điểm y tế sinh học cho rằng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y tế quyết định sức khỏe con người thì những người theo trước phái y tế xã hội cho rằng không thể phủ nhận các yếu tố mang tính môi trường và xã hội. Và thực tế đã chứng minh, nếu chỉ có hệ thống chăm sóc y tế thì sẽ là không đủ để đảm bảo sức khỏe cho con người. Sức khỏe con người không chỉ phụ thuộc vào các bác sỹ và nhân viên y tế mà còn tùy thuộc vào hành vi của chính họ và tác động của môi trường vật lý và xã hội mà họ sống. Vì vậy, trong những năm gần đây, chính phủ nhiều nước và các nhà khoa học ngày càng quan tâm hơn đến những yếu tố bên ngoài hệ thống chăm sóc sức khỏe (Hoàng Bá Thịnh, 2017).
Mô hình sinh thái học xã hội là hướng tiếp cận sức khỏe cộng đồng cơ bản đối với can thiệp bạo lực, đồng thời cũng là một khung lý thuyết hiệu quả
trong phân tích một vấn đề sức khỏe sức khỏe. Mặc dù là một tiếp cận lý thuyết phổ biến trong nhiều ngành khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội, mô hình sinh thái vẫn là một hướng tiếp cận tương đối mới trong nghiên cứu sức khỏe [Green L.W, 1996]. Xu hướng vận dụng tư suy sinh thái học vào lĩnh vực sức khỏe cộng đồng xuất phát từ sự nhận thức về tính chất phức hợp của một vấn đề sức khỏe; sự bất lực trong xác định những mối quan hệ nhân quả tuyến tính, máy móc và sự phát hiện về mối quan hệ không thể tách rồi giữa bất bình đẳng xã hội và bất bình đẳng về sức khỏe [Koopman, 1996]. Những người có đóng góp lớn cho việc lồng ghép mô hình sinh thái học trong nghiên cứu về sức khỏe có thể kể đến Roger Barker, Jim Kelly, Urie Brofenbrenner, Rudolph Moos,…
Cũng như mô hình sinh thái truyền thống, mô hình sinh thái học về sức khỏe có dạng các vòng tròn lồng vào nhau (có thể đồng tâm), mỗi vòng biểu thị một cấp độ ảnh hưởng lên chủ thể phân tích. Các cấp độ trong mô hình sinh thái học về sức khỏe bao gồm: cấp độ cá nhân, liên cá nhân, tổ chức, cộng đồng và chính sách công [McLaren & Hawe, 2003]. Có hai xu hướng sử dụng mô hình sinh thái về sức khỏe là phân tích hành vi sức khỏe (health behaviors) và phân tích vấn đề sức khỏe (health issues). Hai xu hướng có thể dùng chung mô hình biểu thị nhưng với cách diễn giải khác nhau do chủ thể phân tích khác nhau. Chẳng hạn như mô hình dưới đây là một mô hình phân tích sinh thái học về sức khỏe điển hình:
Hình 2.3. Mô hình sinh thái học về sức khỏe
Nguồn: Our Watch, 2018
Đối với hướng tiếp cận phân tích hành vi sức khỏe, mô hình sinh thái sẽ đóng vai trò khung phân tích để hiểu những ảnh hưởng đa chiều và mang tính tương tác của các yếu tố con người và yếu tố môi trường quyết định hành vi sức khỏe của cá nhân. Hành vi sức khỏe ở đây là tất cả những hành vi của con người có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe của họ, hoặc có định hướng sức khỏe trong quá trình hành động. Mặt khác, mô hình sinh thái cũng xác định các đòn bẩy mang tính hành vi và tổ chức để nâng cao sức khỏe. Các cấp bậc của mô hình sinh thái này được xác định trên cơ sở ảnh hưởng của chúng tới hành vi sức khỏe của một cá nhân.
Trong khi đó, với hướng tiếp cận phân tích vấn đề sức khỏe, luận điểm then chốt là hiểu sức khỏe như một khuôn mẫu các mối liên hệ hơn là một kết quả mang tính định lượng, tức là xem sức khỏe là một quá trình tổng hòa từ nhiều yếu tố và được lồng ghép trong một bối cảnh cụ thể, chứ không chỉ đơn thuần là kết quả thống kê định lượng được tổng hợp từ nhiều cá nhân. Xuất phát điểm cho mô hình sinh thái học phân tích vấn đề sức khỏe chính là bởi những khuôn mẫu rủi ro và hệ quả sức khỏe đã không còn phù hợp với những
mô hình nhân quả và can thiệp đơn giản [McLaren & Hawe, 2003]. Sức khỏe con người cần được xem xét trong tương quan với môi trường vật lý và xã hội của họ. Đây là hướng tiếp cận được áp dụng trong luận án.
Với chủ thể phân tích là vấn đề sức khỏe, diễn giải mô hình sinh thái học sẽ như sau:
- Cấp độ cá nhân: Các đặc điểm của một cá nhân có thể dẫn tới sự thay đổi về các vấn đề sức khỏe, bao gồm kiến thức, quá trình phát triển, giới tính, tuổi tác, tôn giáo, dân tộc, xu hướng tính dục, điều kiện kinh tế, tài chính, giá trị, mục đích, kỳ vọng, học vấn, thành kiến…
- Cấp độ liên cá nhân: Mạng lưới xã hội và hệ thống hỗ trợ chính thức (và không chính thức) mà có thể ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe của cá nhân, bao gồm gia đình, bạn bè, nhóm đồng đẳng, đồng nghiệp, đồng đạo…
- Cấp độ cộng đồng: Các mối quan hệ giữa các tổ chức, thiết chết và các hệ thống liên lạc trong một phạm vi nhất định, bao gồm các cộng đồng làng xã, lãnh đạo cộng đồng, các doanh nghiệp,…
- Cấp độ tổ chức: Các tổ chức hoặc thiết chế xã hội với các quy định và quy tắc vận hành mà có thể tác động đến mức độ và chất lượng các dịch vụ y tế
- Cấp độ chính sách: Chính quyền địa phương, luật và chính sách quốc gia hoặc quốc tế, ví dụ như chính sách về phân bổ nguồn lực cho sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em và tiếp cận các dịch vụ y tế, các chính sách rào cản (như tăng thuế dịch vụ y tế) hoặc việc thiếu các chính sách về tiêm chủng cho trẻ em…
Khi nhìn nhận những hệ quả sức khỏe của bạo lực vợ chồng bằng mô hình sinh thái, hệ quả sức khỏe của nạn nhân BLVC được đặt ở trung tâm phân tích và trên cơ sở đó, xác định các nhóm yếu tố tác động. Nhóm yếu tố cá nhân giả thuyết có ảnh hưởng đến hệ quả sức khỏe do BLVC bao gồm giới tính, độ tuổi, số con, số lần mang thai ở phụ nữ. Nhóm yếu tố liên cá nhân là loại bạo lực và số loại bạo lực trong đời - mang đặc trưng tương tác giữa cá nhân với
người gây bạo lực. Ở cấp độ cộng đồng, yếu tố tác động là vai trò hỗ trợ của hàng xóm, các tổ chức xã hội, cơ sở y tế,… đối với can thiệp bạo lực và điều trị cho nạn nhân BLVC. Ở cấp độ chính sách, một số chính sách bảo vệ nạn nhân BLVC và hạn chế thương tích do BLVC cũng có thể được xem xét.
Như vậy, mô hình sinh thái học áp dụng vào luận án sẽ khả dụng ở cả hai chiều cạnh: xem xét nguyên nhân của BLVC và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hệ quả sức khỏe do BLVC.